Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Về linh địa La Vang Mon, 20/08/2012 - 02:23




Về linh địa La Vang


LA VANG (Quảng Trị, 15-8-2012) – Linh địa La Vang (1) là Trung tâm Thánh Mẫu Quốc gia Việt Nam. Dù chưa một lần đến nhưng chắc hẳn người Việt Công giáo nào cũng đã từng nghe nói và quen với hình ảnh Đức Mẹ La Vang, với trang phục truyền thống Việt Nam là áo dài và khăn đóng, tay bồng Con Trẻ Giêsu. Đặc biệt là linh đài có hình những chiếc nấm. La Vang là nơi không chỉ phải chịu cái nóng như lửa đốt mà còn chịu tang tóc vì lửa đạn một thời chiến cuộc.
Phải nói ngay và phải “thẳng thắn thành thật tự thú” rằng nếu không “dính líu” tới cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót của TGP Saigon thì có thể chẳng bao giờ tôi được đặt chân tới linh địa La Vang (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị). Rất có thể đó là sự quan phòng của Thiên Chúa – tôi nghĩ vậy.
Không chỉ vậy, tôi còn được biết một số địa danh lịch sử nổi tiếng khác. Trước tiên là nhà thờ Mằng Lăng, nơi có hang tử đạo của Thánh Anrê Phú Yên (vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội Việt Nam), với câu nói để đời của vị thánh trẻ này: “Hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến hết đời”. Một chủng sinh trẻ 19 tuổi mà có tư tưởng thật lạ và tuyệt vời biết bao! Một câu nói nhẹ nhàng nhưng đủ sức xoáy vào lòng mỗi người Công giáo, phải suy nghĩ nhiều và phải xem lại chính đức tin tôn giáo của mình.
Rồi tôi còn được biết đến nhưng nơi lịch sử và danh lam thắng cảnh khác như Đức Mẹ Sao Biển, thuộc một dòng nữ ở Nha Trang; Cổ thành Quảng Trị âm thầm; dòng sông Thạch Hãn lịch sử; cầu Tràng Tiền danh tiếng; con đường “Mưa Hồng” của cố NS Trịnh Công Sơn; Đại nội (cổ thành Huế) trầm lặng bên dòng Hương giang trôi lững lờ với khu Văn Lâu; Đan viện Thiên An (Dòng Biển Đức) với những con người ẩn tu trong những vách đá để chiêm niệm Thiên Chúa, sống giản dị, chuyên cần cầu nguyện và miệt mài lao động âm thầm trong sự tĩnh lặng của rừng cây thường xanh trên đồi cao; Cáp treo Bà Nà giữa núi rừng tịch mịch; Nhà thờ Trà Kiệu, nơi Đức Mẹ hiện ra ngày 10 và 11-9-1885 với lời động viên: “Này, Mẹ của các con đây! Đừng sợ!”, và Đền Đức Mẹ Trà Kiệu (đồi Bửu Châu); Nhà thờ chính tòa Nha Trang (Nhà thờ Núi) làm bằng đá, nơi an nghỉ của ĐGM Marcel Piquet (1888-1966), tên Việt Nam là Lợi, với khẩu hiệu: “Ut in omnibus maxime ametur Deus” (Để trong mọi sự Thiên Chúa được hết lòng yêu mến), giám mục tiên khởi của GP Nha Trang và sáng lập Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ; Tháp Thiên Y Thánh Mẫu với nét kiến trúc độc đáo của người Chàm,… Đúng là một chuyến “đạo đời giao duyên”.


Đoàn chúng tôi tới linh địa La Vang ngày 14-8-2012. Vừa bước xuống xe, cái nắng như đổ lửa hắt vào mặt rát nóng. Núi rừng âm u. Đất sỏi đá khô cằn. Do đó mà con người miền đất này cũng phải vất vả lầm than lắm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với họ, tôi thấy họ rất thật thà, chân chất, hiền hòa và nói cười xởi lởi. Những đứa trẻ nhìn người qua lại với ánh mắt ngây thơ mà rất lạ, vẫn ẩn chứa điều gì đó sâu thẳm…

Một rừng người trong khu vực linh địa La Vang. Nắng cứ nắng. Mồ hôi cứ chảy. Tay cứ vuốt mồ hôi, nhưng chân vẫn bước và ai cũng nói cười vui vẻ. Càng lúc càng đông khách hành hương đổ dồn về. Dưới chân linh đài lúc nào cũng có nhiều người đứng cầu nguyện.

17 giờ ngày 14-8-2012, Đức TGM Leopoldo Girelli (2), Đặc sứ Tòa thánh, chủ tế thánh lễ khai mạc. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh đến sức mạnh, ý nghĩa và tầm quan trọng của đức tin Kitô giáo trong việc định hướng cuộc đời, biến đổi cuộc sống và việc đóng góp xây dựng một xã hội nhân bản hơn.

Ngài giải thích: “Để được như thế, Giáo hội cần có sự tự do tôn giáo căn bản để rao giảng và sống đức tin của mình cách công khai. Sống đức tin cách riêng tư hay công khai là thể hiện sự duy nhất của một người vừa là tín hữu vừa là công dân. Một người Công giáo tốt sẽ là một người công dân tốt. Ở đâu có Chúa Kitô hiện diện thì ở đó con người trở nên nhân đạo hơn”. Ngài còn nhắc đến sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, là những dòng sông “đại diện” các miền Nam, Trung, Bắc, với ý nói về ý chí kiên cường của người Việt Nam nói chung và người Công giáo nói riêng.

Đêm xuống dần. Bước chân người vẫn không ngừng đổ về từ tứ phía. Có những người thức trắng. Tiếng kinh không ngừng vang lên bên linh đài Đức Mẹ La Vang. 20 giờ là phần diễn nguyện ca tụng Đức Mẹ và vọng mừng Đức Mẹ lên trời ngay chân linh đài. Chỗ nào cũng thấy người, chen chân qua rừng-người-hành-hương cũng khó.

6 giờ sáng ngày 15-8-2012, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (chủ tịch HĐGMVN) chủ tế thánh lễ mừng Đức Mẹ lên trời, cũng là lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang với tước hiệu Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu. Đồng tế có Đức TGM Girelli, gần 20 giám mục trong 26 giáo phận, Đan viện phụ Thiên An (Huế), và khoảng 300 linh mục. Khách hành hương tham dự thánh lễ ước tính khoảng hơn 200.000 người, trong đó có khá nhiều người dân tộc thiểu số trong trang phục đặc trưng.

Trong bài giảng, ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, GP Thanh Hóa, nói:“Chưa một ai đã được tạc tượng tạo ảnh nhiều như Đức Maria. Ở Âu châu, không một ngôi làng nhỏ bé nào không có hình tượng Mẹ; trên thế giới, không một thành phố nào không có nhà nguyện hay linh đài tôn vinh Mẹ. Lời kinh được đọc nhiều nhất trên hành tinh, lời kinh chưa bao giờ ngừng nghỉ trong lịch sử Giáo hội, lời kinh của hàng tỉ người Công giáo, chính là lời chào chị thánh Isave dành cho Mẹ: ‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ’. Bài ca được hát nhiều nhất không phải là một bản tình ca lừng danh thế giới, nhưng đáng ngạc nhiên lại là bài ca Magnificat: ‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng’, mà tác giả chính là Đức Maria”.

ĐGM Giuse nói tiếp: “Đối với rất nhiều Kitô hữu Việt Nam, một ngày không có Kinh Kính Mừng không phải là một ngày đúng nghĩa, một ngày không có Kinh Lạy Nữ Vương là một ngày trơ vơ chênh vênh, một ngày không có Kinh Mân Côi là một ngày rời rạc không nhựa sống... Tắt một lời, một ngày không có Đức Maria đồng hành thì không phải là ngày”.

Với tâm tình đó, từ ngày Mẹ hiện ra an ủi tín hữu lâm nạn vào cuối thế kỷ 18 (có thể khoảng cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 năm 1789), hàng hàng lớp lớp khách hành hương đã tuôn về La Vang càng ngày càng đông. Họ đã kêu cầu Đức Mẹ và đã được Đức Mẹ nhậm lời. ĐGM Giuse đặt vấn đề: “Những tấm bia tạ ơn dày đặc đàng kia phải chăng là bằng chứng tình Mẹ La Vang luôn dạt dào lai láng?”.

Năm 1958, La Vang đã được chọn làm địa điểm tổ chức Ðại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, với sự hiện diện của ÐHY Agagianian, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đặc sứ của ĐGH Gioan XXIII (nay là chân phước). Và ngày 22-8-1961, ĐGH Gioan XXIII đã chính thức nâng nhà thờ La Vang lên bậc “Vương Cung Thánh Ðường”.

Cuối bài giảng, ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, chúng con xin Mẹ hãy viếng thăm để cứu chúng con khỏi hận thù thương đau. Ước gì hôm nay, tại linh địa này, viên đá đầu tiên chúng con đặt xuống cũng là viên đá yêu thương, khởi đầu một tương lai yên ấm thuận hòa cho quê hương đất nước thân yêu chúng con. Amen”.

Khi ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh đang giảng, bỗng dưng giáo dân hướng mắt nhìn lên trời và vỗ tay, khiến ngài phải ngưng bài giảng để ổn định cộng đoàn. Đó là một hiện tượng lạ: Mặt trời xoay với đám mây hồng. Điều này có thể nhắc chúng ta nhớ tới “trời mới, đất mới” mà Thánh Gioan Tông đồ nói trong sách Khải huyền (Kh 21:1). Tuy nhiên, nên lưu ý rằng Giáo hội luôn cẩn trọng về các “sự kiện lạ”. Người ta thường cho rằng ai “thấy” thì người đó tốt lành, còn người “không thấy” thì là người “có vấn đề”. Thật ra người ta rất dễ “ảo tưởng” theo kiểu “đạo đức bình dân”. Nên nhớ rằng việc thấy hiện tượng lạ mà chúng ta nói là phép lạ luôn có điểm đặc biệt: Người thấy “sự kiện lạ” hoặc “phép lạ” đều cương quyết thay đổi cách sống, nghĩa là sống thánh thiện hơn. Nếu không thì chỉ là ảo giác, là ngộ nhận, hoặc là cuồng tín (mà cuồng tín là phi tôn giáo), vì bất kỳ phép lạ nào xảy ra cũng đều có mục đích rõ ràng chứ không “xảy ra cho… vui”. Đừng bao giờ quên điều này: “Đức tin quan trọng hơn phép lạ”.

Nếu được hỏi “yêu thương là gì” thì chắc rằng ai cũng khả dĩ trả lời một cách tương đối. Nhưng đó chỉ là “định nghĩa”. Yêu thương theo Chúa Giêsu dạy là “yêu người NHƯ chính mình” (chứ Chúa không bắt “thương người HƠN mình), là “thương xót nhau”. Muốn “thương xót nhau” thì phải “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá theo Chúa” (x. Mt 10:37-39; Lc 9:23; Lc 14:26-27). Nếu chưa biết sống “mình vì mọi người” (từ bỏ mình) thì chưa “vác thập giá”, mà chưa “vác thập giá” thì chưa yêu thương, nghĩa là chưa thực thi “luật yêu” của Chúa Giêsu.

Hệ lụy này dẫn tới hệ lụy khác. Mừng lễ Đức Mẹ lên trời là chúng ta hy vọng được lên trời: “Xin cho con được thưởng cùng Mẹ trên Nước Thiên Đàng” (thứ 5, mùa Mừng). Làm sao được thưởng khi chưa yêu thương đúng ý Đức Kitô? Thế thì không thể lên trời. Rất rõ ràng. Rất mạch lạc. Rất lô-gích. Yêu thương không chỉ là “định nghĩa” hoặc “nói suông”. Chữ “thương xót” rất hay: “Thương” thì phải “thương” làm sao mà thấy “xót” thì mới là “thương” thật, chỉ cảm thấy “thương” mà chưa thấy “xót” thì chưa phải là “thương”.

Tưởng cũng cần nói thêm: Đứng trước tôi là một phụ nữ trung niên, phụ nữ này vừa tham dự thánh lễ vừa lần hạt. Lần chuỗi Mân Côi là việc cần thiết và tốt lành, nhưng lần chuỗi trong thánh lễ thì lại “không đúng nơi, không đúng lúc”. Nhiều người vẫn thường có “thói quen” này, thiết nghĩ phụ nữ này “nhắc nhở” chúng ta nên “xem lại” cách sùng kính của mình. Không chỉ vừa dự lễ vừa lần chuỗi, phụ nữ kia còn ngước nhìn trời mà miệng vẫn “máy môi”, đặc biệt hơn là còn sử dụng điện thoại liên tục. Chắc chắn cách cầu nguyện và cách làm việc đạo đức như vậy là không hợp lý!

Thánh lễ kéo dài khoảng 90 phút. Sau đó là nghi thức làm phép diện tích đất xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang. Thật ấn tượng với nghi thức thả bay 27 bức phướn biểu hiện cho 26 giáo phận của Giáo hội Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại. Mỗi Giáo tỉnh được biểu hiện một màu khác nhau: màu hồng cho TGP Hà Nội, màu đỏ cho TGP Huế và màu vàng cho TGP Saigon, đặc biệt là một chuỗi Mân Côi lớn được kết từ những chiếc bong bóng và được thả bay lên bầu trời La Vang.
Sau khi chết, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa và Con Yêu Dấu của Đức Mẹ, đã phục sinh khải hoàn và về ngự bên hữu Chúa Cha, đó là cách Thiên Chúa muốn củng cố đức tin để chúng ta can đảm sống “vượt qua chính mình” và vượt qua mọi nghịch cảnh. Việc Đức Mẹ mông triệu, nói bình dân là Đức Mẹ lên trời, là tái xác tín rằng chúng ta chắc chắn cũng sẽ lên trời – nhưng với điều kiện là phải sống theo lời khuyên Phúc Âm. Đó là điều chắc chắn, không thể tự biện hộ theo bất kỳ lý do nào khác!
Được đặt chân tới linh địa La Vang là “điều may mắn”, là hồng ân, nhưng cũng là một trách nhiệm. Đó là bổn phận cầu nguyện cho những người khác, những người không “may mắn” được đến La Vang, những người không có điều kiện để hành hương về La Vang. Biết nhiều thì khổ nhiều vì trách nhiệm nhiều, biết nhiều là nợ nhiều. Nợ Thiên Chúa và nợ tha nhân. Đó là “nợ tình” và “nợ máu”. Nợ tình với Thiên Chúa và với tha nhân, nợ máu với Đại sư phụ Giêsu!

Ai được đặt chân tới đất La Vang còn mắc một món nợ nữa là nợ Đức Mẹ. Tại sao? Đức Mẹ luôn yêu thương những người kém may mắn thì chúng ta cũng phải noi gương yêu thương của Đức Mẹ. Yêu thương là thương xót. Yêu thương phải được qua ánh mắt, thái độ, cử chỉ, hành động, lời nói và lời cầu nguyện. Dọc đường đi về La Vang có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều cao tầng, nhiều khu dân cư sầm uất, nhưng vẫn còn nhiều khu dân cư nghèo lắm… Nhưng nhìn tổng thể thì thấy dân Việt Nam còn nghèo khó quá, mà NGHÈO thì luôn kèm theo KHỔ. Chúng ta đang mắc nợ người nghèo: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về họ là ăn cắp, là cướp lấy mạng sống của họ. Của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ” (Thánh Gioan Kim khẩu). Đó là công bằng, là công lý! Mà khi nào có công lý thì mới có hòa bình đích thực.
Không ai lại không mắc món nợ yêu thương. Đó là món nợ lớn nhất mà chúng ta phải trả cả đời. Quả thật, ai trả xong món nợ này mới “được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng” vậy!
Lạy Chúa, xin thương xót và tha thứ những động thái mà chúng con đã thể hiện không đúng Ý Ngài, đồng thời xin giúp chúng con can đảm sống trọn Luật Yêu của Ngài. Lạy Mẹ Maria, xin thương xót và chúc lành cho những người không đủ điều kiện đến linh địa La Vang để tâm sự và bày tỏ nỗi lòng với Mẹ, vì họ nghèo lắm. Mẹ ơi! Xin giúp chúng con biết mau mắn “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh và kiên tâm theo bước Anh Hai Giêsu, Con Mẹ, để xứng đáng cùng lên trời và đồng hưởng thiên phúc với Mẹ muôn đời. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU
(1) Theo truyền thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công giáo. Để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này. Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải “la” lớn, mà “la” lớn thì “vang”. Thế là có tên La Vang.
Một truyền thuyết tương tự về chữ La Vang có từ đặc tính của âm thanh chuyển thành địa danh, người ta nói rằng nơi chốn rừng rú này xưa kia có nhiều cọp beo hại người. Do đó, những người đi rừng nếu ở lại đêm thường phải chia phiên nhau thức canh, thấy động thì “la vang” lên để mọi người đến tiếp cứu.
Cách giải thích khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc đó Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn họ đi tìm một loại lá gọi là “lá vằng” – uống vào sẽ khỏi bệnh. Viết “lá vằng” không dấu thành La Vang.
Truyền thuyết khác cho là địa danh “phường Lá Vắng” đã có từ trước đó, thuộc làng Cổ Vưu, nằm về phía Tây cách đồn Dinh Cát, về sau là tỉnh Quảng Trị, cách 4 cây số, và cách Phú Xuân (Kinh đô Huế) 58 km về phía Bắc.
Đền thờ La Vang được xây dựng năm 1925, hoàn tất dịp Đại hội La Vang IX (1928).
(2) TGM Leopoldo Girelli (sinh 13-3-1953) hiện đảm nhận nhiều chức vụ ngoại giao của Tòa Thánh tại khu vực Đông Nam Á. Ngài sinh tại Predore, tỉnh Bergamo (Ý), thụ phong linh mục ngày 17-6-1978 thuộc giáo phận Bergamo, tốt nghiệp thần học và gia nhập Học viện Ngoại giao Tòa Thánh sau khi đã học tập xong tại Học viện Giáo hoàng về Giáo hội.
Ngài bước vào ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 13-7-1987 và làm việc trong các cơ quan ngoại giao của Tòa Thánh tại Cameroon và New Zealand, Phòng Nội vụ Quốc vụ Khanh, và Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, rồi được phong hàm tham tán viên tại đây.
Ngày 13-4-2006, ĐGH Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia, hiệu tòa Capreae, được tấn phong giám mục ngày 17-6-2006 do Hồng y Angelo Sodano chủ phong, được kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Đông Timor ngày 10-10-2006.
Đến ngày 13-1-2011, TGM Girelli rời nhiệm tại Indonesia và Đông Timor vì được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei, kiêm đại diện không thường trú tại Việt Nam. TGM Girelli là vị đại diện đầu tiên của Tòa Thánh được bổ nhiệm phụ trách Việt Nam từ sau năm 1975.
Ngày 18-6-2011, ngài tiếp tục được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sau đó không lâu, ngài được nâng từ chức vị Khâm sứ lên chức Sứ thần tại Malaysia khi Tòa Thánh và quốc gia này thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ từ ngày 27-7-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét