Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Tản mạn tháng 03/2012: Xuân muộn - Miếng khi đói

Tản mạn tháng 03/2012: Xuân muộn - Miếng khi đói
 
 
TRUYỆN NGẮN & CHUYỆN PHIẾM
XUÂN MUỘN
 
          Tôi được tiếng là thông minh nhất nhà. Vậy mà có ba điều tôi không hiểu nổi.
          Đó là mẹ tôi đẹp như thế, tướng người quý phái như thế, ăn nói nhỏ nhẹ, bặt thiệp như thế, học hành đến nơi đến chốn như thế, mà lại yêu và lấy ba tôi, một người đàn ông dù tốt nghiệp đại học sư phạm Toán đấy, nhưng vừa cù lần, vừa xấu trai, lại vừa quê mùa, vừa cổ lỗ sĩ…
          Đó là chị Hai tôi, học dốt hơn tôi, nhưng lại đẹp hơn tôi nhiều (tôi phải đau xót nát lòng mà công nhận như vậy). Ngay từ thuở còn là sinh viên, đã có hàng tá chàng trai theo đuổi chị. Đến khi ra trường, đi làm, thiếu gì con ông cháu cha, thiếu gì giám đốc, trưởng phòng săn đón. Vậy mà đến cái tuổi 30 “toan về già” vẫn chưa có được một mảnh tình vắt vai. Hỏi đi hỏi lại, khó khăn lắm, chị mới bật mí: “Tất cả, tất cả, không một thằng đàn ông nào bằng được ba mình cả”…
          Đó là đám học trò của ba, nhất là những đứa học lớp 12A2 mà ba làm chủ nhiệm, cũ cũng như mới, hầu như đứa nào cũng quý mến, kính trọng ba, coi ba là thần tượng, có đứa còn coi ba như một người bạn thiết để trút buồn vui, thậm chí có đứa còn hỏi ý kiến ba về những chuyện riêng tư thầm kín mà chúng nó chẳng biết hỏi ai.
          Ấy thế mà, đùng một cái, như tiếng sét giữa trời quang, do đơn tố cáo của thầy Sửu tổ trưởng bộ môn Toán, ba bị đưa ra hội đồng kỷ luật vì “quan hệ bất chính” với học trò. Học trò đây là chị Duyên, học lớp 12A2 (tôi gọi là chị vì lớn tuổi hơn tôi, chứ còn trong bụng, tôi ghét cay ghét đắng). Hàng trăm câu hỏi được đặt ra để gỡ tội cho ba cũng có, mà để kết tội ba thì nhiều hơn, nhất là những câu hỏi vặn vẹo của thầy Mão hiệu trưởng, và của thầy Sửu. Ba chỉ trả lời:
          - Tôi lấy lương tâm của một con người, và của một nhà giáo công giáo, tuyên bố tôi không có những hành vi đồi bại đó.
          Thầy hiệu trưởng gay gắt:
          - Nhưng đồng chí phải làm cho rõ ràng: Tất cả mọi người đều biết đồng chí giao du với học sinh Duyên trên mức bình thường, phải biết cha đứa bé trong bụng Duyên là ai.
          - Đúng, tôi rất quý mến, thương yêu và quý trọng Duyên.
          Thầy hiệu trưởng vồ vập:
          - Chính đồng chí nhận sai phạm rồi nhé!
          Ba vẫn thản nhiên:
          - Tôi có thể biết cha đứa bé là ai, nhưng không thể nói được, vì tôi đã hứa.
          Thầy Sửu đưa ý kiến:
          - Để hai năm rõ mười, đề nghị hội đồng nhờ cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm  ADN.
          Ba chồm lên như một con sư tử:
          - Thân thể mỗi người phải được coi là bất khả xâm phạm. Tôi coi ý kiến của anh  Sửu vừa xúc phạm thân thể, vừa xúc phạm danh dự của tôi. Các anh có thể kỷ luật sa thải tôi là cùng, chứ không được quyền xúc phạm cá nhân tôi.
          Thế là ba bị đuổi việc. Khi bị hạ bệ, thần tượng bị bôi tro trát trấu, chỉ còn là ngẫu tượng, một thứ đất sét nhơ nhớp nhầy nhụa không ai muốn chạm tới, dù là đạp chân lên. Không một người bạn nào, một người học trò nào đến thăm ba nữa, trừ chị Duyên, bụng cao vượt mặt, “trơ trẽn” đến vào những lúc mẹ vắng nhà. Ấy là chưa kể tới những dây bìm bịp được thể, leo chằng chịt lên tấm phên dậu đổ. (Hả hê nhất, có lẽ là thầy Sửu, học trò cũ của ba. Nhờ dạy thêm, nhất là mở những khóa luyện thi Tú tài và Đại học, bảo đảm không đậu không lấy tiền, nhưng học phí cao ngất ngưởng, vợ chồng thầy mua được đất mặt tiền, xây được nhà 3 tấm, sắm được xe tay ga. Trong những khóa luyện thi ấy, học sinh cũng phải học, nhất là phải “gạo” những bài “tủ”, và được nhắc nhở hàng trăm hàng ngàn lần là tuyệt đối phải gài bằng được vào bài thi câu mật khẩu tùy theo từng kỳ thi như: “theo đề bài, ta có”, “theo giả thiết, ta có”, “điều đã được chứng minh”… để được các giám khảo trong “đường dây” chấm điểm “chiếu cố”. Biết chuyện, ba mời Thầy Sửu đến gặp riệng. Sau cuộc gặp, ba tiễn thầy Sửu bằng cơn giận tôi chưa từng thấy ở ba bao giờ: “Anh đừng bao giờ gọi tôi là thầy nữa, tôi cảm thấy xấu hổ và nhục nhã có một người học trò như anh…”).
          Thế là cửa địa ngục trần gian mở ra toang hoác, nuốt trửng gia đình tôi. Mẹ chìm trong trầm uất. Sự tuyệt vọng vì đồng nghiệp dè bỉu và sự ghen tuông của một người đàn bà che mờ hết lý trí, đến nỗi mỗi khi ba nói gì thì mẹ bịt tai:
          - Tôi không muốn nghe một câu nào của cái thứ phản bội vợ con, mặt người dạ thú, đạo đức giả như anh.
          Còn mỗi khi chị em tôi nói đến chị Duyên thì mẹ gào lên:
          - Đừng nhắc đến tên con sẽo đó trong nhà này.
          Chị em chúng tôi chỉ biết buồn câm nín. Còn ba cũng chẳng vui gì. Ba thường xuyên vắng nhà, chúng tôi cũng mặc chẳng hỏi han gì đến. Mọi người trong nhà không còn là người, mà chỉ là những hồn ma bóng quế vật vờ.
          Đã thành nền thành nếp, mùng 2 tết hằng năm, giáo xứ của tôi đều tổ chức thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên ở nghĩa trang. Ông bà nội ngoại của tôi đều an táng ở đây. Nên cũng thành nền thành nếp, năm nào chú bác cậu cô dì tôi đều gặp gỡ, ăn tết mùng 2 tại gia đình tôi, để buổi chiều thăm viếng phần mộ ông bà và tham dự thánh lễ. Bữa ăn trưa mùng 2 tết năm nay nặng như đá tảng, lạnh như băng Bắc cực mùa đông, không có lấy một chút không khí mùa xuân. Mặc cho mọi người chúc tụng nói cười, mẹ không hề mở miệng một câu, còn ba thì uống rượu kìn kìn, không ai cản được… Trước giờ lễ, ba ói mửa, huyết áp của ba lên tới 200 mi-li-met thủy ngân. Ba bị đột quỵ phải đi cấp cứu…
          Trong phòng cấp cứu, cô y tá đưa cho tôi cái bóp da và chiếc điện thoại di động của ba:
          - Em giữ cho ông và vui lòng ra ngoài chờ.
          Thời gian chờ đợi dài tưởng như vô tận. Tí máy, tôi mở điện thoại của ba. Trong hộp thư đến, có đến cả chục tin nhắn của chị Duyên. Tôi lưỡng lự vừa muốn tôn trọng quyền tự do riêng tư của ba, vừa muốn biết “con sẽo” ấy viết gì cho ba. Cuối cùng thì con quỷ tò mò của người phụ nữ trong tôi đã thắng.                    Tôi đọc những tin nhắn, theo trình tự thời gian trước sau của chị Duyên:
          Ngày…
          Con sẽ kể hết với thầy. Con chẳng còn ai thân thích. Con chỉ còn nương tựa và tin tưởng  vào một mình thầy thôi. Xin thầy hứa với con sẽ giữ kín như một linh mục phải giữ ấn tín tòa giải tội. Xin thầy đừng nói bất cứ gì, với bất cứ ai chuyện riệng tư con sẽ  giãi bày với thầy.
          Ngày...
          Thằng Tí con thầy Sửu tổ Toán, thằng Dần con thầy Mão hiệu trưởng, thằng Thìn, con ông Tỵ chủ tiệm vàng, thằng Ngọ, con ông chánh trương Mùi, bình thường đều là những người bạn tốt. Nhưng chúng nó toàn là con nhà giàu. Hôm chi đoàn tổ chức cắm trại ở Hà Tiên, chúng nó rủ rê nhau chơi thử cho biết một thứ ma túy nào đó. Thú tính nổi lên, cả bốn thằng thay phiên nhau làm nhục con. Con sợ quá thầy ơi! Con khổ quá thầy ơi!
          Ngày…
          Con vừa đi khám ở  bệnh viện về. Điều con lo sợ nhất đã đến, con “dính” rồi thầy ơi! Con phải làm sao đây. Chắc con chết mất.
          Ngày…
          Chỉ một liều thuốc bốn viên, trị giá 120.000 đồng là con tống khứ được cái cục nợ oan nghiệt đó đi...
          Ngày…
          Chúng nó vừa gọi điện hăm dọa  con và thầy nữa, nếu tên chúng nó bị tiết lộ.
          Ngày…
          Vâng lời thầy và vì Chúa, con giữ lại. Nhưng con sẽ đặt tên nó là Hoài Hận, để cứ nhìn mặt nó là con nhớ tới, hận thù cuộc đời và 4 con quỷ mặt người ấy.
          Ngày…
          Thầy bị kỷ luật đuổi việc vì con, thầy không phải giữ lời hứa với con nữa. Đừng vì con mà sự nghiệp của thầy dang dở, danh dự của thầy bị xúc phạm, hạnh phúc gia đình của thầy bị tổn thương… Thầy nói hết ra đi, thầy nhé!
          Ngày…
          Tạ ơn Chúa, và cũng nhờ thầy bảo ban nâng đỡ mà đứa con của con được góp mặt trần gian. Vâng, con phó thác mọi sự trong tay Chúa, Xin Mẹ Maria cứu giúp con.
          Ngày…
          Thầy ơi! Con vừa tự ký bản án tử hình cho chính con xong. Bác sĩ bảo chỉ cứu được một trong hai. Con chọn cái chết để đứa con trai của con được chào đời. Con buồn lắm vì sẽ chẳng được cho con mình bú giọt sữa đầu tiên, sẽ chẳng bao giờ được hôn nó dù chỉ một lần. Con vâng lời thầy, tha thứ hết để cho lòng thanh thản. Xin thầy làm cha đỡ đầu rửa tội cho nó, đặt tên thánh là Giuse, đặt tên nó là Hữu Phước, để nó không phải vô phước như mẹ nó. Con chắp tay lạy thầy, xin thầy thương đến nó và xin thầy cầu nguyện cho con.
          Tuần trước, Chúa đã gọi Chị Duyên về. Mẹ đứng ra lo liệu mọi sự như ý nguyện của chị. Sau khi hỏa táng, tro cốt của chị được gởi ở Phục sinh đường giáo xứ. Hôm nay, 19 tháng 3 là ngày kính thánh Giuse, bổn mệnh của ba, ba được xuất viện. Bác sĩ bảo tuy chậm, nhưng sức khỏe và trí nhớ của ba sẽ phục hồi. Ba đã biết cười, dù là nụ cười ngô nghê của một đứa trẻ lên 3, nhưng vẫn là nụ cười của một con người. Mẹ đích thân đi bệnh viện Cần Thơ đón ba, rồi cũng đích thân lên bệnh viện An Giang đem thằng bé Hữu Phước được gởi nuôi ở đấy về, nhận làm con. Chị Hai khen:
          - Mẹ thật tuyệt vời.
          Mẹ lau nước mắt:
          - Ba con mới là người…, người gì nhỉ?
          Tôi thành tâm:
          - Người công chính, được không? Mẹ!
          Mẹ mắng:
          - Không được phạm thượng.
          Chắc là mẹ nghĩ đến Thánh Cả Giuse, Đấng Công Chính chăng? Chị Hai thì hôn chùn chụt lên má thằng cu Hữu Phước:
          - Còn mẹ Duyên của cu là một thánh nữ, cu nhỉ? Cu có biết không?
          Bên kia sông, nắng chiều reo trên ngọn tre. Trên mặt sông, đàn én chao lượn trong khói đốt đồng lãng đãng. Trước hiên nhà, cây mai già còn cố nở vài bông rơi rớt. Mùa xuân vẫn đang về, dù là xuân muộn.
 ngu mỹ nhân
 




MIẾNG KHI ĐÓI
 
“Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối,
gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi.” ( Hc 4, 4 )
          Ba mẹ tôi mất lúc nào tôi không còn nhớ, tôi sống với bà ngoại già và nhờ vào lòng hảo tâm của những người hàng xóm. Đến khi ngoại tôi mất là lúc tôi cũng có thể tự kiếm sống. Đời tôi đã làm nhiều thứ nghề từ ở đợ, cắt lúa mướn, làm cỏ theo thời vụ, đi bắt hến, bắt cá, kiếm cơm qua ngày. Và cho đến bây giờ tuổi già của tôi đã gần đất xa trời tôi chưa bao giờ được sống trong một căn nhà đúng nghĩa. Tôi nói thế vì tôi đã từng và đang ở trong căn chòi nhỏ bé, xiêu vẹo nằm trên một liếp chuối phía sau vườn của một gia đình có lòng hảo tâm cho tôi ở nhờ. Gia tài của tôi là một túp lều thưa thớt lá, cái chõng tre, bộ quần áo cũ, khạp nước, vài cái nồi, bó củi và mớ lá chuối khô.
          Mấy hôm nay chân tôi bị nhức và không thể nào đi được, bữa cơm cuối cùng là chén cơm chiều ngày hôm trước. Bây giờ bụng tôi đói, chân tay tôi bắt đầu run, mắt tôi nhạt nhòa có chút hờn trách ông Trời. Sao đời tôi cơ cực và khổ quá! Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng bước chân của ai đó. Tôi nghĩ lạ quá, ai ra đây làm chi? Tiếng chân bước trên lá chuối khô sột soạt mỗi lúc một gần hơn. Tôi quá ngỡ ngàng. Trước mặt tôi là hai người phụ nữ ngoài năm mươi tuổi. Họ tự giới thiệu họ là dì phước, họ đến thăm tôi vì có người nói cho họ biết có một bà già nghèo, neo đơn sống nhờ ngoài liếp chuối…
          Dì phước đã đến trước chòi của tôi. Dì chào tôi và hỏi: “Bà khỏe không? Bà đã ăn gì chưa?”
          Tôi nói: “Tôi ăn cơm từ chiều hôm qua, chân tôi nhức quá tôi không thể đi được, tôi đói lắm.” Và hai hàng nước mắt tuôn trào. Tôi không còn nói thêm được điều gì nữa!
          Một trong hai dì lẹ làng lấy lá chuối khô nhen lửa và nấu cho tôi một tô mì. Tô mì thơm ngát với một ít tôm khô và trái cà chua. Tôi vô cùng cảm động đón lấy tô mì và ăn một cách ngon lành. Lòng tôi thầm cám ơn Trời Phật đã gởi dì phước đến thăm và đem quà đến cho tôi. Hai dì đã xách cho tôi vài thùng nước, nấu cho tôi một lon gạo và khui hộp cá, hấp trong nồi cơm cho tôi…
          Tôi nắm tay dì nói lời cám ơn với tất cả lòng biết ơn của tôi. Tôi vô cùng nghẹn ngào, cảm động: “Lòng già nầy vô cùng biết ơn hai dì. Xin Trời Phật độ cho hai dì được mạnh giỏi. Tối sớm tôi vái xin ơn Trời cho các dì.”  Tôi tự hỏi dì phước là ai sao lại tốt bụng vậy? Dì đến thăm còn đem quà đến cho tôi. Lòng già nầy quá đỗi ngỡ ngàng! Từ đó các dì đến thăm tôi thường xuyên hơn, đem cho tôi một ít thuốc, gạo, ít gói mì … có khi còn đem cho tôi thịt kho hột vịt và những cái bánh cả đời tôi chưa được ăn!
          Bây giờ đã nhiều năm qua và nhiều lần gặp gỡ, tôi biết các dì là ai? Tôi cũng biết được có nhiều tấm lòng mở ra làm phước, để tôi có chén cơm, viên thuốc. Tôi cám ơn tất cả mọi người. Tuổi già sức yếu tôi chỉ biết xin Trời Phật độ cho hết thảy những ai đã quảng đại chia sẻ cho tôi phần cơm bánh của họ. Tô mì vào một buổi chiều với hai dì phước năm xưa, còn nguyên vẹn đó trong tôi, như là một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn tình thương, để tuổi già của tôi được ấm áp, được hạnh phúc. Tôi cảm động, chắp tay cám ơn Trời Phật, cám ơn anh chị em, vì trên hành tinh nầy còn có những con người có tấm lòng chạnh thương đã cùng đồng hành với tôi trong kiếp nhân sinh!
Sr. Marie Chantal BTKLoan

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét