Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

01/12 – Thứ bảy đầu tháng. Tuần 34 Thường Niên. "Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến".


LỜI CHÚA: Lc 21, 34-36

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

SUY NIỆM 1: Tỉnh thức cầu nguyện

Kết thúc diễn từ về ngày tận thế, Chúa Giêsu đưa ra hai thái độ sống cụ thể trong khi chờ ngày của Chúa. Thứ nhất là thái độ sống thanh thoát: "Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con, vì ngày ấy sẽ ập tới mọi dân cư trên khắp mặt đất". Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, qua lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

Ðể khỏi rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị trong ngày của Chúa, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện tiên quyết, đó là tỉnh thức và cầu nguyện: "Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người". Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Ðồng thời, cầu nguyện là nhận biết mình yếu đuối và cậy trông vào ơn Chúa. Nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa.

Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù tịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Nền văn hóa của sự chết

Hòa Lan đã dấn sâu hơn vào nền văn hóa của sự chết. Ngày 28/11/2000, quốc hội Hòa Lan đã chính thức thông qua luật mới cho phép các bác sĩ được trợ giúp những bệnh nhân nan y tự tử. Với luật này, Hòa Lan là nước đi tiên phong trong nền văn hóa của sự chết, tuy chưa chính thức ban hành luật cho phép các bác sĩ trợ giúp những bệnh nhân nan y tự tử.

Ngày nay, nhiều nước công nghiệp tiên tiến cũng đang ngày càng bị nhận chìm trong điều thường được gọi là văn hóa của sự chết. Trong khuôn khổ của ngày Năm Thánh dành cho các giáo dân tham gia truyền giáo diễn ra tại Vatican vào tháng 12/2000, một hội nghị về những khó khăn trong cuộc sống chứng nhân giữa đời đã được tổ chức. Nhân dịp này, bà Mêrian Clindon, giáo sư luật học tại đại học Harvard, Hoa Kỳ, và từng được cử làm trưởng đoàn Toà Thánh tham dự diễn đàn phụ nữ tại Bắc Kinh vào năm 1995, đã trình bày cho hội nghị về nền văn hóa chết chóc đang lan rộng trong xã hội Hoa Kỳ. Bà Clindon nói rằng một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất trong nền văn hóa sự chết là con người không còn màng đến các giá trị đạo đức nữa. Quan hệ gia đình ngày càng mong manh. Tình mẫu tử bị khinh miệt. Trẻ con dành ít giờ cho cha mẹ và anh chị em hơn là màn ảnh truyền hình. So với đám đông thầm lặng, nền văn hóa sự chết lại được thịnh hành hơn trong những thành phần ưu tú và lãnh đạo trong xã hội.

Ðặc trưng của nền văn hóa của sự chết ấy là sự phát triển tràn lan của chủ nghĩa duy vật, duy hưởng thụ, duy khoái lạc và tục hóa.

Tựu trung, luật cho phép các bác sĩ trợ giúp những bệnh nhân nan y tự tử là thể hiện cuối cùng của trào lưu khước từ sự sống, chối bỏ ý nghĩa của sự sống. Thật thế, sở dĩ con người có ý tìm đến cái chết là bởi vì họ không còn nhìn thấy giá trị và ý nghĩa của sự sống nữa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Ngài hãy tỉnh thức để không chạy theo nền văn hoá của sự chết ấy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu được đưa ra liền sau khi Ngài loan báo về ngày tận thế. Chúa Giêsu loan báo về ngày thế tận không phải để đe dọa con người, mà trái lại mời gọi con người mặc lấy thái độ tỉnh thức và tin tưởng phó thác. Ngày thế tận không phải là một biến cố khiến cho con người phải sợ hãi hay thất vọng, mà trái lại là điểm đến tất yếu của lịch sử. Ngày thế tận không phải là tận cùng của lịch sử. Trong ý nghĩa toàn bộ của lịch sử ấy, cuộc sống con người có ý nghĩa và mọi biến cố trong cuộc sống con người đều có ý nghĩa. Niềm vui, nỗi khổ, thành công, thất bại, giàu sang, nghèo hèn, sức khỏe, bệnh tật, tất cả đều có ý nghĩa và giá trị của nó. Nhận ra ý nghĩa của tất cả mọi sự trong cuộc sống, cũng có nghĩa là tuyên xưng rằng Chúa là Chúa tể của lịch sử, và như vậy, thái độ phù hợp nhất là sống mọi biến cố với tâm tình thương yêu và phó thác. Trong một xã hội chối bỏ mọi giá trị đạo đức, cuộc sống con người có niềm tin phải là một chứng tá về những giá trị vĩnh cửu. Trong một xã hội thiếu niềm tin, cuộc sống của người tín hữu phải là một ngọn đèn pha mang lại tia sáng của tin yêu và hy vọng. Trong một xã hội vắng bóng tình yêu, cuộc sống của người môn đệ Chúa Kitô phải chiếu ngời hân hoan và quảng đại. Ðó là thách đố đang được đặt ra cho chúng ta hôm nay.

Nguyện xin Chúa củng cố niềm hy vọng của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét