Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Nhà Chúa – nhà nghèo


Nhà Chúa – nhà nghèo

Đăng bởi admin lúc
VRNs (12.04.2012) – Kontum – Có đi đến vùng cao nguyên nắng gió, khí hậu thay đổi thất thường thì mới thấy hết cái nghèo, cái đói, cái nghiệt của người Công giáo nơi đây. Cuộc đời sao lắm oái oăm. Người vùng cao tràn đầy đức tin nhưng đói khát nơi thờ phượng tôn nghiêm, điều mà nhiều người nghe qua cứ tưởng rằng của thế kỷ 18.


Nhà thờ Hoà Phú
Nhà thờ Hòa Phú tọa lạc tại thôn 2, xã Hòa Phú, huyện Chư Păk, tỉnh Gia Lai là ngôi thánh đường khá lạ với người mới đến đây lần đầu. Nhà thờ gồm 6 khung cửa sổ to, còn chắp vá nhiều chỗ, nắng chiều chiếu thẳng vào thánh đường nên khi làm lễ là hai cánh cửa nhà thờ phải khép kín. Nếu ai đó sơ ý đi ra khép không chặt thì ánh sáng chói lòa đập thẳng vào mắt người đứng trên cung Thánh. Nghe giáo dân nơi đây kể lại rằng nơi này chưa được phép xây nhà thờ dù người Công giáo đã có tên trong danh sách là hơn 3.800 người. Cách đây không lâu, cha xứ và cộng đoàn làm lén trong đêm, liên tục làm sau vài ngày đã xong nhà thờ cấp 4 này. Khi chính quyền đến nơi thì gạo đã thành cơm. Giáo dân nơi này hân hoan vui mừng vì từ nay đã có nơi thờ phượng, tôn vinh Chúa. Mỗi ngày, giáo dân chia nhau đến chầu Thánh Thể, dọn dẹp vệ sinh trong ngoài nhà thờ, nhờ vậy nơi này rất sạch sẽ. Từ đây có thể nhìn ra các thung lũng và các dãy núi phía xa rất đẹp.


Hai Đức cha Micae và Phêrô thăm và nói chuyện với giáo dân Xêđăng tại nhà thờ Kon Hring
Nhà nguyện Kon Hring tọa lạc tại xã Kon Hring, huyện Đăk Tô, tỉnh Kontum là ngôi Thánh đường nghèo khó khác, trống bốn bên không vách, đầu hai mái và kẻ giữa máng đều dột, nắng rọi vào từng mảng lớn cách dễ dàng. Trong ngôi Thánh đường đơn sơ nhỏ bé này ấy vậy mà có đến khoảng 13.000 giáo dân trải dài hai huyện Đăk Tô và Đăk Hà. Vì chưa có nhà thờ mà nhà nguyện chỉ có mái che để khi dâng Thánh lễ thì cha xứ có thể nhìn thấy con chiên của mình và giáo dân ngồi từ trong ra khắp hết các sân mãi tận đường đi có thể nghe hoặc thỉnh thoảng nhìn thấy bàn thờ Chúa. Trong nhà nguyện có vài chục ghế dài đơn sơ nhưng lại cực kỳ công dụng: dùng làm ghế ngồi khi chầu thánh thể cho cộng đoàn theo từng nhóm nhỏ; dùng làm bàn cho trẻ viết bài khi học giáo lý; ghép lại làm giường cho bà con giáo dân cách nhà nguyện vài chục cây số có chỗ ngã lưng sau thánh lễ… Vì là giáo xứ nghèo nên tận dụng hết khả năng có thể cho những thứ mà thông thường chỉ có một công dụng là ghế chỉ để ngồi.
Trước 1975, nơi này đã có nhà thờ nhưng do chiến tranh mà đổ nát, nay chỉ còn lại các trụ cột bê tông vài chục centimet làm chỗ ngồi cho trẻ con trong làng. Khu đất nhà thờ cũ khá rộng rã, thoáng mát giữa bốn bề là rừng núi che phủ. Không may, sau tiếp thu thì vị cán bộ xã đã chiếm đoạt nơi này thành tài sản riêng, ra sổ đỏ cho mẹ của ông. Giáo hội nhiều lần thương lượng nhưng vẫn chưa thể lấy lại để xây nhà thờ. Nghe đâu, bà mẹ ông cán bộ xã ngày trước đã chia thành 3 sổ mới trong khi đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, dù bất kỳ ai đứng tên chủ quyền trên đất nhà thờ, thì dân làng Xê Đăng quyết tâm giữ nhà thờ, giữ đất dù chỉ là cái nền trống. Cách đây không lâu, bà mẹ ông cán bộ chiếm đất này đã cho trồng mì trên đất nhà thờ nhưng sau một đêm bị nhổ không còn một gốc.
Dù là nhà nguyện nhưng Kon Hring có tới 3 linh mục là cha chánh xứ Calistô Bá Năng Lý, hai phó xứ là cha Louis Nguyễn Quang Hoa và cha Khanh, và các sơ Dòng Chúa Quan Phòng cùng hợp sức dạy giáo lý, dạy chữ, truyền đức tin và xây dựng xóm làng thành nơi văn hóa. Khi đi lễ là dân làng hy sinh công việc riêng, kéo cả làng cùng đến nhà thờ. Ai có cơm nắm thì đem đi cùng chia cho nhau ăn lót dạ sau lễ, ai không có thì nhận mì gói, bánh từ các sơ dùng tạm cho đỡ đói. Không khí nhà thờ thật yên bình, ấm cúng, chan hòa tình làng nghĩa xóm. Giáo dân chia nhau chỗ ngủ. Đang lễ ngoài trời có mưa họ vẫn đứng yên tại chỗ, không di chuyển tìm chỗ trú mưa. Trẻ con, thiếu nhi và người lớn trong làng không ai bỏ lễ dù có bị thế lự nào hăm dọa, ngăn trở thì họ vẫn đến nhà thờ. Cụ thể là trường hợp các em thiếu nhi vẫn đi lễ Phục Sinh dù có bị nhà trường hăm đuổi học. Các điệu múa xoan, múa dâng hương, tiếng cồng chiêng làm hừng lên nét văn hóa đặc trưng Tây Nguyên của bà con thôn bản.


Nhà thờ làng Groi
Làng Groi thuộc xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai là một làng nghèo của Giáo xứ Cẩm Lệ thì càng bi đát hơn khi giáo dân đã ngót nghét 500 mà nhà nguyện đã bị chính quyền địa phương tự ý đến tháo dỡ sau khi xây xong chưa đầy 2 tuần lễ. Dân làng chỉ biết đứng nhìn trong uất nghẹn, buồn tủi vì đức tin bị xúc phạm mà chẳng biết phải cầu cứu nơi đâu. Gần 500 con người tham dự thánh lễ trong sân nhà một anh Yáo phu người dân tộc, là gia đình có sân nhà lớn nhất trong làng. Hàng mấy trăm con người lớp ngồi chiếu, lớp ngồi bẹp trên dép, lớp đứng ngoài bờ rào, lớp ngồi trên mấy cây cột bêtông mua chợ dưới tấm bạt nylon mà thờ Chúa. Làng nghèo nên Chúa cũng chẳng có nơi thờ phượng tôn nghiêm, Chúa cũng ở ngoài trời nắng mưa khốn khổ. Những ngày khô ráo còn khá, chứ mưa xuống thì Chúa cũng như dân người đồng cảnh ngộ ướt nhẹp như nhau. Có hôm bạt rách toạc làm đôi, bao nhiêu nước đổ hết lên cộng đoàn nhưng chẳng ai kêu ca, chạy trốn cơn mưa vì Chúa họ nơi này, họ biết phải về đâu. Điều lạ lùng là chính anh yáo phu chủ nhà cho mượn sân làm lễ hiến đất cho giáo hội nhưng chính quyền nơi này lại từ chối không cho làm nhà nguyện dù chỉ là làm tạm bợ, bắt phải là đất của người khác thì mới ưng, mà dân làng nghèo ai còn đất rộng đâu mà hiến. Cái nghiệt là vậy đó.
Cũng tại làng Groi, các sơ dân tộc Dòng Ảnh Vảy về đây sinh hoạt tôn giáo, dạy giáo lý, dạy chữ, giúp dân làng làm kinh tế từ mấy năm qua, đã mua đất nhưng vẫn được cấp sổ đỏ, chưa cho vô hộ khẩu vì chính quyền cho rằng nơi này chưa có nhà thờ thì không cho nhập hộ khẩu, không cho lập nhà dòng. Dân xin thì cứ xin, các ông nhà nước khước từ thì cứ khước từ chứ biết làm sao được. Dân làng Groi cứ bị nhốt trong cái vòng lẩn quẩn không cách chi thoát ra được. Một phụ nữ trong làng cho hay là năm 2011 chị đi La Vang bế mạc Năm Thánh thì chính quyền gọi điện hỏi chị “đi đâu, có xin phép chưa?”. Phải chăng, chính quyền xã Groi mong muốn con dân họ lúc nào cũng được sống trong bất an, nghèo đói, thiếu thốn, đói khát nhất là đói khát về đức tin tôn giáo? Đây chính là cái khó.


Cha Vũ phủ phục trên nền nhà thờ Đăk Jâk
Trở lại nhà nguyện Đăk Jăk tại xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kontum, ngôi thánh đường ngoài trời này chưa được công nhận là giáo xứ nên chưa được phép xây dựng nhà thờ dù số giáo dân nơi này nay lên đến 4.700 giáo dân, dù giáo hội nhiều lần lên xuống nộp đơn xin xỏ. Giáo xứ Đăk Jăk gồm 13 làng gồm nhiều sắc tộc. Phần lớn là giáo dân nghèo, cận nghèo và cực nghèo. Họ sống bằng việc làm thuê, trồng mì cao sản, hoặc tự kiếm sống con cá dưới sông, củ khoai, đọt mì,… Có những làng khá xa phải đi bộ 3-4 giờ mới đến được nhà nguyện tham dự thánh lễ tại nhà thờ thiên nhiên trong một lán nhỏ, dùng cơm xong rồi lại trở về…
Cuộc đời có muôn vàn cái khó, cái cơ cực, khốn cùng của người Tây Nguyên xem ra vẫn chưa thể kể hết về nhu cầu tâm linh của họ. Khẩu hiệu “cho dân, vì dân” của chính quyền không có đất sống tại chốn này. Cơ chế “xin-cho” đã tồn tại hơn 30 năm qua và sẽ là cái gông gùm cả dân tộc không sao phát triển.
PV.VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét