Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012
Thái độ bao dung 02/08 – Thứ năm đầu tháng. Tuần 17 Thường Niên "Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Thánh Phêrô Julianô Eymard, linh mục
Thánh nhân chào đời tại làng La Mure nước Pháp, vào ngày 04 tháng 02 năm 1811 trong một gia đình không khá giả vào thời sau cuộc cách mạng Pháp với nhiều biến động về văn hóa, chính trị và tôn giáo. Cha ngài là người cần cù làm ăn nhưng tính tình lại nghiêm khắc. Bù lại, mẹ ngài là người nhẫn nại và đạo đức.
Ngay từ khi mới được 5 tuổi, Eymard đã có những lần tự đi đến nhà thờ trèo lên gần nhà chầu để chuyện vãn thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Mặc dù hoàn cảnh thiếu thốn phải vất vả làm ăn trong xưởng ép dầu của cha, rồi sức khỏe thì mong manh, lại còn bị cha mình ngăn cản ý định đi tu, Eymard vẫn kiên trì phấn đấu học tập.
Ngày 20 tháng 07 năm 1834, lúc 23 tuổi, Eymard được thụ phong linh mục, phục vụ cho giáo phận Grenoble. Trước khi sáng lập dòng Thánh Thể, cha Eymard đã từng là linh mục dòng Đức Mẹ với những chức vụ quan trọng.
Cuộc đời của cha Eymard luôn có bóng dáng của Thánh Giá với muôn vàn hy sinh, nhất là trong giai đoạn cha phải nghe theo tiếng Chúa rời bỏ dòng Đức Mẹ để thành lập dòng Thánh Thể.
Thánh Thể là trung tâm cuộc đời của thánh Eymard. Thánh nhân đã vượt qua mọi gian nan thử thách, miễn là Thánh Thể Chúa được tôn vinh. Sau những hoạt động không ngơi nghỉ cho lý tưởng Thánh Thể và vì quá kiệt sức, thánh nhân từ trần ngày 01 tháng 08 năm 1868 tại chính nơi ngài chào đời và lãnh Bí tích Thánh Tẩy.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nâng ngài lên bậc Hiển Thánh ngày 09 tháng 12 năm 1962. Ngày 02 tháng 08 là ngày lễ mừng kính ngài trên toàn Giáo Hội.
Lời Chúa: Mt 13, 47-53
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
SUY NIỆM 1: Thái độ bao dung
Có một Bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục cao niên và tuyên bố: "Thưa Ðức Cha, con đến để thông báo cho Ðức Cha biết con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi Giáo Hội, Ðức Cha nghĩ sao?".
Vị Giám mục yêu cầu ông cho biết một vài lý do khiến ông có ý định đó. Viên Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt vị Giám mục và nói: "Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ coi: Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này 2,000 năm nay, thế mà con người có khá hơn không?".
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: "Bác sĩ nói thật chí lý, nhưng Bác sĩ hãy thử nghĩ lại: nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay, vậy mà ngày nào Bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay".
Nghe thế, viên Bác sĩ thinh lặng ra về, ông không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa.
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Tự do
“Nước Trời còn giống như chuyện một chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các Thiên Thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. Và quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt. 13, 47-50)
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Đó là loại câu hỏi chỉ có thể gây bối rối. Khi ta hiểu biết rồi, mà sau đó lại không hành động theo, thì người ta có quyền chất vấn ta. Nếu hiểu biết sao anh lại làm ngược lại điều anh biết? Anh không chữa mình được. Nếu không hiểu biết sao anh không nói ra điều đó? Vì thế hiểu biết là điều quan trọng, chính sự hiểu biết biện minh họăc kết án cho thái độ, hành vi của ta.
Tôi chọn lựa.
Giống như trong các dụ ngôn khác, ta phải lưu ý điều này là ttc không xét xử cũng chẳng kết án: Người nhìn thấy mọi sự, Người biết hết tất cả rồi, và theo thiển ý tôi, “đương nhiên” có sự tách biệt hạt giống tốt với cỏ lùng, thì phải chăng chính sự thể rõ ràng như vậy rồi trước khi ông chủ có ý kiến? Trong mớ cá đủ loại có cá tốt cá xấu. Nhưng không phải Thiên Chúa xét xử và phân loại; cỏ lùng và cây lúa chúng đã khác nhau và phân biệt nhau rồi. Cũng vậy đến ngày tận thế, kẻ xấu sẽ bị tách ra khỏi hàng ngũ những người công chính, thì cũng không phải là do Chúa lên án, là bởi vì chính hành động của con người đã biết sống tự do hay nô lệ cho một chúa tể nào đó mà họ sùng bái.
Chúa hỏi chúng ta: “Anh em có hiểu không?” Hiểu cho rõ để rồi lựa chọn và lựa sự thiện bằng tất cả lòng thành tâm, thiện chí và trung thành. Đó chính là ý nghĩa thực của đời ta!
Tôi hiểu biết.
Chúa kết thúc dụ ngộn với lời: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” Cái cũ đó là chủ đề về vương quyền của Thiên Chúa, chủ đề lớn thống lĩng toàn bộ lịch sử của dân Ít-ra-en. Chúa Giêsu đã đến cùng với Tin Mừng của Người làm cho vương quyền của Thiên Chúa nên trọn, đó là cái mới.
Như vậy truyền thống vẫn luôn luôn được sống động, như thường phải được giải thích theo sự am hiểu sâu xa hơn để có thể đạt cái mới đích thực và việc thực hiện luôn được hoàn hảo hơn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét