Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III mùa Thường niên năm A



BÀI ĐỌC I: Is 9, 1-4 (Hr 8, 23b - 9, 3)
"Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại".
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 10-13. 17
"Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ".
TIN MỪNG Mt 4, 12-23
"Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Ca-pharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"

Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
_______________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa.”

Sự kiện Gioan Tẩy Giả bị nộp đã gây chấn động miền Giuđêa và các vùng lân cận, ông bị bắt vì đã dũng cảm can ngăn vua Hêrôđê không được lấy vợ của anh mình. Hành động của ông khiến ai cũng phải khâm phục và ngay chính vua Hêrôđê, mặc dù đã ra lệnh, nhưng cũng tỏ lòng kính trọng và đối xử với ông tử tế. Sở dĩ phải bắt giam vì vua không muốn Gioan gây bất lợi cho mình. Việc bắt giam Gioan cũng đồng nghĩa với Sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế của Gioan đã kết thúc, nó cũng đồng nghĩa luôn với việc kết thúc thời Cựu Ước, vì Gioan là vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước.

Bây giờ bắt đầu thời Tân Ước, với việc Đức Giêsu khởi sự công cuộc loan báo Tin mừng. Tại sao Đức Giêsu phải lui về Galilê? Ngài sợ sự kiện của Gioan ảnh hưởng đến mình chăng? Xin thưa: Không phải, vì lúc này vị thế của Ngài chưa được nhiều người biết đến, Ngài vẫn phải xếp hàng như mọi người để xin Gioan làm phép rửa cho mình. Cụm từ “lui về” ở đây có một ý nghĩa đặc biệt.

Tại sao về Galilê, được gọi là lui về? Vì lúc ấy Đức Giêsu đang ở miền Giuđêa, con sông Jordan, nơi Gioan làm phép rửa, Giuđêa còn là miền núi, nơi có Thành thánh Giêrusalem và Đền thờ Giêrusalam. Như vậy theo nguyên tắc, khi từ thủ đô về Galilêa, ta gọi là “đi ra” hay “lui về”. Đức Giêsu lui về Galilê, vì Ngài chọn Galilê làm nơi hoạt động loan báo Tin mừng.

Như vậy, khởi đầu công cuộc loan báo Tin mừng, Đức Giêsu phải giải quyết các vấn đề sau đây:

1/. CHỌN THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU (lấy thời gian xảy ra sự kiện Gioan bị nộp).
2/. CHỌN ĐỊA ĐIỂM HOẠT ĐỘNG (Carphanaum)
3/. ĐƯA RA SỨ ĐIỆP RAO GIẢNG.
4/. CHỌN NHÂN SỰ (Môn đệ).

Bài Tin mừng hôm nay sẽ giải quyết tất cả các vấn đề trên.

CHỌN ĐỊA ĐIỂM HOẠT ĐỘNG (Carphanaum)

“Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Ca-pharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia”

Về Galilê, Đức Giêsu đến Nadarét, quê hương của Ngài, nhưng Nadarét không được chọn là nơi hoạt động. Luca viết: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4, 24) Không ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình, dường như nó đã trở thành chân lý. Và trên thực tế, ít có ai thành công được bổ nhiệm về nơi mình sinh ra và sống.

“đến ở miền duyên hải, thành Ca-pharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali”, Caphácnaum là một thành phố biên giới, nằm trên đường biên giới của hai quốc gia của Hêrôđê và của Philípphê. Thành phố này có một trạm thu thuế, một đội quân La mã đồn trú. Khác với Nadarét là một thị trấn nhỏ, nằm ẩn khuất sau những đồi núi, Caphácnaum là nơi qua lại và tụ tập nhiều dân, là địa điểm quan trọng trên con đường ven biển nối liền Đamát, cửa vào sa mạc, đến Xêsarê cửa ra biển Địa Trung Hải. Đức Giêsu không dời chỗ mà không có lý do. “Để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: "Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tốt tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi".

Như vậy việc Đức Giêsu chọn Cacpharnaum, sau này Kinh thánh gọi là “Thành của Người” có 02 ý nghĩa:

+ Caphácnaum là nơi thuận tiện cho giao thông. Đây là sự chọn lựa khôn ngoan, vì sau này mỗi phép lạ Ngài làm, đều được mọi người biết đến, và người ta đến với Ngài rất đông vì giao thông thuận tiện.

+ Chọn Caphácnaum, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia. Ứng nghiệm lời ngôn sứ, có nghĩa Đức Giêsu luôn thi hành thánh ý Chúa Cha, Thánh ý đó đã được linh hứng cho các tiên tri và ngôn sứ trong Cựu Ước. Thánh Phaolô trong Thư gửi Tín hữu Do Thái viết: "Lúc vào trần gian, Đức Giêsu đã thưa với Chúa Cha: Chúa không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho Con một thân thể, bấy giờ con nói: Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi thánh ý Ngài" (Dt 10, 5-7) Suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu luôn thực thi Thánh ý Chúa Cha để mọi lời ngôn sứ đều được ứng nghiệm.

Nhưng Isaia đã nói gì về Caphácnaum? Ông chỉ nói, đó là miền đất của dân ngoại! đoàn dân đang ngồi trong cảnh tốt tăm. Đức Giêsu đã bỏ Giêrusalem cùng với sự nguy nga tráng lệ của nó để về miền đất tối tăm như vậy sao! Thảo nào giới lãnh đạo Do Thái Giáo luôn nghi ngờ và coi thường. Đấng Messia phải ở nơi xứng tầm, có đâu lại chọn miền hầu hết là dân ngoại như Capharnaum! Như vậy dưới con mắt nhà lãnh đạo Do Thái khó mà chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.

SỨ ĐIỆP RAO GIẢNG

“Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"

Tại sao Đức Giêsu không rao giảng điều gì khác, và sau này cũng thế, khi Ngài sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, các ông cũng chỉ rao giảng một sứ điệp duy nhất: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”?

Vậy thử hỏi: Sám hối là gì? Và tại sao phải sám hối?

Xin thưa: Sám hối là ý thức mình đang đi lệch đường và quyết tâm quay về đường chính.

Đối với dân Do Thái, họ tin có Thiên Chúa, có luật Môsê mà Thiên Chúa đã trao cho, thì họ có cơ sở để biết mình có đi lệch đường hay không để uốn nắn lại. Còn với dân ngoại, mà vùng này chủ yếu là dân ngoại, họ không tin Thiên Chúa, họ không có luật Môsê thì họ căn cứ vào đâu để biết mình có đi lệch đường? Như vậy, việc Đức Giêsu rao giảng: “Anh em hãy sám hối” có tác dụng đối với họ không?

Xin thưa: Lời kêu gọi “Anh em hãy sám hối”, luôn có giá trị với mọi người và với mọi thời đại. Vì cho dù đối với người không tin có Thiên Chúa, họ vẫn có ý thức rõ rệt, họ vẫn biết: điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên làm, điều gì không. Có người cho rằng, đó là luật Tự nhiên, người khác nói, đó là tiếng nói lương tâm trong nơi sâu thẳm mỗi người. Tiếng nói lương tâm, hay luật Tự nhiên đó do đâu mà có? Xin thưa: Do Thiên Chúa đã khắc sâu vào trong lòng mỗi người khi tạo dựng nên họ.

Con người giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỷ, nên con người được dựng nên để hướng về Chân Thiện Mỹ. Nói một cách khác, cho dù không được nghe rao giảng, cho dù không nhận biết Thiên Chúa, thì từ trong nơi sâu thẳm nhất con người mình, ta luôn hướng về điều thiện, điều chân, điều mỹ, Đó là Luật Tự nhiên.

Tại sao phải sám hối? Xin thưa: “Vì Nước Trời đã đến gần”

Ta để ý cụm từ “đã gần”, từ “đã” chỉ về quá khứ; còn từ “gần” lại chỉ về tương lai. Trong một câu cùng tồn tại ở cả 02 thể: Quá khứ và tương lai. Đây mới là điểm sâu sắc trong trong lời rao giảng của Đức Giêsu.

Nước Trời đã đến gần, có nghĩa Nước Trời đã đến rồi, đến từ khi Đức Giêsu xuống thế làm người, vì Ngài là Con Thiên Chúa, nên nơi nào có Ngài, nơi đó có Nước Trời, như vậy Nước Trời đã đến trong thế gian này. Nhưng Nước Trời như hạt cải, nó nhỏ nhất trong các loại hạt, khi gieo xuống, nó âm thầm phát triển thành một cây cao lớn, như vậy Nước Trời sẽ phát triển và lớn dần theo thời gian và sẽ viên mãn trong Ngày Quang lâm.

CHỌN NHÂN SỰ (Môn đệ).

“Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người.

Đây không phải lần đầu Đức Giêsu gặp 02 anh em: Anrê – Phêrô. Trước đây Anrê và Gioan là môn đệ của Gioan Tẩy giả. Một hôm trong lúc Gioan đang giảng thì thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy Giả liền chỉ tay và nói rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Tò mò và kích thích, Anrê và bạn ông là Gioan đã theo Đức Giêsu đến nơi Ngài ở và ở lại với Ngài ngày hôm đó. Sau đó Anrê về nhà dẫn em mình là Phêrô đến gặp Đức Giêsu. Hai anh em: Anrê – Phêrô lúc này chưa dứt khoát đi theo. Họ về lại nơi mình ở và tiếp tục nghề chài lưới.

Hôm nay, không phải 02 anh em đi tìm Đức Giêsu như lần trước mà chính Ngài đi tìm các ông và tìm các ông trong lúc đang quăng chài xuống biển, để sau này Đức Giêsu có thể nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại” (Ga 15, 16)

Ta để ý cụm từ “đang thả lưới xuống biển”, có nghĩa Đức Giêsu chọn 02 ông trong lúc đang làm việc, chứ không phải lúc nghỉ ngơi. Nó có ý nghĩa rất đặc biệt, khi được kêu gọi trở thành kẻ chài lưới người, các ông vẫn trong tư thế làm việc, chỉ có điều chuyển từ chài lưới cá thành chài lưới người, mà trong dụ ngôn Nước Trời, Đức Giêsu đã ví Nước Trời giống như mẻ cá đầy, mẻ cá do các môn đệ đánh được.

Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Đây là lời mời gọi chính thức của Đức Giêsu.

“Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người.”

Ta để ý cụm từ “lập tức”, có nghĩa phản ứng của 02 ông thật chớp nhoáng và dứt khoát, lập tức, có nghĩa không có một khoảng thời gian trống, khoảng trống cho sự đắn đo, cân nhắc. Ở đây có một sự liên tục thật kỳ lạ. Đức Giêsu vừa nói dứt câu, các ông liền đi theo Ngài. Ta nên nhớ, các ông đang quăng lưới bắt cá khi Đức Giêsu gọi, như vậy “lập tức” cũng đồng nghĩa với việc vứt bỏ tất cả, đoạn tuyệt với nghề chài lưới ngay lập tức.

“Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.”

“Đi xa hơn một chút nữa”, có nghĩa hai anh em con ông Dêbêđê cũng là ngư phủ và đang có mặt tại biển hồ Galilê. Đặc biệt có thêm sự xuất hiện của ông Dêbêđê. Ơn gọi của hai ông cũng giống Anrê và Phêrô, thiết tưởng không cần phân tích. Nhưng ở đây có một điểm ta cần chú ý.

Hai anh em Giacôbê và Gioan cũng mau mắn đáp trả lời mời mọi của Đức Giêsu giống như trên, hai ông đã từ bỏ tất cả, song ở đây ta phải xét đến hai ông đã bỏ lại cha già của mình để đi theo Đức Giêsu. Bỏ thuyền, bỏ lưới,... là bỏ những gì vật chất, nghề nghiệp nó còn dễ hiểu, nhưng bỏ cha già thật không dễ chút nào.

Như vậy ta mới thấy, đứng trước lời mời gọi của Đức Giêsu, con người phải có thái độ dứt khoát và quyết liệt. Bây giờ ta mới thấm thía đòi hỏi của Đức Giêsu: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10, 37-39).

TÓM TẮT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

“Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.”

Theo Matthêu mô tả, Chương trình hành động của Đức Giêsu gồm 03 việc:

- Giảng dạy trong các hội đường.
- Rao giảng Tin mừng.
- Chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Thực ra ta có thể tóm lại 02, vì 02 việc đầu có thể gom thành một:

- Giảng dạy.
- Chữa bệnh.

Đức Giêsu chủ yếu dùng hội đường của người Do Thái để rao giảng Tin mừng, vì vào thời đó, toàn nước Do Thái chỉ có 01 nơi thờ phưọng duy nhất, đó là Đền thờ Giêrusalem. Các tín hữu đến Đền thờ trong các ngày lễ quy định. Còn ở khắp nơi, người ta dựng lên các hội đường, để vào các ngày Sabath, người Do Thái sẽ tụ tập về đây nghe Kinh thánh, sau đó giảng giải Kinh thánh. Mọi người nam từ 12 tuổi trở lên, gọi là tuổi thành nhân, có thể đứng lên giảng giải Kinh thánh cho mọi người, nếu có khả năng. Giảng giải Kinh thánh không nhất thiết phải là Kinh sư hay luật sĩ. Chính vì vậy, cứ mỗi tuần vào ngày Sabath Đức Giêsu lại đến hội đường để giải thích Kinh thánh, rao giảng Tin mừng.

Ngoài việc rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu cũng chú trọng đến việc chữa bệnh cho tất cả những ai đến với Ngài. Matthêu rất sâu sắc khi nói: “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.” Có nghĩa không một bệnh nào Ngài không chữa lành. Điều này nói lên quyền năng của Thiên Chúa, xác nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Đồng thời cũng nói lên Tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét