Suy niệm Tin Mừng Ga 15, 26-27; 16, 12-15
Tôi vẫn thường thắc mắc về ý nghĩa đích thực của ‘sự thật toàn vẹn’. Nhiều bản văn Thánh Kinh Anh ngữ dùng ‘all truth, whole truth, all the truth’ để dịch từ ‘aletheia pase’ tiếng Hy Lạp. Đối với tôi, vấn đề chính ở đây là xác định được nội dung của ‘sự thật’ hay ‘chân lý’ mà đức Giê-su nhiều lần đề cập tới, thậm chí có lúc còn tự đồng hóa mình với aletheia (xem Ga 14,6). Nói như thế vì tôn giáo nào cũng thường tự cho mình là dạy sự thật hay chân lý duy nhất đúng, và đề ra cả một hệ thống giáo thuyết phức tạp để quảng diễn chân lý đó. Trong lãnh vực này, đạo Công giáo cũng không là ngoại lệ.
Thế nhưng nếu có thứ chân lý của hiểu biết, thì cũng có chân lý hay sự thật của cứu rỗi. Khi tuyên bố với các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô rằng: ngài đã rao giảng cho họ ‘tất cả ý định của Thiên Chúa’, Phao-lô chỉ đơn thuần khảng định rằng, ngài rao truyền cho họ tất cả những hiểu biết cần thiết để tiến tới ơn cứu độ (Cv 20,17-35). Ngài cũng nói cho các tín hữu Cô-rin-tô rằng: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu… mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì!” (1 Cr 13,2). Đức Giê-su đã từng khảng định: có sự thật giải thoát, có chân lý thánh hóa’ (Ga 4:22; 17:17-19). Trong cuộc đối đáp giữa đức Giê-su và Phi-la-tô, thuật ngữ ‘sự thật’ đã được hai người hiểu rất khác nhau là vì thế. Rõ ràng ‘chân lý toàn vẹn’ không thể chỉ là hiểu biết, mà phải là ‘sự thật cứu rỗi’.
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Có điều gì các môn đệ không chịu nổi hay chậm hiểu? Các lý luận thần học hay các tín lý trong đạo chăng? Đương nhiên là các ông không thể hiểu nổi… nhưng đức Giê-su đâu có đòi điều này nơi các người bình dân. Không, các ông đang đi tìm sự cứu rỗi cho mình và cho dân Ít-ra-en. Nhưng, cũng như phần đa các người Do Thái khác, các ông cho rằng sự cứu rỗi rõ ràng hệ tại ở việc tuân giữ lề luật. Thực hiện Giao Ước với Gia-vê như thế là con đường duy nhất dẫn tới giải thoát, cả về mặt chính trị lẫn thiêng liêng. Làm sao các ông chịu hiểu ra rằng, sự cứu rỗi và giải thoát duy nhất phải tới từ Đức Ki-tô, từ cuộc tử nạn của Người, vì qua đó Thiên Chúa biểu lộ được trọn vẹn tình yêu và lòng nhân ái Người?
Rõ ràng, khi giáo huấn các môn đệ bằng các dụ ngôn và lời giảng dạy, đức Giê-su cố giải thích cho các ông hiểu nội dung này. Người cho rằng thực hiện trước mắt các ông nội dung này, qua tử nạn thập giá ngài chịu, là điều tối ư quan trọng. Kể cả thời gian sau khi sống lại, Người vẫn không ngừng giải thích cho các ông hiểu sự thật giải thoát này. Tuy nhiên xem ra các ông chưa thấm. Đúng là các ông không có sức chịu nổi, và sẽ chẳng bao giờ chịu nổi, bao lâu còn bị truyền thống xã hội và tôn giáo ngàn năm vây quanh. Đức Giê-su thấy cần phải “sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha… một Đấng Bảo Trợ”. Công việc chính của Đấng này là ‘làm chứng về Thầy’, làm cho đức Giê-su được nhận biết, nhất là qua cuộc tử nạn thập giá và phục sinh Người, như dấu chỉ chân thực nhất của mạc khải vĩ đại ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một Người…’ (Ga 3,16). Phải chăng ‘sự thật toàn vẹn – all truth - aletheia pase’ chính là đây, là sự thật cứu rỗi và giải thoát, chứ không chỉ của hiểu biết? Sự thật này chỉ Thần Khí Chúa mới ‘dẫn’ tới được. Phao-lô khảng định với các Ki-tô hữu gốc Do Thái đang sinh sống tại Rô-ma rằng: không có Thần Khí này họ vẫn chỉ là ‘nô lệ và phải sợ sệt như xưa’, nhưng một khi lãnh nhận Thần Khí “Anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:14-17). Chính vì thế mà đức Giê-su gọi Chúa Thánh Thần là ‘Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha’ (Ga 15:26). Và công việc của Thánh Thần không chỉ là dạy dỗ các tín hữu biết mọi lẽ đạo, mà phải là ‘làm chứng về Thầy…’, và ‘cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu’.
Thần học hay giáo lý, chủ yếu vẫn là công việc của trí tuệ và hiểu biết con người. Điều tôi và mọi ki-tô hữu thực sự cần là ‘sự thật toàn vẹn’ có sức cứu rỗi và giải thoát. Vì thế sống Thánh Thần liên tục là điều kiện thiết yếu để tôi vun trồng niềm tin yêu vào Thiên Chúa cứu độ trong đức Ki-tô Giê-su… và biến đời tôi thành nhân chứng sống động của tình yêu nhân hậu đó. Tôi có xác tín điều đó không?
Lạy Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Chúa đang hiện diện thẳm sâu trong cõi lòng con, xin không ngừng dẫn con tới ‘sự thật toàn vẹn’ mà rất nhiều khi con quên lãng. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là giữa những thử thách yếu đuối và sa ngã, xin hãy cứ tiếp tục ‘rên siết khôn tả’ trong con (Rm 8:26), cho tới khi con dám chân thành mở miệng thốt lên từ đáy lòng mình: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ Amen
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét