Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012
Ðường Ðến Vinh Quang. 25/10 – Thứ năm tuần 29 Thường Niên
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
LỜI CHÚA: Lc 12, 49-53
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".SUY NIỆM 1: Ðường Ðến Vinh Quang
Bình an chỉ có thể đạt được bằng giá của chiến đấu liên lỉ chống lại tư lợi và khuynh hướng xấu trong con người. “Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”. Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi.
Vai trò của các vua chúa trong Cựu Ước là võ trang và chuẩn bị chiến tranh. Chúa Kitô cũng được gọi là Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài, không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.
Thật ra, thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Chúng ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Khôn Ngoan Của Tin Mừng
Mới thoáng nghe những gì Chúa Giêsu nói, chúng ta cảm thấy khó chịu và có lẽ nhiều người và có lẽ nhiều người nghe Chúa Giêsu cũng cảm thấy khó chịu như chúng ta. Thế nhưng thực tế là như vậy. Sự lựa chọn quyết liệt để sống và trung thành với giáo huấn của Tin Mừng sẽ gây khá nhiều những mâu thuẫn giữa những người thân thương trong gia đình và cả với những người chung quanh của chúng ta nữa. Lý do là vì khôn ngoan theo Tin Mừng khác với khôn ngoan theo tinh thần của thế tục. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta không biết thế nào là khôn ngoan theo tinh thần thế tục.
Thiên Chúa muốn chúng ta khôn ngoan lựa chọn quyết liệt để sống theo khôn ngoan của Tin Mừng, vì Chúa cho lửa tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau được bùng lên và bốc cao trên mặt đất này vì đó là cách để Ngài dẫn chúng ta về với Chúa Cha, khi đã tập cho chúng ta biết yêu nhau như con cái của Thiên Chúa.
Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con.
Hơn bao giờ hết trong lúc này, chúng con mới nhận thấy được rõ ràng thế nào là khôn ngoan theo Tin Mừng và thế nào là khôn ngoan theo thế tục. Chỉ tiếc có một điều là chúng con vẫn chưa đủ can đảm để cộng tác với Chúa Giêsu, Con Cha khởi lên. Chúng con yếu đuối quá.
Lạy Cha,
Xin Cha ban cho chúng con Thánh Thần của Cha, để chúng con cố gắng can đảm loại bỏ những khôn ngoan thế tục, dù có bị chính những người thân yêu của chúng con phản đối hay ghét bỏ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Trị Bệnh Bằng Tình Yêu
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong chi lửa ấy đã bùng lên, Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc. 12, 49-50)
Sự dữ, sự xấu là con bệnh ung thư xâm nhập càng ngày càng sâu vào con tim nhân loại, đến một mức độ nó bắt con người phải nô lệ và làm đen tối mọi khả năng con người. Tâm lý học chiều sâu đã chứng minh điều đó. Trước nhà tâm lý trị liệu Freud rất xa, Thiên Chúa biết tận đáy những con tim. Chỉ có tình yêu của Ngài mới có thể giải phóng những ràng buộc của sự dữ. Theo thánh ý Ngài, Đức Giêsu đã đến bộc lộ tình yêu của Thiên Chúa cho thế nhân. Sự cứng lòng từ chối của dân Do thái đối với lời Ngài càng ngày càng thấy phải chữa trị tận căn cho nhân loại.
Thanh tẩy sự dữ:
Những ngôn sứ đã tiên báo cho dân Ít-ra-en rằng Thiên Chúa sẽ đến đòi nợ của Ngài trong cơn giận bừng bừng lửa cháy. Nhưng Đức Giêsu đã từ chối không trưng dẫn lời ấy của ngôn sứ I-sai-a nói về ngày báo oán. Người chỉ đến trong tình yêu, không phải để tiêu hủy, nhưng để chữa lành nhờ tình yêu. Người đem lửa đến mặt đất để thanh tẩy, thổi nóng con tim sôi lên làm cho những vi khuẩn nhơ bẩn không còn nữa. Trước sự bành trướng của sự dữ, sự xấu đang vây bọc con tim nhân thế, Đức Giêsu khắc khoải mong ước cho lửa ấy cháy lên, mong ước cho sứ mệnh cứu thế và giải phóng của Người sớm hoàn thành.
Đó là phép rửa Đức Giêsu phải chịu trong đau khổ để mở ra con đường giải thoát tội lỗi và tiếp tế ơn tha thứ. Đó chính là lửa Thánh Thần được Đức Giêsu đem đến thấu tận con tim nhân loại, như gươm hai lưỡi đâm chia rẽ ra hồn với xác, tinh thần với vật chất, đã luôn luôn gây cấn với nhau, như con trai với cha nó, như con gái với mẹ nó, như mẹ chồng với nàng dâu, mới mong chữa trị khỏi cơn bệnh ung thư cho loài người để được sống mạnh mẽ dồi dào.
Sự phân chia này là một vết mổ tận căn ở thân xác gia đình con người. Ai tuân phục lời Chúa và Thánh Thần phải cam kết theo Đức Kitô và cắt đứt những mối dây liên lạc đó, dù là thứ yêu quý nhất, chặt chẽ nhất, vì những thứ dây này kéo ghì họ lại với thế gian. Như thế, họ sẽ thấy hòa bình của Đấng cứu thế rất khác với thứ yên ổn dễ đổ vỡ của thế gian hay của cái chết. “Đối với các ngươi, kẻ kính sợ danh thánh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên chiếu ánh sáng đến chữa lành các ngươi” (Ml. 3, 20). Mặt trời công chính này chính là Đức Kitô đã yêu thương hy sinh chịu chết để chữa lành tận căn con bệnh của nhân thế.
RC.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét