VÀI NÉT VỀ THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ, LINH MỤC
Hôm nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch... cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề nghị.
Một khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường mà các tu sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.
Thời gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo... Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố xá.
Chúc thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".
Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.
Các vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.
Giáo Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần của Ðấng sáng lập... Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa.
Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.
(Trích trong: “Lẽ Sống”, trang Web Tổng Giáo phận Huế)
Lc 9,18-22
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ!
Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.” (Lc 9,20)
Suy niệm: Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn lại cách nghĩ của chúng ta về dung mạo đích thực của Chúa Giêsu. Khi thánh Phêrô đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thánh nhân cũng chỉ hiểu chữ Kitô ấy theo quan niệm thông thường của người Do thái bấy giờ: là Đấng cứu tinh dân tộc Israel thoát ách nô lệ và xây dựng đất nước phồn vinh. Các môn đệ chỉ nhận ra dung mạo đích thực của Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại. Và lúc ấy các ông cũng hiểu rằng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô có nghĩa là đi theo con đường thập giá.
Mời Bạn: Câu hỏi ngày xưa Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?” giờ đây cũng được đặt ra cho từng Kitô hữu. Chắc chắn chúng ta cũng tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô nhưng chúng ta tuyên xưng một Đấng Kitô nào lại hệ tại cách sống của chúng ta. Chúng ta phải sống thế nào để bày tỏ được cho những người chung quanh dung mạo đích thực của Đức Kitô chịu chịu đóng đinh chịu chết và sống lại để ai tin vào Ngài thì được cứu độ (x. Cv 4,10-12).
Sống Lời Chúa: Muốn bày tỏ Chúa cho người khác, cuộc sống của bạn phải là một cuộc sống khiêm hạ, hy sinh, từ bỏ. Là người cha, bạn phải biết hy sinh những thú vui riêng để lo cho vợ con. Là người mẹ, bạn phải biết dành nhiều thời giờ hơn để chăm sóc chồng và con cái. Là con cái, bạn phải biết yêu thương vâng lời cha mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con sống xứng đáng ơn gọi Kitô hữu là sống hy sinh vì người khác. Ước gì thập giá Chúa Kitô luôn là lẽ khôn ngoan và sức mạnh của chúng con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét