Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Xin cho con được sáng + 28/10 – CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN.


"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".

LỜI CHÚA: Mc 10, 46-52

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi".

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

SUY NIỆM 1: Xin cho con được sáng

Từ thế kỷ 19, những người mù đã được học hành như người sáng mắt. Có những người mù đậu tiến sĩ, giáo sư như bà Killer, ông Braille (Brai-ơ) (1809-1852).

Ông Braille đã bị mù từ lúc lên ba tuổi. Lúc đầu ông được học nhạc ở học viện và đánh đàn tại nhiều nhà thờ. Ông đã trở thành giáo sư và chính ông đã sáng chế ra hệ thống chữ nổi cho người mù học. Nhờ đó, ông đã cứu giúp được bao nhiêu thế hệ mù khỏi mù chữ. Ông đáng được tôn vinh là ông tổ ân nhân của thế giới mù. Tuy nhiên, ông đã không thể cứu họ khỏi mù mắt. Họ vẫn phải sống trong tối tăm.

Nếu họ được sáng mắt, họ sẽ thấy muôn cảnh vật tuyệt diệu lạ lùng đến chừng nào. Một bà cụ ở Rạch Giá, bị mù từ 56 tuổi. Thế là tất cả mọi người mọi vật chung quanh bà đều trở thành đen tối, tất cả đối với bà như đã chết. Bà quên hết mọi mầu sắc, hình ảnh, cảnh vật. Đến năm 73 tuổi, khi được bệnh viện Điện Biên Phủ (Saint Paul) chữa khỏi, bà được thấy lại cảnh vật và người ta, bà quá sung sướng hạnh phúc, khi gặp tôi bà nói: “Đẹp quá cha ơi, đẹp như thiên đàng vậy cha ơi!”. Thực ra, bà đâu đã thấy thiên đàng đẹp thế nào? Đó chỉ là ước mơ và nay ước mơ của bà đã thành sự thực, thì đúng là thiên đàng của bà.

Tâm trạng sung sướng bà mù này giúp chúng ta thấy được anh mù Bartimê sung sướng đến chừng nào khi được Chúa Giêsu chữa anh sáng mắt và cũng cho ta thấy nỗi khổ cùng cực của tật mù. Anh Bartimê cùng cực hơn nữa, mù còn phải lần mò đi ăn xin, vì đi lại quá khó khăn, nên anh chỉ biết ngồi bên vệ đường, lắng tai nghe có ai đi qua thì giơ tay ra van xin bố thí. Hôm nay, anh ngạc nhiên, nghe thấy tiếng người ồn ào đông đảo bước đi rầm rập trước mặt anh. Họ xôn xao cười nói về Đức Giêsu mà bao nhiêu lần anh đã được nghe tin đồn về Ngài là con vua Đa vít đã thương cứu chữa bao nhiêu người tàn tật. Anh đã bao nhiêu lần khao khát được gặp Ngài. Không ngờ, đây là dịp may nhất đời anh. Thế là anh lấy hết sức kêu gào, át cả tiếng ồn ào dọa nạt. Anh kêu như thét lên: “Lạy Con Vua Đa vít, xin thương xót tôi”. Trước tiếng kêu não nùng đó, Đức Giêsu đã dừng lại gọi anh. Anh liệng áo choàng nhảy chồm lên đến với Người. Người cúi xuống hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Anh thưa: “Xin cho con được sáng”. Người nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Tức khắc, anh nhìn thấy được và theo Người lên đường. Sung sướng biết bao cho anh, chẳng những được sáng mắt, anh còn được sáng trong đức tin mạnh mẽ để theo Đức Giêsu và trở nên những người Kitô hữu có mặt trong cộng đồng Công giáo đầu tiên, vì thế thánh Marcô viết Tin mừng đã kể đích tên anh. Anh đã không còn bị ngồi cô độc bên vệ đường nữa. Anh đã được sống chung với mọi người, được sống trong cộng đồng chan hòa tình thương, chan hòa ánh sáng trong vũ trụ bao la đầy cảnh vật mầu sắc huy hoàng. Thật là kỳ diệu, ánh sáng đã cho anh thấy được muôn người, muôn vật sống động và hiện hữu mà Thiên Chúa dựng nên.

Trước đây, anh đã phải sống trong một vũ trụ như chưa có ánh sáng, trời đất muôn vật lù mù, tăm tối, hỗn độn, mông lung, hiu quạnh trống không như thuở khai nguyên, cho tới lúc Thiên Chúa gọi: “Hãy có ánh sáng”, trời đất muôn vật mới xuất đầu lộ diện với muôn hình muôn sắc (St. 1, 1-3).

Đức Giêsu chữa anh mù được sáng để khẳng định cho nhân thế nhận ra Người là ánh sáng đôi mắt, ánh sáng trời đất và nhất là ánh sáng phục sinh, ánh sáng sự sống vinh quang muôn thuở: “Lúc khởi đầu, nhờ Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành … Người là Sự Sống và Sự Sống là Sự Sáng cho nhân loại … Thế gian nhờ Người mà có” (Ga. 1, 2-4 và 10). Nhưng vì phạm tội, loài người đã chết trong tăm tối: “Mọi người đã sinh ra trong tối tăm” (Eph. 4, 18). Đến nay, nhờ Người, “Thiên Chúa đã gọi chúng ta từ tối tăm vào ánh sáng huyền diệu của Ngài” (1P. 2, 9 và Col. 1, 12). “Đức Kitô chiếu sáng trên chúng ta” (Eph. 5, 14) để “trong Chúa, chúng ta là ánh sáng” (Eph. 5, 8). Chính Đức Giêsu đã làm chúng ta nên ánh sáng để “chúng ta là ánh sáng thế gian” (Mt. 5, 14), nên “chúng ta phải sống như con cái sự sáng” (Eph. 5, 8 và 1Th. 5, 5).

Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt tâm hồn con, cho con được thấy ánh sáng của Người chiếu ra từ lời Chúa, từ việc Chúa làm và từ đời sống thương yêu “thông cảm với những kẻ ngu muội và lầm lạc, yếu đuối và bệnh tật để dâng mình tế lễ đền tội cứu chuộc muôn dân” (Dt. 5, 1-6)

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)



SUY NIỆM 2: Sáng tối. Tối sáng

Cũng lạ! Sao trời đất lại có ngày và đêm? Sao không chỉ đêm không hay ngày không cũng được. Nhưng nếu chỉ có ngày, người ta sẽ chẳng bao giờ thấy được vẻ huyền diệu của trời đất. Cũng như không thể thấy được một thế giới sống lạ lùng của vô vàn sinh vật, mỗi khi đêm về. Nơi vũ trụ con người, cũng có sáng và tối. Ban ngày, mở mắt lớn để nhìn xem cuộc sống. Và ban đêm, khép mắt lại để thảnh thơi. Người đàn ông trong câu chuyện có tên là Batimê, chỉ có một nửa đời. Chỉ có khoảng nửa đen, không có phần kia trời sáng. Cho nên, vừa nghe nói là có Chúa, anh ta liền kêu lớn tiếng.

1- “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi”.

Kêu gì mà lạ thế! Vua Đavít đã sống từ cách đó cả ngàn năm, mà sao lại là con Vua Đavít? Tuy sống cách cả ngàn năm, nhưng theo lời các tiên tri, thì Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra từ dòng giống của Đavít. Vì thế, Đấng Cứu Thế sẽ được gọi là con vua Đavít. Khi nói thế, có nghĩa là anh đã tin rằng: Ông Giêsu trước mặt, chính là Đấng Cứu Thế. Chỉ Đấng Cứu Thế mới là Đấng cứu vớt được đời anh. Đời anh chìm sau trong bất hạnh. Người khác đã phỗng tay trên hết những gì là lợi nhuận, những gì là cơ may. Anh không thể đấu tranh được với ai. Cho nên, anh đành phải sống nhờ vào sự thừa thãi và thương hại khi ngồi ngửa tay bên vệ đường. Đời anh chìm sâu trong cô đơn, tẻ nhạt. Bởi ít người muốn gặp gỡ anh. Đời anh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì anh không tự lo cho chính mình được. Vì thế, anh xin Chúa thương xót anh. Chỉ một mình Chúa là người duy nhất có thể cất được cái gánh nặng chình chịch và chìm sâu cho anh.

Rồi anh thưa:

2- “Xin cho tôi được thấy”.

Cho tôi được thấy mặt Ngài, khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên tôi. Cũng cho tôi được thấy mặt Ngài, khuôn mặt tuyệt vời của Đấng Cứu độ sinh linh. Xin cho tôi được thấy mặt tôi, một khuôn mặt bụi đất mỏng dòn. Một khuôn mặt lem luốc, kết quả của những dại khờ, đam mê còn đọng lại. Xin cho tôi được thấy khuôn mặt của mẹ cha tôi, những người đã yêu thương tôi và đã phải khổ vì tôi rất nhiều. Và nhất là, xin cho tôi được thấy khuôn mặt của người khác. Những khuôn mặt rất khác nhau, nhưng đều có một điểm chung: đều là người, là đồng loại với tôi. Và còn hơn thế nữa là đều giống tôi. Vì tất cả đều là anh em ruột thịt. Bởi chúng tôi, đều có một người Cha chung là Thiên Chúa vô cùng.

Gợi ý suy niệm:

1- Bạn có nghĩ, bạn cũng đang cần phải kêu xin lòng thương xót của Chúa không?

2- Hỏi thật, khi không biết khuôn mặt thật của mình, thì là bị mù. Vậy bạn mù hay sáng?

(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên số 10 & 11/2012’)



SUY NIỆM 3: "Xin cho con được thấy"

Có một anh mù đi thăm một người bạn. Trời tối khuya. Anh sợ người khác đụng vào mình nên anh đã có một sáng kiến. Anh đội đèn lên đầu để người khác trông thấy anh mà tránh. Anh hân hoan bước đi. Thình lình anh va vào một người làm cái đèn rớt xuống bể nát. Anh tức giận và chửi: "Mày mù hay sao mà không thấy đèn của tao". Người kia trả lời rằng: "Ðèn mày còn sáng đâu mà tao trông thấy".

Cái đáng thương của anh mù là không biết đèn mình đã tắt. Anh chong đèn không phải để anh bước đi cho rõ mà quan yếu là nhờ ánh sáng để người khác đừng đụng phải anh. Nhưng anh đâu ngờ đèn anh đã tắt tự bao giờ! Vâng, mù đôi mắt là một bất hạnh. Bất hạnh vì đi lại khó khăn. Bất hạnh vì không còn nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của những người thân yêu, của cuộc sống quanh ta. Song song với cái đáng thương của sự mù loà thể xác còn có cái đáng thương của mù loà về luân lý, về chân thiện mỹ, đó là sự mù loà của tâm hồn. Cái đáng thương của mù loà tâm hồn là họ mù nhưng không chấp nhận mình mù. Họ vẫn bước đi trong vùng tối của tội lỗi, của đam mê nhưng không nhận ra sai trái của mình. Họ có cái nhìn lệch lạc về luân lý, về chân thiện mỹ nhưng đáng thương thay, họ vẫn cố chấp sống theo quan điểm của mình. Chính sự ngộ nhận đó đã giết chết cuộc đời họ và chắc chắn cũng gây nên đau khổ, có khi tổn thất cho những người chung quanh vì sự u tối và dốt nát của mình.

Bài tin mừng hôm nay được thánh Marcô ghi lại, có lẽ không nhằm nói về sự bất hạnh của người mù thể xác. Vì thời Chúa Giêsu cũng như thời nay người mù loà thí rất nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ chữa lành một vài trường hợp, trong đó có trường hợp chữa lành người mù thành Giêricô tên là Bactimê. Hơn nữa, những phép lạ của Chúa Giêsu thường liên hệ đến việc chữa lành tâm hồn. Anh mù Bactimê chỉ được chữa lành khi anh cố đến với Chúa. Anh quyết tâm chỗi dậy, dứt bỏ chốn xưa đã giam hãm cuộc đời anh. Anh cậy dựa vào Chúa để mong muốn thay đổi cuộc đời.

Thực vậy, anh mù Bactimê được Chúa chữa lành nhờ thiện chí của anh. Dù rằng người đời cản ngăn anh. Dù rằng thế gian muốn anh mãi mãi là người mù ăn xin bên vệ đường thành Giêricô. Anh đã mạnh dạn kêu cầu Chúa: "Lạy ông Giêsu, con Vua Ðavít xin dủ lòng thương". Với thiện chí của mình anh đã dũ bỏ áo choàng ăn xin, dũ bỏ góc đường Giêricô mà bấy lâu nay anh vẫn ngồi đó để chờ bố thí, và rồi với đức tin mạnh mẽ anh đã được Chúa chữa lành, để từ nay anh trở thành một con người được tôn trọng giữa cộng đoàn, và hơn thế nữa anh còn có thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.

Ngày nay, loại mù về tâm hồn rất nhiều. Nguyên nhân có thể là do hoàn cảnh, do môi trường. Có thể do thiếu hiểu biết. Có thể là do đam mê, lười biếng. Có thể là vì thiếu trách nhiệm nên cố tình mù loà để hưởng bổng lộc của thế gian bố thí.

Có những bạn trẻ đã chạy theo xu hướng sai lầm của thời đại, quá tự do về giới tình, quan hệ nam nữ bừa bãi dẫn đến hủy hoại tâm hồn và thể xác. Có những cô gái trẻ đã phá đi cái thai là hậu quả của những giây phút bồng bột, lầm lỡ vì họ đã thấy trong gia đình, trong xóm làng đã có nhiều người làm thế nên mình làm theo.

Có những người trở thành những con nghiện của sì kẻ, ma túy do thiếu hiểu biết nên sa vào con đường tội lỗi và tự huỷ diệt thân xác mình mà không hay.

Có những người vì đam mê rượu chè, ham thích đỏ đen mà hủy hoại thanh danh không chỉ của mình, đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến gia đình. Có những người vì rượu chè, cờ bạc đã đẩy gia đình đến khánh tận bần cùng mà họ vẫn trơ trẽn sống theo đam mê của mình.

Có những người vì một chút bổng lộc thế gian đã bán mình làm tôi cho ma quỷ, trở thành một Giuđa bán Chúa và làm hại anh em. Cuối cùng chỉ còn lại sự thất vọng, cô đơn và chán chường.

Hậu quả của những ngừơi mù mất ý thức này là huỷ diệt chính mình, hủy diệt thân xác và cả linh hồn. Còn đâu sự trong sáng của linh hồn là hình ảnh Thiên Chúa! Tất cả đã bị bôi nhọ bởi chính sự lầm lẫn đáng thương của chính mình.

Xem ra người mù thành Giêricô thật có phúc vì anh ý thức được sự mù loà của mình. Anh đã vượt qua mọi trở ngại để chạy đến nương nhờ lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, với hành vi đấm ngực ăn năn, không phải là máy móc, vụ hình thức mà là sự nhức nhối của con tim đầy nuối tiếc về sự mù loà tâm linh của mình dẫn đến biết bao điều sai quấy, gây lo âu bất an cho tâm hồn, và gây đau khổ cho gia đình. Ước gì chúng ta luôn khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình để cần Chúa chỉ đường dẫn lối, và chữa lành khỏi những u mê của cõi lòng, để chúng ta luôn hân hoan bước đi trong ánh sáng của tin mừng, của chân thiện mỹ, của nẻo chính đường ngay. Ước gì cặp mắt của tâm hồn chúng ta luôn đủ sáng để nhận ra đâu là thiện, là ác, để luôn hành động đúng theo lương tri của một con người. Amen.

Lm. Tạ duy Tuyền



SUY NIỆM 3: Linh Mục Ðời Ðời

"Hỡi Con Vua Ðavít..."

Thành phố Giêrusalem bị vua Babylone triệt hạ năm 587 trước kỷ nguyên. Dân chúng, lớp thì trốn được, lớp phải lưu đày sang Babylone. Chỉ còn lại một thiểu số sống sót còn giữ đạo đức, còn nhớ lại mối giao ước của cha ông. Giêrêmia kêu gọi họ giữ vững niềm tin chờ ngày cứu thoát. Ðấng Messia sẽ đến mang lại ơn cứu độ. Họ sẽ trở về xây lại. Nhà Tiên Tri ám chỉ đoàn dân mới của Chúa. Giáo Hội của Chúa cũng sẽ trải qua những thử thách điêu linh. Nhiều người sẽ bỏ cuộc, một số khác sẽ trở nên chống đối. Nhưng rồi Chúa gìn giữ Giáo Hội, một phần tử nhỏ sẽ còn lại như muối ướp, như đèn soi, xây dựng Giáo Hội tương lai. Thật là một cảnh vui mừng.

Thánh Thư Hêbrêô tiếp tục suy niệm về Chúa Kitô là linh mục đời đời, mẫu gương của các linh mục của Chúa. Họ xuất phát từ loài người, có những nỗi vui mừng, đau khổ của con người; họ có những yếu đuối của con người, nên "vì yếu đuối, người cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình, cũng như cho dân chúng" (Heb. 5,1-3).

Nhưng linh mục là người của Thiên Chúa, để phụng sự Thiên Chúa, người được chọn từ trên, để tiếp tục quyền Tư Tế của Chúa.

Bài Phúc Âm hôm nay kể lại câu chuyện của ông Bartimê được Chúa cho sáng mắt, dưới ngòi bút linh động của Marcô. Ông Bartimê là một con người dễ thương mà có lẽ trong cộng đoàn tiên khởi không ai là không biết như một nhân chứng quyền năng và tình thương của Chúa còn sót lại.

Bartimê là một người mù, "ngồi ăn xin bên vệ đường" như bao nhiêu người khác. Hiện nay trên thế giới, có khoảng 40 triệu người mù. Anh sống trong đêm tối, nhưng rồi anh được diễm phúc gặp Chúa Giêsu và phép lạ đã xảy ra.

Trong một cuộc hành hương viếng Thánh địa, tại Caphanaum, nơi xảy ra phép lạ này và nay chỉ còn lại một số nóc nhà ngư phủ lẻ tẻ, trong phái đoàn hành hương, có một cô thiếu nữ mù cùng đi. Người ta đọc lại đoạn Phúc Âm này và hỏi cô gái hồn nhiên cởi mở: "Cái gì làm cho cô hối tiếc hơn cả?" Cô thiếu nữ trả lời: "Là không được nhìn thấy đôi mắt của mẹ tôi và các ngôi sao trên trời!"

Người mù sống trong đêm tối, bên lề xã hội, luôn luôn có mặc cảm phải lệ thuộc người khác.

Nhưng Chúa Giêsu thương mến họ, đến với họ, qua những tâm hồn từ thiện đầy bác ái; Chúa còn đến với họ ngày nay. Bartimê "ngồi bên vệ đường" ăn xin. Mắt không thấy, nhưng tai vẫn nghe rõ những động tĩnh xung quanh. Biết rằng Chúa Giêsu đi qua, anh càng kêu to: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Người ta ngăn cản, anh càng kêu to hơn. Chúa Giêsu lại gần anh. Anh sung sướng, liệng áo, đứng dậy, đến cùng Chúa. Và Chúa đã mở mắt anh ra. Khuôn mặt đầu tiên, con mắt anh được nhìn thấy là Chúa Giêsu. Hai khuôn mặt, hai ánh mắt gặp nhau! "Lạy Thầy, xin cho con được sáng". Thì này, anh được sáng, được thấy chính Thiên Chúa: mắt trong mắt. Trong Cựu ước, bao nhiêu người mong ước được thấy Chúa "mặt trong mắt" (Is 52,8), thì Thiên Chúa đã đáp lại mối mong ước: "Ai xem thấy Ta là xem thấy Cha Ta". Và họ đã vui mừng sung sướng biết chừng nào! "Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha" (Gio 1,140). Marcô không muốn chỉ tường thuật một phép lạ mà còn muốn đi xa hơn nữa, muốn ám chỉ việc Chúa đến để thắp sáng đời anh mù bằng nhân đức tin. Vì thế, Chúa phán: "Ðức tin của con đã cứu con".

Muốn thấy Chúa, cần phải có nhân đức tin. Ðức tin mở mắt chúng ta để nhìn thấy Chúa. Có bao nhiêu người sáng mắt, nhưng mù tối linh hồn. Trên con đường Damas, Saolê đi lùng bắt giáo hữu. Chúa hiện ra với Saolê. Ông ngã ngựa, đứng lên thì bị mù mắt cho đến khi vào thành Damas, chịu phép rửa tội. "Một cái gì, như những cái vảy bong ra và Phaolô được nhìn thấy" (Cv 9,18). Ðức tin mở mắt tâm hồn. Vì thế, giáo hữu thời xưa, gọi phép rửa là "phép thắp sáng" (Illuminatio). Và từ đây, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu. Thánh Ignatiô thành Antiochia nói: "Với đức tin, tôi được thấy và sờ đụng Ngài".

Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, đã được Chúa đến thắp sáng đời ta, thì phải làm gì? Phải bắt chước anh Bartimê. Phúc âm nói: "Anh đã đi theo Chúa", làm chứng nhân quyền năng và tình thương của Chúa. Ðó cũng là bổn phận của chúng ta sống theo đức tin và đi thắp sáng cuộc đời cho người khác. Thánh Phanxicô Salesiô có một đức tin mạnh mẽ, nhất là đối với phép Thánh Thể. Ngài hằng rao giảng cho giáo dân vùng Chablais (Thụy Sĩ) đang bị ảnh hưởng nặng của ly giáo Calvinô. Mỗi buổi tối, ngài hay đến trước nhà chầu sốt sắng cầu nguyện. Một hôm, đang mê say cầu nguyện thì có tiếng ai đi lại trong nhà thờ. Tưởng là kẻ trộm, ngài lên tiếng hỏi: "Ai?" Một bóng người lạ đi tới và nói: "Thưa Ðức Giám Mục, con là người không có đạo. Con nghe Ðức Cha giảng nhiều lần về Chúa Giêsu trong Thánh Thể, con không tin. Chiều hôm nay, con lẻn vào nhà thờ rình xem thái độ Ðức Cha như thế nào. Con thú thực, đã nhìn thấy đức tin của Ðức Giám Mục. Giờ đây con xin tin.

"Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy" (Mc 46,51).

Lm. Hồng Phúc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét