Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

10/11 – Thứ bảy. Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.



"Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao của chân thật cho các con".
Thánh Lêô Cả, giáo Hoàng Tiến Sĩ Hội Thánh (400-461)

Thánh Lêô cả có lẽ sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phụ tá của giáo đoàn Rôma. Ðó là một chức vụ quan trọng đại diện Ðức Thánh Cha trong các công việc tài chính... Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.

Công việc chính của ngài là lo tẩy trừ các đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài để ý đến việc gìn giữ Giáo Hội khi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên, ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Ngài có tài hùng biện và ngoại giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại theo đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai họa nữa.

Thêm vào đó, ngài còn lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học. Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại tà thuyết.

Ngài chết ngày 10/11/461, sau gần 22 năm điều khiển Giáo Hội.
LỜI CHÚA: Lc 16, 9-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.

"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được". Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: "Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa".
SUY NIỆM 1: Sử dụng tốt tiền của

Tham nhũng là cám dỗ xưa như cõi lòng tội lỗi của con người. Người tham nhũng là người chỉ nghĩ đến mình, bất chấp thiệt hại có thể gây ra cho người khác. Xúc phạm đến con người, tham nhũng rốt cuộc cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa.

Chính vì tính cách trầm trọng của tham nhũng, nên Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: "Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của", bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng "thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối". Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?". Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?

Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là đển mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. "Không ai có thể làm tôi hai chủ": của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.

Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng ta biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Giáo huấn của Chúa Giêsu

Có thể nói toàn chương thứ 16 Phúc Âm theo thánh Luca qui góp những lời dạy của Chúa Giêsu về việc sử dụng tốt những của cải cũng như về sự nô lệ cho tiền bạc. Ðoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây và muốn suy niệm hôm nay tiếp liền và bổ túc cho những gì Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn về những khách được mời dự tiệc nhưng từ chối không đến, vì lòng họ còn quá bám víu vào những lợi lộc riêng tư.

Chúng ta cũng nên lưu ý nơi đây trước khi suy niệm những lời Phúc Âm trên rằng Chúa Giêsu trình bày giáo huấn của Ngài cho tất cả mọi người, không phân biệt giầu nghèo. Việc sử dụng tốt tiền của hay việc lạm dụng sử dụng xấu tiền của không tùy thuộc vào số lượng ít nhiều, giầu nghèo nhưng tùy thuộc vào chính tâm hồn con người có thái độ như thế nào đối với tiền của. Nói cách khác, mọi người bất luận giàu hay nghèo đều có thể có thái độ sai lạc trước tiền của vật chất. Chúa Giêsu không lên án tiền của từ nơi chính nó nhưng Ngài cảnh tỉnh chúng ta về thái độ phải có trước tiền của. Chúng ta hãy lưu ý đến câu nói của Chúa Giêsu: "Không ai có thể làm tôi cho hai chủ một lượt. Không thể nào phục vụ Chúa và làm tôi cho tiền của". Từ ngữ được dùng trong nguyên văn mà chúng ta dùng từ "làm tôi cho" hay "phục vụ" trong khung cảnh Kinh Thánh, có mang thêm một chút ý nghĩa của hành động phụng vụ tôn thờ. Như vậy, câu nói được hiểu như sau: "Không ai có thể tôn thờ hai chủ được. Các con không thể cúi mình thờ lạy Thiên Chúa và thờ lạy thần tiền tài một lượt được. Con người chúng ta chỉ tôn thờ, chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Ai tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em mình thật sự, thì không thể nào tôn thờ tiền của, đặt tiền của như là mục đích cuối cùng của đời mình". Nếu tiền của không phục vụ cho chúng ta để có được những người bạn mới trong nước Trời, hay nói cách khác, nếu chúng ta không đặt tiền của vào việc phục vụ cho anh chị em thì tiền của sẽ trở nên thần tượng không thể nào dung hòa được với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Ðấng đã nhập thể làm người, sống khó nghèo, đã làm cho chúng con được giàu có sự sống của Chúa.

Xin giúp chúng con sống trung thành với ơn gọi trong cuộc sống hàng ngày, để chúng con đừng rơi vào cám dỗ, thờ lạy tiền của mà bỏ quên Chúa và anh chị em. Xin cho chúng con biết sử dụng đúng tiền của, làm vinh danh Chúa và tạo ra phúc lợi cho anh chị em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét