Chúa Nhật 08/01/2012. LỄ CHÚA HIỂN LINH
Gặp Ðược Chúa Cứu Thế
Gặp Ðược Chúa Cứu Thế
08/01 – CHÚA NHẬT. LỄ CHÚA HIỂN LINH. Lễ trọng- Lễ cầu cho giáo dân.
“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua”.
Lời Chúa: Mt 2, 1-12
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói:”Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng:”Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng:”Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình. Đó là lời Chúa
SUY NIỆM 1: Gặp Ðược Chúa Cứu Thế
Hôm nay chúng ta mừng lễ ba Vua, tức lễ Hiển Linh. Dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền kể lại việc tìm kiếm Chúa của Ba Vua từ Phương Ðông miền đất Palestina, theo sự hướng dẫn của một vì sao lạ. Các ngài đã khám phá ra dấu lạ, rủ nhau lần mò dò dẫm tìm đến Bethlem, và cuối cùng sau cuộc lộ trình đường xa nhiều gian khổ và nguy nan, các ngài đã gặp được Chúa Cứu Thế.
Như ngày lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh biểu lộ một niềm vui, đó là những hình ảnh, những gói quà, lạc đà, Ba Vua, ngôi sao, nhưng còn vui hơn vì ý nghĩa quan trọng chứa đựng trong ngày lễ này, đó là việc Chúa tỏ mình ra cho các dân, các nước. Ngài là Vua các vua và mọi dân tộc khắp bờ cõi trái đất đều phải tôn thờ Ngài.
Nơi bài đọc I, Giáo hội dùng bài ca trở về của dân Do Thái nơi sách tiên tri Isaia để diễn tả niềm vui của người được cứu thoát khi vinh quang của Chúa bừng dậy. Một số những người nô lệ ở Babylon thuộc dân Do Thái nghĩ mình đang sống trong đêm tối, họ mất hết niềm vui, không còn hứng thú gì để đàn ca xướng hát. Họ đặt những nhạc khí, họ treo những cây đàn nơi gốc cây, nơi cành cây dọc bên bờ sông Babylon, và nơi bờ sông họ ngồi khóc nhớ Sion, nhớ về Thành Thánh Jérusalem.
Nhưng vui mừng biết bao ngày cứu thoát đến, ngày trở về quê hương, ngày được gặp lại Jérusalem, được lên đền thờ dâng lễ tạ ơn Chúa. Và điều đặc biệt là ánh sáng bừng lên ở Jérusalem. Ðây không phải là ánh sáng của trần gian mà là ánh sáng của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là ánh sáng và khi Chúa là ánh sáng thì Ngài không phải chỉ là ánh sáng của Israel mà thôi nhưng Ngài còn là ánh sáng của muôn dân, muôn nước. Từ đó những kho tàng bể khơi tuốn đến Jérusalem, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới Jérusalem. Tất cả muôn người lũ lượt từ các nơi tuôn đến Jérusalem. miệng cao rao những lời ngợi khen Thiên Chúa.
Nếu bài đọc I trình bày một hình ảnh vui tươi của Jérusalem ngày đại lễ, ngày muôn dân tiến đến trong huy hoàng rực rỡ sang trọng, thì nơi bài đọc II thánh Phaolô đưa hình ảnh ấy lên hàng siêu nhiên. Nơi bài I sự giàu sang phú quí từ các nơi được đưa về để tung hô Chúa, thì nơi bài đọc II đáp lại ân sủng Chúa ban phát dư tràn cho mọi người qua các tông đồ, các tiên tri, nhờ Chúa Thánh Thần thánh hóa. Nhờ lòng thương xót bao la ấy của Thiên Chúa, tất cả dân tộc trên mặt đất đều trở nên người thừa tự, trở nên người cùng một thân thể và thông phần với lời hứa của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.
Nhìn chung cả hai bài đọc đều diễn tả tình yêu thương hài hòa giữa Thiên Chúa và con người với nhau. Con người một lòng một dạ nhìn nhận Thiên Chúa là Vua. Chúa ban ơn cho con người, nhất là ơn được làm nghĩa tử trong Ðức Giêsu Kitô, không phân biệt ai cả.
Bài Phúc Âm diễn tả rõ ràng hơn, cụ thể hơn và sinh động hơn trước mắt ta cuộc tìm kiếm Chúa, rồi được Chúa giúp đỡ ban ơn hướng dẫn. Con người không ngại gian lao cực nhọc và cuối cùng gặp được Chúa. Con người quì gối sụp lạy và dâng lễ vật cho Ngài. Xong trở nên con người mới, đi con đường khác, trở nên với đời sống hằng ngày của mình.
Dựa vào đoạn Phúc Âm duy nhất của thánh Matthêu diễn tả cuộc viếng thăm kỳ diệu này, người ta hay trưng bày vao hang đá trong ngày lễ Hiển Linh ba vị vua. Thật ra, không có chỗ nào nói đó là các vị vua, cũng không có chỗ nào cho biết con số của họ là bao nhiêu. Nhưng truyền thống gọi là ba, vì dựa vào ba lễ vật thánh Matthêu kể ra: vàng, nhũ hương và mộc dược.
Về tên của ba vua là: Kalbar, Manthior và Bankasa, nhưng đến thế kỷ IX người ta mới đề cập đến. Thật ra, tất cả những chi tiết nhỏ này không có nền tảng trong Kinh Thánh và ngôi sao lạ hiện vẫn còn là đối tượng của những giải thích khác nhau. Dầu vậy những điểm chính đã dễ cho chúng ta suy niệm đó là những con người đến từ những xứ xa xôi để tìm vị Vua Do Thái mới sinh ra và khi gặp được Ngài, họ quì gối xuống sụp lạy Ngài.
Hình ảnh ấy cho chúng ta thấy mãi mãi bao lâu Phúc Âm còn rao giảng đều luôn luôn có những đạo sĩ, đó là những người tìm kiếm Chúa bằng cách này hay bằng cách khác. Và khi đã gặp được Chúa, thì thành tâm thực lòng thờ lạy Chúa, nhìn nhận Người là Vua, là Chúa của mình, của đời sống mình, của gia đình mình và cuối cùng là của toàn thể nhân loại.
Cùng với Ba Vua bên máng cỏ, chúng ta hãy tôn thờ uy quyền tối cao của Hài Nhi Giêsu và xin cho chúng ta luôn nhạy cảm đối với những cảm hứng khích lệ của quyền năng Chúa trong tâm hồn mình.
Ðể có việc làm cụ thể, trong tuần này tôi hình dung ra những tác động của Ba Vua trên con đường tìm Chúa. Ðó là để tâm, để ý tìm hiểu sự kiện. Dám chấp nhận dấn thân quyết chí tìm gặp cho được Chúa. Khi gặp được Người thì phủ phục tôn thờ và dâng lễ vật. Rồi sau cùng, từ bỏ con đường cũ, đi theo con đường mới, con đường của tin yêu và hy vọng, con đường của sự sống bất diệt trên thiên quốc.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
SUY NIỆM 2: Thiên Chúa tỏ mình
Ngày hôm nay Thiên Chúa tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông, nghĩa là những người ở ngoài dân Chúa và bị người Do Thái xếp vào hàng dân ngoại. Chính vì thế lễ Hiển Linh có thể được coi như là lễ Giáng sinh của người ngoại. Tuy nhiên, qua phụng vụ chúng ta thấy được tính cách bi đát của chương trình cứu độ như thánh Gioan đã diễn tả: Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà các người thân đã không tiếp nhận Ngài.
Thực vậy, Isaia đã đưa ra những lời tiên đoán đầy phấn khởi về Giêrusalem vào ngày Đấng cứu thế xuất hiện. Ngày ấy, Giêrusalem sẽ trở thành trung tâm ánh sáng và mọi người từ bốn phương trời sẽ tiến về đó với muôn vàn lễ vật. Nhưng trớ trêu thay, vào ngày Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, theo như lời tiên tri Isaia loan báo, ánh sáng đã chiếu trên Giêrusalem, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới nhận ra ánh sáng ấy, còn dân trong thành thì vẫn tiếp tục sống trong u tối. Giêrusalem đã có thể chỉ rõ nơi vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới tới thờ lạy Ngài.
Một ngôi sao xuất hiện trên bầu trời thì có chi đáng quan tâm. Nhưng tất cả cuộc hành trình kỳ diệu lại khởi đầu từ đó. Đêm hôm ấy, hẳn cũng đã có nhiều người nhìn lên trời, ngắm những vì sao nhưng lại không thấy được vì sao của Ngài. Cũng thế, những biến cố, những sự kiện diễn ra hằng ngày trên đường phố, trong xã hội. Chúng ta cũng có thể đọc được những sự kiện, những biến cố ấy trên cùng một trang báo, qua cùng một chương trình thời sự, nhưng có mấy khi chúng ta thấy được trong một biến cố, trong một sự kiện dấu chỉ về một đòi hỏi của Chúa?
Tuy nhiên, các nhà đạo sĩ đã không chỉ bằng lòng với việc thấy được vì sao của Ngài. Các ông còn chuẩn bị lễ vật và hăm hở lên đường với một cuộc hành trình mang tính cách phiêu lưu, tiến tới một nơi vô định mặc dầu có ánh sao dẫn lối. Tin Mừng cho thấy là cũng đã có lúc không còn ánh sao nữa và các ông đã phải hỏi thăm về nơi các ông phải tới với những người không quen biết. Và không phải là không có những cạm bẫy. Hêrôđê có đó với tấm lòng nham hiểm đằng sau những lời nói đầy vẻ ân cần. Vượt không biết bao nhiêu dặm đường để rồi cuối cùng đứng trước một hài nhi yếu ớt, nhưng các ông cũng đã sấp mình thờ lạy, và dâng lễ vật với lòng hân hoan toại nguyện. Phải chăng đó chính là thái độ của một lòng tin đích thật. Các thượng tế và luật sĩ, mặc dù thông hiểu Kinh Thánh, nhưng vẫn ngồi yên tại chỗ. Sự hiểu biết của họ như đã không đủ sức để lay chuyển họ. Là những người ở trong, họ đã tự đặt mình thành những kẻ ở ngoài. Trong khi đó, những người vẫn bị xếp vào hạng ở ngoài, vì đã đi theo tiếng gọi của Chúa, mà đã trở thành những người ở trong. Những điều chúng ta thấy và hiểu biết về Tin Mừng, về Đức Kitô, về Nước Trời, về ơn cứu độ, có đủ sức lay chuyển chúng ta đi theo tiếng gọi của Chúa hay không?
SUY NIỆM 3: Khao khát lên đường tìm Chúa
Có một thắc mắc mà không biết đến bao giờ mới tìm thấy câu trả lời: ”Có con người ở ngoài trái đất không?”. Và nếu có, các nhà thần học vào cuộc đặt thêm một câu hỏi về tôn giáo: ”Liệu Chúa GiêSu có xuống thế cứu rỗi cho họ không?”. Câu trả lời đúng nhất là: không trả lời bây giờ, vì nó là câu hỏi giả sử, và nếu có, lúc ấy mới trả lời. Nhưng bình thường ra câu trả lời sẽ là: không, vì Chúa chỉ đến cứu chuộc những con người sinh ra từ Adong Eva mà thôi. Điều này được thấy rõ, trong Tin Mừng của lễ Hiển Linh.
Ba Vua là những người ngoại giáo, lại cư ngụ ở những vùng đất xa xôi. Thế mà, lại nhận ra được Đấng Cứu Thế vừa hạ sinh. Trong khi những người Do Thái, một dân tộc con riêng của Chúa, từ vua đến dân, không ai hay biết gì. Thế mới phũ phàng và ê chề. Như vậy ta nhận ra được một chân lý quan trọng này: Thiên Chúa xuống trần là để cứu vớt toàn thể nhân loại, chứ không phải chỉ một dân tộc nào. Cứu vớt hết mọi người không phân biệt màu da, ý thức hệ, chế độ hay chính sách. Bởi tất cả đều là NGƯỜI, mà người, đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng ai là người có thể nhận được ơn cứu độ của Ngài. Thưa:
Thứ nhất: là phải biết khát khao tìm Ngài: Ba nhà đạo sĩ, đó là ba nhà chiêm tinh, luôn ngước cao để tìm sự thật sau cùng, đằng sau những hiện tượng trên trời cao, trong vũ trụ kia. Các ông miệt mài tìm kiếm, với một tấm lòng chân thành và đầy khát vọng, nên các ông đã nhận ra được, dấu chỉ rõ ràng báo hiệu việc Đấng Cứu Thế vừa Giáng Sinh.
Thứ hai: là phải cất bước lên đường: Biết mà cứ ngồi lì ở đó, sẽ không bao giờ có thể gặp gỡ. Phải đứng lên, phải lên đường. ra khỏi chính mình, ra khỏi chỗ ở ấm cúng thân quen! Nghĩa là phải vượt qua những ngại ngùng, những lười biếng, phải biết dấn thân. Không sợ gian khó, hiểm nguy. Và thế là các ông đã gặp đấng Cứu Thế, như lòng mong ước. Hồng ân cứu độ từ Đấng Cứu Thế Hài Nhi tuôn trào xuống cuộc đời của ba người ngoại giáo, nhưng đầy thiện chí. Ối người có đạo, nhìn thấy thế vừa thèm, vừa xấu hổ.
Gợi ý suy niệm
1- Rất chân thành, nhìn lại cõi lòng. Bạn có khát khao đi tìm Đấng cứu độ không?
2- Bạn là người nhút nhát, biếng lười, hay là người mạnh dạn, can trường để đứng dậy lên đường?
(Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên – 01&02/2011’)
SUY NIỆM 4: Lễ vật lòng thành.
Các đạo sĩ là ai?
Các ông là người phương Đông. Người phương Đông không như người phương Tây. Phương Tây tìm Chúa để chiếm hữu Chúa như họ chiếm hữu vùng đất mới sau bao nhiêu cuộc mạo hiểm. Họ chiếm hữu để thỏa mãn lòng tham giàu có, danh vọng. Người Do thái cũng như người phương Tây. Họ cầu mong Đấng Cứu Thế đến để thỏa mãn nguyện vọng bá chủ thiên hạ, làm cho dân Israel chiến thắng vinh quang, cho “Giêrusalem bừng sáng lên, cho nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, cho của cải muôn dân nước sẽ đến với ngươi, cho lạc đà từng đàn che rợp đất từ Madian, Êpha, Saba, hết thảy kéo đến mang theo vàng với trầm hương đổ vào nước ngươi” (Is. 60, 1-6).
Người phương Đông tìm Chúa, không để chiếm hữu Ngài, Ngài là Đấng tối cao, chí linh, chí thánh, vô biên. Họ kính Ngài ngự chốn rất cao xa. “Kính nhi viễn chi”. Họ biết mình thân phận thụ tạo hèn mọn, không dám gần Ngài. Dù là kẻ phàm trần được Ngài cho làm vua, mệnh danh là thiên tử. Họ cũng không dám ngẩng mặt nhìn dung nhan ông vua của họ. Huống chi là Thượng Đế chí tôn. Vậy họ tìm Chúa làm gì? Họ tìm Chúa, thực ra là để tìm thiên mệnh, là thánh ý Chúa. Qua tri thiên mệnh, qua các hiện tượng của trời đất, các tinh tú, thời tiết, qua các tâm hồn thánh nhân, qua cuộc sống của hiền nhân quân tử, và nhất là qua lương tâm trong sáng của lòng họ: “Tri tâm tắc tri thiên” (Mạnh Tử. Tận tâm. Thượng 1). Cho nên, không biết thiên mệnh không đáng làm quân tử: “Bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử” (Luận Ngữ xx. 3). Không biết thánh ý Chúa, không thể làm con Chúa.
Biết thánh ý Chúa là điều quan trọng nhất của người phương Đông để biết phép tắc của trời và sống đúng theo ý trời:
“Thiên hữu hiển đạo, quyết loại duy chương” – Trời có đạo lý rõ ràng, các loài phải thấy rõ mà theo (Kinh Thư. Thái hệ hạ 2).
Khổng Tử sở dĩ trở thành “vạn thế sư biểu” và “Thánh chi thời” là nhờ ông lo tìm biết ý trời mãi tới năm mươi tuổi mới thấu được thiên mệnh, đến sáu mươi tuổi mới thuận theo được ý trời và tới bảy mươi tuổi tâm tưởng hoàn toàn không trái phép trời: “Ngũ thập nhi tri thiên mạng, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” (LN. II, 4).
Chính Hài Nhi Giêsu khi đến thế gian đã thưa với Chúa Cha rằng: “Này con xin đến để làm theo tôn ý Cha”. Lúc lên mười hai tuổi, Người cũng đã thưa với thân mẫu trần gian rằng: “Tại sao tìm con, con phải lo làm việc của Cha con đó” (Lc. 2, 49).
Tri thiên mệnh, làm theo ý Chúa Cha đó là lễ vật lòng thành hoàn hảo nhất mà ba vua đem đến dâng tiến Chúa Giáng Sinh qua ba lễ vật hữu hình: vàng, nhũ hương và mộc dược.
Vàng là kim loại óng ánh, rực rỡ, tinh ròng để trang sức cho trần gian, các ông dâng lên Ngài, làm ngai vàng cho Ngài ngự trị, tôn vinh Ngài làm vua trên hết các vua. Các vua còn muốn nó thay cho lòng mến nồng nhiệt, bền vững nhất gói ghém trọn vẹn cả tâm tư, trí khôn, ý chí, sức lực của chính các ông và muôn dân mà các ông là đại biểu cho họ hôm nay và mãi mãi.
Nhũ hương: một thứ nhựa cây tầm thường, không mùi vị, nhưng khi đốt vào lửa hồng, nó tỏa hương thơm ngào ngạt, bay lên những làn khói trắng nhẹ nhàng. Các ông muốn nó thay cho mọi của cải trần gian từ nay chỉ được dùng tiến dâng tế lễ Ngài, không bao giờ để nó làm tôi đòi cho các thần tượng bất chính. Mọi sự do Ngài dựng nên, trao ban cho loài người, thì phải dùng để tôn thờ Thiên Chúa. Các ông còn ước ao những làn hương thơm đó ôm ấp những lời nguyện hèn mọn của các ông và của hết mọi người ở khắp nơi, bay tỏa lên trước tôn nhan Thiên Chúa, xin Ngài làm cho bao nhiêu nỗi âu lo, buồn phiền cay đắng, nhọc nhằn, khốn cực của nhân loại được trở nên dịu dàng, thơm tho, ngọt ngào trong lửa kính mến Ngài.
Mộc dược là nước lấy từ thứ cây có vị đắng và thơm, để tắm gội, thanh tẩy và ướp xác khi khâm liệm. Ba vua dâng lễ vật này lên Hài Nhi đang nằm trong nơi hôi thối, để cảm tạ Ngài đã hy sinh giáng trần, thí mạng sống lấy máu thịt Ngài ướp lấy mạng sống của các ông và của cả nhân dân thế giới khỏi dòi bọ tội lỗi phá hủy, các ông dâng mộc dược còn tượng trưng sự hy sinh hãm mình của chính các ông đã ra sức thanh tẩy đầu óc mê tín dị đoan của các tà thần dân ngoại. Những cố gắng từ bỏ lối sống ham danh trục lợi, ăn chơi tội lỗi. Đặc biệt các ông dâng lên Ngài lòng biết ơn sâu xa của các ông mà Ngài đã ban cho các ông biết hy sinh lớn lao cho công cuộc nghiên cứu khoa học, tìm tới chân lý, nhất là Ngài đã dạy các ông biết thực thi bác ái, cứu giúp đồng bào.
Đã từ lâu, Chúa Hài Nhi hằng mong chờ lễ vật lòng thành của tôi. Tôi đã có một chút lòng mến óng ánh như vàng, một chút kinh nguyện nồng nàn thâm trầm như hương thơm ngọt ngào, một chút hy sinh cay đắng như mộc dược dâng lên Ngài chưa?
Lạy Chúa, Người là tình yêu, Người yêu con vô bờ, chẳng cần chi thiên phúc, sống thân phận bần cùng đồng hàng với con hèn, cho con được đồng phận thiên phúc của Người. Lạy Chúa, con đền ơn trời biển làm sao? Xin cho con biết hiến dâng cho Người: một con tim nồng ấm dạt dào thương mến như Người, một khối óc cởi mở đón nhận chân lý hằng sống của Người, một thân xác lành mạnh luôn luôn biết phụng sự các chi thể của Người.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. VIKINI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét