Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

“Giáo dục giới trẻ về công lý và Hòa Bình”


“Giáo dục giới trẻ về công lý và Hòa Bình”
CHÚA NHẬT CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH 1/01/2012:THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI CẦU CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI

 Kính thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta cùng với toàn thể nhân loại đón chào một Năm Mới 2012, bước qua năm mới ai cũng nong muốn và cầu chúc cho nhau một Năm mới Bình An và Hạnh phúc, đó là khao khát lớn nhất của cuộc sống con người. Nhìn vào thế giới những năm qua, người ta thấy đầy dẫy những bạo động, chiến tranh bất an, giết chóc, tranh giành quyền lực; Nhìn về cuộc sống quanh ta cũng đầy dẫy những bất công, gian dối lừa đảo, và cũng đầy dẫy bạo lực giết chóc, cướp của giết người, nhân tai, thiên tai xảy ra khắp nơi, tất cả những điều đó nó tạo nên một cảm giác bất an lo sợ cho con người. Vì thế mà con người vẫn cứ luôn khát khao chờ đợi và cầu chúc cho nhau bình an và hạnh phúc. Có một điều là, con người ngày hôm nay nói rất nhiều về hòa bình, về hạnh phúc, nhưng người ta lại không làm gì để đem lại hòa bình và hạnh phúc cho mình và cho anh em xung quanh.

Tin tường rằng Đức Giêsu- Hoàng Tử Bình an và Mẹ của Người được tôn vinh là Nữ Vương Hòa Bình, hôm nay Giáo Hội cử hành ngày cầu cho hòa bình thế giới với ước mong Hoàng tử Bình An và mẹ của Người đem sự bình an đến trong tâm hồn mỗi người. Trong những năm vừa qua Đức Thánh Cha đã liên tiếp đưa ra những chỉ dẫn để xây dựng hòa bình, chẳng hạn Năm 2006, ngài nói đến "hòa bình trong chân lý". Kế tiếp là "Con người, trái tim của hòa bình". Năm 2008, Ðức thánh cha nói đến "Gia đình nhân loại như là cộng đồng hòa bình". Sang năm 2009, ngài kêu gọi "chiến đấu chống lại nghèo đói để xây dựng hòa bình". Năm 2010, ngài nhấn mạnh: "muốn xây dựng hòa bình hãy bảo vệ thiên nhiên". Năm 2011, ngài khẳng định: "Tự do tôn giáo là con đường để xây dựng hòa bình" . Và năm 2012, ngài kêu gọi "giáo dục giới trẻ về công lý và hòa bình" để xây dựng hòa bình.

Thưa quý vị, trên đây là những chỉ dẫn của Giáo Hội, song có lẽ nhiều người vẫn chưa quan tâm hoặc nghĩ rằng việc xây dựng hòa bình là của người khác, chứ không phải lài của tôi, của nhà hàng xóm chứ không phải của nhà mình, của những tổ chức chính phủ chứ không phải của mình, nên chúng ta không bắt tay vào việc xây dựng hòa bình cho thế giới cho xã hội chúng ta. Vì thế mà năm nay Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến việc giáo dục giới trẻ về công lý và hòa bình; Vì công lý và hòa bình nó không phải là một kiến thức tự nhiên mà có, mà cần phải được học tập và thực hành ngay từ tấm bé ở trong gia đình ở nơi nhà trường.


Ngay từ nhỏ, thanh thiếu niên cần phải được học để biết phân biệt đâu là công lý, là hòa bình đích thực, vì trong thực tế, có nhiều sự giả dối được bao bọc bằng cái vỏ công lý, có nhiều sự giả dối được thực hành lâu ngày đã trở thành thói quen, có nhiều sự thật bị bóp méo để phục vụ cho những lợi ích riêng tư, và thậm chí có những điều giả dối bất công bị nhồi nhét lâu ngày khiến các thanh thiếu niên tưởng là sư thật. Chính vì thế, các thanh thiếu niên ngày nay như bị hoa mắt lạc đường không biết đâu là sư thật, và không biết tin vào ai, vì họ nhìn thấy sự giả dối đang được nhiều người ủng hộ; nhiều sự thật bị che đậy, và giới trẻ chỉ được biết có một nửa sư thật mà thôi… Cũng thế, ngày hôm nay sự giết chóc được mặc một cái áo sang trọng, sự ác và bất công được gọi bằng những từ hoa mỹ, sư đe dọa của chiến tranh được mang tên là nhân đạo, sự xung khắc được gọi là giải pháp hòa bình… Vì thế thanh thiếu niên cần được giáo dục để có thể nhìn đúng và nhìn thẳng vào sự thật và biết can đảm sống bênh vực cho công lý và hòa bình.


Để giáo dục cho thế hệ trẻ về công lý và hòa bình thì những người thày đầu tiên của họ chính là cha mẹ, là Giáo hội và nhà trường. Tuy nhiên gia đình vẫn là ngôi trường đầu tiên giáo dục cho cho con cái biết nhận ra và sống đúng với đòi hỏi của công lý và hòa bình. Công lý- theo Từ điển Tiếng Việt – là sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi chính đáng của mọi người. Theo định nghĩa này thì việc giáo dục công lý tức là dạy cho người trẻ biết tôn trọng lẽ phải, biết tôn trọng quyền lợi của mọi người. Dạy họ biết tôn trọng lẽ phải tức là dạy họ biết đặt lẽ phải lên trên lý lẽ cá nhân cục bộ, lấy sự thật làm tiêu chuẩn để đánh giá và quyết định, dù sự thật có khiến đau lòng hoặc phải thiệt thòi; Dạy họ biết tôn trọng quyền lợi của mọi người tức là biết đặt sự thật và quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân, và biết tôn trọng quyền lợi của người khác khi quyền lợi của họ là chính đáng đúng đắn. Không thể dùng bất cứ sức mạnh hoặc áp lực nào để dành quyền lợi một cách bất công về cho mình, vì sự bất công chính là nguyên nhân gây ra chiến tranh bạo lực giết chóc, bất an bất hòa tranh chấp. Chúng ta có thể thấy điều đó ở ngay chung quanh ở môi trường xã hội chúng ta đang sống.

Để giới trẻ biết sống và bảo vệ cho công lý, thì chính cha mẹ, Giáo Hội, nhà trường và xã hội là những người phải biết thực thi công lý, giải quyết những bất công ngay từ trong gia đình, trong tổ chức của mình. Một gia đình mà cha mẹ gian dối thì con cái không thể sống công bình, một gia đình bất chấp và không quan tâm đến quyền lợi và sự bình an của nhau, của hàng xóm, thì con cái sẽ không biết thế nào là tôn trong quyền lợi của người khác. Một Giáo Hội mà không chỉ cho con cái của mình đâu là sự thậtt đâu là công bình, đâu là quyền lợi của mọi người thì giới trẻ sẽ lúng túng và không biết phải quyết định như thế nào. Một môi trường giáo dục là nhà trường mà sự gian dối bất công được coi như là bình thường, thì giới trẻ làm sao có thể biết tin vào ai để thực thi công lý, một xã hội đáng lẽ phải là người bảo vệ công lý và sự thật nhưng, giới trẻ vẫn thấy những bất công, giả dối, người dám lên tiếng cho sự thật lại không được ai bênh vực ủng hộ, người giả dối lại được nhiều người vỗ tay… thì giới trẻ làm sao có thể phân định đâu là đúng đâu là sai, đâu là sự thật đâu là giả dối…
Cũng thế, như Đức Thánh Cha Paul VI đã nói: Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh bom đạn, mà hòa bình phải bắt đầu từ trong tâm hồn mỗi người. Một tâm hồn bất an, thì chỉ có thể đem đến bất hòa, một tâm hồn không có Ơn Chúa thì sẽ chỉ có sự dữ và sự xấu, một tâm hồn mà không để cho Chúa làm chủ, thì cái tôi và ích kỷ sẽ vào chiếm chỗ và tâm hồn ấy chỉ còn những bất hòa và cãi vã, hẹp hòi và bất khoan dung.


Đức Giêsu chính là Hoàng tử Bình an, trước mặt Philato Ngài đã khẳng định: Tôi đến la để làm chứng cho sự thật, ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi. Và, Chúa đã nói với các môn đệ: Thày ban bình an của Thày cho các con, bình an Thày ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Như thế, để có thể học biết thế nào là Công lý và Bình an, thì trước hết hãy đến với Đức Giêsu, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết thế nào là công lý và bình an. Hãy lắng nghe lời chỉ dạy của Ngài, và đem ra thực hành chúng ta sẽ trở thành người thực thi và bảo vệ công lý đồng thời là người xây dựng hòa bình. Hãy bắt đầu đem sự bình an và công lý đến cho gia đình, cho hàng xóm láng giềng và cho môi trường xã hội chúng ta đang sống.


Đức Maria đã nêu gương cho chúng ta như thế, là Mẹ Thiên Chúa, mẹ của Hoàng tử Bình an, song mẹ vẫn khiêm nhường và âm thầm để phục vụ, mẹ luôn để cho Chúa Giêsu ở trong tâm hồn Mẹ, và bồng ẳm Chúa Giêsu không chỉ khi Ngài còn là một Hài Nhi, mà Mẹ đã ôm ấp Chúa suốt cả cuộc đời và đặc biệt dưới chân thập giá, Mẹ đã đưa tay ra để một lần nữa được ôm con vào lòng trong đau đớn và nước mắt. Mẹ đã âm thầm đêm ngày ghi nhớ tất cả những sự việc xảy ra để suy gẫm và nhận ra ý Chúa và thi hành, chính vì thế mà tâm hồn mẹ luôn bình an, dù có phải trải qua những cơn sóng gió thử thách và đau khổ, xin Mẹ giúp chúng ta biết noi gương Mẹ, học ở nơi Mẹ, để chúng ta cũng có được sư bình an trong tâm hồn và trở thành người xây dựng hòa bình và bênh vực công lý. Amen

Tác giả bài viết: Lm. Đỗ Đức Trí




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét