Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

09/01 – Thứ hai. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA. Lễ Kính. “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.



09/01 – Thứ hai. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA. Lễ Kính.
“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.


Lời Chúa: Mc 1, 6b-11
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng:”Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán:”Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

SUY NIỆM 1: Trời mở ra

Nói đến phép rửa, người ta thường liên tưởng đến một thời Gioan Tiền Hô đã được hân hạnh tiếp đón Chúa Giêsu nơi dòng sông Giorđan và chỉ cho các môn đệ của Ông, và mọi người biết Đấng Cứu Thế. Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa sám hối. Phép rửa của Gioan Tiền Hô chỉ là bước đầu tiên của một cuộc hành trình. Chúa Giêsu xếp hàng giữa các tội nhân dù Ngài hoàn toàn vô tội là để làm gương cho nhân loại thấy sám hối cần thiết như thế nào! Gioan làm phép rửa để chuẩn bị cho phép rửa bằng lửa và Thánh Thần của Chúa Giêsu.

Tại sao Chúa Giêsu xếp hàng giữa các tội nhân?

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả, muôn trùng, Ngài xếp hàng giữa những tội nhân. Đây là một điều kỳ lạ hay nói đúng hơn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa sống giữa nhân loại, sống giữa con người. Có ngờ đâu, có ai hiểu thấu được Đức Giêsu, Đấng thánh thiện tuyệt đối, lại xin Gioan làm phép rửa. Chiêm ngắm Ngài, con người sẽ nhận ra và hiểu thế nào là tình yêu. Đức Giêsu đã yêu thương nhân loại, yêu thương mỗi người bằng chính con người đầy chạnh thương, tha thứ của Ngài. Ngài là Thiên Chúa mà đã khước từ vinh quang, xuống mặc xác phàm, sống như mọi người ngoại trừ tội lỗi. Chỉ có tình yêu mới giúp con người nhận ra việc làm của Chúa Giêsu. Chỉ có tình yêu mới vén mở cho con người, cho nhân loại hiểu được tấm lòng cao cả, yêu thương vô bờ của Đấng Cứu Thế. Chỉ có tình yêu mới giúp con người hiểu được mầu nhiệm Giáng–Sinh Con-Thiên-Chúa-làm-người. Chỉ có tình yêu mới làm con người hiểu được Đấng Cứu Độ lại sống như cần phải sám hối và cần được cứu độ.


Gioan Tẩy Giả báo trước phép Rửa của Chúa Giêsu


Chính Gioan đã làm sáng tỏ phép rửa của Chúa Giêsu:”Tôi rửa anh em bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối, nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và lửa. Ngài cao trọng hơn tôi nhiều và tôi chẳng xứng đáng xách giày cho Ngài” (Mt 3,11). Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ của Ngài:”Các con hãy đi đến với mọi người khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời. Hãy rửa tội cho họ nhân danh cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa tái sinh. Thánh Phaolô đã giải thích về phép rửa này như sau:”Khi được rửa tội là anh em được an táng với Đức Kitô, và trong phép rửa tội anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tinh thần nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô” (Cl 2,12-13). Phép rửa của Chúa Giêsu giúp con người chia sẻ đời sống thần linh của Ngài.

Bài trường ca Tình Yêu của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu chịu phép rửa bầu trời mở ra… Ở đây xuất hiện cả Ba Ngôi Thiên Chúa và như thế, nó cho thấy bản trường ca tình yêu của Chúa Giêsu: Ngài bị liệt vào hàng những kẻ tội lỗi (Lc 7,34), Ngài bị người nhà, họ hàng cho là kẻ đã bị mất trí, bị xua đuổi ra khỏi thành Giêrusalem, bị lên án như một tội nhân nguy hiểm, bị kết án tử hình, bị treo lên thập giá giữa hai tên trộm cướp. Chúa Giêsu coi cuộc khổ nạn của Ngài là một phép rửa. Phép rửa của Ngài là dùng cái chết để xóa tội cho nhân loại, cho con người: ”Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất“ (Lc 12,50). Đây là bản trường ca tình yêu của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đã xuống thế gian vì yêu thương, chết vì yêu thương, Ngài nói và đã thể hiện: ”Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Áp dụng vào đời sống

Kitô hữu là người đã được tái sinh để trở nên con cái Chúa và con cái của Giáo Hội. Chúa mời gọi mọi Kitô hữu loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa gọi mời mọi Kitô hữu đem tình thương đến cho mọi người như”đem an bình vào nơi tranh chấp, đem tình thương vào nơi thù hận, đem niềm vui đến chốn lao tù vv…”. Người môn đệ của Chúa Giêsu phải là người luôn sống bác ái yêu thương, luôn chứng tỏ có Chúa đang hiện diện nơi mình. Người môn đệ Chúa không được hờ hễnh, lơ là và hầu như thơ ngây trước những người đau khổ. Zundel đã viết một câu thật ý nghĩa:”Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn họ chẳng gặp được lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi chúng ta”.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống bí tích rửa tội cách nhiệt tâm và mau mắn loan báo Tin Mừng cứu độ. Amen.
Lm. Nguyễn Hưng Lợi

SUY NIỆM 2: Người đời thường chạy tội, đổ lỗi cho người khác, còn Chúa Giê-su lại sẵn sàng gánh tội cho hết mọi người

Một trong những thói xấu nghiêm trọng gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội là thói đổ lỗi cho người khác, không chịu nhận trách nhiệm về mình.
Căn bệnh nầy đã xuất hiện ngay từ khởi thuỷ loài người.

Sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm bất tuân lệnh Chúa (sáng thế 3, 1-18)), Thiên Chúa đến hạch tội A-đam: "Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?"
A-đam bèn đổ lỗi cho cả Thiên Chúa lẫn E-và: Tại vì "người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con mới ăn." Nói như thế, A-đam cho rằng cả Chúa cũng có trách nhiệm trong vụ việc nầy, tại vì Chúa đã trao người đàn bà nhẹ dạ nầy cho ông; giá như Chúa không dựng nên E-và và trao nàng cho Ađam thì đâu đến nỗi nầy).

Bấy giờ Chúa quay ra hỏi tội E-và: "Ngươi đã làm gì?" Người đàn bà liền trút tội cho con rắn: Tại vì "con rắn đã lừa dối con, nên con đã ăn". (Sáng thế 3, 9-13)
Có vô số dê tế thần để người ta trút hết tội lỗi lên đầu chúng: tại ông, tại bà, tại trời, tại đất, tại gió, tại mưa... Bao nhiêu hậu quả và trách nhiệm đáng phải chịu vì lầm lỗi của mình, người ta đùn đẩy qua cho người khác. Tìm đâu ra con người dũng cảm dám đứng ra nhận lấy phần lỗi của mình và gánh lấy hậu quả do mình gây ra?

Trong khi đó, mặc dầu Chúa Giê-su được Gioan giới thiệu là Ðấng quyền thế lớn lao, thậm chí Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người; là Ðấng sẽ cử hành một phép rửa ngàn lần cao trọng hơn phép rửa của Gioan - "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước; còn Người, Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần" - vậy mà Chúa Giê-su lại đến với Gioan như một người tội lỗi, chăm chú nghe Gioan rao giảng, hoà mình với những người thu thuế, những tên cướp của giết người, những hạng người đàng điếm, côn đồ và với bao nhiêu người tội lỗi khác để chờ đến phiên mình bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ Gioan làm phép rửa cho.
Nhưng, Chúa Giê-su là Ðấng không hề vướng tội, thì sao lại phải chịu phép rửa bởi Gioan?

Chúa Giê-su chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Người nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Người là "Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2 Corinhtô 5, 21). Người đến làm con "Chiên của Thiên Chúa" gánh lấy tội lỗi thế gian (Gio-an 1, 29) thay cho các con chiên đền tội thời Cựu Ước.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Chúa Giê-su trở thành tội nhân, nên Người phải hoà mình với những tội nhân khác để cho ngôn sứ Gioan làm phép rửa cho Người.

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Người đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để đền thay tội lỗi muôn người. "Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá. Ðể một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành". (1 Pr 2, 24).
Cao đẹp thay, quảng đại thay hành vi hạ mình gánh lấy tội lỗi nhân loại của Chúa Giê-su. Người mãi mãi là gương mẫu của chúng ta và đáng cho chúng ta khâm phục tôn thờ.

Lạy Chúa Giê-su,
Biết đến bao giờ con mới chừa bỏ được thói trút tội lên đầu người khác và chối bỏ trách nhiệm của mình?
Biết bao giờ con mới có đủ bản lãnh và can trường để đứng ra chịu trách nhiệm về những thiệt hại mình đã gây ra?
Ước gì tấm gương khiêm nhường của Chúa hạ mình xuống nhận phép rửa dưới dòng sông Gio-đan vì tội lỗi nhân loại sẽ luôn là động cơ giúp con sửa chữa thói chạy tội vô trách nhiệm của mình.
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ - Lm. Trần Ngà)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét