Vậy chúng ta sẽ làm gì để canh tân đời sống đức tin, làm cho muối mặn lại và cho ánh sáng đức tin bừng lên. Các giáo phận ở Việt Nam đặc biệt là Tổng giáo phận TP. HCM đã họp các linh mục cấp hạt, cấp giáo phận từ mấy tháng nay để trao đổi tìm ra những cách thế thiết thực sống Năm Đức Tin của Giáo Hội và Đức Hồng Y Tổng Giám mục đã phổ biến bức thư mục vụ chỉ vẽ những cách thế thực hiện trong Tổng giáo phận. Ở đây chúng ta để cập tới những điều cốt lõi trong Tông thư Ngưỡng Cửa Đức Tin của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và Bản Hướng dẫn Mục vụ cho Năm Đức Tin của Thánh Bộ Giáo Lý - Đức tin, trong đó Giáo hội chỉ ra những việc phải làm trong Năm Đức Tin :
1. Học hỏi và phổ biến sách Giáo lý Công giáo toàn cầu của Giáo Hội do Đức Thánh cha Gioan Phaolô II công bố năm 1992 thường gọi là "Giáo lý Công Giáo 92" của Giáo Hội. Đức Thánh Cha dạy : "Năm Đức Tin Công giáo phải thể hiện quyết tâm tái khám phá và học hỏi nội dung cơ bản của đức tin được trình bầy trong sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo với sự tổng hợp có hệ thống và gắn bó hữu cơ" (NCĐT số 11).
Chúng ta vẫn học giáo lý thường xuyên, nhất là các em thiếu nhi, nhưng phần lớn chỉ nằm trong lứa tuổi trẻ từ 6,7 tuổi đến 15,16 tuổi, người lớn ít có dịp hỏi giáo lý vì bận làm ăn, học hành và vì có nhiều nhu cầu khác. Năm Đức tin phải là dịp cho chúng ta trau dồi giáo lý nhất là người lớn, thành phần đang giữ những trọng trách trong Giáo Hội, xã hội và gia đình, nhưng vốn liếng giáo lý lại rất khiêm tốn. Chúng ta thường giữ đạo theo thói quen và thường luôn cảm thấy đầy đủ chẳng cần cố gắng gì thêm. Chúng ta ước mong các vị chủ chăn sẽ cố gắng tìm ra những cách thế thích hợp và hấp dẫn để giúp người lớn, vốn đã ngại ngùng học giáo lý được có cơ hội trau dồi đức tin Công giáo.
2. Học hỏi các văn kiện Công đồng chung Vatican II. Đức Thánh Cha nói: "Các văn kiện ấy (Công đồng) cần được đọc cách đúng đắn, được phổ biến rộng rãi và tiếp nhận thấu đáo như những văn kiện quan trọng và mang tính quy phạm thuộc huấn quyền..." và "nếu chúng ta đọc và đón nhận Công đồng với sự giải thích đúng đắn, thì Công đồng ngày càng sẽ và luôn luôn trở thành một nguồn lực lớn lao cho việc thực hiện cuộc canh tân vốn luôn cần thiết đối với Giáo hội " (NCĐT số 5)
Việc tìm hiểu và học hỏi các tài liệu Công đồng Vatican II trước nay thường chỉ có trong các tầng lớp linh mục, tu sĩ, anh em giáo dân ít có dịp tiếp cận, học hỏi. Năm Đức Tin là dịp thuận tiện cho chúng ta nghiên cứu những tài liệu quý giá là "la bàn" cho các sinh hoạt của Giáo Hội. Nhưng những tài liệu của Công Đồng lại rất phong phú và đa dạng, có tới 16 văn kiện gồm hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn. Thiết nghĩ ít là chúng ta học hỏi các văn kiện cần thiết cho đời sống công giáo nói chung của chúng ta là : Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen gentium) nói về bản chất của Giáo hội như thế nào, các thành phần trong Giáo hội; Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes) nói về hoạt động của Giáo hội trong thế giới ngày nay, tương quan giữa Giáo hội và gia đình, xã hội, kinh tế, chính trị; Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem) nói về việc người giáo dân sống đức tin và chia sẻ đức tin; Sắc lệnh hoạt động truyền giáo (Ad gentes) nói về những hoạt động truyền giáo nói chung của Giáo Hội; Tuyên ngôn về giáo dục (Gravissimum Educationis) nói về sự quan trọng của việc giáo dục Kitô giáo trong gia đình, học đường và xã hội. Nếu là Công đoàn tu thì có thêm sắc lệnh Về canh tân thích nghi đời sống dòng tu (Perfectae caritatis). Trong Năm Đức Tin chúng, ta học được những điểm chính yếu của các văn kiện trên và đưa ra những hướng dẫn áp dụng thực hành thì tốt lắm rồi. Hiện nay đã có sẵn một số tài liệu giải thích, tóm tắt thực hành rút ra từ các văn kiện trên đây của Giáo Hội, chúng ta có thể dùng hướng dẫn cộng đoàn.
3. Hoán cải, thay đổi đời sống. Đức Thánh Cha viết: "Trong viễn tượng này, Năm Đức Tin là lời mời gọi hãy hoán cải cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới." Mục tiêu của năm nay là tìm lại sức sống đức tin của mọi thành phần Dân Chúa, nên việc hoán cải là điều cần thiết để trở về với Thiên Chúa, Đấng rất thánh đã kêu gọi và ban cho ta ơn làm con của Người. Trả lời cho người thanh niên đến xin theo Chúa, Chúa Giêsu nói : "Nếu anh muốn vào cõi sống thì hãy giữ các giới răn : Ngươi không được giết người, ngươi không được ngoại tình, người không được trộm cắp, người không được làm chứng gian, ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và ngươi hãy yêu mến người thân cận như chính mình ngươi." Là người Kitô hữu, ít nhất chúng ta phải giữ cho được những điều căn bản trong Mười Giới răn như Chúa Giêsu dạy. Mỗi thời đại có những vấp phạm riêng của nó. Ngày nay trong hoàn cảnh của đất nước chúng ta, một nước đang phát triển, những tội người ta hay mắc phải có thể : thói quen giả dối, lừa đảo lật lọng anh em, chiếm đoạt của cải người ta cách bất công hoặc công khai hay kín đáo qua các kẽ hở cuộc sống như bóc lột sức lao động, chèn ép người yếu thế, cô thân; tội dâm đãng, ngoại tình dù đã có gia đình nhưng vẫn quan hệ bất chính ngoài hôn nhân; tội hằn thù, oán ghét trả đũa nhau trong giao dịch làm ăn, buôn bán, đổi chác; tội ngừa thai, phá thai coi thường mạng sống của những trẻ thơ không phương tiện tự vệ; tội lười biếng, coi thường đạo thánh Chúa, không cầu nguyện, không học hỏi lẽ đạo, không dự lễ và tội làm gương mù gương xấu cho những người trẻ, người không có đức tin.... Khi tiên tri Giôna rao giảng, dân thành Ninivê đã hoán cải và Chúa đã nguôi giận, tha các hình phát cho dân. Có khi nào chúng nghĩ vì tội lỗi của mình, chúng ta đã góp phần gây nên những tai họa cho thế giới này không? Và ngược lại khi chúng ta sống thánh thiện và khuyến khích anh chị em chúng ta sống công chính thì thế giới được Chúa chúc phúc không?
4. Gia tăng việc truyền giáo: Đức Thánh Cha viết: "Vì thế ngày nay, Giáo hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức tin." ( NCĐT số 7). Nếu so sánh với các Giáo hội khác như Hàn quốc chẳng hạn, thì Giáo hội Việt Nam chúng ta bị coi là ít quan tâm đến việc truyền giáo. Chúng ta thường tập trung vào các sinh hoạt nội bộ và mất quá nhiều thời gian vào các sinh hoạt ấy, mà không còn thời gian và phương tiện cho việc truyền giáo. Một lý do khách quan khác làm chúng ta bế tắc là hoàn cảnh xã hội hôm nay còn nhiều khó khăn, không cho phép chúng ta làm hơn được. Dù vậy Năm Đức Tin cũng là dịp, trong ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, mỗi địa phương sẽ tìm ra một cách thế để thực thi lời kêu gọi truyền giáo của Đức Giáo Hoàng.
5. Tuyên xưng, suy tư về đức tin cách công khai trong các nhà thờ, trong các gia đình. Đức Thánh Cha viết : "Cần tăng cường suy tư về đức tin để giúp tất cả những ai tin vào Chúa Kitô được ý thức hơn và củng cố lòng tin gắn bó với Tin mừng." Và Người nói thêm: "Chúng ta sẽ có cơ hội tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô Phục sinh trong các nhà thờ chính toà, và các nhà thờ trên khắp thế giới, trong các gia đình, để mỗi người cảm thấy sự đòi hỏi cấp thiết phải hiểu biết hơn nữa về đức tin và truyền lại đức tin ấy cho các thế hệ mai sau.Các cộng đoàn tu cũng như các giáo xứ và tất cả những tổ chức trong Giáo hội, dù lâu đời hay mới thành lập, hãy tìm ra cách thức công bố Kinh Tin kính trong Năm Đức Tin này." (NCĐT số 8). Đức Giáo Hoàng viết : "Tái khám phá nội dung đức tin, được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua đời sống cầu nguyện và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện nhất là trong Năm Đức Tin này." (NCĐT số 9).
Trong Năm Đức Tin, Giáo Hội dạy chúng ta nghiên cứu học hỏi lại những căn bản đức tin trong Kinh Tin Kính, tuyên xưng công khai Tín biểu Đức tin Công giáo trong các cử hành phụng vụ, cử hành việc tuyên xưng đức tin, suy niệm, ghi nhớ và sống những điều mình tuyên xưng. Chúng ta có thể triển khai và tuyên xưng trong các thánh lễ Chúa nhật, lễ trọng và các lễ đặc biệt, trong các lớp học hỏi dành cho các đoàn thể Công giáo tiến hành.
6. Thực thi đức bác ái trong Năm Đức Tin: Đức Thánh Cha viết: "Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội tốt để tăng cường làm chứng bằng thực thi bác ái", vì "đức tin không có đức mến sẽ chẳng đem lại kết quả, còn đức mến không có đức tin sẽ là một tình cảm luôn phó mặc cho ngờ vực." (NCĐT số 14)
Chúng ta vẫn sống đức tin và thực thi đức bác ái trong đời sống, nhưng nhiều khi chưa đúng với ý muốn của Chúa và Giáo Hội. Chúng ta đọc kinh nhiều, rất sốt sắng và hăng say, nhưng lại không đủ can đảm để tha thứ cho những người trong gia đình. Chúng ta sẵn sàng chia sẻ nhiều của cải cho những anh em nghèo khổ trong các cô nhi viện, trại cùi, trại phong, hiến dâng nhiều tiền bạc cho nhu cầu xây dựng nhà Chúa ở đây đó, nhưng lại chưa chịu hoán cải để sống đức tin cách chân thành và trung tín. Năm Đức Tin là cơ hội giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống và những việc làm bác ái của mình.
7. Sống lời Chúa để trở nên chứng tá cho đức tin Công giáo. Đức Thánh Cha dạy : "Điều mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến đó là chứng tá đáng tin cậy của những người được Lời Chúa soi sáng nơi tâm trí, có khả năng khai mở tâm trí của biết bao người đang khao khát Thiên Chúa và sự sống thật, sự sống vô cùng vô tận." (NCĐT số 15). Chúng ta có đức tin là do nghe giảng Lời Chúa và đức tin trở nên sống động có khả năng biến đổi con người chúng ta là do Lời Chúa mà ta nghiền ngẫm thấm nhập vào con người và cuộc sống của chúng ta đến nỗi ta có thể nói như Thánh Phaolô "Tôi sống không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi"(Gl 2,20). Và như thế chúng ta sẽ nâng đỡ đức tin của những anh chị em chúng ta và trở nên chứng tá đức tin cho những ai chúng ta gặp trong cuộc sống hằng ngày. Như vậy có nghĩa ta phải học hỏi, trau dồi và suy gẫm Lời Chúa thật nhiều trong Năm Đức Tin này.
Ngày nay việc đọc và sống Lời Chúa trong các giáo xứ, đoàn thể ở Việt Nam là rất phổ thông. Chúng ta có thể dùng nhiều cách học hỏi và sống Lời Chúa như các lớp Thánh kinh 100 tuần lễ, lớp học hỏi Thánh kinh thường xuyên tại các giáo xứ, các trung tâm, phương pháp sống và chia sẻ lời Chúa (Lectio divina) mà chúng ta thường thực hành trong các hội đoàn từ lâu nay có thể trở nên phương thế để học hỏi và sống Lời Chúa trong Năm Đức Tin này.
8. Tổ chức những buổi gặp gỡ, họp mặt để học hỏi, trao đổi về Đức tin Công giáo, gặp gỡ những chứng nhân sống đức tin cách sống động để giúp thay đổi cuộc sống con người.
Các giáo xứ, hay giáo hạt có thể tổ chức dễ dàng những cuộc gặp gỡ này trong các dịp lễ đặc biệt như mùa Chay, Tết Nguyên đán hay trong các ngày nghỉ của xã hội. Thành phần Ban tổ chức, khách mời làm chứng và tài liệu học hỏi cần được chuẩn bị chu đáo mới thành công.
9. Khuyến khích mọi người hành hương tới Giáo đô Roma và Thánh địa để viếng thăm,suy niệm, hiệp thông với Giáo hội và kính nhớ nơi Đấng Cứu Thế đã giáng sinh, sống và rao giảng Tin mừng cứu độ.
Ngày nay sinh hoạt "Du lịch phụng vụ" xem ra khá phổ biến và dễ dàng hơn trước nhiều. Những người có điều kiện nên đi một lần để thêm xác tín vào những điều mình đã nghe, nhưng chưa được thấy, vì "trăm nghe không bằng một thấy". Ai đã một lần kính viếng Đất thánh hay Giáo đô Roma hẳn không bao giờ quên hướng lòng lên Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế và về Người Mẹ Giáo Hội đã sinh ra chúng ta trong ơn thánh. Các giáo xứ có thể tổ chức đi chung với nhau như các cộng đoàn Việt Nam ở nước ngoài vẫn thường làm cũng rất tốt.
Năm hồng ân Sống đức tin Công giáo như Đức Thánh cha nói sẽ đem lại những kết quả đổi mới đời sống Công giáo, thêm sinh lực cho đời sống nội tâm của mỗi anh chị em chúng ta, nếu chúng ta ý thức và thực hành lời mời gọi của Đức Thánh cha.
Nguyện xin Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, hướng dẫn và ban thêm can đảm và nghị lực để chúng ta đón nhận Năm Đức tin cách chân thành và đáp lại lời gọi của Chúa và Giáo hội cách thật hiệu quả.
Lm Vinh Sơn Trần Văn Hoà
Nguồn: Vietcatholic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét