Thiên Chúa và trần thế
GIÁO LÝ :Thiên Chúa và Trần Thế
(Gott und die Welt) -Joseph Ratzinger. Biển
Đức XVI
Phạm Hồng Lam dịch
./Giới răn thứ bốn
« Ngươi phải tôn kính cha mẹ, để được an khang và sống lâu trên
trái đất »
Đây là giới răn duy nhất gắn liền
với một hứa hẹn. Đức Giêsu nhiều lần nói tới tầm quan trọng của giới răn này.
Tôi muốn kể ở đây một câu chuyện nhỏ. Đó là chuyến nghỉ hè của chúng tôi, và
tôi rất vui khi thấy hai đứa con vui. Thằng Paul ngồi hàng giờ câu cá măng và
các chú tôm nhỏ. Jakob đào chơi cát. Chúng tôi chèo một chiếc thuyền nhỏ và
Paul bơi theo rất lâu bên cạnh. Nó bỗng nhiên chẳng còn sợ nữa và rất hãnh diện
vì mình có thể bơi một mình. Có lúc tôi ngồi trên mỏm đá xa xa nhìn vợ con,
thấy tất cả khoẻ mạnh, tươi trẻ. Lòng tự nhủ, đây là khởi đầu thời gian
đẹp nhất của đời mình, và tôi không muốn phí phạm nó, tôi nghĩ có được như vầy
thì tuyệt quá. Nhưng bỗng dưng tôi chợt nghĩ tới bố mẹ và ông bà tôi – và cũng
nghĩ tới giới răn thứ bốn này.
Giới răn này quả là đại hiến chương (Magna Charta) của gia đình. Nó xác định
một trật tự nền tảng. Nó nói cho chúng ta hay, tế bào căn bản của xã hội tính
và của xã hội là gia đình, là cha mẹ và con cái. Và chỉ trong trật tự nền tảng
đó ta mới tập được những đức tính căn bản. Chỉ trong đó tương quan nam nữ và
tương quan thế hệ mới nẩy nở đúng. Một mặt, giới răn chứa đựng nhiệm vụ giáo
dục, nghĩa là hướng dẫn người khác bước vào tự do của họ một cách đúng đắn, để
họ nhận ra những quy luật bên trong, để họ học sống cho ra người. Trong quá
trình giáo dục này, sự vâng lời đóng vai trò phục vụ cho việc tập sử dụng tự do
riêng. Và ngược lại, điều kiện đương nhiên về phía con trẻ là phải chấp nhận sự
giáo dục đó. Điều răn thứ bốn cũng dạy ta cách đối xử với người già cả, là
những người hết ích lợi và sinh lực. Nó dạy ta phải quý trọng cha mẹ già. Ta
không nên chỉ nghĩ tới cái lợi, nhưng quý trọng các ngài, vì các ngài đã cho ta
sự sống. Qua các ngài, ta cũng quý trọng phẩm giá con người nói chung, những
con người giờ đây không còn tự giúp mình được nữa. Sự kính trọng nền tảng đối
với con người đó, là khía cạnh tối quan trọng của giới răn này. Trong nó cũng
hàm chứa tương lai của chính chúng ta, để sau này ta có thể tin tưởng bước vào
tuổi già.
II/ Giới răn thứ năm
« Ngươi không được giết người »
Chẳng ai muốn phản đối điều này. Cái lạ là nó luôn bị lỗi
phạm.
Trong con người, rõ ràng có sự hiện diện của một nhận thức nguồn cội, nó bảo
tôi không được phép giết người. Dù tôi quên rằng, chỉ có Chúa mới có quyền trên
con người, thì ít nhất tôi cũng biết người đó có sự sống và nhân quyền riêng
của họ, và nếu tôi giết họ, là tôi phạm tội đối với nhân loại. Tuy nhiên cái
nhìn trên đây càng ngày càng trở nên lu mờ nơi các trường hợp tiếp biên. Đặc
biệt nơi sự sống mới bắt đầu, là lúc nó chưa biết tự vệ, còn dễ bị lèo lái. Đây
là lúc dễ bị nguy cơ cái lợi sai khiến. Người ta muốn chọn để ai sống, bắt ai
chết, vì sợ rằng bào thai đó sẽ hạn chế tự do và nhân cách của mình. Nơi nào sự
sống chưa đủ vóc dáng và trí tuệ để đối phó, nơi đó ý thức về giới răn thứ bốn
dễ mai một. Trường hợp kết thúc cuộc đời cũng thế. Người ta coi người bệnh,
người đau khổ trở thành phiền hà và nghĩ rằng cái chết có lẽ tốt hơn cho đương
sự. Và đó là cớ để người ta vội vàng trợ tử cho người bệnh.
Và từ đó cứ từng bước, từng bước một đi tới. Ngày nay, ý nghĩ nuôi cấy người
lại trở nên thịnh hành, như ta đã thấy trong thời gian bất hạnh vừa qua. Người
ta nẩy ra đắn đo, không biết một người không còn ý thức nữa và không còn khả
năng hoàn thành được vai trò xã hội nữa, có phải thật sự còn là một con người
nữa không. Suy tư từ đó cứ mở tiếp ra. Đặc biệt, trong lãnh vực trợ tử, ta gặp
ngay câu hỏi: Khi nào thì ta có quyền chấm dứt một sự sống, để nó không phải
chịu đau đớn quá đỗi. Xem thế, trong các trường hợp tiếp biên, ý thức cội
nguồn và đạo đức của con người về việc kính trọng sự sống kẻ khác quả rất dễ bị
triệt tiêu. Điều răn thứ năm, nói lên quyền của Chúa trên mạng sống con người
từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, vì thế, lại đáng cho ta tranh luận hơn bao giờ
hết.
III./ Điều răn thứ sáu
« Ngươi chớ làm sự dâm dục »
Thế giới chúng ta đã biến việc sở hữu và sử
dụng tình dục thành ra một đức tính. Nếu không phải là kẻ quá mê đắm dục tình,
thì thử hỏi : Phải chăng dâm dục thật sự là tội ?
Bản văn nguồn của giới răn này trong Cựu Ước có nội dung như sau: «Ngươi chớ
ngoại tình» (Xh 20,14 ; Ds 5,18). Như vậy, giới răn này thoạt tiên có một
nghĩa rất nhất định. Nó dạy sự trung thành trong quan hệ vợ chồng, nó không
những bảo vệ tương lai con người, mà còn hội nhập tình dục hôn nhân vào trong
toàn thể cuộc sống làm người, và chỉ qua đó tình dục mới có được phẩm giá và
chiều kích cao cả. Đó là tâm điểm của giới răn. Hôn nhân không phải là một giao
tiếp tạm bợ, mà là sự kết hợp giữa hai người trong tiếng Vâng, tiếng Vâng này đồng
thời cũng nói lên việc sẵn sàng chấp nhận con cái. Như vậy, hôn nhân là nơi
đích thực để cho tình dục nhận được phẩm giá và cao cả. Chỉ nơi đó tinh thần
mới thành cảm giác và cảm giác mới thành tinh thần. Nơi đây diễn ra cái mà ta
gọi là bản chất của con người. Nó có vai trò như cây cầu nối liền hai điểm kết
thúc của tạo dựng vào nhau và trao cho nhau phẩm giá và nét cao cả. Nếu giờ đây
ta bảo, chỗ của tình dục là hôn nhân, thì đương nhiên điều đó cũng hàm ý rằng,
chỉ trong hôn nhân tình dục mới có được phẩm giá và sự nhân tính hoá đích thực.
Hôn nhân có nghĩa là một kết hợp trong tình yêu và chung thuỷ; nó bao hàm cả sự
chăm sóc lẫn nhau và sự sẵn sàng cho tương lai, nghĩa là hướng đến nhân loại
trong toàn thể. Hẳn nhiên sức mạnh quá lớn của bản năng tình dục, nhất là trong
một thế giới ngập đầy yếu tố kích dục như hiện nay, đã khiến cho bản chất hôn
nhân bị lu mờ. Tình dục từ lâu đã trở thành hàng hoá có thể mua bán. Nhưng như
thế thì con người đã bị lợi dụng thành kẻ bán dâm, nhân tính họ bị biến thể, và
họ chẳng còn được kính trọng như là một con người nữa. Những kẻ tự biến mình
thành hàng hoá, hay bị ép buộc làm chuyện đó, trước sau sẽ bị khai thác đến
kiệt quệ. Và lúc này đây, trên nền chợ tình dục kia còn nẩy sinh thêm một chợ
nô lệ mới. Như vậy, chính khi tôi không đặt tình dục vào khuôn tự do trách
nhiệm của đôi bên, không nối nó vào trong cái toàn thể của sự sống, lúc đó con
người đương nhiên trở thành vật mua bán.
Xin ngài nói lại lần nữa tâm điểm của điều
răn.
Đây là sứ điệp của tạo dựng: Người nam và nữ được tạo nên cho nhau. Sách Sáng
Thế viết: Họ sẽ bỏ cha mẹ để hợp với nhau thành một thân xác. Vậy từ cái nhìn
thuần sinh lý, ta có thể nói được rằng, thiên nhiên đã sáng tạo ra tình dục để
duy trì chủng loại. Điều chúng ta thoạt tiên thấy như chỉ là một sản vật thiên
nhiên, như là một thực thể thuần sinh lí, đã trở thành dạng hình người qua sự
chung sống của người nam và người nữ. Đó là một cách con người mở ra cho nhau.
Một cách không những để làm triển nở sự gắn bó và chung thuỷ, mà còn mở ra một
không gian để con người có thể khởi đi từ lúc thụ thai tiến lên thành người.
Không gian này là chỗ đặc biệt nẩy sinh cuộc chung sống đúng đắn của con người.
Điều thoạt tiên chỉ là một quy luật sinh lý, một xảo thuật của thiên nhiên (nếu
có thể nói được như vậy), đã trở thành dạng hình người, trong đó nẩy sinh sự
chung thuỷ và gắn bó tình yêu giữa người nam và người nữ, và từ đó đồng thời
hình thành nên một gia đình. Đó là tâm điểm của giới răn mà tạo dựng muốn nói
với ta. Càng suy nghĩ và sống trọn giới răn đó, ta càng thấy rõ các loại tình
dục khác không đưa ta tới độ cao chân thực của ơn gọi làm người. Chúng không
đạt tới cấp độ muốn có và nên có của tình dục con người.
Chúng ta sẽ nói thêm về tình dục ở chương sau. Nhưng thập giới xem ra phản lại
quy luật thiên nhiên. Chúng ta khó mà tuân giữ những điều đó được, vì chúng
thường đi ngược lại bản năng con người. Đúng, khó tuân giữ. Nhưng điều răn thứ
sáu hàm chứa trong nó chính sứ điệp của thiên nhiên. Thiên nhiên quy định sự
hiện diện của hai phái, để cho giống nòi được tồn tại, đặc biệt cho giống
người, vì sau khi lọt lòng mẹ, con người còn lâu mới toàn thành và còn cần một
thời gian chăm sóc dài. Con người không phải là loài thoát tổ, mà là nằm tổ. Với
cái nhìn thuần sinh lý, thì giống người cần có tình yêu của cha mẹ như là lòng
mẹ mở rộng, để mới có thể vượt qua cấp sinh lý ban đầu, hầu tiến lên thành
người được. Khung cảnh gia đình có thể xem là điều kiện hiện hữu của con người.
Như vậy, chính thiên nhiên ở đây đã mở cho ta thấy bộ mặt nguồn cội của loài
người. Con người cần một gắn bó tiếp tục với nhau. Trong sự gắn bó đó, thoạt
tiên hai người nam nữ hiến thân cho nhau, và rồi hiến thân cho con cái, để con
cái cũng bước được vào quy luật tình yêu, quy luật tự hiến. Nơi loài nằm tổ, rõ
ràng cần có sự chung thuỷ sau khi sinh. Như vậy, sứ điệp hôn nhân và gia đình
hẳn là quy luật của chính tạo dựng và không đi ngược lại bản chất con người.
Dù vậy, vẫn quả thật khó mà tuân giữ.
Đúng là trong lãnh vực này, cũng như trong các lãnh vực khác mà chúng ta đã đề
cập, đang có cảnh lội ngược dòng. Có sự thặng dư quyền lực sinh lý. Ta thấy
trong các xã hội tân tiến, và cả trong xã hội của một số thời kỳ trước đây,
chẳng hạn ở Rôma dưới thời vua chúa, có một sự kích dục công khai, khiến sức
mạnh bản năng gia tăng, và vì thế gây khó khăn cho việc kết hợp hôn nhân.
Hãy trở lại với bốn điều răn đã nói. Ta thấy ở đây có hai trật tự khác nhau của
thiên nhiên. Thiên nhiên một mặt cho hay, việc kết hợp nam nữ là hành vi thâm
sâu nhất, nó rốt cuộc trở thành một hành vi con người, và mở ra không gian để
loài người có thể phát triển. Một sứ điệp khác của thiên nhiên là chúng ta,
trên phương diện nào đó, cũng hướng về sự chung đụng khác giới, đặc biệt hướng
về việc sử dụng tình dục vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình. Đứng từ góc độ đức
tin, ta thấy rất rõ sự khác nhau của hai chiều hướng trên. Một bên nói lên sứ
điệp chân thực của tạo dựng. Bên kia phản ảnh khuynh hướng muốn làm chủ của con
người. Do đó, việc tự trói buộc mình vào hôn nhân luôn là một nỗ lực liên lỉ.
Tuy nhiên, ta cũng thấy, ở đâu nỗ lực đó thành tựu, ở đó có trưởng thành nhân
bản và trẻ con có thể học được tương lai. Ở đâu việc li dị trở thành thường
tình, ở đó trẻ con là giới chịu nhiều thiệt hại nhất. Như vậy, đứng từ phía trẻ
con mà nhìn, ta có thêm một lý do minh chứng sự kết hợp nam nữ, sự chung thuỷ
vợ chồng là đúng đắn và thật sự phù hợp cho con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét