Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Kon Hring canh thức Phục Sinh

Kon Hring canh thức Phục Sinh
Kon Hring canh thức Phục Sinh





Đăng bởi admin lúc 7:24 Sáng 10/04/12




VRNs (10.04.2012) - Kontum – Canh thức Phục Sinh với đức tin “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20-1-9) là niềm tin mong đợi của triệu triệu người Công giáo trên địa cầu này không riêng gì với người sắc tộc Xê Đăng mãi tận vùng sâu của miền Kontum nắng lửa. Điều khác thường là Kon Hring có hơn 12.000 giáo dân nhưng lại dâng thánh lễ ngoài trời vì nơi đây chưa có nhà thờ do đất nhà thờ cũ trước 1975 đã bị một vị cán bộ xã trước đây tự ý cấp sổ đỏ cho mẹ của ông, đến nay giáo hội và giáo dân nhiều lần thương lượng/ đấu tranh nhưng vẫn chưa thể lấy lại để xây nhà thờ dù đã có phép cách đây 7 năm. Nghe nói, phần đất này đang tranh chấp, vậy mà vẫn được chia thành 3 sổ đỏ khác để phi tang dấu tích đất tôn giáo ban đầu.


Thánh lễ Canh thức Phục Sinh lúc 19 giờ ngày 07.04.2012 gồm các phần: cộng đoàn nghe đọc lời Chúa, cử hành các bí tích vượt qua, Phép Rửa, phép Thêm Sức, phép Thánh Thể  do Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh chủ tế và cha Calistô Bá Năng Lý, cha Louis Lê Quang Hoa và cha Tađêô Trần Xuân Sơn cùng đồng tế bằng hai thứ tiếng Kinh và Xê Đăng với sự tham dự của các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng và khoảng 10.000 giáo dân tại Kon Hring.


Dẫu biết rằng Thánh lễ bắt đầu từ 19 giờ ngày 07.04.2012 tại bãi đất trống cách nhà nguyện Kon Hring thuộc xã Kon Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum nhưng từ 16 giờ cùng ngày đã có đông đảo bà con sắc tộc Xê Đăng đã có mặt tại nhà nguyện này để chuẩn bị tham dự thánh lễ, vì nhà họ cách đó hàng chục cây số.


Đức cha Micae viết chữ, ghi thánh giá, số năm 2012 và 5 dấu thánh trên nến Phục Sinh


Lễ đài làm cung thánh được làm bằng tre và cây tạp đóng thành cột xuống đất, không có đà ngang, lót ván ép mạt cưa, trải bạt lên trên nên rất đơn sơ và xem chừng không an toàn cho người đi lại trên đó. Có khoảng trăm bóng đèn điện quang loại tiết kiệm điện điện mắc xung quanh sân để lấy ánh sáng cho thánh lễ này được trang trọng dù là thánh lễ ngoài trời do nơi đây chưa có nhà thờ, số giáo dân trên 12.000 người Công giáo.


Bà con giáo dân Xê Đăng vui vẻ nói cười, hong áo quần trên đống lửa trong bếp sau chặng đường đi dưới trời mưa tầm tã để đến được nơi này. Người thì cho con bú, cho trẻ nhỏ ăn uống qua loa, người thì trải chiếu hoặc bao nylon, áo mưa ngồi nghỉ chờ tới giờ lễ. Nhà nguyện Kon Hring là một căn nhà lá không vách, trống trước dột sau, có thể nhìn thấy ánh trăng qua các mảng lá rách trên nóc mái nhà này.


Đúng 19 giờ chúng tôi có mặt tại sân “nhà thờ ngoài trời”. Có khoảng 10.000 người ngồi kín mít trong phần đất quy định sau dây giăng trên chiếu, bạt hoặc bao nylon cùng đọc kinh, cầu nguyện bằng tiếng của dân tộc mình cách sốt mến, trang nghiêm. Không một tiếng lớn ồn ào, không có người đi lại mà chỉ có người mới đến âm thầm tìm chỗ ngồi tại một khe đất trống nào đó còn sót lại.


Làm phép lửa và mồi lửa


Lúc 19 giờ 15 thì đoàn rước từ đầu khu đất trên con đường làng đất đỏ dẫn vào phần cuối “nhà thờ ngoài trời” để bắt đầu nghi thức phụng vụ đêm Canh thức Vượt qua. Khi đèn điện tắt hết, cả thánh đường chìm vào đêm đen như dân Israel xưa mò mẫm trong đêm tối vượt qua sa mạc. Trong ánh sáng duy nhất của cây đèn pin để Đức Cha có thể đọc chữ từ sách nghi thức, những làn khói trắng đã bắt đầu dần bay lên càng lúc càng nhiều và càng cao trong bầu trời đem tối. Khi Đức giám mục làm phép lửa mới xong thì ánh lửa bập bùng đã cháy rực và bùng cao qua khỏi đầu người, thứ ánh sáng lùa đêm đen xa dần như ánh sáng của cột lửa soi đường cho dân Israel vượt sa mạc, qua biển đỏ và đi vào đất hứa. Ánh sáng từ nến Phục Sinh được chia cho cả cộng đoàn qua các cây nến nhỏ trong khi rước lên cung thánh cách trang trọng trong đoạn đường hơn trăm mét. Ánh sáng bừng lên trong đêm tăm tối trên hàng ngàn cây nến nhỏ cùng được thắp lên. Ánh sáng như xua đi nỗi lo sợ, sự dữ, các mảng u tối còn sót lại trong tâm hồn, các tội lỗi để con người cùng được bừng sáng trong ánh sáng vinh quang của Chúa và sẵn sàng phục sinh trong nước trời trong ngày sau hết.


Các bài đọc lời Chúa từ buổi khai thiên lập địa, từ lúc dân Israel ra đi khỏi đất Ai Cập cho đến lúc Chúa Giêsu sống lại và được tôn vinh trên trời. Trong bài giảng, Đức Cha Micae chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa (cha Calistô Bá Năng Lý giảng lại bằng tiếng Xê Đăng): “Trong lời nguyện đầu lễ hôm nay, mẹ Hội Thánh dạy chúng ta cầu nguyện như thế này ‘lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, mọi công trình của Chúa thật kỳ diệu, phi thường. Xin làm cho chúng con là những kẻ được Chúa cứu chuộc luôn luôn hiểu biết rằng công trình tạo thành vũ trụ thuở ban đầu tuy kỳ diệu nhưng công trình cứu độ của Đức Kitô, Đấng hy sinh làm chiên lễ vượt qua của chúng con trong thời sau hết còn kỳ diệu hơn nữa. Công trình sáng tạo Chúa đã thực hiện từ thuở ban đầu mọi sự đều kỳ diệu.’”


Cha Bá Năng Lý, chánh xứ Kon Hring, cùng với Đức giám mục Kontum đón nến Phục Sinh


Và con người càng học càng tìm kiếm càng tìm thấy giới hạn của mình. Thí dụ bây giờ chúng ta nhìn một ly nước trong sạch. Với con mắt chúng ta nhìn thấy ly nước trong sạch nhưng dưới kính hiển vi hiện đại nhất lúc bấy giờ người ta sẽ thấy trong ly nước đó có muôn vàn triệu triệu các con vật li ti. Nếu chúng có dịp nhìn lên bầu trời, chúng ta chỉ thấy sơ sơ một ít trăng sao như vậy. Nhưng với kính viễn vọng, con người thấy bầu trời, vũ trụ này thật mênh mông vô giới hạn.… Nhờ ánh sáng của lòng tin mà Chúa cho chúng ta nhận ra được Thiên Chúa kỳ diệu vô cùng và Ngài hằng thương yêu chúng ta. Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài và Ngài cho con người được chia sẻ thân phận, đời sống vinh quang của Ngài, quyền năng của Ngài, mà quyền năng cao cả nhất của Thiên Chúa là quyền năng yêu thương và tha thứ. Dưới ánh sáng niềm tin hôm nay chúng ta xin Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con nhớ kỹ như thế này “tất cả chúng con được tạo thành giống hình ảnh của Chúa, tất cả nhân loại này tất cả mọi người đều là con cái của Chúa, tất cả mọi người trên trần gian này đều được chia sẻ vinh quang của Chúa, bản tính của Chúa, quyền năng của Chúa. Và con người chỉ thực sự hạnh phúc, thật sự là người thật khi biết yêu thương lẫn nhau như Chúa yêu thương vậy…”.


Chia nhau ánh sáng từ nến Phục Sinh


Kế đến là phần làm phép giếng nước. Đức Cha Micae đã nhúng một phần thân nến vào giếng nước và các lời nguyện xin của cộng đoàn cùng vang lên để tung hô Chúa, xin Chúa giải thoát con người khỏi mọi xiềng xích tội lỗi, đưa con người ra khỏi đêm đen của tội lỗi để củng cố đức tin và vững tin “sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhờ con Chúa xuống trên giếng nước tràn đầy này để khi mọi người nhờ bí tích rửa tội đã được an táng cùng Chúa Kitô, hầu chết cho tội thì phục sinh cùng với Người trong sự sống”.


Trong ánh sáng trăng tròn rõ to của miền núi, từng gương mặt hiện rõ niềm vui canh thức chờ Chúa phụ sinh. Các ông bà cụ già tóc trắng phơ cùng cháu con cả nhà quây quần trong chiếc chiếu nhỏ gia đình cùng thinh lặng, cùng xướng kinh, cùng cầu nguyện cách sốt mến, trang nghiêm bằng tiếng Xê Đăng với cả cộng đoàn dân Chúa. Lúc này, lòng người như hòa vào đất trời với bốn bề là núi trong ánh sáng trăng vàng. Càng về khuya trời càng lạnh, cái lạnh của núi rừng như buốt vào xương nhưng lòng người lại ấm áp, hòa đồng cách lạ kỳ. Các điệu xoang trong Thánh lễ lần lượt được 20 em thiếu nhi múa uyển chuyển, nhẹ nhàng theo nhịp cồng chiêng và lời hát thánh ca từ ca đoàn của gần 100 em thiếu nhi được chia thành hai tốp, một bên hát tiếng kinh và bên còn lại hát tiếng Xê Đăng dưới sự điều khiển của ca trưởng là các sơ Dòng Chúa Quan Phòng.


Dân chúng đông đảo tham dự thánh lễ sốt sắng ngay giữa trời và đất – nhà thờ thiên nhiên


Đức Cha Micae cử hành bí tích Thánh tẩy cho 8 tân tòng, trong đó 3 nữ và 5 nam, trong đó có 3 người dân tộc nam Xê Đăng. Đức Cha căn dặn “nến phục sinh này là biểu tượng phục sinh của chính Chúa Giêsu. Giờ đây, anh chị em là bậc làm cha mẹ đỡ đầu. Con cái mới Thánh tẩy của anh chị em được ví như đứa con mới sinh ra, còn non nớt lắm cho nên phải dựa vào chính anh chị em. Cho nên mới gọi anh chị em là người đỡ đầu. Xin Chúa ban cho anh chị em ý thức vai trò này. Có nghĩa là anh chị em phải luôn luôn kè kè bên cạnh con cái để giúp con cái của anh chị em như người mẹ mới sinh con, phải bồng bế tận tình, phải chăm chút đàng hoàng kẻo nó ngã, nó rớt rồi nó gãy tay, gãy chân. Anh chị em phải tập cho nó đi, tập cho nó ăn, tập cho nó nói, tập cho nó mọi cái. Anh chị em chăm lo cho con cái anh chị em bằng đời sống gương mẫu thánh thiện của mình. Anh chị em chăm lo cho con cái anh chị em bằng lời khuyên tiếng nói của mình. Anh chị em chăm lo cho con cái anh chị em bằng cách cầu nguyện cho con cái anh chị em. Anh chị em phải là những người phải luôn luôn để ý tới và giúp đỡ từng li từng tí một. Vì con cái anh chị em là mới nên hoàn toàn lạ lẫm. Giờ đây, anh chị em là bậc làm cha mẹ đỡ đầu hãy tiến lên cây nến phục sinh này, có nghĩa là anh chị em phải gắn bó với Chúa, học hỏi nơi Chúa để có trách nhiệm với con cái của mình. Anh chị em hãy đến đây châm cây nến phục sinh này về trao lại cho con cái anh chị em”.


Ánh mắt các tân tòng trong ánh sáng nến phục sinh thật ngây thơ, mộc mạc, chân thành như những đứa trẻ non nớt vừa mới chào đời cần lắm bàn tay chăm lo đức tin của bậc làm cha mẹ đỡ đầu. Khi ánh nến được trao cho các tân tòng thì cùng lúc nến phục sinh cũng được chia lửa cho cả cộng đoàn khắp sân thánh đường như hoà cùng niềm vui cho những đứa con thiêng liêng mới gia nhập Hội Thánh.


Dòng nước mát từ giếng nước vừa mới làm phép ban nảy được Đức Cha Micae dùng để rẩy trên các tân tòng, rảy trên cả cộng đoàn. Bước chân Đức Cha nhịp nhàng bước nhanh và từng dòng nước nhỏ đổ trên cộng đoàn như hồng ân Chúa đổ xuống dân Người trong đêm canh thức trọng thể này, là ơn toàn xá Đức Giám Mục ban cho dân Chúa nơi đây hôm nay.


Thánh Thể Chúa được rước cung kính từ nhà tạm vào Thánh đường cách cung kính. Sau bí tích Thánh thể, Đức Cha Micae và các linh mục, các sơ và ban mục vụ cùng trao Mình Thánh cho cộng đoàn. Khi Đức Cha Micae rước mình Thánh đi tới hông bàn thờ hướng xuống các bậc thang gỗ tạm thì tiếng “rắc” vang lên, Ngài hơi nghiêng về một phía. Điều may mắn hay phép nhiệm mầu của Chúa phục sinh là đằng sau Đức Cha có Cha Tađêô Trần Xuân Sơn đang mang chén máu Thánh cũng vừa đến, đỡ lấy một bên Ngài và Đức Cha qua được bên kia tấm ván để xuống trao mình Thánh cho các tân tòng. Ngay lúc bước chân Ngài nhấc lên thì tiếng “buzz” rất to làm tấm bạt bung lên. Tiếng động to này trên cung thánh đã cuốn hút tất cả mọi ánh mắt từ bốn phía về đây, cùng hồi hộp và nín thở theo bước chân của Đức Cha và thở phào mừng vui khi thấy ngài bình an hồn xác. Cha Sơn bắt đầu dò chân xuống sàn từng bước cẩn thận để đi theo Đức Cha. Các tân tòng hôm nay được rước cả Mình và Máu Chúa Kitô, là một hạnh phúc trong đời người Kitô hữu.


Trong lúc Đức cha, các linh mục, các sơ và ban mục vụ cho cộng đoàn rước lễ tại nhiều điểm trong sân đất thì những người khác sửa lại cung thánh. Các tấm ván mạt cưa ép bị gãy đôi được lôi lên lót hẳn trên tấm bạt chỗ chưa có ván và các ghế ngựa, ghế đẩy được thay vào chỗ cột cây bị ngã. Cung Thánh giờ vừa có màu xanh của bạt và màu kem của các tấm ván mạt cưa ép. Lúc này thì một số người kinh bắt đầu lên lấy Nước Thánh và các người dân tộc cũng bắt chước làm theo. Tuy là việc lấy Nước Thánh trong cách ôn hòa, trật tự nhưng Thánh lễ chưa xong thì cũng không phải là việc nên làm, đặc biệt là người có đức tin tôn giáo như người Công giáo. Có người lấy chai thật to nhưng cũng có người chỉ lấy cho mình một chai be bé vừa đủ mà thôi. Có người buột miệng nói “năm nay, ai cũng mang chai to lấy nước thì cái bồn nước ấy làm sao đủ cho hết mọi người”. Nói là nói vậy nhưng người này vẫn ngồi tại chỗ mà không lên lấy nước phép như những người khác.


Thánh lễ kết thúc lúc 23 giờ cùng ngày. Những người nhà gần thì về nhà, những người nhà xa thì trải chiếu hoặc bao nylon trên đất tại sân “nhà thờ ngoài trời” này mà ngủ dưới sương, mà canh thức cùng Chúa. Nhà nguyện giờ đây bắt đầu đầy nghẹt con người lần lượt trải chiếu, trải bao nylon, xếp ghế dài làm giường cho các đứa trẻ. Lớp học giáo lý, sân, các phần đất trống trong và ngoài nhà nguyện đều không còn chỗ trống. Bà con giáo dân Xê Đăng bắt đầu ăn những nắm cơm vắt mang theo. Còn ai chưa có đồ ăn thì các sơ mang cho mì gói, bánh, cơm trong bếp. Tất cả chia nhau phần ăn trong trật tự, yên lặng. Ai ăn xong thì lẳng lặng nằm xuống ngủ để sáng mai còn tham dự Thánh lễ mừng kính Chúa phục sinh vào 6 giờ sáng.


Khi mọi người đang ăn tối thì điện cúp. Một giáo dân trong vùng cho biết “ngày thường ít khi cúp điện lắm, điện chỉ cúp vào các ngày lễ trọng của người Công giáo mà thôi”. Nghĩ cũng lạ. Nhờ cúp điện, mọi người nghiệm ra rằng đêm nay là đêm vọng phục sinh, là đêm canh thức, con người phải chìm trong bóng tối để suy gẫm ăn năm tội lỗi của mình và chờ ngày mai Chúa phục sinh sẽ đến với mình trong ánh sáng hạnh phúc muôn đời.


Giêra Nguyễn & Minh Nguyên, VRNs


Ảnh: B. Khanh, VRNs




Chia sẻ với bạn bè

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét