Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

KATERI TEKAKWITHA: NỮ THÁNH BỘ LẠC DA ĐỎ BẮC MỸ ĐẦU TIÊN

KATERI TEKAKWITHA: NỮ THÁNH BỘ LẠC DA ĐỎ BẮC MỸ ĐẦU TIÊN


Kateri sinh năm 1656 ở Ossernenon, bên dòng sông Ghanawagi hiền hòa. Thân mẫu cô tên là Walhwalkesona, có nghĩa là ‘‘Bông Hoa Đồng Nội’’, là người công giáo thuộc sắc dân Anishinaberg; cha là thủ lĩnh bộ lạc da đỏ mohawh.

Bộ lạc mohawh thường xuyên bị sắc dân iroquois tấn công vì bị coi là thân với các cha dòng Tên người Pháp. Người iroquois theo chế độ mẫu hệ (matriarcat), định cư, làm nghể nông, lợp nhà bằng vỏ cây. Đầu năm 1650, ‘‘Bông Hoa Đồng Nội’’ bị bắt, giải giao đến Ossernenon, nơi hai cha Isaac Joques và Jean de Lalande dòng Tên lập Trung tâm Truyền giáo ‘‘Chúa Ba Ngôi’’ (1646). Cả hai vị thừa sai dòng Tên đều được phúc tử đạo.

‘‘Cánh Hoa Đồng Nội’’ kết hôn với tù trưởng bộ lạc Con Rùa. Người mẹ chăm lo việc đồng áng nuôi sống gia đình, còn người cha lo việc chinh chiến.

Năm 1660, dịch đậu mùa hoành hành khắp miền Ossernenon. Cả gia đình Kateri đều thiệt mạng. Kateri bốn tuổi sống sót, khuôn mặt đầy những vết sẹo rỗ, đôi mắt gần như mù lòa. Tù trưởng bộ lạc lân cận nhận Kateri làm con nuôi, đặt tên là Tekakwitha có nghĩa là đi đứng mò ẫm. Kateri phụ cha mẹ nuôi phơi khô thịt và hái trái rừng. Cô thường bị chế giễu vì mặt đầy vết sẹo rỗ hoa.

Năm lên 10 (1666), Kateri sợ hãi chứng kiến đội quân Pháp chiếm đóng bộ lạc. Năm 12 tuổi, cha mẹ nuôi muốn cô lấy chồng. Cô dựng cây thánh giá giữa cỏ cây để cầu nguyện, tự nguyện suốt đời ở vậy.

1675: Linh mục Jacques de Lamberville dòng Tên thành lập Trung tâm Truyền giáo Thánh Phêrô. Kateri đi cùng với cha nuôi là tù trưởng bộ lạc đến gặp ngài xin được rửa tội. Cha J. de Lamberville cho cô học lớp giáo lý tân tòng.

Lễ Phục sinh 1676: Kateri tròn đôi mươi. Tại Trung tâm Truyền giáo thánh Phêrô ở Gandaouagué, cô được linh mục Jacques de Lamberville dòng Tên rửa tội, lấy tên thánh là Catherine, viết theo thổ âm da đỏ là Kateri.




Năm sau (1677), để tránh các cuộc bách hại vì cô chịu phép rửa tội, Kateri lội bộ 320 km trốn sang Laprairie (Saint-Laurent), nương náu tại Trung tâm Truyền giáo Thánh Phanxicô-Xavier. Trong thư gửi cha Jacques Frémin ở Laprairie, cha J. de Lamberville viết như sau: ‘‘Con giao cho cha chị Kateri là một kho công đức. Sau này cha sẽ nhận thấy điều con nói là đúng. Xin cha hãy gìn vàng giữ ngọc, gìn giữ chị Kateri.’’

Mỗi sáng, Kateri như vì sao mai, thức dậy dự hai Thánh lễ 4 giờ và 7 giờ. Cô sống kham khổ, hãm mình cầu nguyện, làm lụng vất vả trong cánh đồng trồng toàn ngô khoai.

Vào dịp lễ Giáng sinh cùng năm (1677), như nai hiền tìm về suối trong trong Thánh vịnh 42, Kateri được rước lễ lần đầu, kết hiệp trọn vẹn với thánh ý nhiệm mầu (union divine).

Cô ước mong lập đan viện ở Île aux Hérons để rao giảng Tin mừng cho thổ dân da đỏ, nhưng ý nguyện không thành. Cô tự nguyện sống khiết trinh. Ngày 25/03/1679, cha Frémin nhận lời khấn khiết trinh (vœu de virginité) của Kateri.

Năm 1680, sức khỏe Kateri suy yếu vì bệnh tật, một phần vì trèo non lội suối hơn 300 cây số giữa mùa đông lạnh giá để lánh nạn. Vào thứ ba tuần thánh, cô nhận của ăn đàng (saint Viatique). Ngày hôm sau (07/04/1680), cô thì thầm ‘‘Giêsu, Maria’’ rồi tắt thở. Chỉ trong khoảnh khắc, các vết rỗ trên mặt biến mất, trả lại sự duyên dáng dịu hiền của người thiếu nữ da đỏ xuân thì. Vào ngày an táng cô, nhiều bệnh nhân được ơn khỏi bệnh.

Án phong thánh được mở từ năm 1884. Năm 1943, giữa lúc thế chiến thứ II còn đang khốc liệt, Đức Piô XII nâng cô lên bậc đáng kính (vénérable). Năm 1980, Đức Gioan-Phaolô II nâng Kateri lên bậc chân phước (bienheureuse), ấn định lễ kính vào ngày 14/07 hàng năm. Ngày 21/10/2012, Đức Bênêdictô sẽ chính thức phong thánh cho vị nữ thánh người da đỏ đầu tiên, được các sắc dân da đỏ ở Mỹ và Canada sùng kính như bông huệ bộ lạc da đỏ.




Trong chuyến thăm nước Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi cùng với hai người bạn là Anton Trần Trung, chủ tịch HĐMV Giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Tucson (Arizona) và Roger Nguyễn Minh Kính, cựu chủ tịch HĐMV Chúa Chiên Lành ở San Diego (California), thăm Đền thánh San Xavier giữa vùng sa mạc cằn cỗi Arizona. Arizona là dịch âm alisonak thổ ngữ aztèque, có nghĩa là con suối nhỏ. Còn tên thành phố Tucson là do chữ Cuk Son cũng của người aztèque, có nghĩa là núi đen. Thung lũng Tucson bao quanh toàn là núi đen, mùa hè nhiệt độ lên tới 37° C (98,6° F). Vùng sa mạc Arizona mọc xương rồng khổng lồ, người da đỏ gọi là Saguaro. Có cây cao tới 15 mét, nặng từ 4 đến 5 tấn, trong thân chứa được tới 3 ngàn lít nước, sống tới 150 năm. Khi cây được 75 năm mới trổ nhánh ngang.

Đền thánh San Xavier Del Bac có bức tượng nữ thánh Kateri Tekakwitha bằng gỗ. Đền thánh được khởi công xây cất vào năm 1700 và được mệnh danh là Chim Bồ Câu Trắng Sa Mạc (White Dove of the Desert), vì tháp trắng trông như cánh chim bay ngút ngàn. Các nghệ nhân da đỏ đã khéo léo trang trí ngôi giáo đường. Về tên đền thánh, ‘‘Del Bac’’ có nghĩa là nơi dòng suối xuất hiện.

Mặt tiền đền thánh trắng tuyền, tuy đơn sơ mà trang nghiêm, khác hẳn với cổng vào nhiều màu sắc, do các nghệ nhân da đỏ thực hiện. Vòm cao 16 mét, tiêu biểu kiến trúc truyền giáo Tây Ban Nha tại nước Mỹ.

Phía bên phải cổng vào là hình con mèo (vờn chuột). Phía trái: con chuột. Theo truyền thuyến bộ lạc da đỏ, nếu con mèo bắt được chuộc là tận thế. Vì vậy, công trình điêu khắc ngoài cổng đền thánh tách riêng hai bên mèo và chuột.

Chủ nhật 21/10/2012 là lễ phong thánh cho chân phước Kateri Tekakwitha. Nhiều lễ hội sẽ được cử hành tại Roma, Mỹ và Canada, đánh dấu biến cố quan trọng này.
Các buổi lễ tại Roma gồm đêm canh thức cầu nguyện, đại lễ phong thánh, do Đức Bênêdictô XVI cử hành tại quảng trường thánh Phêrô, thánh lễ tạ ơn. Ngoài ra còn buổi trình chiếu cuốn phim về cuộc đời nữ thánh Kateri Tekakwitha, do đài truyền hình Sel + Lumière thực hiện. Sáng thứ tư 24/10/2012, Đức Thánh Cha dành buổi triều yết thường lệ cho các tín hữu thập phương đến Roma dự lễ phong thánh.

Trong ngày 21/10/2012, các bạn trẻ Việt Nam hiệp ý với nữ thánh Kateri Tekakwitha thành tâm cầu nguyện:

Lạy thánh nữ Kateri, yêu mến thánh giá Chúa Giêsu, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kareti là bông huệ trắng tuyền, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri luôn ủi an Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri là gương mẫu mọi nhân đức, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri đã dẫn dắt nhiểu thổ dân đa đỏ về với đức tin thật, xin cầu cho chúng con.



Lạy thánh nữ Kateri luôn kiên vững trong cơn bách bại, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri luôn nhẫn nại trong đau khổ, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri sắt son cầu nguyện, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri giữ gìn sự tinh tuyền, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri luôn can đảm trước tai ương dịch họa, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri luôn vững vàng trước thủ thách, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri thân gái dặm trường gìn giữ đức tin, xin cấu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri yêu mến Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh thể, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri có lòng khiêm nhường, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri là tôi tớ Chúa chăm sóc các bậnh nhân, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri siêng năng lần hạt mân côi, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri là ánh sáng rạng ngời cho thổ dân da đỏ, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri sinh thời mặt rỗ, khi chết đi trở nên xinh đẹp, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri mang lại cho các bộ lạc da đỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, xin cầu cho chúng con.
Lạy thánh nữ Kateri là ánh sáng sắc dân da đỏ, xin cầu cho đất nước Việt Nam còn chịu nhiều bách hại.
Paris, ngày 20 tháng 10 năm 2012
Lê Đình Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét