Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
TRÁI TIM THỔN THỨC
Hs 11,1.3-4.8c-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37
Năm
1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ mọi
cơ sở Công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị
phân tán và bị khủng bố tồi tệ. Tại vùng Odawakura, người ta bắt được
hai Linh mục cùng nhiều ảnh tượng. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong
đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra bên
ngoài ! Tsukamoto là một nhà nho uyên thâm có óc thực tế, thích tìm
hiểu. Ông cầm mẫu ảnh Trái Tim Chúa Giêsu coi qua rồi vất vào sọt rác.
Nhưng đến tối ông nhớ lại và ngẫm nghĩ chắc hẳn mẫu ảnh này phải có ý
nghĩa nào đó. Ông lượm lại để trên bàn và suy nghĩ.
Trời
đã về khuya mà quan ngồi bất động một mình với mẫu ảnh trước mặt. Mãi
đến một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhõm, khoan khoái, tay cầm
bút lông ghi dưới tấm ảnh mấy chữ: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm
giả” (Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có tim là
người chỉ lo và yêu thương người khác mà không lo cho bản thân). Rồi ông
đặt mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu trên bàn làm việc cách kính cẩn.
Một
hôm, một người bạn đến chơi thấy vậy hỏi: “Thế nào, ông bạn lại thích
ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao ?”. Vị quan trả lời: “Đứng về mặt chính
trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng, nhưng về mặt văn hóa
và nhân đạo thì tôi rất thích mẫu ảnh này. Phải chăng đây là bức ảnh nói
lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo ?
Ông bạn thử nghĩ coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm,
còn đối với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim lộ ra
bên ngoài. Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội,
giúp ích cho đời. Còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo
riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra để giúp đời
giúp người. Nội dung bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả bài học từ bi
của Phật, khoan dung hơn đức nhân của Khổng Tử, cao siêu hơn cái vô ngã
của Lão, mạnh hơn cái dũng của thần đạo Nhật bản. Một tôn giáo dạy phụng
sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng
tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là điều ngay chính của thiên
hạ”.
Suy
tư của viên Đại quan Tsukamoto minh họa cho phát biểu của Đức Giáo
Hoàng Piô XI trong tông thư Miserentissimus Redemptor (Đấng Cứu chuộc
rất yêu thương), được Đức Giáo hoàng Piô XII trích lại trong tông thư
Haurietis Aquas: “Phải chăng sự tôn sùng Thánh Tâm tóm lược tất cả đạo
giáo của chúng ta và hướng dẫn mọi người đến một cuộc sống hoàn toàn hơn
? Đó là những gì dẫn dắt tâm trí chúng ta hiểu biết Chúa Kitô một cách
mật thiết, làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Chúa cách nhiệt tình hơn và
noi gương Ngài cách trọn vẹn hơn” (Haurietis Aquas, số 36).
Noi
gương Ngài cách trọn vẹn như Ngài đã chết vì yêu để cứu chuộc nhân
loại, hơn nữa trên thập giá Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu tuôn trào
máu và nước ( Ga 19, 34 )…, hình ảnh của sức sống và của tính phì nhiêu
màu mỡ, mở ra nguồn thanh tẩy và ơn cứu độ cho con người. Máu và nước từ
trái tim Chúa Giêsu chảy ra làm phát sinh các Bí Tích. Chúa Giêsu nói:
“Ai khát, hãy đến với tôi. Ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Từ lòng
người ấy sẽ chảy ra. Những dòng nước đem lại sự sống” (Ga 7, 37-38).
Trái
Tim của Chúa Giêsu mở ra bày tỏ tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại như
Thánh Vịnh tiên báo: “Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con
xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột
gan” (Tv 22, 15). Thánh Justin khẳng định Trái Tim Chúa thật sự chịu
đau đớn: “Trái Tim Người đã tan vỡ dần. Cũng như xương cốt Người, Trái
Tim này mềm như sáp tuôn chảy tình cảm, cõi lòng để cho chúng ta biết
được là Chúa Cha, vì chúng ta, đã muốn Con Một Ngài đau đớn thật sự để
cho chúng ta không thể lên tiếng rằng Con Thiên Chúa không cảm thấy,
trải qua những gì đã đến và xảy ra […]. Chúng ta - những kitô hữu, là
dân thánh Israël, được sinh ra từ Đức Kitô, bởi vì chúng ta được gọt tỉa
trong Trái Tim Người như những viên gạch được mang ra từ Núi Đá”.
Trái
tim bị đâm thâu của Đấng Cứu Thế như suối nguồn tuôn chảy sự sống
thánh, như cánh cửa diễn tả mầu nhiệm thánh và khai sinh Giáo Hội, thánh
Cyprien viết: “Hỡi kitô hữu, hãy chiêm ngắm vết thương sâu thẳm này đã
trải dài tình yêu Đức Kitô. Bởi từ vết thương này, mạch nước được mở ra
cho chúng ta, nghĩa là trong Trái Tim Chúa Giêsu chúng ta có thể bước
vào, thẩm thấu vào bởi vì Trái Tim đó có thể chứa đựng tất cả”. Thánh
Jean Chrysostome suy niệm: “Cây giáo của người lính đã đâm mở cạnh sườn
Đức Kitô. Từ vết thương đó, Người đã khai sinh Giáo Hội, cũng như Eve,
người mẹ đầu tiên của chúng ta đã được rút ra từ cạnh sườn Adam. Chính
vì thế thánh Phaolô nói : “Chúng ta là thịt bởi thịt Người, xương bởi
xương Người. Thánh Phaolô muốn nói đến vết thương được mở ra từ cạnh
sườn Đức Kitô. Như Thiên Chúa đã rút xương sườn của Adam để tạo nên Eve,
Đức Kitô tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu nước và máu, để sinh ra
Giáo Hội”.
Thánh
Pierre Damien suy niệm về Tin Mừng Thánh Gioan, ẩn giấu tất cả tri thức
và khoa học: “Trái Tim Thánh rút tỉa từ kho tàng phong phú dồi dào trên
trời để làm giàu cho sự thiếu thốn và nghèo nàn của chúng ta; nguồn ân
sủng dạt dào ơn Cứu Độ cả thế giới. Vâng, Trái Tim Chúa Giêsu đã để lại
nguồn sống không bao giờ cạn để nhân loại luôn luôn uống nguồn nước của
sự sống thánh và để thông truyền tất cả cho chúng ta khi thời gian đến
theo ý định của Thiên Chúa”. Thánh Pierre Damien viết tiếp: “Trong Trái
Tim Thánh chúng ta tìm thấy khí cụ để bảo vệ mình, sự trợ giúp mạnh mẽ
chống lại những cám dỗ, và niềm vui tinh tuyền nhất trong thung lũng đau
khổ này. Có phải bạn đang gặp sầu khổ vì tội lỗi bản thân ? Hãy đi vào
trong Trái Tim Chúa Giêsu, là nơi ẩn náu vững chắc, là nơi lánh mình của
mọi bất hạnh”.
Thật
thế, Trái Tim bị thương của Chúa Giêsu mời gọi con người bước vào trong
mầu nhiệm hiệp thông để uống nguồn tình yêu của Người, để sống theo đời
sống thánh và để chia sẻ mọi tốt lành. Đây chính là lòng nhân từ bao la
của các vết thương Đức Giêsu Kitô như thánh Bernard phát biểu: “…Bí mật
của Trái Tim Người được nhìn thấu bởi những vết thương được mở ra trên
cơ thể Người, để từ đó ta có thể khám phá được mầu nhiệm nhân hậu không
bờ bến. Lòng nhân hậu như mặt trời hừng đông đến thăm chúng ta […].
Không ai có thể trao ban bằng chứng tuyệt vời về tình yêu như thế, tình
yêu của người đã hiến thân cho những ai đã bị kết án tử”.
Cho
nên, trước tình yêu vĩ đại – trái tim mở ra, chúng ta mang thái độ và
sống Linh đạo tôn sùng Thánh Tâm Chúa, lòng tôn sùng phải là những sức
mạnh làm rung động, thành cung bậc tâm hồn, như Cha Dehon Đấng sáng lập
Dòng Linh mục Thánh Tâm, người xây dựng nên linh đạo Thánh Tâm trong
thời đại mới đã gợi ý: “Lòng tôn sùng nội tại Thánh Tâm, hay triều đại
Thánh Tâm trong chúng ta, đòi hỏi trước hết là chúng ta hiểu biết Trái
Tim Chúa, chính vì thế cần phải học hỏi trong đời sống chiêm niệm. Khi
chúng ta học biết được, sẽ dễ dàng và một cách tự nhiên tôn kính và chúc
tụng những toàn hảo thánh, yêu mến nét đẹp Thánh Tâm, chia sẻ những khổ
đau và trắc ẩn của Thánh Tâm ».
Đến
với Thánh Tâm, con người có nơi nghỉ ngơi dưỡng sức như Chúa Giêsu đã
hứa: “Tất cả hãy đến với ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ
bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách ta và hãy học cùng ta, vì ta dịu
hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an.
Vì ách của ta êm ái, gánh của ta nhẹ nhàng” (Mt 11, 30). Cha Dehon nhìn
thấy trong hình ảnh thi vị: “con sẽ nếm thưởng những niềm vui thiêng
liêng mà các thánh đã trải qua. Con sẽ nghỉ ngơi như thánh Gioan trong
cung lòng Ta. Con sẽ uống chén hồng ân từ Trái Tim Ta. Đời sống của con
sẽ là yến tiệc không bao giờ ngưng”. Thánh Tâm là nơi con người sống và
chia sẻ trọn vẹn tình yêu của Đức Kitô”, làm thành hiện thực hóa trong
đời sống thường ngày, đời sống xã hội bởi những đặc tính của Triều đại
này thông truyền ở mọi lãnh vực.
Ôi suối mạch của Tình Yêu tuyệt đối
Từ Thánh Tâm dào dạt chảy đêm ngày,
Hỡi muôn người muôn nước, hãy về đây
Hoan hỷ uống tận nguồn ơn cứu độ.
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 18/06/2012.
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét