Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Bổ và độc với nha đam


Bổ và độc với nha đam
Nha đam (lô hội), tên khoa học Aloe vera, A. barbadensis, A. vulgaris là một chi gồm nhiều loài khác nhau, nguồn gốc từ Bắc Phi. Những dòng chữ tượng hình và những hình vẽ còn lưu lại trên những bức tường ở những đền đài Ai Cập cho thấy cây nha đam đã được biết đến và sử dụng cách đây hơn 3.000 năm. Ngày nay con người đã chứng minh và khẳng định được vai trò của cây nha đam trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
Một số nhà khoa học lớn tại Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu chính thức trên thực nghiệm và lâm sàng trong nhiều năm đã chứng minh được hiệu quả của nha đam đối với sức khoẻ con người là rất lớn.

Kim cổ, Đông Tây đều khen
Theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính hàn, tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, thông tiện, làm mát gan. Dùng để chữa các chứng rối loạn tiêu hoá, ăn uống không tiêu, làm thuốc nhuận trường (với liều thấp 0,05 – 0,1g dạng nhựa khô màu đen), tẩy xổ (0,15 – 2g), trẻ con bị cam tích, táo bón. Nha đam còn có tác dụng thông mật, nhuận gan, kiện tỳ vị, chữa viêm loét dạ dày.
Còn theo y học hiện đại, thống kê các kết quả nghiên cứu cho thấy nha đam có các lợi ích như sau: ức chế đau, dạng gel thoa vào các vùng bị thương sẽ giúp giảm viêm, giảm đau. Chống viêm và giải dị ứng, nhờ chất glycoprotein giúp loại trừ bradykinin là chất trung gian gây đau và viêm, nha đam còn ức chế các phản ứng histamine và giúp giải dị ứng nhanh chóng. Làm lành vết thương và tẩy sạch các tế bào sừng trên da. Kháng khuẩn và kháng nấm. Giúp tái sinh tế bào, loại bỏ tế bào già và giúp tái sinh các mô mới. Kích thích tiêu hoá và nhuận tràng, chống viêm ruột, táo bón, nhờ nha đam chứa nhiều loại men tiêu hoá và nhóm hoạt chất emodin và aloin có tác dụng nhuận trường. Tăng cường giải độc cơ thể, nhờ tăng cường chuyển hoá tại gan, thận giúp loại trừ độc tố tế bào, khi uống nha đam liều thấp, có thể sẽ bị xổ nhẹ, nhờ đó giúp tẩy hết những vi khuẩn độc trong ruột. Đại học Oklahoma (Mỹ) đã ứng dụng nha đam trong nha khoa, và chế dạng kem đánh răng, dịch chiết nha đam giúp ngừa chảy máu chân răng và viêm nướu, chống sâu răng và làm răng chắc khoẻ.
Nhờ chứa nhiều chất bổ dưỡng cung cấp năng lượng cho tế bào, mà các thực phẩm chức năng bào chế từ nhựa nha đam dạng uống còn chữa được chứng mất ngủ, trầm cảm, viêm đại tràng, tiêu hoá kém, tuần hoàn kém, bệnh viêm khớp… Nha đam được dùng làm mỹ phẩm nhờ hai thành phần chính là lignin và polysaccharide thấm sâu vào biểu bì, tẩy sạch các vi khuẩn và chất dầu bịt lỗ chân lông. Nhờ các chất dinh dưỡng có trong nha đam giúp tái sinh tế bào, làm lành vết thương, chữa mụn nám. Nha đam đã được chế thành các loại kem giữ ẩm bù nước cho da, kem dưỡng da, lột da, chống nắng, bảo vệ da và kem mátxa toàn thân. Dạng gel bôi da còn được ứng dụng trong ngoại khoa để làm lành vết mổ và phòng chống nhiễm xạ.

Khi ăn nha đam, cần làm sạch lớp mủ màu vàng kế bên lớp thạch để tránh ngộ độc. (Ảnh minh họa).

Những lưu ý trước khi sử dụng

Nha đam có nhiều loài, mỗi loài có sinh trưởng riêng và tuỳ theo thổ nhưỡng, khí hậu, vùng đất mà hàm lượng và thời kỳ thu hái có khác nhau, trong đó tốt nhất vẫn là A. vera và A. barbadensis, cây cho chất lượng tốt nhất vẫn là từ 2 – 3 năm tuổi. Điều cần biết là nhựa cây nha đam nguyên chất là một chất độc, khi để ra ngoài không khí chất nhựa này dễ bị oxy hoá làm mất đi một phần hoạt tính, do đó cần có quy trình chiết xuất đúng đắn để ổn định hoạt chất. Chất độc tố trong nha đam tuy không gây chết người nhưng có thể làm người ăn phải bị tiêu chảy, phụ nữ mang thai có thể sinh quái thai. Tiêu hoá một lượng lớn nha đam có thể gây co thắt bụng, nôn mửa, tiêu chảy, bên cạnh đó nó còn bài tiết qua nước tiểu làm cho nước tiểu có màu như máu. Phụ nữ đang cho con bú dùng cẩn thận vì trẻ có thể bị ngộ độc khi bú mẹ. Nếu dùng trong thời gian dài (3 – 6 tháng dạng đã chế thành viên) có thể có hiện tượng tích luỹ gây rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy. Người bị bệnh trĩ, viêm ruột không nên dùng vì anthraquinon trong nhựa nha đam gây sung huyết. Người hay lạnh, hư hàn, tiêu chảy, huyết áp thấp cũng không dùng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Khi ăn nha đam, cần làm sạch lớp mủ màu vàng kế bên lớp thạch để tránh ngộ độc. Liều dùng lá tươi mỗi ngày từ 5 – 10g. Chọn những bẹ nhỏ, xanh nhạt, gọt bỏ lớp vỏ, rửa sạch dưới vòi nước, cắt nhỏ, ăn chung với yaourt, nấu với đậu xanh. Dùng lâu dài với liều lượng thấp không có hại. Không nên bôi trực tiếp lên da vì dễ bị kích ứng gây đỏ da và viêm loét. Đối với phụ nữ có da dễ nhạy cảm, trước khi sử dụng cần phải test trước để tránh làm sưng tấy và nhiễm trùng vùng da bị dị ứng.
Những hoạt chất có trong nha đam
– Polysaccharid: cellulose, glucose, rhamnose, aldopentose, galactose, xylose, arabinose và acemannan, chính chất này có tác dụng kháng virút và giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
– Prostaglandin và các axít béo chưa bão hoà như axít gama linolenic, nhóm chất này có tác dụng tiêu sưng, giải dị ứng và làm lành vết thương, mau lên da non.
– Nhiều men tiêu hoá giúp ăn ngon và làm thuốc bổ.
– Nhiều axít amin (gồm tối thiểu 23 loại), vitamin (B1, B5, B6, B12, C, A, E), khoáng tố vi lượng (Ca, P, Cu, Fe, Mn, Mg, Na, K).
– Nhóm anthraglycoside có khả năng chống oxy hoá tế bào, nhuận trường, giải độc, chống táo bón gồm aloin, barbaloin, emodin, aloe-emodin, ester của axít cinnamic, axít hysophanic.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét