Thánh thiện và tội lỗi Gm Giuse Vũ Văn Thiên


Thánh thiện và tội lỗi
Gm Giuse Vũ Văn Thiên



Lời tuyên tín “Tôi tin Giáo Hội thánh thiện” có thể gây phản ứng nơi nhiều người, nhất là những người không cùng tôn giáo với chúng ta. “Thánh thiện”, cùng với “Duy nhất, Công giáo và Tông truyền” là bốn đặc tính của Giáo Hội. Mỗi khi tuyên đọc bằng môi miệng, người tín hữu được mời gọi suy tư để hiểu và sống chính điều mình tuyên xưng.

– Giáo Hội thánh thiện: một thực tại nghiệt ngã

Lịch sử Giáo Hội được đan xen bởi ánh sáng và bóng tối. Nếu Giáo Hội tự hào vì đã có những người con thánh thiện, góp phần làm thay đổi thế giới, thì Giáo Hội cũng đau lòng vì đã có nhiều lầm lỗi do con cái mình gây nên. Có những lỗi lầm do một số người nắm giữ địa vị cao trong Giáo Hội là thủ phạm, gây nên nhiều tổn thương và làm hình ảnh tốt đẹp của Giáo Hội bị biến dạng.

Giáo Hội thánh thiện vì do Chúa Giêsu thiết lập, nhưng cũng còn nhiều tội lỗi vì Giáo Hội bao gồm những con người còn mang nặng những đam mê. Thiên Chúa là Đấng chí thánh, nhưng vì Ngài được loan báo bởi những con người còn nặng nề xác thịt, nên hình ảnh của Ngài chưa được diễn tả cách trung thực. Giáo Hội thánh thiện vì mang tính thần thiêng, nhưng cũng còn nhiều bất toàn vì nặng màu trần thế. Trong lịch sử, đã có lúc những vụ bê bối xảy ra ngay tại giáo triều Rôma, nơi những vị lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội. Ngày hôm nay, trong Giáo Hội, vẫn còn đó những bất toàn, tranh chấp và tội lỗi. Những yếu đuối và tội lỗi của con cái Giáo Hội đã và còn đang gây khó khăn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Giáo Hội không phủ nhận những khuyết điểm của mình, nhưng can đảm nhìn nhận chúng, như một thực tại đau buồn của Dân Chúa trong cuộc lữ hành trần gian. Giáo Hội cũng thấy rõ bổn phận của mình là phải sám hối và thanh tẩy. Công đồng Vatican II đã nhìn nhận: “Nhưng Chúa Kitô thánh thiện, vô tội và tinh tuyền, không hề phạm tội chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng, còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân” (GH 8). Thánh Ambrôsiô đã viết: “Giáo Hội quả mang dáng dấp của một tội nhân, vì Chúa Kitô cũng từng mang dáng dấp của một tội nhân như thế” (In Lucam VI, 21). Hình ảnh thửa ruộng vừa có lúa vừa có cỏ lùng cho thấy một Giáo Hội thời nào cũng bao gồm những người tốt và người chưa tốt và Giáo Hội phải đón nhận hết thảy với lòng bao dung nhân từ (x. Mt 13,24-30).

Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi các môn đệ của Chúa Kitô cùng thanh tẩy ký ức, sám hối vì một quá khứ đau thương do tội lỗi của các phần tử Giáo Hội gây nên. Ngài viết: “Bởi thế, trong khi thiên niên thứ hai gần hết, Giáo Hội càng cần phải hoàn toàn nhận thức được tội lỗi của con cái mình, nhớ lại tất cả những lúc, trải qua theo giòng lịch sử, họ đã xa rời tinh thần của Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, thay vì hiến cho thế giới một chứng từ của một đời sống được thúc đẩy bởi những giá trị đức tin, thì lại tìm thỏa mãn bằng những cách suy tư và hành động dưới những hình thức thực sự phản chứng tá và gây gương mù. Được tháp nhập vào Chúa Kitô, mặc dù là thánh, Giáo Hội không hề mệt mỏi trong việc thực hiện việc thống hối: Trước nhan Thiên Chúa và trước mặt con người, Giáo Hội luôn luôn công nhận những người con nam nữ tội lỗi như là của riêng mình” (Tông thư Tertio millennio adveniente, số 33).

Cũng chính vị Giáo Hoàng này đã đi tiên phong trong việc khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của quá khứ. Ngày 12-3-2000, ngài chính thức xin lỗi toàn thế giới về những sai trái và lỗi lầm mà Giáo Hội đã vi phạm hoặc làm ngơ trong suốt 2000 năm lịch sử. Tiếp đó, từ ngày 20 đến ngày 26-3-2000, ngài thực hiện chuyến viếng thăm Israel. Đây là cuộc hành hương về nguồn theo chân Môsê và Đức Kitô. Trong nghi lễ được cử hành tại đài tưởng niệm Yad Vashem ở Giêrusalem, và tại Bức Tường Than Khóc vào ngày 26-3-2000, Đức Gioan Phaolô II đã lặp lại lời xin lỗi người Do thái về các sơ suất lầm lỡ mà Hội thánh khi xưa đã phạm.

Như thế, khi tuyên xưng Giáo Hội thánh thiện, các tín hữu được mời gọi khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Trong tình liên đới chung chia trách nhiệm, chúng ta cũng cần nhận ra những khuyết điểm của anh chị em đồng đạo trải qua suốt bề dày của lịch sử Giáo Hội. Do cách ăn nết ở của một số tín hữu, thân thể Giáo Hội đã bị bầm dập, đau thương, với những hậu quả tai hại khôn lường.

– Giáo Hội thánh thiện: một giấc mơ chưa tròn

Khi tuyên xưng Giáo Hội thánh thiện, chúng ta được nhắc nhớ lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nên thánh là một ơn gọi, đồng thời cũng là một sứ mạng cao cả đối với người tín hữu. Có những lúc chúng ta nghĩ đó là một mục tiêu không tưởng, xa vời. Chúa không bảo chúng ta nên trọn lành theo mẫu mực của một con người trần gian, nhưng trọn lành giống như Chúa. Trên đời này, chẳng có ai xứng đáng làm mẫu mực cho sự thánh thiện, “chỉ có Chúa là Đấng Thánh, Chỉ có Chúa là Đấng Tối cao”. Con đường nên thánh của chúng ta xem ra rất dài và rất cam go. Hành trình nên thánh xuất phát từ dưới đất, mà đích điểm lại ở trên trời. Vì thế, nên thánh là một chuỗi dài của những thao luyện phấn đấu không ngừng. Ước vọng nên thánh gắn liền với cuộc đời chúng ta, như hơi thở, như lương thực hằng sống. Lý tưởng nên thánh giống như một giấc mơ chưa tròn, nên còn phải cố gắng mãi mãi.

Lời gọi mời nên thánh được gửi tới hết mọi người. Thánh Anphongsô đã viết: “Mọi Kitô hữu đều có thể nên thánh theo cương vị của mình: tu sĩ như là tu sĩ, giáo dân như là giáo dân, linh mục như là linh mục, người lập gia đình như là người có gia đình, thương gia như là thương gia, binh sĩ như là binh sĩ, và cứ như thế đối với mọi giai tầng xã hội khác”. Công đồng Vatican II nhắn nhủ: “Tất cả mọi người trong Giáo Hội – hoặc thuộc hàng Giáo phẩm, hoặc được hàng Giáo phẩm dìu dắt – đều được kêu gọi nên thánh” (GH 39). Ngỏ lời với 80.000 bạn trẻ tại sân vận động Milanô (Italia) ngày 2-6-2012, Đức Bênêđictô XVI nói: “Sự thánh thiện không chỉ được dành riêng cho một số người, mà đó là con đường bình thường của người Kitô hữu. Mọi người đều có thể nên thánh, với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu… Xin Đức Nữ Trinh gìn giữ lời xin vâng tươi sáng mà chúng con đã thưa với Chúa Giêsu, Con của Người, cũng là Bạn tín trung của đời sống chúng ta” (Zenit, 2-6-2012).

Một cách cụ thể, thế nào là nên thánh, hay phải làm gì để nên thánh?

Như Đức Giêsu là Đấng thánh, Kitô hữu là người mang danh Đức Kitô, có sứ mạng trau dồi bản thân để trở nên giống như Người. Nên thánh là nên giống Chúa Giêsu, có trái tim như trái tim của Chúa, có suy nghĩ và hành động như Chúa. Nhờ nên giống Chúa, chúng ta không còn sợ hãi trước những thử thách gian nan của cuộc đời, vì chúng ta tin chắc rằng Chúa đã chiến thắng, đã phục sinh. Trong hành trình nên thánh rất dài và rất xa này, chúng ta được Lời Chúa khích lệ: “Ơn của Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); “Hãy can đảm lên, Thày đã thắng thế gian!” (Ga 16,33). Thánh Phanxicô Salê đã luôn đặt câu hỏi cho chính mình: “Ông kia bà nọ nên thánh được, tại sao tôi không?” Câu hỏi ấy đã giúp ngài nên hoàn thiện. Như vậy, nên thánh là một cuộc chiến đấu không ngừng để dần dần thuộc trọn về Chúa, được Ngài chiếm hữu cuộc sống và mọi hành động của chúng ta.

Con đường nên thánh rất đa dạng, mỗi người có thể chọn lựa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã đề nghị những phương thế khác nhau để có thể đạt được hạnh phúc nước trời (x. Mt 5,1-12).

Đức ái là một điều kiện không thể thiếu trong hành trình nên thánh. Công đồng Vaticanô II đã viết: “Đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật, nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích”” (GH 42). Thiếu đức ái, những việc chúng ta làm sẽ trở nên trống rỗng, vô giá trị. “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3). Những cố gắng thực thi đức ái sẽ giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, đợi một ngày giấc mơ nên thánh của chúng ta được trọn vẹn, lúc bấy giờ, chúng ta sẽ được gặp Chúa, mặt giáp mặt, trong tình yêu chan hòa.

– Giáo Hội thánh thiện: một niềm hy vọng, cậy trông

“Làm sao có thể nên thánh giống như Chúa Cha trên trời?” Nhiều người đã nản chí khi thấy lý tưởng nên thánh quá xa vời. Phải chăng “nên thánh” chỉ là một thứ bánh vẽ, một lý tưởng không thực, như một thứ mồi nhử nhằm ru ngủ con người? Chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn này nơi sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự thánh thiện của Giáo Hội.

Chúng ta vững bước trong lý

Mặc dù chúng ta không thể nên thánh tự sức riêng mình, nhưng nhờ ơn Chúa thì mọi sự đều có thể. Lịch sử Giáo Hội hơn hai ngàn năm qua đã chứng minh điều đó. Biết bao người nam cũng như nữ, đã nhờ sức mạnh của Chúa mà đoạn tuyệt với quá khứ xấu xa, vững vàng vươn tới ánh sáng, được Chúa đổi đời. Các vị thánh như Phanxicô Xaviê, Phanxicô Assisi, Augustinô, Chân phước Charles de Foucauld… là những người đã tỉnh cơn mê sau một thời hoang đàng và lầm lạc. Cuộc đời các ngài là những bằng chứng hùng hồn cho quyền năng của Chúa, có sức hoán cải đổi mới lòng người. “Không có Thày, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Nên thánh là cuộc gặp gỡ giữa ơn Chúa và nỗ lực của con người. “Lạy Chúa, khi dựng nên con, Chúa không cần đến con, nhưng khi cứu chuộc con, Chúa cần con cộng tác” (Thánh Augustinô). Những kết quả đạt được trong tiến trình hoàn thiện không phải lý do để chúng ta kiêu ngạo hay khoe mình, trái lại, qua những kết quả đó, chúng ta nhận ra sự quan phòng nhiệm màu và tình yêu thương bao la của Chúa.

Lời tuyên tín vào Giáo Hội thánh thiện nhắc chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày để làm cho sự thánh thiện nơi cuộc đời chúng ta luôn tỏa sáng.

Lời tuyên tín vào Giáo Hội thánh thiện thêm sức cho chúng ta khi chứng kiến những yếu đuối của anh chị em mình trong gia đình Giáo Hội.

Lời tuyên tín vào Giáo Hội thánh thiện giúp chúng ta yêu mến Giáo Hội hơn, cảm thông và chia sẻ những lo âu và vui mừng của Giáo Hội. Trước những tội lỗi và sai lầm trong lịch sử Giáo Hội, Henri de Lubac, nhà thần học và là hồng y, đã đặt vấn đề “Tôi phải hiểu và đón nhận Giáo Hội này như thế nào?”, rồi ngài đưa ra câu trả lời “Giáo Hội là Mẹ của tôi”.

Vâng, Giáo Hội thánh thiện là Mẹ của chúng ta. Nếu biết trả lời như thế, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn để tiếp tục bước đi trong con đường nên thánh.

Hải Phòng 10-8-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét