Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Video] Thế giới nhìn từ Vatican 10/02 – 17/2/2012: Âm mưu ám sát ĐGH Bênêđíctô thứ 16


Video] Thế giới nhìn từ Vatican 10/02 – 17/2/2012: Âm mưu ám sát ĐGH Bênêđíctô thứ 16


Tòa Thánh phủ nhận âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16
Hôm thứ Sáu 10 tháng 2, nhật báo Il Fatto Quotidiano của Italia đã đăng trên trang nhất một tài liệu về một âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Tuy nhiên, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi đã mô tả bài tường thuật của tờ “Il Fatto Quotidiano” là “nói năng mê sảng”.
Tờ Il Fatto Quotidiano và tiếp sau đó là hàng loạt các cơ quan truyền thông Italia và thế giới đã đề cập đến một tài liệu mật ghi ngày 30 tháng Mười Hai năm 2011 được cho là viết bằng tiếng Đức bởi Đức Hồng Y hưu dưỡng Dario Castrillón Hoyos, người Colombia, để cảnh báo Tòa Thánh về một kế hoạch ám sát Đức Giáo Hoàng vào trước tháng 11 năm nay.
Cha Federico Lombardi nói: “Rõ ràng rằng tài liệu này chứa đựng những suy nghĩ điên dại mà không có bất cứ thực tại nào.”




Đức Giáo Hoàng suy tư về những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 15 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ khoảng 6.000 tín hữu hành hương tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục. Đức Thánh Cha đã tập trung bài giáo lý của ngài vào những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi chết trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.
Ngài nói:
Anh chị em thân mến, tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về lời cầu nguyện Kitô giáo, lại một lần nữa chúng ta hướng đến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá. Thánh Luca đã gọi những lời này là ba “lời cuối cùng” của Chúa chịu đóng đinh. Chúa Giêsu đã thốt lên: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm ” (Lc 23:34), Chúa Giêsu đã cầu cho các lý hình và tỏ cho thấy chiều sâu của tình yêu hòa giải của Ngài đối với nhân loại tội lỗi. 
Ngài đã nói với người trộm lành: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43), Ngài ban cho tất cả những ai ăn năn và đặt niềm tin vào Ngài một hy vọng chắc chắn. Tiếng kêu cuối cùng của Ngài: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46), thể hiện sự phó thác đầy tin tưởng của Chúa Giêsu nơi Thánh Ý Thiên Chúa. Tiếng kêu ấy phát sinh ra từ quan hệ độc đáo của Ngài với Chúa Cha, là quan hệ định hình nên cuộc sống cầu nguyện của chính Ngài.
Từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu dạy chúng ta tha thứ và yêu thương kẻ thù của chúng ta, cầu nguyện cho sự hoán cải của họ, và biết phó mình trong tay Chúa Cha, tin tưởng rằng bàn tay Chúa sẽ tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta giữa các đau khổ của cuộc đời này cho đến khi đôi tay ấy ôm ấp chúng ta vào nước thiên đàng.
Tôi hoan nghênh các linh mục tham gia thụ huấn ở Học Viện giáo dục thần học nâng cao tại Đại học Giáo Hoàng Bắc Mỹ. Tôi cũng chào đón những người hành hương từ Tổng Giáo Phận Toronto, cũng như nhiều giáo xứ, giáo phận và trường học có mặt trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các học sinh của trường trung học Our Lady ở Motherwell, Scotland. Xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành cho anh chị em tín hữu hành hương từ Anh, Ireland, Na Uy và Hoa Kỳ!
Thanh niên Madrid đến Rome để cám ơn Đức Giáo Hoàng vì Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2011
Hôm 02 tháng 4 tới đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ gặp gỡ với một nhóm đông đảo những người trẻ đến từ Madrid. Nhiều người trong số họ là những thiện nguyện viên và những bạn trẻ hành hương tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới hồi tháng 8 năm 2011.
Đây sẽ là chuyến hành hương đến Rôma sau cùng được tổ chức bởi Tổng Giáo Phận Madrid từ 30 Tháng Ba đến 3 tháng 4.
Dẫn đầu các bạn trẻ sẽ là Đức Hồng Y Tây Ban Nha, Antonio Maria Rouco Varela. Theo ban tổ chức, họ sẽ hành hương đến Kinh Thành Vĩnh Cửu để cảm ơn Đức Thánh Cha đã chọn Madrid là nơi đăng cai tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ vừa qua, và đặc biệt hơn tất cả, là các hoa trái từ chuyến tông du của ngài tới Tây Ban Nha.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin: bạo lực tại Syria phải dừng lại
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 12 tháng 2, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi đặc biệt đến các giới chức có thẩm quyền tại Syria. Trước con số đông đảo những người bị giết, bao gồm cả trẻ em, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình, hòa giải, và đối thoại tại Syria.
Ngài nói:
“Tôi mời mọi người – đặc biệt là các giới chức có thẩm quyền tại Syria hãy ủng hộ những con đường hòa giải, đối thoại và dấn thân cho hòa bình. Điều đó là thiết yếu để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các thành phần dân chúng khác nhau, và đáp lại những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, đang quan tâm đến thiện ích chung của toàn xã hội, và của khu vực. “
Trong bài giáo lý của mình, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã suy tư về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người bị bệnh hủi. Sau đó, Đức Thánh Cha đã trình bày luận cứ tại sao Chúa Giêsu có thể cứu độ nhân loại.
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Chúa Giêsu đã không tránh tiếp xúc với người bị bệnh phong. Trong thực tế, thương cảm trước tình trạng của người này, Ngài đã tiến đến và chạm vào anh ta – bất chấp luật cấm không cho làm như vậy. Ngài phán rằng, ‘Tôi muốn điều đó, muốn anh được lành sạch’. Cử chỉ này và những lời của Chúa Kitô đã thiết đặt nên lịch sử ơn cứu độ.
Liên tiếp hai lần cuối tuần vừa qua, tuyết rơi ở Rôma. Mặc dù tuyết và thời tiết lạnh giá, hàng ngàn người đã đổ xô đến Vatican. Đức Thánh Cha cũng đã pha trò về thời tiết.
Ngài nói:
“Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật đẹp và một tuần thật tuyệt. Cầu chúc một tuần tốt lành! Chúa Nhật tới, tuyết không rơi! Chúc anh chị em ngày Chúa Nhật tốt đẹp”.
Tuần tới Đức Thánh Cha sẽ rất bận rộn. Ngài sẽ tiếp các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới về Rôma trong công nghị tấn phong Hồng Y cho 22 vị vào ngày Thứ Bảy 18 tháng 2.
Đức Giáo Hoàng kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp khu vực Nam Samạc Sahara
Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với 25 thành viên của “Quỹ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị Trợ Giúp Nam sa mạc Sahara”
Trong nhiều năm qua, các thành viên của quỹ này đã chiến đấu chống đói nghèo trong khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi, đồng thời bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:
“Tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế phải nghiêm túc giải quyết tình trạng nghèo cùng cực tại các khu vực này, nơi mà điều kiện sống đang bị suy hóa. Tôi cũng muốn khuyến khích và hỗ trợ các thực thể Giáo Hội khác nhau đang hoạt động trong vùng. “
Trong những năm qua, khu vực này đã bị hạn hán nghiêm trọng và nghèo đói trầm trọng. Kể từ tháng Năm năm 1980, Quỹ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị Trợ Giúp Nam sa mạc Sahara đã cố gắng cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương.
Đức Thánh Cha nhận xét:
“Được ra đời gần ba mươi năm qua theo mong muốn của vị Chân Phước tiền nhiệm của tôi”, Quỹ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị Trợ Giúp Nam Samạc Sahara “tiếp tục theo đuổi mục tiêu này, đó là nên một dấu chỉ cho lòng bác ái Kitô giáo, là hiện thân và là một chứng tá cho Chúa Kitô. Quỹ cũng cố gắng thể hiện sự gần gũi của Đức Giáo Hoàng với các anh em châu Phi của chúng tôi đang sống ở miền Nam Samạc Sahara.”
Trong cuộc họp, các thành viên của tổ chức này đã tặng cho Đức Thánh Cha một bản đồ độc đáo của châu Phi. Trong tư cách Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã viếng thăm lục địa này hai lần.
DVD tập trung vào cách thế làm sao một thông điệp của Đức Giáo Hoàng có thể giúp các doanh nghiệp
Một trong những thông điệp nổi tiếng nhất của Đức Giáo Hoàng là “Bác Ái trong Chân Lý.” Thông điệp được công bố năm 2009, và một bản tóm tắt của thông điệp này có thể được tìm thấy trong DVD nhỏ này.
DVD này gồm có một bản tóm tắt dài sáu phút, trong đó các tác giả thảo luận cách thế mà nội dung của thông điệp này có thể áp dụng cho thế giới kinh doanh. Ta có thể tìm thấy trong DVD mười ý tưởng trình bày cách thế mà thông điệp của Đức Giáo Hoàng có thể giúp cải thiện các doanh nghiệp khác nhau.
Các ý tưởng đó bao gồm sự phát triển kinh tế bền vững, công ích và tầm quan trọng của việc đánh giá các nhân viên.
Theo các tác giả, DVD này có thể hướng dẫn các công ty khi họ phát huy các giá trị bao gồm tình liên đới, trách nhiệm và sự tin tưởng lẫn nhau.
Nhà xuất bản của Vatican tung ra món quà độc đáo
Phiến đá được khắc biểu tượng của Đức Giáo Hoàng vừa được treo bên trong Nhà xuất bản Vatican. Đây là công trình của một nghệ nhân Malta nổi tiếng tên là Charles Azzopardi. Đức Ông Giuseppe Costa, Giám đốc Nhà xuất bản của Vatican nói: “Chúng tôi muốn giới thiệu món quà này, tập trung vào Đức Thánh Cha, như là một cách để làm nổi bật các giáo huấn của Huấn Quyền Đức Giáo Hoàng”
Phiến đá rộng 55cm và dài 74cm. Xung quanh nó là một số sách và thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, còn có một số hình ảnh giới thiệu những khoảnh khắc đặc biệt, khi Đức Thánh Cha tông du nước ngoài.
Sách của các tác giả khác cũng được giới thiệu. Vượt lên những cuốn sách, phiến đá này tượng trưng cho sức mạnh của chia sẻ thông tin, kiến thức và thần học.
Đức Ông Giuseppe Scotti cho biết thêm:
“Những quyển sách này và các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng mang lại một cái gì đó vượt ra ngoài các cuốn sách. Chúng mang đến một sự đào tạo thật sự, là những gì chúng tôi đang cổ xuý thông qua tổ chức Joseph Ratzinger Foundation.”
Đức Ông cho biết thêm
“Đó là một cách để làm nổi bật một số công trình chính và các tác giả mà chúng tôi có tại Nhà xuất bản của Vatican mà thực sự là Nhà xuất bản của Đức Giáo Hoàng.”
Charles Azzopardi đã thực hiện phiến đá vôi điêu khắc theo yêu cầu của Sứ thần Tòa Thánh tại Malta, là Đức Ông Tommaso Caputo.
Vatican hỗ trợ trung tâm điện tử mới nhằm mục đích ngăn chặn các trường hợp lạm dụng tính dục
Mục đích của trang web này là để ngăn chặn các trường hợp lạm dụng tính dục trong Giáo Hội. Được đặt tên là Trung tâm Bảo vệ Trẻ em, trang web đã được hình thành sau một hội nghị bốn ngày tại Vatican, với tiêu đề “Hướng tới Chữa Lành và Canh Tân.” Chính Đức Giáo Hoàng là một trong những ủng hộ biên chính của trang web này.
Trang web đào tạo trực tuyến này nhằm cung cấp thông tin cho các giám mục, các linh mục và các nhân viên Giáo Hội là những người có liên hệ đến vấn đề bảo vệ trẻ em. Trang web bao gồm thông tin về những dấu hiệu cảnh báo, sự can thiệp cũng như luật lệ và các yêu cầu phải tường trình với các giới chức thẩm quyền dân sự tại các quốc gia trên thế giới.
Trang web này đã được đưa ra sau khi hơn 130 giám mục và những người đứng đầu các dòng tu từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung về Rôma để thảo luận về những cách thức thích hợp nhằm ngăn chặn và xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục.
Tổng Giáo Phận Munich đã tham gia tích cực vào dự án này. Đức Hồng Y Reinhart Marx của Munich hy vọng sáng kiến này sẽ giúp mở đường cho việc hướng tới chữa lành và canh tân thực sự.
Đức Hồng Y Reinhart Marx nói:
“Chúng tôi đã vô cùng bị sốc bởi mức độ lạm dụng và tình trạng sa ngã trầm trọng và tràn lan của hàng giáo sĩ trong việc khai thác mối quan hệ của họ với trẻ em và thanh thiếu niên.”
Việc đào tạo trực tuyến của trang web này được cung cấp bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, Ý và Đức. Sau khi hoàn tất 30 giờ đào tạo, học viên sẽ nhận được một giấy chứng nhận từ Đại học Giáo hoàng Gregorian. Các chuyên gia từ Đại học Ulm của Đức cũng dự phần vào đề án này.
Sáng kiến này có một ngân sách lên đến $1,6 triệu đô la trong ba năm đầu tiên. Kinh phí đến từ nhiều giáo phận, tài trợ tư nhân và Quỹ Giáo Hoàng.
Khách hành hương tuốn đến Lộ Đức nhân kỷ niệm 154 năm ngày 11 tháng 2
Thành phố Rôma đương nhiên là nơi được người Công Giáo trên thế giới viếng thăm nhiều nhất. Nhiều người nghĩ rằng nơi thứ hai được thăm viếng nhiều có thể là Thánh Địa, nhưng thực ra đó chính là Lộ Đức, một thị trấn nhỏ của nước Pháp, gần biên giới của Tây Ban Nha.
Lộ Đức là nơi có những ngôi đền quan trọng nhất được cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria. Ngày 11 tháng Hai này đánh dấu kỷ niệm 154 năm kể từ khi phép lạ đầu tiên xảy ra ở đó, tức là vào năm 1858. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính, một Thánh Lễ đặc biệt đã được cử hành để đáp lại yêu cầu của nhiều người đang cần đến sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria.
Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Bernadette Soubirous ở Lộ Đức tổng cộng 18 lần, và nói với Bernadette là hãy uống nước từ một con suối gần đó. Sau đó, Catherine Latapie là người đầu tiên được chữa lành một cách thần kỳ. Bà đã được chữa khỏi bệnh tê liệt, sau khi uống nước suối. Đúng trong cái ngày bà được chữa lành ấy, bà đã hạ sinh một bé trai người sau này trở thành một linh mục. Trong những năm sau đó, tổng cộng 67 người đã chứng kiến những phép lạ tại nơi này.
Kể từ đó Lộ Đức đã trở thành một trong những địa điểm hành hương lớn nhất thế giới, với hơn 6 triệu du khách mỗi năm. Nhiều người hành hương tự túc, theo cách riêng của họ, những người khác đi theo nhóm như Hiệp Hội Đức Mẹ Lộ Đức.
Nhiều người sau khi thực hiện cuộc hành hương cho biết họ cảm thấy khoẻ mạnh hơn. Nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số những người này đã được Giáo Hội Công Giáo công nhận là đã nhận được phép lạ. Người ta nói nhiều người cảm thấy khoẻ mạnh chỉ bằng cách thực hiện cuộc hành hương đến Lộ Đức. Tuy nhiên, không cần biết là nước suối ở đây hay là chính cuộc hành hương đã giúp chữa lành cho họ, ai đến đền Đức Mẹ Lộ Đức cũng cố mang về những chai nước suối.
Một vị Hồng y Phi châu sẽ giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo triều Rôma
Từ 26 tháng Hai đến 3 tháng 3, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ đình chỉ tất cả các buổi triều yết chung của mình để dành thời gian cho kỳ tĩnh tâm Mùa Chay. Kỳ tĩnh tâm này sẽ bao gồm một tuần cầu nguyện diễn ra tại nhà nguyện Mater Redemtoris của Vatican. Các vị trong giáo triều Rôma cũng tham dự cùng với Đức Thánh Cha.
Chịu trách nhiệm thuyết giảng trong kỳ tĩnh tâm này là Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya của Congo. Ngài là một trong những nhân vật hàng đầu của Giáo hội tại Phi Châu. Ngài cũng là một tiếng nói nổi bật trong việc đấu tranh cho nhân quyền ở nước mình, đặc biệt là dưới chế độ độc tài Mobutu Sese Seko.
Các cầu thủ bóng đá của đội Atletico Madrid tặng áo lưu niệm cho Đức Thánh Cha
Hôm thứ Tư 15 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp đội bóng đá Tây Ban Nha Atletico Madrid. Các cầu thủ và các nhà lãnh đạo của đội này đã tặng cho Đức Thánh Cha hai chiếc áo đỏ và áo trắng của đội.
Đội Atletico Madrid đang ở Rôma để đá với đội Lazio của Ý trong khuôn khổ cúp Châu Âu.
VietCatholic Network



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét