Thần lương
Đăng lúc: Thứ sáu - 08/06/2012 09:56 - Người đăng bài viết: Ban bien tap Tinvui
(Chúa nhật lễ Mình Máu Chúa, năm B) Ăn uống là cái sự sung sướng đầu tiên trong tứ khoái của con người. Ăn uống không chỉ là khoái khẩu mà còn là nuôi sống thân xác. Ăn uống cũng là nét văn hóa: Văn hóa ẩm thực. Ăn uống không chỉ là đưa ẩm thực vào miệng, nhai, nuốt và tiêu hóa theo sinh lý tự nhiên, mà còn phải học cách ăn để biết cách ăn, như tục ngữ Việt Nam nói: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Thân xác cần lương thực để sống, tâm hồn cũng cần loại lương thực đặc trưng để sống. Người Công giáo hạnh phúc có được một loại siêu ẩm thực, gọi là thần lương, đó là Thánh Thể của chính Đức-Kitô-Thiên-Chúa-Nhập-Thể-Làm-Người. Ai ăn Mình Thánh Chúa và uống Máu Thánh Chúa thì không còn đói khát và được sống đời đời.
THIẾT LẬP GIAO ƯỚC
Ngày xưa, ông Môsê xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24:3). Ông Môsê đã chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Đó là Giáo ước và là Thập giới (Mười điều răn). Dâng lễ toàn thiêu, ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa’ rồi ông Môsê lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24:7). Ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24:8). Một Giáo-Ước-Máu được thiết lập giữa Thiên Chúa và loài người.
Chúng ta hoàn toàn bất xứng, thế nhưng Thiên Chúa không coi chúng ta là tôi tớ và lại thiết lập Giáo ước với chúng ta. Vì thế, chúng ta lại càng phải biết dâng lời tạ ơn. Giáo hội đã dùng Tv 116 để tạ ơn, vì Thánh vịnh này là Lời Kinh Tạ Ơn. Thiên Chúa chí thánh và cao sang vô cùng, chúng ta không có gì đền đáp cho cân xứng: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho? (Tv 116:12), tự vấn rồi chỉ còn biết tin cậy vào Ngài: “Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu Thánh Danh Ðức Chúa” (Tv 116:12-13).
Chúng ta phải khiêm nhường nhìn nhận: “Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi” (Tv 116:16) và tự hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Ngài” (Tv 116:18).
Trong thư gởi giáo đoàn Do Thái, Thánh Phaolô cho biết: “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Ngài đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Ngài đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Ngài vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9:11-12). Rồi thánh nhân giải thích và kết luận: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì Máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Ngài thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9:13-15). Thánh Phaolô nói rõ ràng quá!
THỰC HIỆN GIAO ƯỚC
Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, ngày sát tế chiên Vượt Qua, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta” (Mc 14:13-15). Hai môn đệ ra đi vào thành, các ông thấy mọi sự y như Ngài đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14:22). Rồi Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho các ông, và nói: “Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14:24). Đây là phép lạ lớn nhất, và đây là mầu nhiệm đức tin, vì không có đức tin thì không thể nào tin nổi. Bánh và rượu được thánh hóa để trở thành Thánh Thể của Đức Giêsu Kitô, làm thần lương nuôi sống chúng ta hằng ngày. Đó cũng là Giao ước được thực hiện, đúng như Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về cùng Chúa Cha: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài lập Bí tích Thánh Thể và cũng lập chức Linh mục kỳ diệu, phàm nhân mà được chúa trao quyền.
Sau đó, Ngài nói: “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14:25). Ngài về Thiên quốc trước để dọn chỗ cho chúng ta, những người tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ.
Để tỏ lòng kính mến Thánh Thể và đáp lại Tình Ngài, chúng ta nên rước lễ thật hằng ngày, rước lễ xong thì hãy đắm mình trong Ngài để hòa tan với Ngài và chuyện trò với Ngài, rước lễ thiêng liêng thường xuyên trong ngày, chầu Thánh Thể chung hoặc riêng. Chúa Giêsu ở Nhà Tạm hằng ngày chờ đợi chúng ta tâm sự với Ngài, không phải chúng ta an ủi Ngài mà chúng ta được Ngài an ủi. Thánh Thể và Thánh Tâm phải được chúng ta ưu tiên, và đó cũng là tôn kính Lòng Chúa Thương Xót vậy.
Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn chúng con để chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể Đức Kitô, là chúng con lãnh nhận phúc trường sinh, chứ không bị án phạt đời đời vì bất xứng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả bài viết: Trầm Thiên Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét