Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Thứ hai 10/12/2012 – Thứ hai tuần 2 Mùa Vọng – Chữa người bất toại, Quyền tha tội.

"Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng".

LỜI CHÚA: Lc 5, 17-26

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: "Các tội của ngươi đã được tha", hay nói: "Ngươi hãy đứng dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà".

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".
SUY NIỆM 1: Chữa người bất toại, Quyền tha tội.

Một buổi sáng tháng 7/1971, tại một thành phố bên Hoa kỳ, một người đàn ông đã đến nộp mình tại một trạm cảnh sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống. Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng. Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm, tôi cảm thấy như được tái sinh”.

Những câu chuyện nộp mình và thú nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Riêng với người Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về nghĩa vụ này lại càng tha thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội khẩn khoản kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng sinh, Chúa của Hòa bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an trong tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta?

Có lẽ, vì muốn nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của Bí tích giao hòa, mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe việc Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. “Này anh, tôi anh đã được tha rồi”. Lời khẳng quyết của Chúa Giêsu với người bất toại cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của niềm tin được tuyên xưng bởi chính miệng anh và đám đông khiêng anh đến trước mặt Chúa. Thật thế, tuyên xưng niềm tin trước tiên là nhìn nhận thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Ngày nay, nhiều người đã có lý để liên kết cơn khủng hoảng đức tin với việc đánh mất ý thức tội lỗi. Quả thực khi con người không còn ý thức về tội lỗi nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là trong sâu thẳm của tâm hồn, con người cũng không còn cảm nhận được mối liên kết của mình với Thiên Chúa nữa. Đánh mất ý thức về tội lỗi cũng có nghĩa là gạt bỏ Thiên Chúa và chối bỏ những giá trị siêu việt trong cuộc sống.

Tuyên xưng đức tin không những là nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, nhưng còn là nhìn nhận quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa Đấng tạo dựng con người mới có thể tái tạo, nghĩa là tha thứ cho con người. Tha thứ đối với con người là tái lập một quan hệ đã bị phá vỡ. Còn đối với Thiên Chúa, tha thứ chính là tái tạo, là ban lại một sức sống mới đã bị đánh mất. Quyền năng tái tạo ấy của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện qua các phép lạ của Ngài, nhất là các phép lạ chữa bệnh tật con người. Qua các phép lạ ấy, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ cho con người, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tái tạo con người. Đó là lý do tại sao trong phép lạ chữa người bất toại, Ngài đã nói đến hành động tha thứ của Thiên Chúa.

Được Thiên Chúa tha thứ, được Thiên Chúa cứu rỗi, được Thiên Chúa tái tạo để biến thành một tạo vật mới, đó là sứ điệp quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã mang đến cho con người. Ngày nay, qua Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng không ngừng nói với chúng ta sứ điệp ấy. Qua Giáo Hội, Ngài không ngừng nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với các bệnh nhân và những người tội lỗi đương thời của Ngài: “Hãy can đảm lên, tôi con đã được tha”. “Ta cũng không kết án con”.

Mùa Vọng, tâm hồn chúng ta cảm thấy rạo rực hân hoan vì bầu khí chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh. Những chuẩn bị bên ngoài là cần thiết để gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu đã Giáng sinh là để chúng ta được sinh lại, được tái sinh. Chúng ta cần được Ngài tha thứ và tái tạo, do đó không có chuẩn bị nào cần thiết hơn là đến với Ngài trong Bí tích giải tội để được ơn tha thứ. Vào cuối đời, Đức Gioan XXIII đã ghi lại trong nhật ký của Ngài: “Có hai ngõ dẫn chúng ta vào thiên đàng: một là tấm lòng trong sạch, hai là sự thống hối. Là những con người yếu đuối mỏng dòn, không ai trong chúng ta dám nghĩ đến ngõ thứ nhất, tuy nhiên chúng ta có thể tin chắc vào ngõ thứ hai, Chúa Giêsu đã đi qua ngõ ấy”. Ngài đã mang lấy Thập giá để đền bù tội lỗi chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Nhưng theo Ngài cũng có nghĩa là sám hối, chấp nhận mỗi ngày cần được thanh tẩy thêm.

Ước gì Bí tích giải tội mà chúng ta sốt sắng lãnh nhận trong mùa vọng này đem lại cho chúng ta bình an đích thực, bình an mà các Thiên thần loan báo trong đêm Giáng sinh:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Đấng có quyền tha tội
Có một câu truyện kể về một chiếc bè trôi lềnh bềnh nhiều ngày đêm trên vùng biển Nam Mỹ. Những người trên bè loay hoay mãi, nhưng không có cách nào đưa được bè vào bờ. Lương khô dự trữ còn có thể cầm cự được ít lâu, nhưng nước ngọt dù được sử dụng hết sức tiết kiệm đã cạn đến giọt cuối cùng, và kết cuộc bi thảm đã xảy ra: tất cả các nạn nhân trên bè bị kiệt lực và chết rũ vì khát. Chết trong bất lực và tuyệt vọng, nhưng điều vô cùng trớ trêu là không một ai trong họ có thể ngờ rằng mình đã chết khát trên chính dòng nước ngọt. Số là vì dòng sông Amazone tống ra biển với lực chảy mạnh đến nỗi chỗ cách xa cửa biển nhiều dặm ngoài khơi, nước vẫn còn là nước ngọt, và đây là chỗ chiếc bè bất hạnh đã trôi nổi và những người bất hạnh chết khát vì không biết dưới bè của mình có dòng nước ngọt.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự kiện dân chúng từ các làng mạc xứ Galilê, Giuđêa và Giêrusalem tuốn đến nghe Chúa Giêsu giảng; và Chúa Giêsu đã dùng quyền lực Thiên Chúa mà chữa lành bệnh tật của nhiều người. Người ta khiêng đến cho Ngài một người bất toại, vì không tìm được lối vào, họ đã trèo lên sân thượng, rồi thòng giây đặt người đó trước mặt cử tọa và trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với bệnh nhân: “Tội con đã được tha” và Chúa đã chữa anh lành cả hồn lẫn xác.

Phần chúng ta, chúng ta có tìm cách tiếp xúc với Chúa không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét