Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

06/09/2012 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN




06/09/2012 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN  -Lc 5,1-11

LÔGÍC CỦA ƠN CỨU ĐỘ

Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt xuống dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi.”… Đức Giêsu bảo Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.” (Lc 5,8.10-11)

Suy niệm: Phêrô vẫn coi Chúa như một vị Thầy mà ông hết lòng kính mến vâng phục. Ông vẫn lui tới với Thầy, sẵn lòng với Thầy đến mức dâng cả chiếc thuyền mộc mạc của mình để Thầy dùng làm bục giảng, và còn chiều ý Thầy thả lưới thêm một lần nữa dù cả đêm hôm qua chẳng bắt được gì. Thế nhưng ông dừng lại ở đó, kể cả sau mẻ cá lạ lùng này, ông không dám đi xa hơn với Chúa. Phản ứng đó của Phêrô chẳng những hợp lý mà còn khiêm tốn nữa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Nhưng lôgíc của ơn cứu độ không chấp nhận dừng lại như thế. Chúa Giêsu hoán cải Phêrô rồi còn muốn ông phải tiến xa hơn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thiên Chúa cứu độ nghĩa là Thiên Chúa yêu thương, yêu cách triệt để, yêu cho đến cùng, yêu ở mức cao nhất (x. Đường Lên Núi Chúa).

Mời Bạn: Ngài cũng kêu gọi bạn đáp lại bằng một tình yêu triệt để như thế. Chẳng phải khi yêu, chính bạn cũng theo một lôgíc như vậy, không dừng lại ở chỗ “bình bình” mà bao giờ cũng muốn “thêm một chút nữa” hay sao?

Sống Lời Chúa: – nán lại thêm ít phút tại nhà thờ để thưa với Chúa thêm một tâm sự yêu thương; - kiềm chế những phản ứng nóng nảy trước những sự xúc phạm người khác gây ra cho mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, quảng đại với Chúa và quảng đại với tha nhân
 



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9

6 THÁNG CHÍN


Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô

Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.

Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).

Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06-9

1Cr 3, 18-23; Lc 5, 1-11.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.” (Lc 5,3).

Đối với Chúa Giêsu bất cứ nơi đâu cũng là tòa giảng của Ngài; lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Trước đây Ngài giảng dạy trong các hội đường của người Do-Thái, hôm nay Ngài ngồi trên thuyền giảng dạy đám đông. Trong công tác truyền giáo của ngày hôm nay có rất nhiều cơ hội và phương tiện để loan truyền Tin Mừng, và làm chứng nhân. Nhưng cũng chính những cơ hội và phương tiện hiện đại hiện nay, cũng là cớ phản Tin Mừng Nếu mỗi người của chúng ta không ý thức khi tham gia và sử dụng trong tình yêu, cảm thông và cọng tác với nhau để dập tắt cái xấu, cái chia rẽ; nhưng phải biết tôn trọng nhân vị, nhân phẩm của từng con người.

Mạnh Phương




06 Tháng Chín

Không Mong Ðền Ðáp

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.

Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.

Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.

Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.

Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".

Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.

Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại... Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...

Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.

(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét