Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Thấy vậy mà không phải vậy


Thấy vậy mà không phải vậy
Chiên Già
Thêm chú thích


WGPSG -- “Sách giáo lý mà cũng sai chính tả!”, cô cháu gái học lớp 6 khẳng định chắc nịch làm tôi giật cả mình!

Ngay lập tức trong đầu tôi chuẩn bị sẵn sàng lý do khả dĩ có thể bào chữa cho việc sách giáo lý mà bị sai chính tả: có thể do người đánh máy, sắp chữ vội vã và bất cẩn nên sai lỗi!

Nhưng mà này, trước khi bào chữa thì phải biết là sách sai như thế nào đã chứ! May quá mình dừng lại kịp thời việc bảo vệ tính “bất khả lầm” của sách giáo lý (hihihi), ôn tồn cất tiếng hỏi: “Cháu thấy sách giáo lý cháu đang học sai ở chỗ nào?”

Được quan tâm, cô cháu bé bỏng hớn hở, dõng dạc từng tiếng một: “Chú xem nè, bài giáo lý này nói về Giáo hội Công giáo vừa hữu hình vừa có phẩm trật.”

Nghe tới đây, tôi lại ngạc nhiên hơn nữa, sách nói vậy thì có gì sai nhỉ?! Vội hỏi: “Cháu nói sai, nhưng sai ở chỗ nào?”

Đến lượt cô cháu tròn xoe mắt ngạc nhiên, “Chú mà cũng chưa nhận ra lỗi chính tả ở câu này ư? Đáng lẽ phải viết là phẩm chất, thì sách lại ghi nhầm là phẩm trật!” Nói xong, mặt nó hếch lên trời, dương dương tự đắc trước phát hiện “động trời” của bản thân. Nhìn vẻ mặt vênh vênh tự đắc đến mắc cười của cháu, tôi muốn phì cười mà chẳng dám (kẻo làm nó giận là hết đối thoại liền, hihihi).

Hóa ra là vậy, với kiến thức của một đứa trẻ mới lên lớp 6, cháu chỉ biết và chỉ gặp hai từ “phẩm chất” mà chưa hề được nghe nói về “phẩm trật”. Tôi lại được dịp khoe kiến thức “thông kim bác cổ” của mình, giải thích cặn kẽ ý nghĩa của hai từ phẩm trật. Cô cháu nhỏ cứ há mồm, đón lấy từng lời của chú, tròn xoe mắt “không ngờ chú mình giỏi thật!”

Kết thúc bài diễn giảng, tôi không nhắm đến sự nhầm lẫn kiến thức nơi “một phát hiện lớn lao” của cô cháu, mà chỉ lưu ý cô bé ở việc nhận định và đưa ra kết luận một vấn đề: Cô bé đã quá tin tưởng vào kiến thức và hiểu biết của bản thân mà khẳng định chắc nịch, kết án ngay lập tức – sách giáo lý sai chính tả!

Tôi từ tốn khuyên cô bé: Trước tiên, việc đọc kỹ bài học là điều rất tốt, rất đáng khen và cần phải phát huy hơn nữa thói quen đọc kỹ và biết nêu thắc mắc về những gì chưa hiểu. Kế đến, phải lưu ý cách nhận xét và chớ vội đưa ra những kết luận tiêu cực, càng vội vàng nhận xét và đưa ra kết luận bao nhiêu thì càng dễ phạm sai lầm bấy nhiêu, vì lẽ kiến thức của mỗi người có giới hạn (có thể chúng ta chưa hiểu chưa nhận ra được cái hay cái tốt, điều thật điều đúng nơi người khác).

“Chú kể cho cháu nghe câu chuyện về Đức Khổng Tử và thầy Nhan Hồi cho cháu nghe nhé”, tôi đề nghị với cháu, nó lập tức gật đầu và ngồi ngay ngắn lắng nghe.

E hèm, tôi lấy giọng để bắt đầu biểu diễn khả năng kể chuyện của mình:

Đức Khổng Tử có rất nhiều môn đệ giỏi giang và đạo đức, trong đó Nhan Hồi nổi trội hơn cả. Trong thời kỳ đói kém nọ, mùa màng thất bát, chiến tranh liên miên, nhà nhà nghèo đói, người người thiếu lương thực, kiếm được miếng ăn bữa nào thì mừng bữa đó, còn lại thì để bụng trống rỗng mà đi ngủ.

Khổng Tử và các học trò cũng không ngoại lệ, cũng bữa đói bữa no (mà bữa đói, không có gì bỏ bụng thì xuất hiện thường xuyên hơn). Hôm nọ, sau 3 ngày bụng rỗng không, thầy trò được một người tốt bụng biếu cho vài lon gạo. Thầy trò mừng rỡ vì sắp được một bữa no. Mọi người đều nhất trí và an tâm đưa gạo cho Nhan Hồi nấu cơm, vì ai cũng tin ở sự thành thật của ông, chắc chắn ông sẽ không lừa dịp mà ăn trước người khác!

Trong lúc Nhan Hồi lui hui thổi cơm, Khổng Tử chợt đi ngang qua và giật mình khi nhìn thấy Nhan Hồi mở nắp nồi cơm, dùng muỗng vội vàng hớt một lớp cơm vừa chín tới bỏ vào miệng. Khổng tử quá buồn bã: Ngay cả đứa học trò đạo đức nhất của mình mà cũng làm điều xấu như vậy! Nhưng Khổng Tử im lặng không nói gì.

Khi cơm đã chín bốc mùi thơm lừng, Nhan Hồi dọn lên cho Thầy và các bạn đồng môn. Nhan Hồi xới cơm cho mọi người, lần lượt từ người thầy đáng kính của mình, rồi đến các bạn học. Khi nồi cơm đã cạn hẳn, chẳng còn một hột cơm nào trong đó, mà chén của Nhan Hồi vẫn trống không, Khổng Tử ngạc nhiên cất tiếng hỏi: “Sao con không ăn?”

Nhan Hồi cung kính chắp tay, trả lời Thầy: “Thưa Thầy, khi con nấu cơm, vô tình để tro than rơi vào nồi, lớp cơm phía trên đã bị bẩn, bỏ đi thì tiếc, nên con đã hớt lấy mà ăn rồi, cho nên giờ con không ăn nữa, con đã ăn phần của mình rồi!”

Khổng Tử tròn xoe mắt trước sự chân thành của người học trò yêu dấu. Ông nghĩ: suýt chút nữa mình trách lầm đứa học trò cưng; rõ ràng mình đã nhìn thấy việc học trò làm, mà không hiểu được tâm ý của nó, để rồi trong lòng buồn bã và vội vàng kết tội nó. Từ nay dù có nhìn thấy tận mắt, mình sẽ không bao giờ nghĩ xấu về một ai mà chưa dành thời gian để tìm hiểu ngọn nguồn cho chính xác!

Thế đấy cháu ạ! “Thấy vậy mà không phải vậy!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét