Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012
Tiệc Cưới, Áo Cưới 23/08 – Thứ năm tuần 20 Thường Niên.
"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".
Thánh Rôsa Lima, Ðồng Trinh (1586-1617)
Rôsa là thánh nữ tiên khởi của miền Nam Mỹ Châu. Cha mẹ ngài gốc Tây Ban Nha, nhưng vì sinh kế phải sang Pérou lập nghiệp tại thủ đô Lima vào khoảng năm 1543. Chính tại đây, Rôsa đã chào đời vào năm 1586.
Ngay từ nhỏ, Rôsa đã có một đời sống đạo đức gương mẫu. Mặc dầu được mọi người trong gia đình chiều chuộng, Rôsa vẫn luôn tỏ ra thùy mị đơn sơ từ lời nói tới cách ăn mặc. Ðược cắp sách tới trường, Rôsa chăm lo trau dồi các môn học, nhất là về văn chương. Khi cha mẹ già yếu bệnh tật, Rôsa phải bỏ học hầu giúp gia đình và phụng dưỡng cha mẹ.
Ðể giữ mình trinh khiết, năm 1608, ngài xin mặc áo dòng Ba Thánh Ða Minh. Từ đó ngài bắt đầu sống một cuộc đời ăn chay đền tội nhiệm nhặt, xa tránh những thú vui ồn ào. Những lúc nhàn rỗi, ngài thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và suy gẫm về ý nghĩa lễ Misa. Cuộc sống chiêm niệm ấy đã đem lại nhiều lại nhiều tư tưởng đạo đức cao sâu cho ngài.
Ngoài ra, ngài còn ao ước đi truyền giáo các nơi xa xôi, nhưng vì gánh nặng gia đình, vì sức yếu nên ngài không thực hiện được ước mơ. Bù lại, ngài hăng hái tham gia vào việc từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo khổ.
Ngài chết ngày 23/8/1617 vì bệnh ung thư, sau những năm dài say mê với công việc bác ái. Ngài được nổi tiếng vì những phép lạ đã làm.
Ðức Giáo Hoàng Clêmentê X đã phong ngài lên hàng các thánh trinh nữ năm 1671.
Lời Chúa: Mt 22, 1-14
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!" Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".
SUY NIỆM 1: Tiệc Cưới, Áo Cưới
Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.
Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.
Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê.
Ước gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Hoa đầu mùa của Mỹ Châu
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Rosa Lima, vị thánh đầu tiên của Châu Mỹ. Thánh nữ có hai đặc điểm mà dường như vị thánh nào cũng có, đó là: bị chống đối và sống khắc khổ.
Chọn thánh nữ Catarina Siena làm mẫu mực, Rosa quyết sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sợ nhan sắc của mình có thể quyến rũ nhiều người cũng như làm cớ vấp phạm cho chính mình, Rosa đã lấy tiêu thoa lên mặt để biến mình thành một người xấu xí. Cô cũng lấy thép cuốn thành vòng gai nhọn đội trên đầu.
Nhưng Rosa không phải là một con người mơ mộng viển vông. Khi thấy gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Rosa đã hy sinh làm lụng suốt ngày ngoài đồng và tối về may vá suốt đêm để kiếm tiền đắp đổi cho gia đình. Sống cho cha mẹ, lo cho gia đình, nhưng Rosa vẫn quyết tâm dâng hiến trọn đời cho Chúa. Cô đã mất mười năm để chống lại ý định của cha mẹ nhằm cưỡng bách cô phải lập gia đình. Và cuối cùng, vì cha mẹ cũng không chấp nhận cho cô vào dòng, Rosa đã gia nhập vào dòng ba thánh Ða Minh. Như thế cô vừa sống được lý tưởng tu dòng vừa sống thánh giữa đời.
Trong những năm cuối đời, Rosa dành một phòng trong nhà để đón tiếp trẻ em không nhà không cửa và những người già cả bệnh tật. Ðây là một trong những hình thức hoạt động xã hội đầu tiên tại Pêru.
Rosa qua đời năm 31 tuổi. Cả thành phố Lima thương khóc cô như một vị thánh trẻ đã kết hợp tinh thần chiêm niệm, khổ chế với hoạt động bác ái.
Thánh Rosa kể lại rằng trong một giấc mơ, ngài được Chúa dẫn đến một xưởng điêu khắc dành cho những người muốn nên thánh. Thánh nhân chứng kiến cảnh không biết bao nhiêu người đang ngồi trước các khối đá cẩm thạch. Có người sắp hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật. Có người chỉ mới bắt đầu đục đẽo trên một phiến đá sần sù, cứng nhắc. Thánh nữ cũng được Chúa trao cho những đồ nghề cần thiết và đặt ngồi trước một phiến đá lớn. Người mẫu của tác phẩm chính là hình ảnh mà Thiên Chúa đã đặt để từ đời đời trong thánh nữ.
Mỗi ngày chúng ta kính nhớ một vị thánh. Mỗi một vị thánh là một nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta. Không một vị thánh nào giống vị thánh nào. Không ai bắt buộc phải sống khuôn dập theo bất cứ một mẫu mực nào. Mỗi người là một vị thánh cá biệt. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung: đó là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.
Và hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta họa lại trong cuộc đời của chính mình là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng người Kitô không chỉ sống như Ðức Kitô, mà còn sống bằng chính Ðức Kitô. Họa lại Ðức Kitô cũng có nghĩa là để cho Ðức Kitô uốn nắn, tạc vẽ cho đến khi nào chúng ta đạt được tầm mức của Ngài.
(Trích trong ‘Lẽ Sống’)
SUY NIỆM 3: Mặc Áo Cưới
Thiên Chúa ban ơn và mời gọi mọi người đến lãnh nhận ơn cứu rỗi để được hưởng hạnh phúc đời đời, điều này được diễn tả qua hình ảnh bữa tiệc cưới được dọn ra cho con người nhưng những kẻ được mời đã không đến dự. Con người tìm hạnh phúc ở nơi khác ngoài Thiên Chúa, ngoài chương trình Thiên Chúa mong muốn. Sự chối từ của con người không làm cho Thiên Chúa bỏ dở công cuộc của Ngài, Ngài tiếp tục mời gọi con người đến với Ngài. Nhưng có một chi tiết đáng lưu ý, những kẻ bước vào dự tiệc phải giữ điều tối thiểu đó là mặc áo cưới. Các nhà chú giải hiểu việc mặc áo cưới như là mặc lấy Chúa Kitô và được thánh Phaolô tông đồ giải thích nơi thư Êphêsô như sau: "Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa kia, là con người phải hư nát vì những ham muốn lừa lọc. Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thực sự sống công chính và thánh thiện". Ðể vào Nước Thiên Chúa theo lời mời gọi của Chúa, mọi người phải mặc áo cưới, tức là mặc lấy Chúa Kitô, sống thánh thiện, từ bỏ những hành vi xấu xa tội lỗi. Thiên Chúa luôn ban ơn nhưng con người cần cộng tác với ơn Chúa. Chúng ta đừng tìm lý do trì hoãn sự dấn thân đáp trả lời mời gọi của Chúa.
Lạy Chúa
Chúng con chúc tụng lòng nhân từ của Chúa muốn ban ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người. Xin giúp chúng con mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu mời, luôn canh tân đời sống, mặc lấy Chúa Kitô để thực sự vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa, cùng hiệp an với các thánh nhân trên trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Cơ hội cho kẻ giàu
Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Nước Trời cũng giống như vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến.”
Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy đó có một người không mặc y phục lễ cưới. (Mt. 22, 1-3, 10-11)
Người ta cho rằng dụ ngôn này ám chỉ người Do-thái trước hết. Chính họ là những người nghe đầu tiên, thế mà khi nói với họ, Người lại bị họ theo dõi… truy lùng…. Họ là những người giầu trong Nước Trời. họ được đặc quyền sống với Thiên Chúa từ bao thế kỷ rồi.
Khách mời của Chúa.
Luôn luôn có nhiều người giầu trên thế giới. Nước Trời được dâng biếu cho họ trước hết. Đúng vì họ giầu, họ có thể giúp đỡ người nghèo. Họ có thể hiến thân. Nếu họ đi sai, có phải chính vì họ không nghe tiếng Chúa không?
Để dự tiệc cưới…
Không thiếu những kẻ muốn dự tiệc cưới. Không phải chỉ vì họ không có gì tặng, nhưng chỉ vì họ không chịu mặc áo cưới: đó là điều kiện độc nhất như luật tiệc cưới buộc. Ngạc nhiên ư? nếu người ta chấp nhận thì phải mặc trang phục tiệc cưới để vào ăn cưới theo tục lệ thời đó. Thế mà vào dự tiệc, chúng ta lại quá tự do, tự diễn không theo ý chủ mời nên mới phải chịu trách nhiệm! Đàng khác, chúng ta được lựa chọn, có thể từ chối. Nhiều người đã xin lỗi từ chối. Ngày nay, người ta lấy cớ giữ giới răn thì cổ lỗ chừng nào. Giáo lý của Giáo Hội nhất là về công bằng, bác ái thì lạc hậu biết bao!
Người ta thỏa mãn với nhiều thần tượng khác, người ta sống trong giầu có dư thừa và độc lập tự mãn; tại sao tự khép kín, tự tôn mình làm Thiên Chúa như thế?
Vua sai đầy tớ đi thỉnh khách đã được mời trước, nhưng họ từ chối. Chúng ta từ chối, chúng ta phải hứng chịu những hậu quả ghê gớm mai ngày sau cái chết, và ngay ngày hôm nay chúng ta đang sống. Những giới răn của Thiên Chúa không còn giá trị nữa sao? Chúng ta đã thay thế giới răn đó bằng thứ gì? Người ta từ chối dự tiệc Nước Trời để được tự do: như đứa con hoang đàng, chúng ta bằng lòng dự tiệc với đồ ăn của heo sao?
Nhưng Cha trên trời đang ở đó để chờ đợi chúng ta luôn luôn! chúng ta không chỉ là khách được mời, chúng ta còn là con Cha nữa.
J.M
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét