THÁNH NHẠC TRONG TAM NHẬT VƯỢT QUA
WHĐ – Hằng năm các vị có trách nhiệm về thánh nhạc nhận được nhiều thắc mắc liên quan đến việc chọn và sử dụng các bài hát trong Tam Nhật Vượt Qua hầu có thể giúp các ca đoàn cử hành thật chu đáo và sốt sắng ba ngày trọng đại nhất “trong đó Chúa Kitô chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (thánh Ambrôsiô). Dựa vào Sách Lễ Rôma,1992 của UBPT. HĐGMVN và The Almanac For Pastoral Liturgy, Sourcebook for Sundays, Seasons, and Weekdays 2009 Year B-I, nhà xuất bản LTP, Hoa Kỳ, linh mục ND đã biên soạn tài liệu này để giúp các ca trưởng hoàn thành tốt vai trò của mình trong Phụng Vụ Tam Nhật Vượt Qua.
I. Ý NGHĨA
* NGUỒN GỐC TAM NHẬT VƯỢT QUA: Thời Giáo hội sơ khai, chỉ có lễ Phục Sinh. Trong giờ kinh nguyện canh thức được kéo dài suốt đêm thứ Năm Thánh cho đến rạng sáng lễ Phục Sinh, các Kitô hữu thời sơ khai cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô tử nạn và Phục sinh như một đại lễ. Dựa vào lời của một Kitô hữu Syria thế kỷ thứ 3 đã viết: “Vào ngày thứ Sáu và ngày Sabat tất cả hãy ăn chay và không được nếm một thứ gì. Anh em cùng nhau đến và vọng canh thức suốt đêm bằng việc đọc kinh dâng lời khẩn nguyện, đọc sách các Tiên Tri, Tin Mừng và hát Thánh Vịnh… cho đến giờ thứ ba ban đêm sau ngày Sabat; đoạn chấm dứt chay tịnh. Kế tiếp anh em hãy dâng các lễ vật; sau đó anh em hãy ăn uống và reo hò, vui mừng và hớn hở vì thực Đức Kitô, sự Phục sinh của chúng ta, đã sống lại. Đây mãi mãi là luật cho anh em cho đến tận thế. (Trích trong The Liturgy and Time, 35-36).
Thật là đêm! Đối với các Kitô hữu thời sơ khai, đó là đêm có rất nhiều ý nghĩa. Các tác giả sách Tin Mừng kể cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Do thái. Vượt Qua (tiếng Híp-ri pesach, có nghĩa là “đi qua”, “nhảy qua”) đánh dấu đêm sứ thần Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng của người Ai cập, giải thoát dân Do thái khỏi kiếp nô lệ. Nhưng theo truyền thống Do thái, ngày lễ Vuợt Qua có một lịch sử xa xưa hơn nhiều. Vào ngày này, Thiên Chúa đã tác tạo Adam. Vào ngày này, Thiên Chúa đã gọi Abraham. Vào ngày này, sứ thần của Chúa đã dừng tay Abraham khi ông định sát tế Isaac. Vì thế, dịp lễ Vượt Qua, dân Do thái nhìn lại toàn bộ lịch sử của họ, nhớ lại tình thương đặc biệt Thiên Chúa dành cho họ ngay từ buổi bình minh của tạo dựng.
Ngày thánh thiêng nhất đối với người Do thái đã trở thành ngày thánh thiêng nhất đối với người Kitô hữu. Cũng vậy, trong đêm dài canh thức, các Kitô hữu nhìn lại lịch sử thánh và nhận ra Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Kitô trỗi dậy từ trong kẻ chết. Thánh Phaolô đã viết: “Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế.” (1 Cr 5,7)
Vào thế kỷ thứ tư, sự gia tăng ý thức về tính lịch sử của các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu đã dẫn đến sự hình thành Tam nhật Vượt Qua, rồi đến Tuần Thánh và cuối cùng là Mùa Chay. Các Kitô hữu kính nhớ cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu theo đúng thời gian, bước theo Ngài từ lúc Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, khi bị bắt, bị đóng đinh cho đến khi Ngài phục sinh như Tin Mừng đã thuật lại.
Cũng vào cuối thế kỷ này, thời thánh Augustinô, Bí tích Thánh tẩy cho người lớn là nét trọng tâm của Tam Nhật. Khoảng năm 1951 và 1955, Đức Thánh cha Piô XII đã phục hồi lại Tam nhật thánh, cho phép cử hành phụng vụ thứ Năm thánh và Canh thức chiều tối, và khuyến khích việc Rửa tội cho người lớn vào đêm Canh thức Phục sinh. Những canh tân này nhấn mạnh đến sự tham dự của dân chúng và trở về sự thực hành thời Giáo Hội sơ khai. Hai đề tài này sẽ chi phối những canh tân về phụng vụ của Công đồng Vaticanô II chỉ vài năm sau đó.
Trong các cử hành phụng vụ Tam nhật thánh, Giáo Hội tưởng nhớ Sự Thương khó, cái chết và Sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Mặc dầu, các cử hành phụng vụ này chan hòa ý nghĩa xúc động và có sức tác động xét theo lịch sử, nhưng việc tưởng nhớ trong phụng vụ không chỉ hướng về quá khứ, mà là hướng đến hiện tại. Khi Giáo Hội kính nhớ, thì một điều gì đó đang xảy ra ngay lúc này và tại nơi này. “Vì vậy, khi tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu chuộc, Giáo Hội mở ra cho tín hữu kho tàng phong phú về công đức và quyền năng của Chúa, để bằng một cách nào đó những mầu nhiệm này được hiện tại hóa qua mọi thời đại ngõ hầu các tín hữu nắm giữ các mầu nhiệm ấy và được tràn đầy hồng ân cứu độ.” (CSL, 102)
Nói tóm lại, Tam Nhật thánh thuộc về bí tích. Phục Sinh không chỉ được tưởng nhớ như người ta tưởng nhớ những sự kiện vĩ đại trong lịch sử. Phục Sinh đang diễn ra. Đức Thánh cha Bênêđictô diễn tả điều này thật đẹp trong bài giảng Đêm Canh thức Phục sinh như sau: “Đây là niềm vui của Canh thức Phục sinh. Phục Sinh không phải là chuyện của quá khứ, Phục Sinh đã tiếp cận chúng ta và chiếm lĩnh chúng ta. Chúng ta nắm giữ được sự kiện ấy, chúng ta nắm lấy được Chúa sống lại, và chúng ta biết rằng Ngài nắm chặt chúng ta cả khi đôi tay chúng ta trở nên yếu ớt.”
Tất cả ý nghĩa trên đây được diễn tả cách mãnh liệt trong các nghi thức và những lời nguyện xung quanh việc chuẩn bị nến Phục sinh. Chúng ta vẽ hình thánh giá trên nến, 4 con số chỉ năm hiện tại (thí dụ: năm nay là 2009), dường như nhắc nhớ chúng ta những gì chúng ta cử hành đang xảy ra lúc này. Chúng ta cũng cầu nguyện rằng: “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, Là Anpha và Ômêga, Nghĩa là khởi nguyên và tận cùng; Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ….”
II. PHỤNG VỤ CHƯ THÁNH
Trong ba ngày này, chúng ta mừng kính tất cả các thánh và cũng không mừng riêng một vị thánh nào. Các cử hành Phụng vụ Tam nhật chiếm vị trí ưu tiên vượt trên mọi ngày lễ mừng các thánh. Tuy nhiên, trong Tam nhật Vượt Qua, chúng ta lại thường xuyên nhớ đến cộng đoàn lớn lao của các chứng nhân là những người đã đi trước chúng ta, những người đã làm chứng cho mầu nhiệm Đức Kitô khổ nạn, chịu chết và phục sinh bằng chính dời sống thánh thiện của các ngài. Vào ngày thứ Năm thánh, chúng ta hát bài thánh ca khen ngợi (Ubi Caritas: Đâu có tình yêu thương..): “Cúi xin Đức Kitô, cho đoàn con hưởng kiến, giữa triều thần vinh hiển, trên cõi phúc thiên thu.” Trong Canh thức Phục Sinh, bằng Kinh cầu các thánh, chúng ta khẩn nài các thánh nam nữ qua mọi thời đại chuyển cầu cho chúng ta; và các thánh cũng hiện diện với chúng ta trong mỗi Kinh nguyện Thánh Thể: “các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại” (KNTT II), “và toàn thể các Thánh, vì chúng con tin tưởng các ngài luôn chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con” (KNTT III), cùng toàn thể các Thánh trong 2 phần kinh cầu trước và sau Truyền phép trong Kinh nguyện Thánh Thể I. Vâng, các Thánh luôn hiện diện với chúng ta trong Tam Nhật Vượt Qua.
III. CÁC BÀI ĐỌC
Trong Tam nhật Vượt Qua chúng ta nghe nhiều đoạn Thánh Kinh. Có tất cả 15 bài sách thánh và 9 thánh vịnh, chưa kể Chủ Nhật Phục sinh (ngày kết thúc Tam nhật). Tất cả các bài sách thánh này rất quan trọng. Thật vậy, chúng ta cần đến tất cả những bài sách thánh ấy. Các bài đọc này – nhất là chín bài đọc trong Đêm Canh thức - được sắp xếp một cách đáng lưu tâm. Các bài đọc này dẫn chúng ta xuyên suốt lịch sử cứu độ từ thuở khai thiên lập địa cho đến việc Chúa Giêsu sống lại. Vi thế đừng vì tiết kiệm thời giờ mà giảm thiểu các bài đọc. Nhớ rằng ngay Sách Bài đọc trong Thánh lễ dành cho Trẻ em cũng không đưa ra một đề nghị nào khác ngoài những Bài đọc đã ấn định chung cho Tam Nhật Vượt Qua. Rõ ràng cho ta thấymọi người cần phải được nghe tất cả các bài Sách thánh này. Trong Tam Nhật hãy để cho giáo xứ được nghe đầy đủ và trọn vẹn Phụng vụ Lời Chúa nói với họ.
Trong Tam Nhật, các bài đọc đưa ta vào chính trọng tâm của Cựu ước và Tân ước. Có những trình thuật nổi bật: hiến tế Isaac, vượt qua Biển Đỏ, cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan, trình thuật Phục Sinh theo thánh Máccô. Có những bài đọc từ sách các tiên tri thật phong phú như Isaia, Barúc, Êdêkien. Có cả thi ca tuyệt vời như bài ca về người tôi tớ đau khổ của Isaia, và bài anh hùng ca của dân tộc Do thái sau khi vượt qua Biển Đỏ. Cũng có những bài đọc căn bản trích từ các thư của thánh Phaolô; những bài đọc này dạy chúng ta về Bí tích Thánh Thể, loan báo niềm xác tín vào chân lý chúng ta cử hành trong Mùa Phục Sinh: Đức Kitô đã sống lại, và trong phép Rửa chúng ta cùng sống lại với Người.
Khi sắp xếp các bài đọc như thế, Giáo hội khuyên chúng ta lưu tâm đến vẻ khác biệt của các bài đọc bằng cách phân công và huấn luyện cho những thừa tác viên đọc sách thánh trong Phụng vụ. Nếu có thể, mỗi người khác nhau chỉ đọc 1 bài đọc (của Tam Nhật Vượt Qua). Các vị mục tử hoặc những người có trách nhiệm hãy trao đổi với người đọc sách thánh về những yêu cầu cụ thể về bải đọc mà họ được giao. Chẳng hạn không nên đọc Bài đọc từ sách tiên tri bằng một giọng đọc như một trình thuật; một bài thơ cần ngưng nghỉ khác với đọc văn xuôi; phải có cung giọng lên xuống theo tiết tấu khác với bài đọc có tính chất công bố (như Tin Mừng). Đọc hay hát cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan đòi hỏi người đọc hay hát phải luyện tập chu đáo. Không phải là một hoạt cảnh Thương Khó, nhưng chắc chắn trình thuật này mang tính bi kịch. Nói tóm lại, các người đọc hay các lĩnh xướng viên hãy chuẩn bị hết sức chu đáo để có thể giúp cộng đoàn phụng vụ nghe được vẻ khác biệt phong phú và kỳ diệu trong các Bài đọc.
IV. ÂM NHẠC trong PHỤNG VỤ TAM NHẬT VƯỢT QUA
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các ca trưởng (hoặc người phụ trách việc hát thánh ca của giáo xứ) là vấn đề chuẩn bị âm nhạc cho các cử hành phụng vụ trong Tam Nhật Vượt Qua. Từ cử hành phụng vụ Thánh lễ chiều thứ Năm Tuần thánh, Thánh Lễ Tiệc Ly, cho đến Đêm Canh Thức Phục Sinh … âm nhạc rộn rã và huy hoàng của Chủ Nhật Phục Sinh, với biết bao nghi thức khác nhau, trong đó có những bài ca liên kết chặt chẽ với từng động tác phụng vụ, khiến cho các ca trưởng phải có được danh mục các bài ca thích hợp, phải chuẩn bị tập hát cho ca đoàn, và lo lắng sao luôn sẵn sàng có được các lĩnh xướng viên, những người đệm đàn thích hợp cho Tam nhật Vượt Qua.
Có nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn này.
Chẳng hạn một số giáo xứ gần nhau (cùng trong 1 hạt, 1 phường) tổ chức cho các ca trưởng gặp nhau để chia sẻ nguồn tài liệu các bài thánh ca cho nhau; cùng nhau soạn một danh mục các bài thánh ca cho từng ngày trong Tam Nhật Vượt Qua. Có những giáo xứ tập hợp các ca đoàn thành 1 ca đoàn Tổng Hợp để cùng nhau hát các ngày Thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy Tuần thánh. Với cách thức này các ca trưởng sẽ chia nhau ra phụ trách việc tập hát và chỉ huy, tránh được sự đơn điệu và nhờ đó tinh thần phục vụ của ca viên được nâng cao, tạo tinh thần hiệp nhất và cơ hội cho các anh chị em ca trưởng biết làm việc chung với nhau trong các công việc của Giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Làm được như thế sẽ là một chứng từ hữu hiệu cho cộng đoàn phụng vụ và thúc đẩy họ cũng biết làm như thế khi hát cộng đồng.
Nhiều nơi các ca trưởng chọn những bài thánh ca (dệt nhạc trên lời của bản văn phụng vụ) với giai điệu đơn sơ và đẹp đúng tinh thần phụng vụ (dễ tập và dễ nhớ), và in ra trong các tờ bướm phát cho cộng đoàn. Cách thức này vừa đỡ mệt cho ca đoàn (vì phải tập quá nhiều bài hát khác nhau cho 3 ngày), vừa tạo điều kiện cho cộng đoàn tham gia “tích cực, hiệu quả và linh động” các cử hành phụng vụ của Tam Nhật Vượt Qua.
THỨ NĂM TUẦN THÁNH:
Ca Nhập Lễ: Trong Thánh lễ chiều, THÁNH LỄ TIỆC LY, chúng ta được mời gọi bước vào Tam Nhật thánh bằng bài ca nhập lễ tuyệt vời. Bài ca này tóm tắt và chứa đựng tất cả ơn gọi của chúng ta sống trong Tam Nhật: “Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta.” (x. Gl 6,14)
Kinh Vinh Danh: Chọn Kinh Vinh Danh quen thuộc với cộng đoàn giáo xứ, như Bộ lễ Seraphim (Đức cha Nguyễn Văn Hòa), Bộ lễ Ca Lên Đi (Cha Kim Long), v..v… Hãy thể hiện bài ca này thật hoành tráng và tưng bừng có thể. Trong lúc hát kinh này thì rung chuông (có thể dùng chuông rung bằng tay, mở nút chuông trên đàn organ, v.v...) Sau đó không rung chuông nữa cho đến Canh Thức Vượt Qua, trừ khi Hội Đồng Giám Mục hay Đấng Thường Quyền đã quy định thể khác (x. SLR, tr 255, số 3)
Nhiều người đệm đàn giữ truyền thống lâu đời không đệm đàn nữa sau khi rung chuông mãi cho đến Kinh Vinh Danh của Đêm Vọng Phục Sinh (Thứ Bảy Tuần Thánh).
Rửa Chân: Khi linh mục, với các người giúp lễ, đi đến từng người, đổ nước trên chân họ và lau, thì hát một số bài ca được ghi trong Sách Lễ Rôma với những điệp ca được đề nghị dựa trên Gioan chương 13 (tr. 255), hoặc những thánh ca thích hợp.
Dâng lễ: Thánh lễ Tiệc Ly là trường hợp họa hiếm mà Sách Lễ Rôma đề nghị một bản văn đặc biệt để hát trong lúc chuẩn bị lễ vật: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.” Vì thế nên hát đúng những bài thánh ca nào dệt lời bằng chính bản văn này. Tuy nhiên có thể sử dụng bài khác thích hợp (x. SLR, tr.257, số 9).
Kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ phụ: Sau lời nguyện hiệp lễ, linh mục chuẩn bị mang Mình Thánh Chúa đến bàn thờ phụ đã được trang hoàng xứng đáng. Trong khi đoàn rước di chuyển để mang Mình Thánh sang bàn thờ phụ, thì hát thánh thi “Pange Lingua Gloriosi – Nào ca hát để họp mừng...”, hoặc một bài ca nào khác kính Mình Thánh. Tùy theo đoàn rước dài hay ngắn (về khoảng cách cũng như về số tín hữu rước) mà hát đi hát lại 4 khổ đầu của thánh thi này. 2 khổ cuối cùng của thánh thi: “Tantum Ergo – Ôi bí tích thật cao vời...” không hát cho đến khi linh mục đặt Mình Thánh Chúa lên bàn thờ phụ và xông hương (SLR, tr.261, số 17).
THỨ SÁU TUẦN THÁNH:
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Cử hành cuộc thương khó của Chúa được bắt đầu và kết thúc mà không có khởi sự và giải tán, vì sau khi phủ phục trước bàn thờ, linh mục đọc lời nguyện và đi vào phần thứ nhất:
Phần thứ nhất: Cử hành phụng vụ Lời Chúa. Như thường lệ có 2 bài đọc. Bài đọc 1: Isaia 52,13-53,12 (Bài ca thứ tư về người tôi tớ Chúa); tiếp theo là thánh vịnh đáp ca (Tv 30) mà câu đáp lấy từ Luca 23,46: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Sau Thánh vịnh Đáp ca là bài đọc thứ hai trích thư gửi tín hữu Do thái, và hát Tung hô Tin Mừng.
Tin Mừng Gioan 18,1-19,42 là Trình thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Theo truyền thống khi đọc hoặc hát Trình thuật này, các giáo xứ sẽ phân vai: Đức Giêsu – người kể – thế nhân (Phêrô, Philatô…) và dân chúng. Có thể là phó tế, là ca viên được phân những vai này, nhưng nếu được thì nên dành những lời của Chúa Kitô cho linh mục (x. SLR tr. 244, số 22).
Bài Thương Khó (Passio) này dựa trên cung bình ca đã được Đức cha Nguyễn Văn Hòa và Đại chủng viện thánh Giuse Sàigòn đặt lời Việt. Về cao độ có 3 nét khác nhau rõ rệt: trung bình: người kể; cao và bổng: một người (thế nhân); trầm: Lời của Chúa Giêsu. Vì thế cần phải chọn những ai vững về nhạc lý, ký xướng âm, có chất giọng phù hợp và phải có tâm tình thực sự để diễn đạt tốt nội dung trình thuật. Chắc chắn những ai được giao nhiệm vụ này nên chuẩn bị thật chu đáo bằng luyện tập với nhau, bằng suy niệm và bằng tâm hồn thánh thiện xứng hợp.
Phần thứ hai: KÍNH THỜ THÁNH GIÁ
Trong khi suy tôn thánh giá, và thánh giá được nâng lên 3 lần, thì mỗi lần như vậy, linh mục hát câu kêu mời: “Đây là cây thánh giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”, phó tế hay ca viên, hoặc ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: “Ta hãy đến bái thờ”. Mỗi lần lời mời gọi được nâng cung lên (nâng cao độ – thường là 1 nửa cung), vì thế người đệm đàn cần báo cung một cách tinh tế và rõ ràng. Nếu lời mời gọi này được linh mục hoặc phó tế hát, mà các ngài không rành nhạc lắm, thì tìm cơ hội trước đó để các ngài luyện cho thuộc và nhuần nhuyễn.
NHỮNG BÀI HÁT ĐỂ KÍNH THỜ THÁNH GIÁ
Bài 1: Tv 66,2
Bài 2: Thán ca “Dân Ta hỡi”
Bài 3: Thánh thi “Vang Khúc Khải Hoàn Ca” (x. SLR tr.271-275)
THỨ BẢY TUẦN THÁNH:
CANH THỨC VƯỢT QUA
Canh Thức Vượt Qua là một cử hành Phụng Vụ kéo dài hơn và đơòi hỏi ca hát nhiều hơn bất cứ một cử hành nào khác trong năm phụng vụ. Về mặt phụng vụ, Canh Thức Vượt Qua cũng đòi hỏi mọi thành phần tham dự phải nắm rõ diễn tiến các nghi thức và những bài hát cần chuẩn bị trước.
LÀM PHÉP LỬA VÀ CHUẨN BỊ NẾN với
VIỆC CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH
Tác viên chính lo HÁT EXSULTET là phó tế. Do nhu cầu, bài công bố Tin Mừng phục sinh cũng có thể do một ca viên không phải là phó tế công bố nhưng bỏ câu: “Vậy giờ đây…” cho đến hết lời kêu gọi, kể cả lời chào: “Chúa ở cùng anh chị em” (SLR, tr. 283, số 17).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Nếu đọc hết các bài đọc đã đề nghị thì Phụng Vụ Lời Chúa bao gồm 7 bài Cựu ước. Sau mỗi bài đọc hát đáp ca, cộng đoàn hát câu đáp. Tiếp đến là Kinh Vinh danh.
Nên hát cùng một Kinh Vinh Danh đã được hát trong thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh. Thí dụ: Đã hát Kinh Vinh Danh trong bộ lễ Séraphim thứ Năm Tuần Thánh, thì Đêm Canh Thức hôm nay cũng hát lại Kinh Vinh Danh ấy với tất cả vẻ hoành tráng và huy hoàng, cùng với tiếng chuông rộn rã, tiếng đàn vang réo rắt, hoặc đánh chiêng trống theo thói quen địa phương (SLR tr.293, số 31).
ALLELUIA
Sau bài Thánh thư, mọi người đứng lên. Linh mục, nếu cần thì phó tế hoặc ca viên giúp, long trọng xướng Alleluia và mọi người lặp lại (Nên nhớ: Alleluia ở đây không đơn thuần là tiếng Alleluia trước Tin Mừng như chúng ta thường quen hát vào các Chủ Nhật ngoài Mùa Chay). Hát ba lần, mỗi lần lên giọng cao hơn. Giáo dân đáp theo giọng được xướng. Rồi ca viên hát thánh vịnh đáp ca (Tv 117) và dân chúng hát Alleluia đáp lại (x. SLR, tr. 294, số 34).
PHỤNG VỤ THÁNH TẨY
Kinh cầu các Thánh: Hai ca viên hát kinh cầu. Mọi người đứng (vì là Mùa Phục Sinh) và đáp lại. Kinh cầu có thể hát đang khi đi kiệu, nếu đường dài. Trong kinh cầu các Thánh, có thể thêm ít tên các thánh, nhất là các thánh bổn mạng nhà thờ, bổn mạng của địa phương và bổn mạng của những người sắp lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy (x. SLR, tr.295, số 41).
RẢY NƯỚC THÁNH TRÊN DÂN CHÚNG
Sau khi Lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy linh mục rảy nước thánh trên giáo dân, trong lúc đó mọi người hát:
Tôi đã thấy dòng nước…
Hoặc một bài thánh ca khác diễn tả được đặc tính của bí tích Thánh Tẩy.
V. TUYỂN TẬP THÁNH CA ĐỂ THAM KHẢO VÀ SỬ DỤNG:
1. Hát Thương Khó của Chúa Giêsu (Passio) của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa
2. Exsultet (Mừng vui lên..) cung bình ca của Đại chủng viện thánh Giuse Sàigòn
3. Bộ lễ Séraphim (hiệu đính theo bản dịch mới), Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, tháng 10 năm 2005
4. Bộ lễ Ca Lên Đi của Lm Kim Long
5. Họp Mừng Vượt Qua của Lm Hoàng Kim
6. Kinh Nhạc Tuần Thánh của Lm Kim Long (theo bản dịch mới của UBPT)
7. Tuyển tập thánh ca Mùa Chay & Phục Sinh của Ban Thánh nhạc giáo phận Nha Trang, từ trang 71 đến 120
8. Tuyển tập Thánh Ca 1 của Ban Thánh nhạc Tổng giáo phận TP.HCM, xuất bản năm 1990, từ trang 402 đến trang 490
9. Thánh ca Phụng Vụ tổng hợp của Lm Xuân Thảo và Các Bạn, năm 2002
10. Phụng Ca Dành cho Thiếu Nhi của Lm Phạm Đình Nhu, Lm Nguyễn Hữu Triết và Một Số Nhạc Sĩ, năm 2009, từ trang 80 đến trang 93
Linh mục ND
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
- Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (3)
- Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (2)
- Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua (1)
- Từ thánh nhạc đến nhạc phụng vụ
- Những câu hỏi và trả lời liên quan đến việc dệt nhạc cho Bộ Lễ KYRIE và Thánh Vịnh Đáp Ca
- Về Hiến chế “Sacrosanctum Concilium”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét