Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Chúa Nhật 15/04/2012 – CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA – Chúa Hiện Ra Với Các Môn Ðệ




Chúa Hiện Ra Với Các Môn Ðệ


 15/04 – CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH. CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA





"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".
 Lời Chúa: Ga 20, 19-31
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".


Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".


Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.


SUY NIỆM 1: Chúa Hiện Ra Với Các Môn Ðệ
Tại một nhà thờ nọ, người ta có ghi một hàng chữ lớn trước cửa vào nhà thờ: "Hãy nhớ rằng, bạn không phải là nô lệ, nhưng là con Thiên Chúa". Phải! Chúa Kitô Phục Sinh đã giải thoát chúng ta khỏi mọi nô lệ tội lỗi và cái chết để ban cho chúng ta cuộc sống mới của những người con tự do. Nhưng thật đáng buồn vì trong lịch sử Cận Ðại, con người đã thường quên đi sự kiện này của lòng tin để chạy theo các chủ thuyết khiến họ lại bước vào ngục tù tha hóa.
Vào thế kỷ XVIII, các tín hữu tại các quốc gia Châu Âu chạy theo chủ thuyết "Thiên Quang Luật", hay đúng hơn họ dịch là "Trí Quang Luật". Theo đó, chỉ có ánh sáng của lý trí con người mới có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề của họ mà không cần đến mạc khải hay truyền thống gì cả.
Sang đến tiền bán thế kỷ XIX, họ lại chạy theo chủ thuyết "Duy Thực Nghiệm". Thuyết này cho rằng lý trí con người sẽ tìm ra lời giải thích tối hậu cho mọi hiện tượng khi đưa ra các luật lệ cắt nghĩa được sự liên kết tiếp nối của chúng. Khi hoàn thành được hệ thống các khoa học đó, thì nhân loại cũng đạt được hạnh phúc của mình. Cũng theo thuyết này thì những gì không thể kiểm chứng được bằng các luật lệ khoa học thì không hiện hữu.
Chủ thuyết thứ ba biến con người thành nô lệ là chủ thuyết "Duy Vật". Chủ thuyết này dùng nhân tố kinh tế để giải thích lịch sử loài người. Theo đó, tôn giáo cũng là một nhân tố kinh tế được dùng như phương thế thống trị các tầng lớp lao động.


Từ những chủ thuyết trên, thì mẫu số chung của mọi chủ thuyết này là cột buộc con người vào thế giới vật chất với các luật lệ vật lý và loại bỏ chiều kích thiêng liêng siêu việt ra khỏi cuộc sống con người.


Tuy nhiên, tâm thức duy vật thực nghiệm trên đây đã luôn luôn hiện hữu trong lịch sử nhân loại. Ðiển hình là phản ứng của các tông đồ và của Tôma, những người đã sống cách đây 2,000 năm. Và qua bài trình thuật của thánh Gioan hôm nay, ngài muốn nêu bật một vài mấu điểm thần học sau đây:


1. Thái độ sợ hãi của đoàn tông đồ:họ sợ hãi bên ngoài và sợ hãi cả bên trong. Sau khi vội vã tống táng Ðức Kitô, đoàn tông đồ rút lui về nhà Tiệc Ly đóng kín cửa lại, vì sợ người Do Thái đang truy lùng và tàn sát các ông. Nhưng nhất là họ sợ hãi trong tận cùng thẳm sâu tâm hồn, vì họ cho rằng mọi mộng ước giờ đây đã tan vỡ không còn trông mong gì được nữa. Họ không tin hay tin quá ít vào sự sống lại của Chúa Giêsu như Ngài đã báo cho họ biết trước khi tử nạn.


2. Ðiểm thần học thứ hai thánh Gioan muốn nêu bật ở đây là thực tại cuộc sống và thân xác Phục Sinh của Chúa Kitô.Thân xác Phục Sinh của Ngài là một thân xác thần thiêng đã được biến đổi, vì thế nên không còn lệ thuộc vào các luật lệ vật lý của thế giới này nữa. Chúa Kitô Phục Sinh vào nhà Tiệc Ly khi cửa khóa kín mà không cần ai mở cửa cho Ngài.


Ðối với thánh Gioan, lễ Vượt Qua là ngày lễ Phục Sinh, Lên Trời và trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ. Ðó là ngày diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh một cách trọn vẹn. Ðây là lý do giải thích tại sao thánh sử Gioan lại không theo kiểu trình bày của thánh Luca, phân chia lịch sử cứu độ ra từng giai đoạn đều đặn mà lại coi lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu như là điểm kết tinh tràn đầy hoa trái của ơn cứu độ. Trong số các hoa trái mà Chúa Kitô Phục Sinh trao ban cho đoàn tông đồ có sự bình an, niềm vui tươi tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và ơn tha tội. Niềm an bình đánh tan sự sợ hãi của các tông đồ. Niềm vui tươi chiếu tỏa ánh sáng hạnh phúc rạng ngời trên những khuôn mặt đau khổ buồn thương, chán nản, thất vọng của các tông đồ. Và Chúa Thánh Thần từ nay sẽ đặc biệt dạy dỗ, hướng dẫn và trợ lực cho các ông trong sứ mệnh tiếp tục loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu.


Thái độ duy vật thực nghiệm của tông đồ Tôma đã khiến cho ông được sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh và tuyên xưng lòng tin của mình. Tôma đã thấy và đã tin, nhưng phúc cho những ai không cần đến các dấu chỉ bế ngoài mà vẫn tin, vì chỉ khi đó lòng tin mới thật tinh tuyền.


Nói khác đi, Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh mời gọi Kitô hữu hoàn toàn xác tín vào Ngài và Tin Mừng cứu độ của Ngài. Sống với Ngài bằng một niềm tin xác tín, vô điều kiện, không yêu sách, hay tùy hứng tình cảm nhất thời và thói quen nhàm chán uể oải, thay vì đòi được xem các điều lạ và các dấu chỉ, thì hãy biết trở thành dấu của cuộc sống Phục Sinh.


Sự an bình, niềm vui tươi và các ơn của Chúa Thánh Thần phải hiển hiện và giải tỏa ánh sáng Phục Sinh trên gương mặt của Kitô hữu. Thay vì khép nép, sợ sệt thì phải can đảm hiên ngang sống lòng tin của mình. Nói cách khác, ơn gọi của Kitô hữu là sống cuộc sống Phục Sinh và trở thành dấu chỉ sống động của sự sống mới ấy.


Chỉ với lòng tin tinh tuyền xác tín ấy, Kitô hữu mới có thể đứng vững trong các gian lao thử thách và bắt bớ như Chúa Giêsu Kitô. Tác giả sách Khải Huyền nhắn nhủ: "Các bắt bớ hành hạ và thiệt thòi mà Kitô hữu làm sao có thể đánh ngã quỵ lòng tin của họ". Trong bảy lá thư gởi cho bảy giáo đoàn ở vùng Tiểu Á đang chịu mọi thử thách khổ đau dưới thời các hoàng đế Roma bắt đạo xưa kia, tác giả sách Khải Huyền cho thấy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh không ngừng kêu mời khuyến khích hay cảnh cáo thức tỉnh các tín hữu.


Sứ điệp Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh gởi cho các tín hữu thuộc bảy giáo đoàn cũng là sứ điệp Ngài gởi cho Kitô hữu của toàn thể Giáo Hội sống trong mọi thời đại ở khắp nơi trên thế giới này. "Cách nao núng" soạn giả nói ở đây ám chỉ tình trạng sống nội bộ của cộng đoàn Kitô nó thường mang dấu vết của thái độ thụ động, máy móc, bề ngoài, nhàm chán, chiếu lệ, không hăng say, không xác tín, đặc biệt trong các buổi cử hành Phụng vụ ngày Chúa nhật là ngày của Chúa. Vì các tín hữu này đã quên đi ý nghĩa và các hoa trái của mầu nhiệm cuộc sống Phục Sinh. Ðây không phải là trường hợp của thánh Phêrô và đoàn tông đồ như tình thuật trong Tông Ðồ Công Vụ 5.


Sau ngày lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Phêrô đã công khai loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho dân thành Giêrusalem và tất cả mọi người, kể cả giới lãnh đạo Do Thái. Dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh, các tông đồ hiểu rằng Tin Mừng Chúa Giêsu loan báo trước đây cũng tiếp tục đem lại hoa trái phong phú trong lòng cộng đoàn Giáo Hội và giữa lòng thế giới như vậy. Ngày trước, Chúa Giêsu đã hoạt động và được dân chúng quí mến thán phục như thế nào, thì giờ đây các tông đồ tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu cũng làm được các phép lạ như Ngài và được dân chúng mến yêu thán phục như vậy. Tất cả đều là hoa trái sự sống lại của Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.


(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hàng Ngày’ - Radio Veritas Asia


SUY NIỆM 2: Phúc cho ai không thấy mà tin
Nguyễn Du, một thiên tài thi ca Việt Nam, đã kết thúc áng văn kiệt tác của ông bằng câu thơ: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Tâm chỉ tấm lòng yêu mến, tư tưởng, tinh thần, tâm linh, là cái không thấy được. Tài là khéo léo, làm giỏi, là tiền tài, danh vọng, phú quý, chỉ những thứ trông thấy được.
Sau những đoạn trường của cuộc đời đau khổ như đứt từng khúc ruột, Nguyễn Du đã thấm thía: Mọi của cải danh vọng, giàu sang mà ông đã từng trải và từng thấy rõ ràng, chẳng làm cho con người được hạnh phúc. Con tâm chí thiện mới thật quý giá và làm cho người được hạnh phúc. Như vậy, cái không thấy có phúc, có giá trị hơn cái thấy được. Đại học Nho giáo đã viết: “Đại học chi đạo ? Tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện” (ĐH. I.). Chí thiện là thiên mệnh, là ý trời ở trong tâm tính không thể thấy được bằng tai mắt nhưng có thật, con người phải cố gắng thể hiện ý trời đó mới thực là đạo người. Đạo đưa lại hạnh phúc cho mình và cho muôn dân: “Thiên mệnh chi vị tính. Xuất tính chi vị đạo” (Trung Dung I).


Hôm nay, Đức Kitô chỉ cho các tông đồ và riêng Tôma biết: “Ai không thấy mà tin là người có phúc”.


Nghe tin các bà nói Thầy đã sống lại, các tông đồ tụ họp hồi tâm cầu nguyện chờ đợi xem sao. Tôma vắng mặt. Ông vắng mặt vì ông là người đa nghi và nhát đảm (Ricciotti: Vie de Jesus Christ No 633). Khi các bạn tông đồ đến nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”, ông nổi khùng thách thức: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng tin”. Lý lẽ của ông xem ra đã được nghiền ngẫm trước một người bị đóng đinh co dúm lại, da thịt rách nát, chân tay và cạnh sườn bị đâm toạc ra, làm sao sống lại được ? Còn Madalêna thấy Thầy sống lại ư ? Đó là kẻ bị quỷ ám, dễ ảo tưởng, đầu óc đầy ảo ảnh mê hoặc. Các bạn tông đồ đã thấy Chúa ư ? Có thể lòng trí các ông đang bối rối nóng điên lên rồi, dễ tưởng tượng theo tin đồn nhảm.


Lý luận của Tôma hoàn toàn theo chủ thuyết tân sinh lý. Ông chỉ tin ở tai nghe mắt thấy, chân tay sờ mó. Không ai lay chuyển được sự khôn ngoan của ông. Đó là sự khôn ngoan của loài người, bắt nguồn từ xác thịt và ma quỷ. Xác thịt thấy trái cấm quyến rũ, ma quỷ giả dạng ẩn núp, rỉ tai và con người sa ngã. Sự khôn ngoan theo mắt xác thịt của Tôma bị diệt vong ngay tám ngày sau. Đức Giêsu hiện đến bảo Tôma “đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra thọc vào cạnh sườn Thầy, đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin”. Tôma sụp lạy thưa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”. Không cần ai báo cáo, Đức Giêsu cũng biết rõ Tôma nói gì, nghĩ gì, đòi yêu sách gì. Yêu sách đó đã dằn vặt Tôma, nên khi vừa nghe Thầy trả lời, Tôma đã sụp lạy hai lạy: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, lạy Chúa, để tỏ mình là tôi tớ hèn hạ của Chúa, Chúa là chủ mình. Lạy Thiên Chúa của con để nhận ra Thầy là Thiên Chúa hằng sống đã dựng nên mình, đã cho mình sống. Thầy là Thiên Chúa nên đã sống lại và chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết. Những ai tin Thầy sẽ được phúc sống lại và hằng sống.


Trước kia Tôma đã hỏi Thầy: “Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi theo Thầy ? Thầy đáp: Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga. 14, 5-6). Thầy đã nói cho ông biết Thầy là sự sống, thì nay Thầy sống lại, ông mới thấy rõ sự thật: Thầy là sự sống.


Tôma đã thấy Thầy, muốn được phúc, ông phải theo Thầy đi rao giảng Tin mừng, theo Thầy vác thập giá đến hơi thở cuối cùng.


Chúng ta không thấy Chúa sống lại, nhưng chúng ta vững tin theo Chúa, Chúa sẽ chúc phúc: “Phúc cho con không thấy mà tin”. Lạy Chúa là sự sống lại và hằng sống, tai mắt chân tay con không thấy được Chúa nhưng xin cho con vững tâm tin mến Chúa đã sống lại và đang ngự trong những người thiện tâm, thiện chí để con biết phục vụ Chúa trong hết mọi người.


(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)




 SUY NIỆM 3: Trái Tim Chúa Màu Hồng


Không biết vì quên hay ngại ngùng xấu hổ, mà Thánh Gioan đã viết: “Nơi các môn đệ ở các cửa đều đóng kín; vì các ông sợ người Do Thái”. Dĩ nhiên giờ phút ấy, các ông sợ người Do Thái lắm rồi. Chúa chết: Sư phụ chết, rắn đã mất đầu, điểm tựa cuộc đời đã gãy đổ sau lưng. Sợ là phải thôi. Bọn chúng mà lùng bắt, mà hỏi tội, thì biết đỡ đàng nào. Cho nên phải đóng chặt hết các cửa lại.


Nhưng còn một yếu tố sợ hãi nữa của các ông, đó là sợ Chúa. Vô lí, sao lại sợ Chúa? Sao không sợ, bởi các ông vừa nghe có mấy bạn nói rằng: Thầy đã sống lại. Từ bé đến bây giờ, đã có lần nào được gặp gỡ với người chết sống lại đâu. Chết rồi, sống lại, hiện ra, thì như thế là ma chứ đâu phải là người. Cho nên, trong lòng các ông vừa muốn gặp Chúa, nhưng cũng vừa sợ hãi, không muốn gặp.


Và còn nỗi sợ hãi to lớn nữa, cũng không dám nói ra: là sợ Chúa hỏi tội. Từ sau lúc ở trong vườn Cây Dầu, chứng kiến sự bắt bớ của Thầy, các ông đều lẩn trốn hết. Có người mạnh bạo hơn một tí là Phêrô, dám can đảm đi theo Thầy xa xa; thì lại là người đã phản bội tình yêu, đã ba lần chối Thầy. Sợ lắm, nếu lỡ gặp lại Thầy. Chính trong nỗi sợ hãi đang chất chứa ấy. Chúa đã hiện ra: “Bình an cho các con”.


Lời nói ngọt ngào quá! Nội dung yêu thương quá! Chúa đã tha thứ tất cả, bao dung tất cả. Ngài chẳng thèm chấp chi đến tội đời yếu đuối. Nói rồi, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Ngài thật đấy, đừng sợ. Thầy đây chứ đâu phải ma quái gì?


Ngài muốn đánh thức dậy, tình yêu Thầy trò gần gũi những năm qua. Dù các ông, có lỗi lầm thế nào, thì tình yêu của Thầy dành cho các ông, vẫn cứ mãi luôn nồng nàn. Không một lời trách móc, không một lời phũ phàng; chỉ nhẹ nhàng cho các môn đệ xem những vết tử thương. Dù có nỗi đau thế nào, Thầy vẫn cứ một lòng yêu thương các con. Ngài chia sẻ cho các ông những nỗi bi thương của Ngài, như một gần gũi, như một thắm thiết tình thân.


Và rồi, sau đó, Ngài còn đưa các ông bước tới sâu hơn vào tình thương của Ngài: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Ngài trao cho các môn đệ lòng thương xót trời biển của Ngài. Bí tích giải tội Ngài lập ở đây, là hình ảnh minh họa đậm nét, về lòng thương xót của Ngài. Một lòng thương xót vô bờ, vô bến. Các con hãy lãnh nhận lấy lòng thương xót vô biên ấy, mà trao ban cho nhau.


Sợ rằng con người tội lỗi, ngại ngần và sợ hãi khi đến gần Thiên Chúa. Cho nên Ngài đã trao gia tài quý báu lòng thương xót ấy, cho những con người được tuyển chọn trong Giáo Hội, để những con người ấy, cũng là kiếp người phù du, cũng là những tội nhân, có thể dễ gần gũi hơn, với đồng loại yếu đuối của mình, và có nhiều điều kiện tốt, để trao ban lòng thương xót vô biên ấy cho hết mọi người.
Gợi ý suy niệm:
1- Nếu đêm nay Chúa hiện ra với bạn, bạn có sợ hãi không?
2- Trong mùa Phục Sinh này, bạn đã đón nhận bí tích Giải tội, bí tích của lòng thương xót chưa?
(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên số 04/2012’)


 SUY NIỆM 4: Nỗi Oan Tôma - ÐGM. Vũ Duy Thống.


Ðối với phần đông tín hữu Việt Nam, danh xưng Tôma khơi gợi về một thái độ, rất riêng tư nhưng cũng rất điển hình, chẳng những không tích cực mà xem ra còn để lại nhiều tai tiếng. Gặp một tâm hồn cứng cỏi trước những biểu cảm của niềm tin, người ta đã khéo ví von "cứng lòng như Tôma"; thấy ai biểu lộ do dự hoặc nghi ngờ trước những sự kiện tôn giáo, người ta đã vội đưa vào gia phả "con cháu thánh Tôma". Kể cũng oan.
Thật ra, đi liền với danh xưng Tôma lại là một bài học dẫn đến niềm tin, và cũng còn đó lời gọi sống sao cho mối phúc thứ chín, như người ta gọi về lời Chúa Giêsu kết thúc trang Tin Mừng hôm nay "Phúc cho kẻ không thấy mà tin", được trở thành hiện thực trong đời mỗi Kitô hữu.
1. Lạy Chúa Tôi, Lạy Thiên Chúa Của Tôi
Niềm tin của Tôma vào Ðấng Phục Sinh là cả một chặng đường trong đó yếu tố trước hết chính là cộng đoàn: "Chúng tôi đã được thấy Chúa". Chính vì chứng từ của cộng đoàn này mà Tôma đã tự vấn để rồi sau đó mới đi tới đức tin. Ngay việc các môn đồ hội họp vào ngày thứ nhất trong tuần cùng với lời chúc bình an của Ðấng Phục Sinh, làm bối cảnh hình thành truyện Tôma, cũng cho thấy vai trò của cộng đoàn trong việc khai sinh đức tin nơi một người.


Nhưng yếu tố chủ động hơn phải được tìm thấy trong phản tỉnh của cá nhân ông. "Nếu tôi không thấy# tôi không tin". Câu nói tự phát ấy đã trở thành tai tiếng khiến nhiều người nghĩ rằng Tôma là một kẻ cứng đầu cứng cổ, đòi hỏi, nghi ngờ. Nhưng thực ra, ông là người thực tiễn. Chính nhờ ông lên tiếng mà ta mới thấy rõ hơn thế nào là trăn trở của đức tin thuở ban đầu và thế nào là nỗ lực cá nhân làm cho niềm tin có được bản sắc riêng không thể lẫn với người khác. Nếu hôm trước Tôma đòi thấy mới tin, thì tám ngày sau, qua tiếp xúc cá nhân với Ðấng Phục Sinh, ông đã tuyên xưng không phải bằng công thức chung nữa, mà bằng một cách rất riêng làm thành đỉnh cao tuyên tín Phục Sinh: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi".


Và niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo, nhưng đã được Ðức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn. Thay vì phải thấy mới tin, ông nhận ra rằng phải tin mới thấy trọn vẹn: thấy Ðấng Phục sinh và con người Giêsu cũng là một, thấy Ðấng Phục sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.


2. Ðừng Cứng Lòng, Nhưng Hãy Tin
Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ nỗi oan Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân.
Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Có biết đâu tin như thế là không còn tin nữa, mà một cách nào đó đã là cả tin. Vì tin tất cả nên cả tin, hay vì cả tin nên tin tất cả? Chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Có biết đâu tin như thế cũng không còn là tin nữa, mà xem ra lại gần với sự bất tín! Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ ngoan ngùy, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt. Lúc đạo giáo hưng thịnh xem ra không có vấn đề, nhưng khi sự đạo phải bước vào thầm lặng thì biết đâu bởi vì dễ tin nên cũng dễ bỏ niềm tin trước bất cứ ai?


Thành ra, phải xem trường hợp Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niềm tin của ông như một kinh điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống. Ðừng cứng lòng! Phải chăng là lời gọi hãy xa đi những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: "Nhưng hãy tin!"


3. Phúc Cho Kẻ Không Thấy Mà Tin
Cũng từ nỗi oan Tôma, tín hữu hôm nay cảm nhận hơn niềm vui trong đức tin của mình. Niềm vui của Tôma là được thấy Chúa nên tin, còn niềm vui của đời tín hữu lại là tin để được thấy Chúa. Tin như thế là một hạnh phúc.


Trong hạnh phúc ấy, sau này các tông đồ đã qui tụ cho Chúa những kẻ tin, và những kẻ tin sơ khai đã vui mừng cử hành niềm tin của mình một cách sống động, không những qua nghi thức phụng vụ, mà còn qua cách sống cộng đoàn biết chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, và niềm hạnh phúc, cuối cùng, sẽ là sức mạnh chiến thắng.


Nhưng với kẻ tin hôm nay, tất cả vẫn còn ở phía trước. Bổn phận của ta là phải khổ công vun đắp niềm tin của mình sao cho thắm đượm hồng ân Thiên Chúa mà vẫn không quên nỗ lực đóng góp của con người, sao cho chan hòa với nhịp sống cộng đoàn mà vẫn không triệt tiêu bản sắc cá nhân. Và một khi niềm tin muốn khơi dậy niềm tin, thì cái bổn phận kia đã trở thành trách nhiệm loan báo hạnh phúc cho những người đồng thời.


Tuy nhiên, phải thú nhận rằng niềm tin hạnh phúc ấy còn lắm nhạt nhòa. Ðó đây trong nhịp sống chung Giáo Hội cũng như trong nếp sống riêng mỗi tín hữu, vẫn có thể có những lúc ngại tin hoặc chậm tin vào điều mình không thấy. Nhất là phải hy sinh những hạnh phúc chính đáng thấy được để vươn đến một thứ hạnh phúc ở ngoài tầm nhìn khả giác. Quả là vất vả. Nhưng chính lúc ấy, Tôma xuất hiện như một người bạn tri âm, như một người thầy đã từng trải nghiệm. Và lời Ðức Giêsu nói với ông lại trở thành lời vỗ về đem lại sức mạnh. Nghe trong mối phúc thứ chín có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy; và chừng như cũng có lời ước hẹn:tin điều mình không thấy sẽ được thấy điều mình tin.


Ngày nay nỗi oan Tôma vẫn còn đó. Một mình ông chịu tai tiếng để sau này người ta biết đường mà tránh. Một mình ông chịu quở là cứng lòng tin để tín hữu hiểu rằng phải vượt trên những điều nhìn thấy mới gặp được lối đi hạnh phúc của niềm tin. Và như thế, liệu ta có thể bảo rằng nỗi oan Tôma là một nỗi oan hạnh phúc? Cùng với mầu nhiệm đức tin khi bánh rượu được truyền phép hôm nay, ta sẽ lặp lại lời tuyên xưng của Tôma. Ðể xin thêm đức tin cho những tấm lòng còn nghi ngại, củng cố đức tin cho những người đang yếu đuối, và xin được hạnh phúc cho mọi kẻ tin.


SUY NIỆM 5: Ðóng Bè Ðể Giữ Vững Ðức Tin.
Kính Lòng Thương Xót Chúa
Có ai dám cả gan bơi ngược lại dòng nước chảy mạnh xuống dốc, cuốn theo những vật trên mặt nước, hay chỉ có những người liều lĩnh mới làm như vậy? Những trào lưu tư tưởng phóng khoáng, những lối sống buông thả, sa đoạ trong xã hội hiện đại với nhiều phương tiện truyền thông cận đại và nhanh chóng, giống như những dòng nước chảy mạnh. Bên cạnh dòng nước chảy mạnh, còn có những dòng nước nhỏ, chảy chậm hai bên bờ. Ðể khỏi bị lôi cuốn vào dòng nước chảy mạnh, người ta phải dùng một trong hai giải pháp. Một là dùng thuyền nhỏ, đi mon men sát bờ, đôi khi cần bám vào những gốc rể cây. Hai là đóng bè lớn cho vững chắc, rồi chung sức lèo lái: người thì dùng chèo hoặc gậy để chống cho thuyền khỏi trôi xuôi dòng nước, người khác dùng sào dài để đẩy cho thuyền đi ngược dòng từng nấc và cứ thế từng nấc một. Sống trong xã hội hiện nay, người ta chỉ cần nhấn con chuột là tin tức và hình ảnh có thể hiện ra trên màn ảnh máy điện toán ngay tại phòng ngủ, người ta ít có cơ hội chọn giải pháp đi mon men hai bên bờ. Vì thế người ta cần đóng bè để giúp nhau giữ vững đức tin.


Người ta cũng đóng bè với nhau vì hai lý do. Một là cùng chung một đối tượng, một mục đích như cùng xuống đường để đòi hỏi một quyền lợi hay phản đối điều gì. Hai là cùng chia sẻ một cảm tình như lo sợ, vui mừng... chẳng hạn dự đám cưới để chung vui, dự đám tang để chia buồn.. Sau biến cố tử nạn của Thầy mình, các tông đồ tìm đến với nhau để đóng bè. Vì sợ người Do Thái tầm nã như Phúc âm hôm nay kể lại mà các tông đồ tụ họp trong phòng lầu tại Giêrusalem, đóng cửa và gài chốt bên trong. Trong cảnh tang thương bi đát trước cuộc tử nạn của Thầy mình, các ông tụ họp nhau lại cầu nguyện để an ủi, nâng đỡ nhau. Bỗng nhiên Ðức Giêsu hiện ra trước mắt các ông để củng cố đức tin gần như bị tàn lụi của các ông.


Riêng có ông Tôma lại tách rời ra khỏi các bạn đồng chí hướng. Do đó đức tin của ông đã bị dập tắt: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào vết đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi nhất định không tin (Ga 20:25). May phúc cho ông là chính Ðức Giêsu lại đích thân hiện ra để phục hồi đức tin của ông. Lúc này ông kêu lên: Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con (Ga 20:28).


Cộng đồng Kitô giáo hay chặt chẽ hơn là cộng đồng Công giáo được gọi là cộng đồng đức tin, gồm những người cùng chia sẻ một niềm tin và cùng theo đuổi một mục đích. Nếu muốn giữ vững đức tin, người ta cần ở lai trong cộng đồng, thờ phượng và sinh hoạt với cộng đồng đức tin. Khi người ta liên kết và thờ phượng với cộng đồng đức tin, đức tin của họ sẽ được củng cố. Nếu đức tin của người ta vững mạnh, họ có thể giúp làm tăng triển đức tin của người yếu đức tin. Các tín hữu thời Giáo hội sơ khai, theo sách Công vụ Tông đồ, nhờ có đức tin tập thể của người nọ nâng đỡ người kia, mà họ có thể để mọi sự làm của chung (Cv 2:44). Còn thánh Gioan thì cho rằng nhờ đức tin mà người tín hữu thắng được thế gian (1Ga 5:4).


Ðức tin của người công giáo dựa trên hai chiều: chiều dọc và chiều ngang. Theo chiều dọc thì Thiên Chúa từ trên, mời gọi ta đến đời sống đức tin và ta đáp trả. Còn đức tin dựa theo chiều ngang có nghĩa là ta cần dựa vào cha mẹ, họ hàng, bạn hữu và những người cùng chung một niềm tin, để giúp nhau duy trì và phát triển đức tin. Ta cần tìm đến những người có đức tin mạnh, những người có tâm hồn đạo hạnh, để hun đúc lại đức tin của mình. Ngoài ra đức tin cần phải được thực hành. Nếu không thì như Thánh Giacôbê quả quyết: Ðức tin không có việc làm, là đức tin chết (Gc 2:26). Vì thế những người chủ trương giữ đạo tại tâm là tự lừa dối mình. Tách biệt ra khỏi cộng đồng đức tin, đức tin của người tín hữu có thể bị lung lạc, khi bị gièm pha và tấn công bởi những người chống đối đạo mà họ tin theo.


Ðể áp dụng thực hành, người ta cần biểu lộ đưc tin bằng việc làm như cầu nguyện, dự lễ, hi sinh, bác ái. Nếu là thiên thần, người ta không cần biểu hiệu. Là loài người có xác, người ta cần biểu lộ đức tin bằng những cử chỉ đạo hạnh như qùi gối, chắp tay, cúi đầu... để khơi dạy tâm tình đạo đức bên trong. Người ta cũng cần những biểu hiệu như tượng ảnh đạo treo trong nhà, hay trong phòng để nhắc nhở cho mình về sự hiện diện của Chúa, Mẹ Maria và các thánh.


Nhà thờ giáo xứ là biểu hiệu đức tin và là trung tâm điểm của đời sống đức tin. Sau khi sinh ra, ta được mang đến nhà thờ để chịu Phép Rửa tội. Ta Rước lễ lần đầu ở trong nhà thờ. Ta chịu Phép Thêm sức cũng ở trong nhà thờ xứ đạo. Và ta lãnh nhận Bí tích Hôn phối cũng ở trong nhà thờ. Khi nằm xuống vĩnh viễn, thân xác ta còn được mang đến nhà thờ để được cử hành lễ an táng. Ðến nhà thờ cầu nguyện và dâng thánh lễ là cách biểu lộ đức tin một cách cụ thể nhất. Như vậy đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa bằng việc bàu cử của Mẹ Maria và các thánh, bằng lời cầu nguyện và gương sáng của người tín hữu khác. Không tìm đến sức hỗ trợ thiêng liêng, là tự cô lập hoá đức tin của mình.


Hôm nay cũng là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Năm 1931, Chúa Giêsu hiện ra và yêu cầu nữ tu Faustina Kowalska cổ võ lòng thương xót Chúa. Chúa bảo thánh nữ cho vẽ bức ảnh mô tả lòng thương xót Chúa như thánh nữ đã thấy trong thị kiến với lời ghi chú: Lậy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. Thứ Sáu Tuần thánh 1937, Chúa yêu cầu thánh nữ cổ võ làm Tuần Cửu nhật bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần thánh bằng cách dùng tràng hạt đọc chuỗi thương xót: Vì cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới như khi lần hạt mà đọc kinh Kính mừng, để mừng Lễ Kính Lòng Thương Xót của Chúa.


Lời nguyện theo kinh đọc ngày thứ năm Tuần Cửu nhật
Kính Lòng Thương Xót Chúa:
Lậy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót,
là chính sự lân ái.Chúa không từ chối những ai tìm kiếm ánh sáng của Chúa.
Xin đón nhận vào trái tim vô cùng từ bi lân mẫn Chúa,
linh hồn những người đã li khai khỏi Giáo hội Chúa.
Xin lấy ánh sáng Chúa dẫn dắt họ về hiệp nhất với Giáo hội,
đừng để họ thoát khỏi Trái Tim từ bi lân ái Chúa,
nhưng xin dẫn họ về để họ cũng được tôn vinh
lòng quảng đại xót thương của Chúa. Amen.


(Lm Trần Bình Trọng)





  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét