Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C (Dec. 9th 2012) Đại lượng đón Chúa


Đón tiếp người khác hay tiếp khách là một trong việc chúng ta vẫn thường làm trong đời sống hàng ngày. Điều này xảy ra trong mọi lãnh vực của xã hội từ việc đón tiếp một người thân yêu, một ân nhân hay bằng hữu trong sinh hoạt cá nhân hay gia đình, cho đến việc đón tiếp các bậc vị vọng trong đạo hay ngoài đời trong các đoàn thể xã hội hay tôn giáo, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế. Cách thức chúng ta chuẩn bị để đón tiếp một người tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố người ấy là ai, người ấy liên hệ thế nào với chúng ta, người ấy đã làm gì cho chúng ta, và việc đón tiếp của chúng ta dành cho người ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến liên hệ giữa người ấy và chúng ta.

Một trong những chủ đề nổi bật trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay là lời mời gọi Dân Chúa phải chuẩn bị đón Chúa. Đây cũng là chủ đề then chốt của Mùa Vọng. Thật vậy, ngày xưa Dân Chúa trong Cựu Ước được các ngôn sứ kêu mời để trông mong Đấng Thiên Sai, Đấng nhân danh Chúa sẽ đến để giải phóng họ. Bài đọc một trích sách Ngôn Sứ Barúc nhắc cho chúng ta biết một chân lý thật cảm động: đó là khi mời gọi Dân Chúa chuẩn bị dọn đường mừng đón Chúa nơi Đấng Thiên Sai thì chính Chúa đã thương yêu và dọn đường cho Dân Chúa đi đến vinh quang: “Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây tập họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đưa họ về cho ngươi trong vinh dự như những hoàng tử.

Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang” (Br 5:5-9).

Cũng vậy, trong Thánh Vịnh 125 được trích dẫn để dùng trong phần đáp ca của Phụng Vụ hôm nay, Thánh Vịnh Gia đã diễn tả niềm vui lớn lao của Dân Chúa khi Chúa đưa dẫn họ từ chốn lưu đầy về quê cha đất tổ, đã thay đổi số phận của họ, đã cư xử với họ một cách hết sức quảng đại và đầy tình thương. Câu điệp ca tóm gọn lý do đem lại niềm vui của Dân Chúa như sau: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan” (Tv 125:3).

Chúa Giêsu Kitô-Đấng Cứu Chuộc Nhân Thế mà các tổ phụ và ngôn sứ hàng trông mong -đã đến và hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng việc nhập thể, giáng sinh, cuộc đời rao giảng, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Như vậy, nơi Chúa Kitô lòng thương yêu đại lượng của Thiên Chúa dành cho nhân loại đã được thể hiện cách trọn vẹn. Vì vậy, tin vào lời Chúa hứa ngày nay Hội Thánh tiếp tục nhắc nhở và mời gọi chúng ta phải tha thiết trông mong và nỗ lực chuẩn bị đón Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai trong vinh quang.

Chúng ta phải đón tiếp Chúa Giêsu như thế nào? Người là vị khách cao cả và quyền uy trên mọi vị khách, Đấng hằng thi ân cho chúng ta hơn mọi ân nhân khác, Đấng luôn yêu thương chúng ta hơn mọi người thân yêu khác, và Đấng sẽ có thể làm cho chúng ta những điều tốt lành quý giá hơn cả những gì chúng ta có thể mơ ước và cầu xin!

Chính Thiên Chúa đã giúp chúng ta thực hiện việc đón tiếp Chúa Cứu Thế một cách xứng hợp như lòng Người mong muốn qua ơn gọi và sứ mạng của Thánh Gioan Tiền Hô. Tin Mừng hôm nay tóm gọn ơn gọi và sứ mạng của Gioan bằng những lời sau của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:4-6).

Lời mời gọi chuẩn bị đón Chúa ở đây không gì khác hơn là lời mời gọi sám hối và hoán cải. Lời mời gọi này sẽ được chính Chúa Giêsu lập lại trong lời rao giảng công khai đầu tiên của Người: “Thời kỳ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã đến gần! Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15 ).

Việc hoán cải này được ngôn sứ Isaia diễn tả cách cụ thể bằng những hình ảnh với những ý nghĩa sau:

1. “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” và “đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng” : phải chấm dứt lối sống tà vạy, gian dối, quanh co, hai lòng để sống với lòng đơn sơ ngay thật.

2. “Hãy lấp mọi hố sâu” : phải lấp đầy hố sâu của lòng tham lam bằng tinh thần nghèo khó và chia sẻ; lấp đầy hố sâu của lòng ganh ghét hận thù bằng lòng yêu thương chân thật; lấp đầy hố sâu của thành kiến và chia rẽ bằng tinh thần đối thoại và hiệp nhất.

3. “Hãy bạt mọi núi đồi”: phải bạt mọi núi đồi của tính tự kiêu tự đại và những tham vọng bất chính bằng tinh thần khiêm nhu tự hạ của Chúa Giêsu, để ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.

4. “Con đường gồ ghề hãy san cho bằng”: phải san bằng con đường gồ ghề của ý riêng và lòng tự ái, để ta có thể sống bình an với Thiên Chúa và tha nhân qua việc chuyên chăm thực thi Thánh Ý Chúa với tinh thần xả kỷ vị tha.

Con đường phải sửa chữa ở đây để đón Chúa chính là tâm hồn, con người và cuộc sống của mỗi người chúng ta. Con đường ấy phải được sửa chữa lại theo khuôn mẫu của chính Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên ngôn: “Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống”(Jn 14:6). Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải hoán cải tâm hồn để chúng ta có được nơi mình “tâm tư như đã có nơi Đức Kitô” (Pl 2:5). Đó là con đường duy nhất đưa đến sự sống thần linh của tình yêu và sự thật.

Vì thế, tất cả nỗ lực chuẩn bị đón Chúa phải được thực hiện trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đây chính là lý do khiến Thánh Phaolô trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay đã tha thiết cầu xin cho các tín hữu của người. Thánh nhân viết:

“Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi cầu nguyện cho anh em là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không có gì đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô, anh em được Đức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 4:8-11).

Cũng vậy, một tác giả trong thứ kỷ thứ hai xác quyết rằng lòng yêu thương giúp đỡ tha nhân kèm với tinh thần cầu nguyện hãm mình luôn gắn liền và chiếm chỗ nhất trong việc hoán cải để dọn đường cho Chúa đến: “…bố thí là một cách sám hối rất tốt.

Ăn chay tốt hơn cầu nguyện, nhưng bố thí tốt hơn cả hai. Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi, nhưng lời cầu nguyện phát xuất từ lương tâm ngay lành sẽ giải thoát cho khỏi cái chết. Phúc cho ai được coi là hoàn hảo trong những việc ấy, vì bố thí sẽ làm cho cho gánh tội nhẹ đi” (Kinh Sách Thứ Sáu tuần XXXII thường niên).

Tóm lại, Thiên Chúa đã tỏ ra đại lượng vô cùng trong việc đối xử với chúng ta trong việc đã ban tặng chúng ta Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô. Cũng vậy, Người cũng muốn chúng ta noi gương Người trong việc đại lượng chuẩn bị đón Chúa Giêsu trở lại lần thứ hai qua việc tận tình hoán cải để trở nên giống Chúa Giêsu, bằng cách chuyên chăm cầu nguyện hãm mình và thực thi bác ái với tha nhân. Đó chính là cách chuẩn bị đón Chúa tốt đẹp nhất. Và đó cũng là cách thức để đón nhận niềm vui ơn cứu độ mà Chúa Cứu Thế đã mang lại cho chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết quảng đại và nồng nhiệt trong việc chuẩn bị đón Chúa Giêsu Con Mẹ trở lại trong vinh quang, bằng đời sống chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh xả kỷ và yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.


Lm Phạm Quốc Hưng



SUY NIỆM TIN MỪNG CN II MÙA VỌNG (C )
(Lc 3,1-6) (Lc 3 có 38 câu)

SỰ KHIÊM NHƯỜNG ĐÍCH THỰC

Chương 3 Tin Mừng (Lc 1-6 )hôm nay, giới thiệu Gioan Tẩy giả, sứ giả của Đấng Cứu Thế, được trình bày từ câu 1 – 6. Diễn tả hai ý nghĩa quan trọng:

- Một là : -thời gian và hoàn cảnh lịch sử, địa điểm có thật trong nước Do-thái, những sự kiện ấy chứng minh sự thật về Gioan Tẩy giả, và Gioan Tẩy giả là chứng về Đấng Cứu Thế.
Hai là : - kêu gọi sự sám hối và phép rửa.

Như vậy, khi Đấng Cứu Thế đến là lúc người ta sắp được đón nhận một sự kiện trọng đại từ thời cựu ước. Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu chuộc cho con người. Một tâm trạng háo hức và đón chờ. Đón chờ Đấng cứu chuộc đến bằng một thái độ sám hối.

Vậy sám hối có ý nghĩa gì? Tại sao phải sám hối?

Thưa sám hối là một tâm trạng cần thiết để đón nhận tình thương của Thiên Chúa, vì ơn tha thứ và cứu chuộc của Thiên Chúa không phải là những hình thức bên ngoài, mà là chính nội tâm của con người. Ta thử đặt mình vào hòan cảnh lúc bấy giờ của người Do- thái khi họ sống tâm trạng mong đợi Đấng Cứu Thế. Lúc đầu họ lầm tưởng Gioan Tẩy giả là Đấng Cứu Thế.

Nhưng Gioan Tẩy Gỉa không mạo nhận, vì sao ? Thưa vì ,ông làm chứng cho sự thật, chứ ông không phải là sự thật. Sự thật chính là Đấng Cứu Thế. Như vậy cho thấy sự mong đợi Đấng Cứu Thế đến, của người Do- thái như thế nào? Họ háo hức, chờ mong rất mãnh liệt, nhưng sự chờ mong ấy không bằng nội tâm mà bằng hình thức. Nên chi, khi Gioan Tẩy Gỉa làm phép rửa cho họ, thì họ chen chúc nhau để được làm phép rửa. Phép rửa mà Gioan Tẩy giả làm cho họ, không phải là ơn cứu độ, mà là hình thức để sám hối. Nhưng họ chen chúc nhau để lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả, nhưng ông đã mắng họ:”

Hỡi những loài rắn độc kia, ai chỉ cho các ngươi trốn khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, sắp giáng xuống trên các ngươi vậy?”( c 7). Rõ ràng là họ không ý thức được ơn Cứu Độ. Nhưng sự kêu gọi của Gioan Tẩy giả chính là phải thay đổi nội tâm từ bên trong con người. Nội tâm, bên trong của con người rất đáng sợ vì “ Bên ngoài thì thơn thớt nói cười, nhưng bên trong nham hiểm giết người không đao” hay là “ sông sâu còn có chổ dò, nhưng ai lấy thước mà đó lòng người.”. Nên chi, nội tâm là điều quan trọng, điều mà Thiên Chúa muốn là nội tâm của con người. Đấng Cứu Thế, chính là ơn cứu độ đến, Nhưng Đấng Thiên Sai đến không phải bằng quân đội hùng mạnh, không phải bằng những phương tiện hiện đại của trần thế mà là bằng một sự khiêm nhường rốt cùng, bằng một kiếp người đơn sơ, khiêm hạ.

Như vậy, tiếng kêu trong hoang địa của Gioan Tẩy giả là một phương tức sám hối.Sám hối là một tâm trạng cần thiết để đón chờ Ngôi Hai NhậpThể. Vì nếu con người không có tâm trang đón chờ từ bên trong, thí ơn cứu độ không có ý nghĩa gì. Lúc đó, lãnh nhận phép rửa ở bên ngoài, khác gì hòn đá bị bám bụi, được ta rửa bên ngoài, còn bên trong vẫn là đá. Sự sám hối bắt đầu bằng sự nhận thức khiêm nhường, chỉ có khiêm nhường mới nhìn nhận giá trị đích thực của thân phận con người mà thôi. Vì khiêm nhường càng thẳm sâu, thì đón nhận càng nhiều. Khiêm nhường chính là nhìn nhận sự thật, nhìn thấy đâu là thân phận mỏng giòn, đâu là Thiên Chúa, đâu là nhân thế ?

Như vậy, đón chờ lễ Giáng Sinh của Con Thiên Chúa làm Người, là đón chờ một mầu nhiệm của sự nội tâm ,của sám hối, của tình thương bằng sự khiêm nhường đích thực như Ngôi hai nhập thể và nhập thế, chứ không phải bằng những hình thức bên ngoài.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến và đang đến trong thế gian bằng con đường khiêm hạ và vâng lời. Đó là điều mà Chúa muốn cho chúng con noi theo, xin thương ban cho chúng con biết nhận ra giá trị đích thực của Chúa bằng con đường khiêm tốn và sám hối . Amen./.

09/12/ 2012

P. Trần Đình Phan Tiến (bước theo)



CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
ĐỔI MỚI

Có thể nói, cuộc đời của mỗi người chúng ta được ví như một con đường. Và trên con đường ấy, mỗi người phải tiến về cùng đích của mình. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta biết chọn cho mình đường đi đúng đắn. Cho nên, cuộc sống mỗi người cũng là quyết định của một sự chọn lựa tự do. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta hãy tự quyết định phần rỗi cho chính mình. Ngài là Người Cha đầy yêu thương và cũng ban đủ mọi phương thế để giúp chúng ta chọn lựa con đường đúng đắn nhất để chúng ta có thể trở về với Ngài. Cũng có những chọn lựa thật đúng đắn, khôn ngoan ; nhưng cũng có những chọn lựa lệch lạc, chủ quan dẫn tới những sai lầm, khiến chúng ta ngày càng xa Thiên Chúa, lắm khi trở thành kẻ đối nghịch với Ngài. Vì thế, mỗi năm vào mùa vọng chúng ta luôn được nghe lại lời kêu mời của Thánh Gioan Tẩy Giả là “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” để nhắc nhở chúng ta hãy uốn nắn con đường tâm hồn, cách sống cho thích hợp, để sẵn sàng đón chào ngày Chúa đến.

Chúa muốn chúng ta “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, bởi Ngài không thích và không muốn chúng ta đi trong sự quanh co, sống trong sự lừa đảo và lệch lạc. Thiên Chúa, Ngài muốn con cái của mình luôn sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường dẫn đến sự sống. Gioan Tẩy giả đã dùng lời tiên tri Isaia mà kêu gọi “hãy lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi, nắn lại con đường cong queo, san bằng con đường gồ ghề”. Chúa muốn chúng ta hãy sống trong sự công chính, trong sự thánh thiện và cũng đừng chậm trễ thi hành những giới luật của Chúa, vì “ngày của Chúa đến như kẻ trộm”. Chúa muốn ta sống trong sự trung thực, thẳng thắn.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Chúa đang đến gần và thực sự Ngài đang bên cạnh, ngày đêm chờ đợi sự sám hối, ăn năn của mỗi người chúng ta. Chúa không muốn chúng ta đánh mất cuộc đời mình bằng “sự thiếu hiểu biết”. Chính Ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chỉ mong chúng ta sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường sự thật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết nắn lại cho thẳng những gì đang quanh co của gian dối, lừa đảo; lấp đi mọi hố sâu đam mê, ích kỷ, tham vọng; bạt đi mọi gò nổng kiêu ngạo, tự mãn, để tâm hồn chúng ta thật xứng đáng và bình an đón nhận tin mừng cứu rỗi của Chúa.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” Chúa muốn đến với tất cả chúng ta bằng con đường thẳng, ngắn nhất, bởi con đường mà Ngài giới thiệu và sống chính là con đường của tình yêu, của tha thứ và cứu độ. Chính bản thân Ngài đã không chọn lựa con đường nào ngoài con đường của thí mạng, để làm gương cho tất cả chúng ta. Chính khi yêu thương là lúc chúng ta đang đi đúng con đường của Chúa. Chính khi yêu thương và tha thứ cho anh em, là chúng ta đang đến gần hồng ân cứu rỗi và thuộc trọn về Ngài.

Lời mời gọi “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” đang đặt ra cho chúng ta sự lựa chọn : ưu tiên cho những gì thuộc về Chúa, loại trừ ra khỏi tâm hồn chúng ta sự dối trá, quanh co. Uốn nắn những gì lệch lạc, điều đó luôn đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực hằng ngày để cải thiện cuộc sống, đổi mới cách sống để xứng đáng hơn với tình thương của Chúa. Chúa đã và đang đến thật gần với từng người chúng ta, đừng chậm trễ, đừng ươn hèn trong chính những lẫm lỗi của mình, nhưng can đảm và quảng đại để ngày càng xứng đáng hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Dọn đường cho Chúa bằng cách lấp đầy những thung lũng, bạt những núi cao ấy và sửa lại những con đường quanh co hiện đang ở trong tâm hồn từng người chúng ta. Đó là những trở ngại khiến cho Chúa không đến được với ta. Những trở ngại ấy ở từng người không ai giống ai. Nhưng chắc chắn có chung một điểm : để chuẩn bị một con đường cho Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta không gì khác hơn là chúng ta phải luôn ý thức được tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình để sám hối và thay đổi. Thay đổi cuộc sống, thay đổi lối nhìn, thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta thường nhìn người khác bằng những định kiến, những nhãn hiệu do chính chúng ta tạo nên. Những định kiến đó là những lũng sâu tăm tối, nơi thiếu vắng ánh sáng tình yêu làm chúng ta không thể đến với tha nhân.

Chúng ta thường vô cảm trước những nhu cầu của người khác, nhưng chỉ lo toan tính tìm lợi ích cho bản thân mình. Những toan tính ích kỷ đó, là những khúc quanh co, những mấp mô, lồi lõm của tâm hồn khiến chúng ta không thể mở rộng cõi lòng để cảm nhận và chia sẻ những nhu cầu của người khác.

Chúng ta thường tự mãn về những khả năng và thành quả mình thủ đắc được. Chúng ta luôn xem mình là “trung tâm”, luôn muốn áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình trên người khác nhằm thỏa mãn khát vọng thống trị của bản thân. Những khát vọng đó, là những núi đồi ngạo nghễ của tự cao, tự mãn làm chúng ta không thể khiêm nhường đến với người khác.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Đổi nơi sinh sống thì dễ, nhưng thật khó mà thay đổi lối sống. Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức rằng: con đường sám hối và thay đổi bản thân mỗi ngày chính là con đường xứng đáng để Chúa ngự vào tâm hồn mỗi người chúng ta, để từ đó chúng ta biết từ bỏ những ham muốn ích kỷ của bản thân để có thể nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của người khác và khiêm nhường mở rộng tâm hồn chia sẻ với tha nhân. Amen.

Lm Nguyễn Nguyên .














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét