Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH.



 Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.


"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu -(1873-1897)

Thánh Têrêsa chào đời ngày 02/01/1873 tại Alancon nước Pháp. Song thân là cụ Louis Martin và bà Maria Guérin. Khi Têrêsa chưa tròn 4 tuổi, bà Guérin đã vội ra đi để lại một tang buồn cho gia đình, nhất là đối với Têrêsa.

Thánh nữ được cha già và các chị dìu dắt trên đường đạo đức và ngài tiến triển rất mau. Năm 10 tuổi, Têrêsa rước lễ vỡ lòng và chịu phép Thêm Sức. Cùng năm đó, ngài bị một cơn bệnh trầm trọng và được Ðức Mẹ chữa khỏi một cách lạ lùng.

Lễ sinh nhật 1887, ngài quyết định đi theo tiếng Chúa gọi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng ban đặc ân nhận vào dòng Kín khi mới 15 tuổi. Ở đây, thánh nữ chăm chú cầu nguyện, nung đốt lửa mến Chúa và giúp đỡ chị em trong nhà. Những nhân đức nổi bật nhất nơi thánh nữ là lòng đơn sơ phó thác vào Chúa, bác ái với mọi người và yêu mến các linh hồn. Với sự hy sinh chịu đựng, ngài chu toàn bổn phận và được chị Pauline khuyến khích ghi lại cuốn “Một tâm hồn”.

Ngày 14/6/1895, thánh nữ cảm thấy vết thương tình yêu mở lớn trong khi viếng Ðàng Thánh Giá. Ngày 08/7/1897, thánh nữ lâm bệnh nặng và ngày 01/10/1897, sau khi lãnh của ăn đàng, thánh nữ đã trút hơi thở sau cùng.

Năm 1925, Ðức Thánh Cha Piô XI đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh và đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo. Ngày lễ kính thánh Têrêsa, chúng ta hãy xin Chúa, qua lời cầu bàu của thánh nữ, cho chúng ta luôn chấp nhận sự đau khổ Chúa gửi trong tinh thần đơn sơ và phó thác.

Nhìn vào cuộc đời của thánh nữ Têrêsa, chúng ta không thấy được những hành động to tát hay những mẫu gương sáng chói. Con đường thánh nữ đã đi là con đường ấy thơ, ngập tràn những bông hoa của tin yêu và phó thác. Thánh nữ luôn sống dưới cái nhìn trìu mến của Thiên Chúa và cố gắng chu toàn những bổn phận tầm thường, những công việc không tên của một nữ tu dòng kín.

Vậy tại sao Giáo hội lại tôn kính thánh nữ như một bậc đại thánh và đặt thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo?

Thực vậy, với hai mươi bốn tuổi đời, không bước chân ra khỏi những bức tường của tu viện, không bôn ba nơi những vùng đát xa lạ để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại, như thánh Phanxicô Xaviê, người đã hiến trọn cuộc đời cho những hành trình truyền giáo, từ Nhật Bản cho tới Ấn Độ, thế nhưng Têrêsa đã được đạt ngang hàng với Phanxicô. Sở dĩ như vậy là vì Giáo hội đã thực sự nhìn thấy giá trị tuyệt vời của con đường thánh nữ đã đi, của phương thế thánh nữ đã dùng để dẫn đưa các linh hồn trở về cùng Thiên Chúa.

Vậy con đường ấy, phương thế ấy là gì?

Trước khi đề cập tới con đường và phương thế truyền giáo của thánh nữ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về bổn phận tông đồ của mỗi người chúng ta.

Phúc Âm kể lại: ngày kia, khi đi ngang qua một cánh đồng, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn những bông lúa vàng và nói với các môn đệ:

- Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa về.

Rồi trước khi về trời, Ngài đã chính thức trao cho các ông sứ mệnh lên đường truyền giáo:

- Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mơ ước của Ngài là mơ ước của một ngọn lửa. Thực vậy. Ngọn lửa thì nhỏ bé, nhưng mơ ước của nó thật lớn lao vì nó muốn thiêu đốt tất cả. Chúa Giêsu cũng muốn mọi người nhận biết Ngài để rồi qui tụ về với Ngài, hầu chỉ còn một đàn chiên và một chủ chiên.

Vì thế, bổn phận truyền giáo không phải chỉ là một bổn phận dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, nhưng còn phải là một bổn phận chung của hết mọi người tín hữu chúng ta. Bởi vì một khi đã sống trong lòng Giáo hội, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho Giáo hội được lớn mạnh, được phát triển không ngừng. Một khi đã là con cái Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải làm cho mọi người nhận biết Ngài.

Để chu toàn bổn phận và trách nhiệm này, chúng ta có thể dùng lời nói để rao giảng Tin mừng như các thánh tông đồ và như các vị thừa sai. Tuy nhiên, đây không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa, bởi vì thánh nữ luôn sống trong khuôn viên nhà dòng.

Chúng ta có thể dùng việc làm, dùng đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa. Và đây phải là phương pháp của mổi người chúng ta, bởi vì sống giữa lòng cuộc đời, chúng ta phải trở nên như ánh sáng trong đêm tối, như men trong bột và như muối trong thức ăn. Tuy nhiên, đây cũng không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa.

Phương thế chính yếu thánh nữ đã sử dụng đó là cầu nguyện và hy sinh.

Thực vậy, ngay từ hồi còn tấm bé, thánh nữ đã muốn vào dòng kín để chịu đau khổ và cầu nguyện cho Giáo hội, cho các linh mục, cho các thừa vị sai và cho các linh hồn.

Trong cuốn tự thuật mang tựa đề “Chuyện một tâm hồn”, thánh nữ đã ghi lại ước vọng sâu xa muốn được sang sống tại nhà kín Hà Nội, một xứ truyền giáo đầy triển vọng. Có lẽ vì thế mà chúng ta, những tín hữu Việt Nam, đã dành cho thánh nữ những tình cảm đặc biệt?

Lời cầu nguyện và những hy sinh của thánh nhân là như một sự yểm trợ rất cần thiết cho những hoạt động tông đồ gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Mừng kính thánh nữ Têrêsa, chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta đã làm được những gì để cứu vớt các linh hồn, cũng như để góp phần nhỏ bé vào công cuộc truyền bá đức tin của Giáo hội?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét