Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Hàn Mặc Tử – Con người của Nỗi đau, Niềm tin và Tình yêu


Hàn Mặc Tử – Con người của Nỗi đau, Niềm tin và Tình yêu

AP. Mặc Trầm Cung (tổng hợp)

Hôm nay chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày giỗ Nhà Thơ Hàn Mạc Tử, 11 tháng 11 năm 1940 – 11 tháng 11 năm 2010.
Chỉ với 28 tuổi đời, HMT đã để lại cho hậu thế những thi phẩm nổi tiếng bằng những cảm hứng dạt dào của tình thương và niềm tin pha lẫn những niềm khắc khoải của nỗi đau, máu và nước mắt. HMT xứng đáng là một tài năng sáng chói trong Phong Trào Thơ Mới Việt Nam. (1932 – 1945)
Mặc dầu cuộc sống của HMT trên dương thế rất ngắn ngủi, nhưng thưở sanh tiền Hàn Mạc Tử đã phải đối đầu và tôi luyện mình trong nỗi đau khổ cực điểm, nhưng với niềm tin của một người Kitô hữu, HMT đã đón nhận những đau khổ đó trong một niềm tin yêu, phó thác và cậy trông. Trong đau khổ Hàn Mạc Tử đã tìm cho đời mình một hướng đi, một con đường đi vào thế giới của Tình Yêu Vĩnh Cửu.
Người ta nói rằng: “Nếu ngày đó Nguyễn Trọng Trí không có căn bệnh phong cùi thì chúng ta chưa chắc đã có một Hàn Mạc Tử hôm nay”.
Vâng có lẽ là thế, Ki-tô-giáo quan niệm đau thương như một huyền nhiệm, nhưng lại hữu hạn trước Thượng đế huyền nhiệm, vô hạn. Hàn Mạc Tử đã an vui trong đau thương trong một hoàn cảnh mà thể xác lẫn tinh thần rơi vào nỗi cùng cực làm cho chúng ta phải rùng mình. Là một tín hữu, nhờ sức mạnh của niềm tin, HMT luôn luôn là một nghệ sĩ tinh tế đồng thời cũng là một tín hữu lo lắng trong việc phát triển đức tin.
Trong Hàn Mạc Tử có sự giao hoà giữa thi ca – đức tin sung mãn và một tâm hồn niềm nở, tạo ra một nguồn thơ hết sức phong phú, sâu xa. Trong tinh thần Phúc Âm, Hàn Mạc Tử đã sống trọn vẹn đau thương của kiếp người.
Trước hết, HMT đón nhận nó vì đó là phương tiện mà chính Con Thiên Chúa đã đi qua và dùng nó để Cứu Thế, thứ đến để chuẩn bị cho cuộc sống vinh hiển mai sau. HMT đã đáp lại lời mời gọi của TC và tham gia vào cuộc chơi xướng họa, “Trò Chơi Thập Tự”, HMT đã nhập cuộc chơi bằng cả thân xác, khối óc, con tim và cả linh hồn mình, bằng cả con người trọn vẹn và tham gia cuộc chơi cho đến tận cùng.
I. HÀN MẠC TỬ CON NGƯỜI CỦA NỖI ĐAU
“Tôi phải làm gì để được sống đời đời”. Đó là câu hỏi của chàng thanh niên trong Tin Mừng (Mc 10, 17 – 22) Chàng là người đạo đức đã giữ nghiêm túc các giới răn từ hồi còn bé như: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”, nghe những lời chàng nói, Chúa Giêsu chạnh lòng thương và mời gọi chàng tiến thêm một bước nữa để đạt được Nước Thiên Chúa: “Hãy đem bán hết những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta” ( Mc 10, 21 ). Nghe những lời này chàng đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi.
Chàng thiếu sự cảm thông, thiếu sự chia sẻ, thiếu lòng quảng đại, chàng chưa thật sự siêu thoát, lòng chàng còn dính bén đến của cải, chàng muốn đi theo Chúa nhưng lòng chàng đã để cho của cải chế ngự, lôi kéo và bóp nghẹt con tim của chàng, lời mời gọi dấn thân của Thiên Chúa đã bị thất bại nơi tâm hồn chàng và vì ham mê tiền của, nó đã ngăn cản con đường của chàng tiến đến Nước Trời.
Ơn gọi của người Kitô hữu chúng ta là bước theo dấu chân Chúa Giêsu Kitô đã đi, can đảm từ bỏ mọi sự và được mời gọi nên trọn lành như Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời (Mt 5, 48).
Gần 2000 năm sau, vào giữa thế kỷ 20, Thiên Chúa lại mời gọi một chàng thanh niên Việt Nam đang độ tuổi anh hoa phát tiết, tuổi tươi hồng ươm mơ dệt mộng, tuổi rực rỡ bước đường công danh, từ bỏ mọi sự bước theo Ngài. Chàng thanh niên Việt Nam ấy đã can đảm đáp lại lời mời gọi đó để dấn thân vào một cuộc đời mới.
Nhuốm bệnh từ năm 1936, năm hai mươi bốn tuổi. HMT đã đón nhận cuộc thử thách đức tin trong những biến cố bi đát từ một chứng bệnh nan y, bị tước đoạt mọi hy vọng tươi đẹp nhất trong độ tuổi thanh xuân, một thực tại nghiệt ngã báo trước một cái chết đến gần. Bệnh phong ở nửa đầu thế kỷ 20! Chẳng khác gì mấy với bệnh phong thời Cựu Ước và thời Chúa Giêsu, kinh khủng đến nỗi bị coi là dấu hiệu của sự bị kết án và khai trừ.Thêm vào đó còn có thử thách sâu thẳm đối với một người trẻ là ngõ cụt trong tình yêu đôi lứa.
Tuy hết sức đau đớn, đau đớn đến phát điên. Thường ngày những cơn thác loạn nổi dậy, khi nhiều khi ít. Nhưng ngày qua ngày, nỗi đau khổ ấy cấu thành một chất liệu dồi dào cho trí tưởng tượng sáng tạo của chàng. Chàng đã mô tả những đau đớn của thân xác qua những vần thơ:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
(Những giọt lệ)
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bồi hồi ruột gan
(Muôn năm sầu thảm)
Hàn Mạc Tử đã dự phóng sự đau khổ của mình như hình ảnh cứu chuộc của Chúa Giêsu, đã tự gán cho mình vai trò làm Thi Nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười. Hàn Mạc Tử đã nhiệt tình tôn vinh những người đã vác Thập giá theo chân Chúa Giêsu:
Đây, thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt cho cả xuân, xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ
(Nguồn Thơm)
Như lời tâm sự của HMT với Bùi Tuân: “Bao giờ tôi cảm thấy mình đau đớn, trong xác thịt và trong tâm hồn, và nhất là tôi thấy mình bình tĩnh, trong sạch thì mới làm ra những bài thơ đạo hạnh. Không phải lúc nào mình cũng làm được lối thơ ấy.”[i]
Chúa Giêsu đã phán: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu thối đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24).
Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu đứng trước đau khổ con người than trời trách đất, phẫn uất, phản kháng với Thiên Chúa?
HMT đứng trước đau khổ đã khao khát được nên giống Chúa Giêsu trong nghèo hèn, bị cô đơn, bị bỏ rơi, bị sỉ nhục. Làm như thế là ta đang đong cho Chúa những đấu thật đầy và Chúa sẽ trả lại những đấu tràn đầy gấp bội ( Mc 4, 24). Khi biết mình bị bệnh, HMT lập tức tự loại mình khỏi xã hội để khỏi gây hại cho người xung quanh.
Những phút sáng láng như hôm nay,
soi sáng linh hồn tôi, và giải thoát cái “ta” của tôi
ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt…”
(Chơi giữa mùa trăng)
Trong tuyển tập Đau Thương, 48 bài thơ, chúng ta không hề thấy HMT thốt ra một từ nào mang ý nghĩa phiền trách. Chàng đã quảng đại vui nhận mệnh trời. Chàng ra khỏi mình. Chàng không giấu diếm bạo bệnh, không lừa dối người khác để níu kéo cuộc sống thừa dù chỉ thêm chốc lát.
Nói về cuộc vượt thoát của HMT, Nguyễn Mộng Giác viết: “Giêsu Christ đã chịu đau khổ, đã chịu chết để cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. HMT đã chịu đau khổ để hiểu ý nghĩa của đau khổ, từ đó vươn lên cõi đạo.”
Trong tình thế bi đát Chàng đã thị kiến về cái chết của chính mình:
“Một khối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần theo hương khói,
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu ý nhớ, cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn.
(Trường Tương Tư)
II. HÀN MẠC TỬ CON NGƯỜI CỦA NIỀM TIN VÀ TÌNH YÊU
Trong bài “Quan niệm thơ”, HMT viết:
+ “Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một Đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự – Đấng ấy là Đức Chúa Trời. Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng, anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian này, nhưng thi sĩ là người khao khát vô tận, cứ nhất định hưởng cái thơ trên mọi cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ. Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời.”
Dựa vào sự phát triển của bệnh cùi, ta thấy ba giai đoạn tương ứng trong sự nghiệp thi ca của HMT:
1. Giai đoạn tiền bệnh: trước năm 1936 (nghĩa là trước lúc vô bệnh viện Qui Hòa (1937), đánh dấu bằng những tập ” Đường luật” và “Gái Quê” với một giọng trong sáng, nồng thắm, yêu đời cuồng nhiệt, một khí lực phương cương dồi dào tính dục trong lứa tuổi đôi mươi.
2. Giai đoạn bệnh phát lộ: đánh dấu bằng tập thơ “Đau Thương”, “Thơ Điên” nên tiếng thơ thống thiết, cực kỳ bi thảm như một con chim biết rằng mình sắp chết. Thiên kiến của người đời xa lánh mình cộng vào đó sự đau khổ vì tình duyên trắc trở đã làm Hàn Mạc Tử càng đau khổ:
Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh
Hơn hết u buồn của nước mây
Của những tình duyên thường lở dở
Của lời rên xiết gió heo may.
(Sầu Vạn Cổ)
3. Giai đoạn cuối cùng: của Hàn Mạc Tử được định mốc bằng tập thơ “Xuân Như Ý”. Khi ý thức rằng mình không còn hy vọng sống lâu Hàn Mạc Tử càng tìm nguồn giải thoát cho linh hồn khắc khoải qua tôn giáo và những khải thị siêu phàm. Giọng thơ không còn rên rĩ, mà thanh thoát, thăng hoa.
Hàn Mạc Tử đã khẳng định lý tưởng Thiên Chúa giáo trong quá trình sáng tác thi ca của mình:
+ “Đức Chúa Trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “thiên thần” và “loài người”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: “loài thi sĩ”! Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã tạo nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch.” (Thư gửi cho Hoàng Trọng Miên, bạn thân của HMT trong bài Quan niệm về Thơ).
Nhưng theo HMT, thì con người phàm tục thế gian ít khi hiểu được và mang ơn “loài thi sĩ” nếu không nói là vô tình bạc đãi khinh khi.
Bài Thánh Nữ Đồng Trinh trứ danh của Hàn Mạc Tử đã diễn đạt lại ý tứ của kinh Kinh Mừng quen thuộc của người Công giáo với một giọng vô cùng thành khẩn:
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giầu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng hai hàng lệ
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm
(Thánh Nữ Đồng Trinh)
Theo Linh mục Phan Phát Huồn, bài AVE MARIA của Hàn Mạc Tử mà trong đó có các đoạn thơ trên đây đã gây một xúc cảm sâu xa trong tâm hồn người đọc, công giáo hay không công giáo. Đọc bài thơ này người ta liên tưởng tới bài LA VIERGE À MIDI của Paul Claudel, hai bài thơ đều nói về Trinh nữ Maria nhưng hai giọng văn khác hẳn. Đọc lên bài thơ của Claudel ta chia sẻ những tâm tình của một người vô thần sau khi đã quay về với Chúa, tỏ tình rất mực đơn sơ với Trinh Nữ. Đọc lên bài Ave Maria của Hàn Mạc Tử, ta cảm được, ta sờ được, ta thấy được sự cao sang của Trinh Nữ.
Linh mục Phan Phát Huồn nhận định rằng:
Hàn Mạc Tử bằng thi thơ của mình muốn nói lên điều mà ông TIN, điều mà các nhà thần học đã tốn biết bao nhiêu mực, bao nhiêu giấy từ thế kỷ này qua thế kỷ khác nói về sự kiện lịch sử Chúa xuống thế làm người, về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng của Trinh Nữ Maria.” (Đức Tin trong thơ Hàn Mạc Tử – Tựa cho cuốn Hàn Mạc Tử: Đau Khổ và Thơ của Lê văn Lân).
Nhà thơ HMT đã đưa ra lời bình luận có tính chất học thuyết trong một bức thư dài gởi năm 1939 cho Hoàng Trọng Miên, bạn thân của nhà thơ. Văn bản quan trọng này được công bố với nhiều bài văn xuôi khác của nhà thơ. Đây là phần kết:
+ “Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem cái tài năng ra ca ngợi Đấng chí Tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy lại một cách nhãn tiền! Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt: lạc quan và bi quan. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có”.

Hàn Mạc Tử đã sống đạo, chết đạo và sáng tác thơ Đạo một cách tha thiết, là một “nhà thơ Công giáo”, HMT đã sống đức tin một cách mãnh liệt được gói ghém trong thi ca của mình, gói ghém cả trái tim yêu thương trong từng vần thơ, câu chữ. Thơ của Hàn Mạc Tử là một sự cảm nghiệm độc đáo về Đức Tin – Tình Yêu và về Thiên Chúa!
Đọc thơ HMT, người ta thấy trong thơ HMT không hạn hẹp với những gì thuộc thực tại trần gian mà nó mang ý nghĩa niềm tin, tình yêu tôn giáo, thanh thoát, bay xa.  HMT đã có được bước tiến sâu vào đời sống tâm linh không do sáng kiến hay sức riêng của mình nhưng do sức mạnh đào tạo của Thiên Chúa, Đấng ưu ái thanh luyện HMT qua khổ đau thể xác và tinh thần; đồng thời cũng do bởi HMT đã không hề hẹp hòi trước những gọt giũa của Thiên Chúa.
Bệnh hoạn và nghịch cảnh chỉ là những tác nhân duyên khởi đã bức bách thiên tài này sáng tác ra nhiều bài thơ kỳ lạ như những hạt cát khiến những con trai dưới biển sanh ra những hạt trân châu.
Hàn Mạc Tử , cũng như bao thi nhân vĩ đại có điểm độc đáo phi thường là đau khổ không dìm sâu họ xuống bùn đen mà đưa họ lên cao lên cao gần Thiên Chúa. Ở Hàn Mạc Tử, thể xác đau đớn ê chề nhưng linh hồn thì thăng hoa trong sáng nhờ đôi cánh của tôn giáo được chắp vào trí tưởng tượng của thi nhân.
Hàn Mặc Tử, một thi nhân, một nhà thơ Công Giáo, một tâm hồn thấm nhuần Niềm Tin Công Giáo sâu sắc, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện, bằng đời sống nội tâm phong phú thánh thiện, đã khám phá được những chiều kích mới lạ vượt qua những niềm đau bất hạnh mà thi nhân đã trải qua.
Càng đọc các tác phẩm của thi nhân đặc biệt là thi phẩm bất hủ Ave Maria càng đưa chúng ta tới bến bờ huyền nhiệm trong thế giới vô hình. Phải chăng qua đó, thi nhân đã đi tiên phong trong sứ mệnh trình bày một nền Thần học Á Châu dựa trên những suy tư và văn hóa lâu đời của Á Châu.
Ðem tôn giáo vào thơ, lấy nguồn cảm hứng thơ trong tôn giáo phải chăng Hàn Mạc Tử đã đi đúng con đường mà sau này Tông Huấn Giáo Hội Á Châu đã trình bày. Ðây chính là một vinh dự cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì có một người con đã đóng góp và khai phá một con đường mới trong Văn Học Việt Nam.
Linh hồn của con người đau khổ thường bay lên gần Chúa. Đó là tâm trạng của Hàn Mạc Tử trong những ngày cuối cùng bệnh hoạn, khổ đau trong trại cùi Qui Hòa. Hàn Mạc Tử đã thị kiến đến một mùa Xuân Như Ý“Vinh quang Chúa cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Câu thánh vịnh về mùa Giáng Sinh này đã khơi nguồn cho Hàn Mạc Tử:
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
(Nguồn thơm)
Ý thơ của Hàn Mạc Tử trong tập Xuân Như Ý khai triển một cách kỳ diệu vô cùng với một cảm hứng dào dạt:
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm
Câu tán tạ không khen long cả phiếm
Bút Xuân Thu mùa nhạc đến vừa khi
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi :
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc !
(Đêm xuân cầu nguyện)
Qua những áng thơ tuyệt tác của HMT chúng ta cảm nghiệm thấy rằng:

Hàn Mạc Tử: Một linh hồn vượt hẳn cõi nhân gian.

Hàn Mạc Tử: một viên kim cương trong dòng thơ Kitô giáo Việt Nam.

Hàn Mạc Tử một Ki tô hữu đã sống trọn vẹn lý tưởng Thiên Chúa giáo trong thi ca như một bức họa về hình ảnh của Đức Giêsu Kitô trong Nỗi Đau – Niềm Tin vào Tình Yêu của Ơn Cứu Độ.


AP. Mặc Trầm Cung tổng hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét