Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN - NĂM B Suy niệm Tin Mừng Mc 7,31-37


 


            Thực ra, trong số các phép lạ đức Giê-su thực hiện, thì chữa cho người vừa điếc vừa ngọng được nghe và nói rõ ràng không mấy nói lên quyền phép của Đấng Thiên Sai, cho dầu dân chúng vẫn cất lời ca ngợi: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả, ông ấy làm cho kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được”. Đức Giê-su có lẽ là người hiểu rõ hơn ai hết, phép lạ này có một ý nghĩa tế nhị và sâu sắc hơn nhiều. ‘Người truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả’. Hơn nữa cử chỉ và thái độ khi Người thực hiện phép lạ này hình như cũng biểu lộ một tâm trạng gì đó khác thường. ‘Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông… đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhỏ nước miếng và bôi vào lưỡi anh… Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Ép-phê-tha, nghĩa là ‘hãy mở ra!’

            Tại sao việc nghe-nói, đối với đức Giê-su lại có tầm quan trọng đến thế?

Nếu đối với Cựu Ước khả năng giữ trọn lề luật là quan trọng bao nhiêu, vì nó nói lên sự trung thành đối với giao ước được ký kết sòng phẳng giữa Gia-vê và dân riêng Người, thì trong Tân Ước, khi Lời Thiên Chúa (Verbum Dei) nhập thể, việc nghe-nói càng có tầm quan trọng hơn bấy nhiêu. Lắng nghe Lời sẽ đồng nghĩa với việc ký kết giao ước mới, tức là đặt niềm tin trọn vẹn nơi đức Ki-tô Giê-su. Khả năng nghe chính là khả năng (hay ân huệ) tin vào đức Ki-tô Giê-su để đón nhận tình Thiên Chúa yêu thương nhân trần. Môn đệ của Giê-su – Lời phải là những người có khả năng nghe, tức là nhận biết tình yêu Thiên Chúa. Ân huệ này mang tính riêng tư, ‘Người kéo anh ta ra khỏi đám đông’; là tác động trực tiếp của Thần Khí Thiên Chúa trên từng người, ‘Người đặt ngón tay vào lỗ tai anh… ‘; là ân huệ không được ban cho hết mọi người, ‘nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính muốn… nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe’ (Mt 13,17). Thế đấy, ước vọng lớn nhất của Ngôi Lời Nhập Thể là làm sao cho Lời tình yêu này được mọi người nghe thấu. Và người môn đệ đích thực phải là người có khả năng nhận biết: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người” (Mc 9,7).

Khả năng nói cũng tương tự như thế. Thời đức Giê-su, nếu kinh sư và biệt phái là những người có bổn phận nói cho dân về các lề luật phải tuân giữ để trung thành với Gia-vê, thì Người đòi các môn đệ cũng phải có khả năng công bố cho mọi người nghe biết về Lời Tình Yêu đã giáng trần và chịu chết. “…Điều anh em rỉ tai trong buồng kín, phải được công bố trên mái nhà” (Lc 12,3). Ngài sai họ lên đường để làm điều này, và đó chính là mệnh lệnh tối hậu, hay đúng hơn, là di chúc Người trăn trối trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo!” (Mc 16,25). Ki-tô hữu phải là người có khả năng nói rõ ràng chứ không ngọng nghịu về Lời Tình Yêu này. Đó là tất cả lý do hiện hữu cũng như sứ mệnh của họ trên trần gian, như Phao-lô quả quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Thế đấy, đối với Ki-tô hữu, nghe và nói thật quan trọng biết bao - lắng nghe Lời Tình Yêu và công bố Tin Mừng Tình yêu! Tuy nhiên số người làm được điều này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quan trọng hơn, số người ý thức điều này để chuyên tâm trau dồi và cầu xin ơn trên thì lại càng hiếm hơn nữa. Chính tôi cũng vẫn thường coi Phao-lô chỉ như một trường hợp cá biệt. Cùng với nhiều người tôi vẫn coi việc truyền giáo (= công bố Tin Mừng tình yêu) là ơn gọi đặc biệt chỉ được dành cho một số ít. Ngay trong Giáo Hội, người ta nghiên cứu sâu rộng sự công thẳng của Thiên Chúa hơn là thấu hiểu Lời tình yêu; nhiệt tình giảng dạy về án phạt Chúa giáng xuống trên kẻ tội lỗi hơn là ơn tha thứ vô biên của Người.  Chẳng trách được, trước khi cất tiếng ‘Ép-phê-tha!’ đức Giê-su đã ‘ngước mắt lên trời, rên một tiếng’.

Lạy Lời của tình yêu Thiên Chúa hằng sống, cùng với thánh Âu-tinh, sau nhiều năm tháng từng xưng mình là Ki-tô hữu - hơn nữa là linh mục, con cũng phải thốt lên: con đã nghe Lời quá trễ và đã ngọng quá khi cất tiếng nói về Lời nhân ái. Xin hãy đặt ngón tay hiền dịu Chúa vào tai con và hãy dõng dạc thốt lên câu ‘ép-phê-tha’. Xin hãy nhỏ nước miếng của Lời và bôi vào lưỡi con để con dùng chuỗi ngày còn lại cao rao to tiếng và rõ ràng cho mọi người biết lòng thương xót Chúa là vô bờ bến. Amen  

Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét