Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Mến Chúa và yêu người + 04/11 – CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN


"Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất".

LỜI CHÚA: Mc 12, 28b-34
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp:
"Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".
Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

SUY NIỆM 1: Mến Chúa và yêu người

Tình yêu là đề tài được bàn đến nhiều nhất trên đời này. Những tác phẩm hay nhất thế giới là nhờ mô tả những chuyện về tình yêu. Thi phẩm Ôdyssê của Hy lạp nổi tiếng là nhờ ca tụng tình yêu của Ulyssê và Pênêlốp. Anh hùng ca Râmâyana của Ấn độ đã truyền tụng tình yêu tuyệt vời của hoàng tử Rama và công chúa Sita. Đại văn hào Shakespeare trở nên bất hủ là nhờ diễn tả tình yêu của Roméo và Juliette. Nguyễn Du được thời danh tới tam bách chu niên cũng nhờ diễn tả tình yêu trong truyện Kiều. Những lâu đài kỳ quan nhất thế giới cũng được xây dựng vì tình yêu. Như Kim tự tháp Ai Cập và Taj-Mahal Ấn Độ.

Tại sao tình yêu được nổi bật nhất trong văn hóa nhân loại như vậy? Thưa, vì không sinh hoạt nào, khuynh hướng nào trong con người mạnh mẽ, phong phú và bao la vô hạn bằng tình yêu, và con người được tạo dựng, được sinh ra cũng là do tình yêu.
Cảm xúc vui buồn thì chóng tan, trí khôn con người chỉ khám phá ra được những phát minh vật chất, ý chí của các thế hệ hiện đại mới chỉ tới được một vài hành tinh. Nhưng tình yêu con người có thể bao quát hết mọi người trong trời đất, yêu hết muôn vật trong vũ trụ, và vượt ra ngoài vũ trụ lên tới trời cao vô tận là Thiên Chúa, vì tình yêu con người đã được cưu mang, sinh ra do tình yêu Thiên Chúa. “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (Ga. 4, 7). Vì thế, con người có thể vừa mến Chúa vừa yêu người. Nhưng làm thế nào đạt được tới tình yêu kỳ diệu đó?

Chính Đức Giêsu đã hướng dẫn ta
1. Mến Thiên Chúa thì ta phải:

Thứ nhất:“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy … Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy, mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy … Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga. 14, 15-21. 23).

Đức Giêsu đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là người thực thi lời Chúa, sống theo giới răn của Chúa. Lời Chúa được biểu lộ rõ ràng nhất trong bốn cuốn sách Tin mừng. Giới răn của Chúa được tóm gọn trong Mười Điều Răn và Tám Mối Phúc thật.
Thứ hai:Mến Chúa là sống kết hợp với Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga. 15, 5). Người ta nói: “Xa mặt cách lòng” – Không thấy nhau thì chẳng có thể yêu nhau. Không nhớ nhau thì đâu có luyến tiếc gì. Cho nên muốn yêu nhau thì ở gần nhau hay luôn tưởng nhớ nhau: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Đó là lời cầu nguyện của đứa con hiếu thảo tha thiết yêu cha mẹ, muốn sống với cha mẹ mãi mãi. Lòng yêu mến đó dù khi phải sống xa cha mẹ, vẫn không cách lòng: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Không lạ gì Đức Giêsu dạy ta mến Chúa theo cách thứ hai này: “Mến Chúa kết hợp với Chúa như cành với cây. Kết hợp với Chúa, không phải bằng thể xác, nhưng bằng tinh thần, đó là hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Kết hợp với Chúa đến tột độ hết sức lực ngươi. (Mc. 12, 30).
Thứ ba:Lòng mến Chúa hết sức lực phải được chứng tỏ bằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt. 16, 24).

Tình yêu thí mạng sống mình vì mến Chúa mới thật là mến Chúa hết sức lực. Đức Giêsu đã đòi Phêrô thực hiện tình mến Chúa đó, khi Người hỏi Phêrô ba lần: “Phêrô, con có mến Thầy hơn các người này không?”. Phêrô đã hết sức đáp lại ba lần: “Thưa Thầy có, Thầy biết con mến Thầy”. Nhưng mến Chúa không phải bằng môi bằng miệng mà bằng việc làm, bằng sống chăm sóc và thí mạng sống cho đoàn chiên: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Cho đến khi về già, Phêrô sẽ phải giang tay ra trên thập giá như Thầy (Ga. 21, 15-18).

2. Yêu người thì ta phải:
Thứ nhất:sống theo khuôn vàng thước ngọc này: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt. 7, 12). Hay nói ngắn gọn hơn: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc. 12, 30). Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và ích lợi. Không ai muốn mình bị xấu xa, khổ cực, tai họa vậy yêu người cũng phải làm những điều đó cho người.
Thứ hai,yêu người còn phải sống theo gương mẫu của Đức Giêsu mới đúng là yêu người một cách tuyệt hảo: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga. 15, 12-13).
Đấy mới là thước đo yêu người cách khách quan chính xác. Yêu người như chính mình, chỉ là thước đo chủ quan và còn nhiều thiếu sót, vì mình còn nhiều khuyết điểm, còn nhiều đam mê xấu tai hại. Nếu lôi cuốn người ta theo những tật xấu của mình, theo những gương mù của mình, thì đáng bị buộc cối đá vào cổ mà liệng xuống biển. Yêu người như chính Thầy, như chính Đức Giêsu đã yêu người, thì Đức Giêsu đã nên giống chúng ta, nên một xương một thịt với chúng ta, nhập thể vào loài người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi (Ga. 1, 14 Dt. 2, 5-12; 4, 1-10). Để thông cảm với kẻ ngu muội, lầm lạc, để đồng bàn với kẻ tội lỗi là chúng ta “Ta đến để cứu chữa kẻ tội lỗi”, để phục vụ làm tôi tớ mọi người. “Các anh cứ về tường thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng” (Mt. 11, 4-5).

Chẳng những người phục vụ, cứu chữa mà còn chịu chết đền tội cho chúng ta: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc. 10, 45). Người đã chết thay cho kẻ có tội, chết thay cho chúng ta, để chúng ta được sống và được sống dồi dào (Rm. 5, 1-11; 2Cr. 5, 14).

Đức Giêsu yêu người bằng phục vụ hy sinh đền tội bằng cứu chữa và ban sự sống dồi dào. Lạ lùng hơn nữa, Người còn cho chúng ta được nên giống Người, là bạn hữu của Người, là nên một với Người, như chi thể của Người, được đồng thừa tự với Người, được làm con Chúa Cha. Đức Giêsu yêu mến và tôn vinh con người đến chừng nào. Đó là tình yêu vô cùng, không thể diễn tả được.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho tình yêu người của con tuôn chảy từ tình mến Chúa. Xin ngọn lửa tình yêu của Thánh Tâm Chúa bừng cháy lên khắp cả đầu đến chân con, khắp cả tâm hồn đến thân xác con, suốt từ sáng tới chiều, suốt cuộc đời từ trẻ tới già, thấu suốt tận nội cung riêng tư đến mọi phận sự và cộng đồng của con. Amen.(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)


SUY NIỆM 2: Luật Bác Ái
"Ngươi hãy thương yêu..."
Phúc Âm hôm nay nói đến việc mà luật sĩ Do thái đến hỏi thử Chúa. Là Luật sĩ, tất nhiên ông muốn hỏi Chúa về luật. Ðạo Do thái dựa trên 10 điều răn. Nhưng qua các thế hệ, họ chú giải thêm lên, thành đến 613 lề luật. Trong số 613 lề luật, họ lại chia thành 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Mỗi ngày trong năm như có một luật cấm cho dễ nhớ!

Nhưng lắm cây thì rậm rừng. Ðặt ra quá nhiều lề luật, để rồi cuối cùng không biết lề luật nào là quan trọng hơn cả!

Hôm nay, nhà luật sĩ đến hỏi Chúa: "Trong các điều răn, điều nào trọng nhất?" Chúa đáp: "Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi" (Nhị luật 6,4-5). Nhưng điều mới mẻ là Chúa đem chắp nối với một câu khác trích ở Sách Lêvi (19,18), dạy rằng "ngươi không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình". Chúa đã cách mạng hóa Luật Bác Ái yêu thương. Xưa nay, trước Chúa Giêsu, chưa ai đặt ngang hàng sự mến Chúa và yêu người. Ngài đã hợp nhất lại thành một lề luật duy nhất và đó là lề luật mới, là đặc điểm của Phúc Âm: mến Chúa và yêu người; yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em. Nhưng Thiên Chúa, Người chỉ có một, là Ðấng duy nhất, còn anh em tôi là ai? Phải chăng chỉ quan niệm như người Do thái? Anh em tôi là người thân, là người đồng bào, là người đồng hương. Anh em tôi, theo quan niệm của Chúa, là tất cả: là người ngoại bang Samaritanô, là người đàn bà ngoại tình, là mụ đàn bà chua ngoa bên bờ giếng Giacóp, là người đất Cananeen, là tất cả mọi người.

Ðọc lại Phúc Âm hôm nay, nhiều khi chúng ta có tâm trạng ngượng ngịu như ông luật sĩ Do thái. Chúa dạy phải mến yêu Thiên Chúa hết trí khôn, hết linh hồn. Chúng ta dễ dàng nói: Lạy Chúa, con xin vâng. Nhưng "ngươi hãy thương yêu anh chị em ngươi như chính mình ngươi!" Lạy Chúa, con phải thương ai? Thương cả bà bạn hàng xóm lắm chuyện? Thương cả thằng rề trời đánh? Thương cả đứa con dâu hỗn láo? Thương cả bà mẹ chồng chanh chua? Thương cả thằng Mũi lõ thực dân, thằng Tây đen dơ bẩn, thằng Mỹ vàng... Lạy Chúa, con muốn nói với Chúa như ông cụ Don Camillo trong văn chương của Ý: Xin cho con được xét lại!

Nhưng Luật Bác Ái là điều răn mới, là luật tình thương của Chúa, không còn được xét đi xét lại, xét tới,xét lui... gì nữa: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi và thương yêu anh em như chính mình ngươi".

Sau này, Chúa Giêsu lại bước thêm một bước nữa, khi Người dạy chúng ta phải yêu mến Chúa và thương yêu anh em như Ngài đã thương yêu (Gio 15,13-14). Tình yêu ấy không còn chỉ là một việc noi gương Chúa mà là một sự hiệp nhất với Ngài.

Chúng ta mến Chúa và yêu người với chính tình yêu của Ngài, tình yêu Ngài tiếp nhận từ Ðức Chúa Cha và thúc đẩy Ngài hy sinh mạng sống. Không phải chỉ yêu mình nơi kẻ khác mà là yêu mến Chúa nơi họ, không phải chỉ hiến bản thân mình là tận hiến tất cả cho Chúa. Ðó là chìa khóa mở cửa vào Nước Trời Tình Yêu.

Thánh Paulinô là Giám Mục thành Nôla (353-431) sau khi đã từ bỏ mọi chức tước phần đời, mọi danh vọng, để tận hiến cho Chúa và các linh hồn. Khi quân Goth chiếm đóng xứ sở và bắt nhiều người làm nô lệ, ngài bán tất cả gia sản để nuôi người nghèo và chuộc người nô lệ. Tới lúc quân rợ Vandale tiến chiếm, ngài không còn gì nữa để bán thì đã bán chính bản thân mình, làm nô lệ thay cho con trai của một bà góa và bị điệu sang Phi Châu. Mãi lâu sau, ngài mới được trả tự do và trở về với đoàn chiên.

"Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).
(Suy niệm của Lm. Hồng Phúc)

SUY NIỆM 3: Thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa bằng "lòng yêu thương và phục vụ" tha nhân.

Trong đạo Do-Thái, từ thập giới, các thầy Ráppi diễn giải thêm thắt luật Môsê thành 613 điều khoản. Trong đó có 248 điều buộc và 365 điều cấm. Biết cho hết 613 điều luật đó đã là khó, nên chuyện tìm hiểu xem trong 613 điều đó điều nào quan trọng nhất lại càng khó khăn hơn.

Nhưng Chúa Giê-su là Ðấng ban lề luật nên Ngài đã nắm luật trong đầu và Ngài là Ðấng có thẩm quyền để tuyên bố điều luật nào trọng nhất.
Khi có người thông luật đến hỏi về điều răn trọng nhất, Chúa Giê-su trả lời ngay: "Ðiều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi (Ðnl 6,5); Ðiều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Lv 19,18). Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."

Ðiều răn mến Chúa nằm ở sách Ðệ Nhị Luật, điều răn yêu người ghi ở sách Lê-vi thuộc hai bộ sách khác nhau đã được Chúa Giê-su liên kết thành một điều răn duy nhất là mến Chúa yêu người.

Qua lời dạy của mình, nhiều lần Chúa Giê-su cũng dạy cho biết rằng chính khi yêu người là lúc mến Chúa và tình yêu đối với Thiên Chúa phải được thể hiện qua tình yêu thương người anh chị em chung quanh. Những gì ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa.

Khi Sao lê bắt bớ các tín hữu đầu tiên theo Chúa Giê-su, ông bị Chúa Giê-su quật ngã và nói: "Sao-lê! Tại sao ngươi bắt bớ Ta?". Lúc ấy, Sao-lê chỉ lùng bắt các tín hữu của Chúa Giê-su thôi, nhưng Chúa Giê-su không hạch ông tại sao ngươi bắt bớ các tín hữu của Ta, mà lại nói: "tại sao ngươi bắt bớ Ta" (Cv 9, 4). Các kitô hữu là tay chân, là thân mình của Chúa Giê-su, vậy bắt bớ họ là bắt bớ Chúa.
Và trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su dạy: "Những gì các ngươi đã làm cho các anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta" và "những gì các ngươi đã không làm cho các anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã không làm cho chính Ta". (Mt 25, 40.45).

Qua những lời đó, Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa bằng cách yêu mến tha nhân. Thiên Chúa đã đồng hoá mình với tha nhân và hai giới răn mến Chúa yêu người cũng chỉ là một.
Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta vẫn chia cắt Thiên Chúa, như là Ðầu, ra khỏi thân mình Ngài, và chỉ muốn yêu thương và tôn trọng 'đầu' chứ không quan tâm đến 'thân mình Ngài'.

Xin đan cử một ví dụ:
Thuý Liễu tuổi mới lên mười, là đứa con gái được cưng yêu nhất trong gia đình. Thuý Liễu rất thương mẹ vì mẹ Thuý Liễu rất hiền, rất thương yêu con cái và nhất là có khuôn mặt đẹp như tiên. Trước đây, bà là hoa khôi trong toàn vùng.

Thế nhưng kể từ ngày mẹ Thuý Liễu ngã vào lửa và bị phỏng nặng, sau đó, hai bàn tay bị biến dạng, trở nên sần sùi, nhăn nheo, đen đủi trông rất gớm ghiếc thì Thuý Liễu không còn quấn quít với mẹ như trước nữa. Cô bé không dám nhìn vào đôi bàn tay của mẹ, không để cho mẹ chải đầu cho mình, không để cho mẹ tắm rửa cho mình như hồi mẹ còn đôi bàn tay búp măng xinh đẹp. Thậm chí Thuý Liễu không trực tiếp trao bất kỳ vật gì tận tay mẹ nữa. Khi cần trao gì cho mẹ, Thuý Liễu đặt vật đó lên bàn rồi bảo mẹ đến lấy.
Thuý Liễu ghi lại tâm trạng mình trong cuốn nhật ký: Mình vẫn yêu mẹ vì mẹ có khuôn mặt rất khả ái, nhưng mình cảm thấy sợ hãi với đôi bàn tay của mẹ quá. Mình không muốn nhìn, không muốn đụng chạm đến đôi bàn tay ấy và mong ước đôi tay ấy đừng động đến mình, trông nó ghê sợ quá!

Thuý Liễu yêu khuôn mặt nhưng lại ghê tởm đôi bàn tay của mẹ, như thể khuôn mặt và bàn tay thuộc về hai người khác nhau!
Có lẽ chúng ta cũng vậy, chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì Ngài uy nghi cao cả nhưng chúng ta xa lánh, không muốn đụng chạm đến những người chung quanh là chi thể của Ngài, là đôi tay của Ngài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giúp con nhớ rằng:
Yêu mến Thiên Chúa thì phải yêu cả anh chị em chung quanh vì họ là chi thể, là đôi bàn tay của Ngài. Có như thế mới là mến yêu Thiên Chúa toàn diện.
Ðến ngày phán xét, Chúa chỉ hỏi chúng con có một điều: ngươi có yêu mến chăm sóc những anh chị em bé nhỏ chung quanh là đôi tay, là thân mình của Ta không?

Suy niệm của Lm. Ignatio Trần Ngà)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét