Chia sẻ Tin Mừng Chúa nhật 7 TN B
CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN B Mc 2,1-12
Lời Chúa trong những Chúa nhật trước, chúng ta đã quan sát thấy Chúa Giêsu mạc khải hay tỏ mình ra cho dân chúng, như là Đấng vừa giảng dạy có uy quyền, vừa thực hiện những dấu lạ trừ khử ma quỷ, chữa lành bệnh tật, cho người bị phong hủi được lành sạch… Dân chúng thì có thái độ vừa kinh ngạc vừa tôn vinh Thiên Chúa. Họ từ khắp nơi đến với Chúa Giêsu. Đó là lời nhận định của chính tác giả Phúc âm khi kết thúc chương I.
Hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta đọc và suy niệm chương 2, các câu từ 1-12, kể lại biến cố Đức Giêsu làm phép lạ chữa cho một người bất toại, để chứng tỏ rằng: chính Ngài là Đấng có quyền tha tội. Như thế, mạc khải về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô được tiến thêm một bước quan trọng: Chúa Giêsu không phải chỉ là Đấng đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, nhưng Ngài còn là Đấng có quyền tha tội như Thiên Chúa, bởi vì Ngài chính là Thiên Chúa.
Bài đọc I trích sách Isaia cho thấy: công việc sáng tạo của Thiên Chúa không chấm dứt sau sáu ngày như được mô tả trong trình thuật của sách Sáng Thế, nhưng Ngài tiếp tục sáng tạo nên những cái khác nữa. Isaia nói rằng dân của Chúa đã chẳng nhớ đến Chúa; họ chẳng kêu cầu đến Chúa; họ đã xúc phạm đến Chúa bằng tội lỗi và sự gian ác của họ; nhưng Chúa đã không bỏ họ, trái lại, Ngài còn xóa bỏ tội lỗi và không nhớ đến sự gian ác của họ nữa.
Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay nêu lên hai sự kiện: Thứ nhất là phép lạ Đức Giêsu chữa một người bại liệt; Thứ hai là sự bất đồng của các luật sỹ đối với Đức Giêsu khi họ nghe Ngài tuyên bố tha tội cho người bại liệt. Qua đó, Đức Giêsu đã tỏ cho họ biết: dưới đất này Con Người cũng có quyền tha tội. Ngài đã chứng minh cho họ biết Ngài có quyền tha tội bằng cách truyền cho người bại liệt đứng dậy vác chõng đi về trước sự chứng kiến của mọi người.
Quí vị và các bạn thân mến, thánh Marcô đã cho chúng ta thấy đám đông dân chúng theo Chúa Giêsu rất đông vì danh tiếng cũng như việc làm của Ngài tại Galilê. Cho dù Ngài có lánh riêng ra một nơi thì dân chúng cũng tìm đến với Ngài. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đến với Ngài đều có một thiện chí như nhau. Có người đến để được chữa bệnh, có người đến để tò mò, để xem và cũng có người đến để tìm cách bắt bẻ Ngài…
Hôm nay, tại Caphácnaum trước mặt bàn dân thiên hạ, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị bại liệt sau khi tha tội cho anh ta. Chính vì việc tha tội này đã khiến cho các Kinh sư phẫn nộ. Vì đối với họ, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Ngoài ra, bất cứ ai tự cho mình có quyền tha tội đều là phạm thượng, mà hình phạt dành cho tội lộng ngôn và phạm thượng là bị ném đã cho đến chết (Lv 24,16).
Các Kinh sư kết tội Chúa là phạm thượng, vì họ chỉ coi Ngài là một con người bình thường, con nhà bác thợ mộc, cùng quê hương làng xóm với họ. Họ không nhìn nhận Ngài là một vị Thiên Chúa làm người, cho dù họ được chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm. Chính vì thế khi được Chúa tỏ cho biết Ngài là Thiên Chúa và có quyền tha tội như Thiên Chúa họ đã không thể chấp nhận được. Có biết bao nhiêu lần Chúa đã tỏ ra uy quyền của một Thiên Chúa như những lần làm phép lạ cho bệnh nhân, phép lạ trên thiên nhiên, trên chính ma quỉ và trên cả cái chết... Về giáo lý, dân chúng cũng phải công nhận Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền (Mt 7,29). Chúa đã phán Ngài là chủ của ngày Sa-bát (Mc 2,28). Ngài có quyền tha tội (Mt 9,6) và còn trao ban quyền ấy lại cho các tông đồ và những người kế nhiệm các ngài (Mt 16,19). Chính những tư tế ở Giêrusalem đã từng hỏi Chúa rằng quyền của Ngài ở đâu đến mà phi thường như vậy (Mt 21,23). Tất cả điều đó đủ minh chứng Ngài là Thiên Chúa. Như vậy, câu nói của Đức Giêsu: “tội con đã được tha” không phải là một lời nói phạm thượng, mà là một chân lý đức tin, vì Chúa Giêsu có toàn quyền trên thân xác là chữa bệnh bất toại và trên linh hồn là việc tha tội.
Nhưng đối với các Kinh sư họ không thể chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa nên khi nghe thấy Chúa tha tội thì họ "nổi sùng", vì họ biết rằng: chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Dù tư tưởng họ mới nhen nhúm trong lòng thôi, thì Chúa Giêsu cũng đã biết được họ nghĩ gì. Đó cũng là cách minh chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt những gì nơi kín đáo (Mt 6,4. 6. 18).
Biết được như thế, Chúa liền đặt ra hai vấn nạn, Ngài nói: “Tội lỗi con được tha hay vác chõng mà về đàng nào dễ hơn” (Mc 2,9). Tội lỗi được tha là do lòng thương xót của Thiên Chúa; vác chõng mà đi là do quyền năng của Ngài. Cả hai cách đó đối với loài người chúng ta đều bất lực, bất lực hoàn toàn. Tuy nhiên, tha tội mà không được khỏi bệnh thì người Do-thái chưa tin; mà khỏi bệnh không thôi thì đâu có gì là khác lạ, quyền năng. Cho nên để giải quyết vấn đề, Chúa Giêsu đã làm cả hai: Ngài vừa tha tội vừa bảo “Hãy vác chõng mà về”.
Như vậy, mạc khải về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô, bắt đầu hé mở ra cho chúng ta thấy một yếu tố mới: Chúa Giêsu Kitô là Đấng có quyền tha tội mà phép lạ cho người bị bại liệt được lành bệnh là một minh chứng rõ ràng và mạnh mẽ. Sau khi đã hoàn tất công việc cứu chuộc qua cái chết và sống lại của Ngài, Chúa Giêsu trao ban quyền ấy cho các tông đồ: Các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các con tha tội ai thì nguời đó được tha, các con cầm tội ai thì tội người đó bị cầm buộc (Ga 20,22-23).
Ngoài ra, trong đoạn Tin Mừng hôm nay thánh Marcô còn muốn nêu lên cho chúng ta một ý tưởng quan trọng nữa, đó là để có phép lạ thì nơi người hối nhân cần phải có một đức tin vững vàng. Vì có lòng tin mà những người bạn đã đưa người bất toại đến gặp Đức Giêsu. Và "Thấy lòng tin của họ, Đức Giêsu nói với người bất toại rằng: Hỡi con, tội lỗi con được tha." Người bất toại đã hoàn toàn bất lực không thể tự lo cho mình được. Nếu anh ta có nghe biết về Đức Giêsu, anh ta cũng chẳng cách nào đến gặp được Ngài. Do đó, vì lòng tin tưởng và quyết tâm của bốn người bạn mà Đức Giêsu đã ban lời xá giải cho người bất toại. Lòng tin tưởng của họ quá rõ ràng. Họ đã không khiêng người bất toại đến với Đức Giêsu nếu họ không có lòng tin là Ngài có thể và sẽ chữa lành cho người bạn của họ. Họ đã quá thương người bất toại đến độ quyết tâm bằng mọi cách lo cho anh ta đến gần được gặp Đức Giêsu. Tin Mừng diễn tả, vì quá đông người nên họ đã leo lên mái nhà, rỡ mái để thả người bất toại xuống. Điều này cho thấy, lòng tin và sự quyết tâm của chúng ta lo giúp đỡ người khác gặp Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa nhìn nhận và ban ơn cứu giúp; điểm quan trọng là chúng ta cần phải biết hy sinh thời giờ và công sức để giúp đỡ họ. Chúng ta hãy bắt chước những người đã khiêng người bất toại đến với Chúa Giêsu là luôn sẵn sàng để giúp đỡ những anh chị em cần đến chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho chúng con được biết mầu nhiệm cao cả Chúa là Thiên Chúa qua việc tha tội cho người bất toại trong Tin Mừng hôm nay. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ để chúng con có thể đón nhận được mầu nhiệm cao cả này, đồng thời, luôn biết đến với Chúa để được Chúa tha thứ mọi lỗi lầm chúng con lỗi phạm. Amen
Phó tế Ant. Nguyễn Văn Chuẩn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét