Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Chúa Nhật 08/04/2012 – CHÚA NHẬT PHỤC SINH – Chúa đã sống lại


Chúa Nhật 08/04/2012 – CHÚA NHẬT PHỤC SINH – Chúa đã sống lại

Chúa đã sống lại
08/04 – CHÚA NHẬT PHỤC SINH. MỪNG CHÚA SỐNG LẠI


"Người phải sống lại từ cõi chết".
Lời Chúa: Ga 20, 1-9
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

SUY NIỆM 1: Chúa đã sống lại

"Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã sống lại thật".

Ðó là Tin Mừng Mẹ Giáo Hội không ngừng rao giảng và long trọng công bố với chúng ta trong Phụng Vụ Chúa Nhật I Phục Sinh. Tin Mừng ấy đồng thời cũng là lời mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy biết trở lại với Chúa Kitô Phục Sinh và can đảm loan báo Chúa Kitô Phục Sinh cho những ai chưa nhận biết Ngài.

Trong Tông Ðồ Công Vụ đoạn 10, thánh Luca muốn chứng minh cho thấy lời giảng dạy và các công việc làm của Chúa vẫn tiếp tục trong Giáo Hội. Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng đã không bị đứt quãng với cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên Thập Giá, nhưng được tông đồ Phêrô và Giáo Hội tiếp tục công bố.

Biến cố Phục Sinh ghi dấu sự chuyển tiếp từ Chúa Giêsu qua Giáo Hội, từ công tác loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu sang sứ mệnh của các tông đồ. Bài giảng của thánh Phêrô được ghi lại trong chương 10 trên đây là bản tóm gọn cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Nó nêu bật sự hữu hiệu trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu trước khi Phục Sinh và của các tông đồ sau khi Chúa Phục Sinh.

Sự hữu hiệu trong sứ mệnh công bố Tin Mừng Nước Trời của Chúa Giêsu phát xuất từ mối liên hệ mật thiết của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chính Thiên Chúa Cha đã xức dầu thánh hiến Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần trong lễ nghi lãnh Phép Rửa tại sông Jordan. Do đó, mọi hoạt động và lời rao giảng của Chúa Giêsu đều mang dấu ấn sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Mối liên hệ thần linh của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha được tỏ lộ trong lời cầu nguyện, trong thái độ tín thác hoàn toàn chấp nhận thánh ý và chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha.

Cũng vì thế, mọi lời nói và mọi cử chỉ của Chúa Giêsu đều diễn tả hành động cứu rỗi. Mọi phép lạ Chúa Giêsu đã làm để chữa lành tật bệnh xác hồn cho con người đều là các biến cố cứu độ. Tuy nhiên, sự dữ mà Chúa Giêsu chống trả và chiến thắng không phải là những gì thuộc bình diện bề ngoài như tật nguyền, nghèo đói, thiên tai... Nhưng là những gì bắt nguồn từ Satan, từ ma quỉ hằng chống đối Thiên Chúa.

Chỉ sau khi Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của tất cả mọi sự Chúa Giêsu đã làm khi Ngài còn sống trên trần gian và loan báo Tin Mừng cứu độ. Các ông làm chứng công khai trước mặt mọi người rằng: mỗi một cử chỉ của Chúa Giêsu đều thực sự là một hành động cứu độ, và cái chết trên Thập Giá của Ngài chẳng những không chấm dứt các hành động cứu độ ấy mà còn là tột đỉnh của chương trình cứu độ nữa.

Sở dĩ các tông đồ đã có thể loan báo Tin Mừng cứu độ một cách hữu hiệu chính là vì Chúa Kitô Phục Sinh đã trao ban cho họ sứ mệnh tiếp tục công trình cứu độ ấy của Ngài giữa xã hội loài người. Dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh, các ông loan báo rằng: "Chúa Kitô Phục Sinh từ nay là trung tâm điểm trong cuộc sống con người và cuộc sống của thế giới".

Qua lời rao giảng của các tông đồ và các người kế vị các ngài, con người thuộc mọi thời đại sống được kinh nghiệm các hành động cứu độ ấy của Chúa Giêsu. Bởi vì lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh giải phóng chúng ta khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi và cái chết. Cuộc sống mới mà Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trao ban cho chúng ta được thánh Phaolô diễn tả bằng nhiều hình ảnh và ngôn ngữ đặc thù vủa lễ Vượt Qua trong Do Thái giáo như: men, chiên nướng và bánh không men. Men biểu tượng cho sự hư nát, bánh không men ám chỉ sự tinh tuyền, chiên sát tế ám chỉ ơn cứu độ. Vì máu chiên được dùng để đánh dấu cửa nhà khi các thiên thần đi qua trông thấy thì vượt qua không vào giết chết các con đầu lòng của người Do Thái. Do đó, trong đêm trước ngày lễ Vượt Qua, người Do Thái có thói quen quét dọn, lau chùi mọi ngõ ngách trong nhà cho sạch. Mọi dấu vết của bánh có men biểu tượng cho nếp sống cũ, kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Bánh không men nhắc lại biến cố họ đã bỏ nếp sống nô lệ ấy một cách vội vàng và đến không kịp làm dậy men trong bột để bắt đầu cuộc sống tự do của dân riêng Chúa.

Trong thư I Cor 5, thánh Phaolô nhắc nhở mọi người đừng quên tính chất mới mẻ và các đòi buộc nòng cốt của lòng tin Kitô phát xuất từ lòng tin đó. Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá và đã sống lại là chiên Vượt Qua đã đổ máu ra để cứu rỗi loài người. Nói cách khác, từ nay không còn chuyện quét dọn nhà cửa bề ngoài sạch mọi nhân tố như bánh có men cản ngăn việc cử hành lễ Vượt Qua nữa, mà là dẹp bỏ mọi chướng ngại, dẹp bỏ mọi tội lỗi không cho tâm hồn chúng ta phục sinh với Chúa. Tất cả những gì cũ kỹ, tất cả những gì tội lỗi, thối tha hư nát gây chết chóc cho tâm hồn thì cần phải được tức khắc loại trừ.

Trái lại, tất cả những gì mới mẻ, tươi mát, căng đầy nhựa sống đều thuộc về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Như thế, lòng tin vào Chúa Kitô Phục Sinh phải giúp mỗi người trong chúng ta biết chạy đến với Chúa Kitô Phục Sinh mỗi ngày để kín múc lấy sự sống mới. Cuộc sống mới ấy sẽ trao ban cho chúng ta cái nhìn mới, cái nhìn của lòng tin, các nhìn dưới ánh sáng của lòng tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.

Trong Phúc Âm thánh Gioan, động từ nhìn là động từ của lòng tin, nó cũng là từ chìa khóa giúp chúng ta hiểu sứ điệp thần học và trình thuật Chúa Phục Sinh trong chương 20,1-9. Cái nhìn mà thánh Gioan nói tới ở đây không phải là cái nhìn của đôi mắt xác thịt thường hay lầm lẫn vì bị mờ đục bởi tật nguyền, bởi các tâm tình tự nhiên của con người, bởi đam mê, dục vọng, bởi tội lỗi, bởi mọi thứ ảnh hưởng nội tại và ngoại tại. Maria Madalena nhìn hòn đá đã bị lăn sang một bên và ngôi mồ trống, nhưng vì buồn thương, nàng đã không trông thấy và không hiểu mà lại nghĩ rằng có người ăn trộm Chúa Giêsu. Phêrô và Gioan chạy đến mồ, bước vào bên trong nhìn thấy băng quấn xác và khăn che mặt xếp gọn ghẽ, nhưng không hiểu rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Cái nhìn mà thánh Gioan nói tới ở đây bao gồm tất cả những gì Kinh Thánh đã báo trước liên quan tới cuộc đời Ðấng Cứu Thế và tất cả những lời Chúa Giêsu đã giảng dạy cũng như mọi việc Ngài đã làm trước khi Phục Sinh.

Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là một biến cố lịch sử đã thực sự xảy ra, nhưng nó chỉ có sự hiểu biết Kinh Thánh và lòng tin vào Thiên Chúa, chỉ có cái nhìn nội tâm, cái nhìn của đôi mắt lòng tin mới bảo đảm và giúp chúng ta hiểu biết và tin vào biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô Phục Sinh mà thôi. Chính lòng tin này trao ban cho Kitô hữu niềm hy vọng, và niềm hy vọng Kitô bao giờ cũng mang chiều kích siêu việt. Nó vượt không gian, thời gian và mọi luật lệ vật lý. Nó biến đổi hoàn toàn thực tại cuộc sống của con người trên trần gian này.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày” – Radio Veritas Asia)

SUY NIỆM 2: Chúa đã sống lại

Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan chúng ta vừa đọc trên đây, tác giả chỉ nhắc đến bà Maria Madalena, nhưng qua ba Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta biết có thêm một vài người nữ cùng ra mộ Chúa Giêsu với bà. Các bà đi đến mộ và hốt hoảng khi thấy tảng đá chặn cửa mộ đã bị mở ra. Tại sao có chuyện kỳ cục như thế? Có ai muốn phá rối chăng? Bà Maria Madalena vội vàng chạy về báo tin cho Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Hai ông hối hả chạy đến mộ, hai ông đã thấy mộ trống với các khăn liệm còn lại ở đó, nhưng họ chẳng thấy xác Ngài đâu. Nhìn thấy quang cảnh, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến biết rằng Thầy đã sống lại như lời Thầy đã nói.

Ngôi mộ trống là một dấu chỉ mà Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ sáng ngày hôm đó. Ðứng trước ngôi mộ trống, mỗi người có một phản ứng khác nhau. Các bà thì hoảng hốt, chạy về nhờ cậy các ông tới cứu. Ông Phêrô thì ngạc nhiên về sự việc xảy ra. Còn người môn đệ Chúa Giêsu thương mến thì tin rằng Thầy đã sống lại. Chúa đã sống lại thật. Allêluia.

Sự thật này có sức mạnh biến đổi cuộc đời chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi bóng tối của sự sợ sệt, của nghi nan, để sống đến cùng đức tin của mình vào Chúa Kitô. Một ngôi mộ trống nhưng được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, sẽ dẫn đến những phản ứng khác nhau.

Trong cuộc sống đức tin, mỗi người chúng ta đã nhiều lần đứng trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, đó là những lần chúng ta băn khoăn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đích thực của đời Kitô. Dù đã được học hỏi về đức tin Kitô, đã được nghe giảng Lời Chúa, đã được chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của biết bao thế hệ tín hữu, nhưng những điều ấy không miễn cho chúng ta phải đối diện với đức tin của chính mình.

Như nhóm người cùng đi đến mộ Chúa Giêsu sáng sớm hôm ấy, chúng ta cùng hiệp thông với nhau nhưng không thể quyết định thay thế cho nhau. Giáo Hội khuyên chúng ta phải trả lời những câu hỏi về đức tin đặt ra cho chính mình. Có nhiều lúc chúng ta như rơi vào đêm tối bất an, tương tự như các môn đệ trong thời gian sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu, chúng ta nửa tin nửa ngờ. Một mặt chúng ta biết rằng đức tin vào Chúa Kitô có sức giải thoát chúng ta khỏi vòng vây tội lỗi và mang lại cho chúng ta một cuộc sống an bình hạnh phúc. Mặt khác, chúng ta phải đối diện với những thực tế cấp bách, thực tế xem ra không trùng khớp bao nhiêu với những điều mà đức tin dạy bảo chúng ta. Ðức tin dạy chúng ta phải xây dựng hạnh phúc trên những nền tảng siêu nhiên. Thực tế lại cho thấy dường như những điều siêu nhiên chẳng giúp chúng ta đạt hạnh phúc mà đôi khi còn gây ra cho chúng ta bao nhiêu điều thiệt thòi phiền toái. Ðức tin dạy chúng ta phải tập trung đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, thực tế lại cho thấy mọi người đều dồn hết sức lực để xây dựng cho cuộc sống vắn vỏi ở đời này. Ai đúng, ai sai, ai khôn, ai dại? Chúng ta bối rối không biết phải theo ai bỏ ai đây? Trước những câu hỏi hóc búa này, chúng ta loay hoay tìm câu trả lời. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu soi sáng cho chúng ta. Nhưng có lúc, thay vì trực tiếp trả lời, Chúa Giêsu đưa chúng ta tới ngôi mộ trống của Người. Người gởi đến cho chúng ta những mật thư, những dấu chỉ, những lời nói, những biến cố đặc biệt xảy đến cho chúng ta. Muốn tìm ra lời đáp, chúng ta phải giải mã những tín hiệu này.

Khi nhìn thấy ngôi mộ trống, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến nhanh chóng nhận ra rằng Thầy mình đã sống lại, ông không nhìn bằng đôi mắt nhưng đã nhìn bằng con tim. Tác giả Tin Mừng theo thánh Gioan đã kín đáo không nêu tên người môn đệ này, nhưng truyền thống Giáo Hội vẫn cho đó chính là tông đồ Gioan. Ông là người được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt và ông cũng đáp lại Thầy mình với tình yêu thương nồng nàn. Chính tình yêu này mách bảo cho ông biết đích xác chuyện gì đã xảy ra với Thầy. Tình yêu hun đúc niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, nhiều lúc con phải giải mã các tín hiệu mà Chúa gởi đến cho con trong cuộc sống. Xin Chúa giúp con luôn trung kiên trong tình yêu, để con nhanh chóng nhận ra sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho con trước ngôi mộ trống của Chúa, xin cho con vững tin rằng Chúa đã sống lại thật. Allêluia.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Đức Kitô đã sống lại thật

1. “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng. Và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, như thế là chúng tôi chống lại Thiên Chúa” (1Cr. 15,14-15).

Thánh Phaolô thật rõ ràng, thật quả quyết về Đức Giêsu đã sống lại, nếu Người không sống lại thì Phaolô và tất cả các tông đồ, các tín hữu thời đó vừa phạm tội ác chống lại Thiên Chúa, vừa bị người đời bắt bớ, đánh đập, tù ngục và đóng đinh giết đi. Các tông đồ chịu chết vì điều giả dối đó để làm gì ? Để chịu khốn nạn hơn hết mọi người sao ? Và giả dối thì tất nhiên, Giáo hội không thể xuất hiện và tồn tại bền vững cho đến ngày nay được. Nhưng chính vì Đức Kitô đã sống lại, đã tiếp xúc với các tông đồ, các ông đã trông thấy, ăn uống, đã đụng chạm đến Người, đã nhận nhiệm vụ Người trao phó đi giảng dạy muôn dân, cho muôn dân tin mà được cứu độ, được sống lại, giải thoát họ khỏi cái chết kinh khủng ngàn thu. Chính vì Đức Kitô sống lại, Phaolô đã bỏ đường bắt đạo, trở lại giảng đạo, giảng sự sống lại của Đức Kitô, ông đã sống chết vì Đức Kitô, đã chịu trăm ngàn khổ cực, đã chịu đóng đinh như Đức Kitô để rao giảng Đức Kitô sống lại cho muôn dân được sống lại với Đức Kitô.

Khi Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử, bị đóng đinh chết trên thập giá, thì các tông đồ bỏ trốn, tinh thần các ông đã chết, khi các ông nghe tin mồ trống, các ông cũng khủng hoảng, vì lính canh mồ đang phao tin các môn đệ đã lấy trộm xác. Đó là án tử hình đang đeo vào cổ các ông. Luật thời đó kết án tử hình kẻ trộm cắp. Nhưng khi gặp Đức Giêsu sống lại, các ông đã trở nên dũng mạnh, can trường đứng trước công trường rao giảng Đức Giêsu đã chịu chết và sống lại cho toàn dân đang dự lễ tại đền thánh Giêrusalem (Cv. 2,14-4,31). Các ông còn vui mừng khi bị điệu ra trước thượng hội đồng Do thái để chịu xét xử tù ngục, đánh đòn, chịu khổ vì Đức Kitô. Tuy nhiên, người ta vẫn thắc mắc: Sự sống lại của Đức Kitô quan trọng như vậy, đã thay đổi cuộc sống của các tông đồ như vậy, đã lôi cuốn dân chúng đồng thời với các ông trở lại như vậy, để xây dựng Giáo hội tồn tại vững bền như vậy, tại sao bốn thánh sử chỉ kể lại vắn tắt hai ba lần Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ thôi ? Còn về cuộc chịu chết khổ nạn của Đức Giêsu thì các ngài viết rất dài và đầy đủ chi tiết.

2. Thánh Marcô chỉ viết 8 câu kể tên 3 bà đi thăm mộ và hoảng sợ khi vào trong mộ thấy một thanh niên mặc áo trắng nói: Đức Giêsu Nagiareth …. đã chỗi dậy rồi …”.

Thánh Luca kể hai lần Chúa hiện ra: Một lần hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, một lần hiện ra với các tông đồ, Người chúc bình an cho các ông rồi cho các ông rờ xem chân tay có xương thịt rõ ràng, chứ không phải ma, và ăn trước mặt các ông. Rồi Người dạy dỗ và mở trí các ông hiểu Kinh Thánh ứng nghiệm về Người. Người truyền cho các ông đi rao giảng cho muôn dân, rồi Người được rước lên trời.

Thánh Matthêu chỉ kể vắn tắt Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ, rồi hiện ra với 11 môn đệ. Ngài nhấn mạnh đến việc các thượng tế lừa đảo, bảo lính canh mồ phao tin các môn đệ lấy trộm xác.

Thánh Gioan kể dài hơn: Chúa hiện ra ba lần: trước hết với Maria Madalena, và hai lần với các môn đệ: một lần không có ông Tôma, lần sau có cả Tôma, và đoạn 21 cuối do các môn đệ Gioan kể thêm Đức Giêsu hiện ra ở biển hồ Tiberia lúc các ông đánh cá. Người nướng cá cho các ông ăn và hỏi ba lần Phêrô “Con có yêu mến Thầy không ?”.

Thánh Gioan cũng thêm một chi tiết khá tế nhị: Phêrô và Gioan chạy ra mộ khi vào mộ, ông thấy những băng vải và khăn che đầu Đức Giêsu cuốn lại và xếp riêng ra một nơi, chứng tỏ: Không ai đưa xác đi đâu và Đức Giêsu đã sống lại đàng hoàng mới có sự sắp xếp như vậy.

3. Sở dĩ các ngài viết vắn tắt về sự sống lại của Đức Giêsu, có lẽ vì những lý do sau:

Thứ nhất: Sự sống lại của Đức Giêsu khác với sự sống lại mà Người đã cho Lagiarô hay con trai bà góa thành Naim và con gái ông Giairô chết được sống lại ở đời này, rồi lại chết. Sự sống lại của Đức Giêsu là sự sống đời đời: “Người không còn chết nữa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa” (Rm. 6, 9). Thân xác Người trở nên vinh hiển: “Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Phil. 3, 21). “Thiên Chúa còn đặt mọi thù địch dưới chân Người, thù địch cuối cùng là sự chết” (1Cor. 15, 25-26). Như vậy Người đã chiến thắng sự chết. Cho nên không thể dùng ngôn ngữ trần gian nào diễn tả sự sống lại huyền diệu của Đức Giêsu được. Các ngài chỉ có thể kể: Người hiện ra đúng như Người lúc bị đóng đinh, có xương thịt, có lỗ đinh đóng chân tay và cạnh sườn, có ăn nói, dậy dỗ, trao quyền rao giảng Tin mừng, chứ không như bóng ma quái. Đồng thời Người lại giống như thần thiêng, không bị lệ thuộc vật chất, Người hiện ra gặp các ông mọi nơi, mọi chỗ dù cửa nhà đóng kín. Thật lạ lùng mãnh liệt đối với các ông. Cho nên chỉ kể thế là đủ.

Thứ hai: Các tông đồ đã trực diện hiển nhiên trước sự sống lại diệu huyền của Chúa, đâu cần phải sống lâu bên Chúa mới nhận ra Người sống lại. Các ông tiếp xúc trực tiếp với Người bằng tất cả mọi giác quan: tai, mắt, miệng lưỡi, chân tay, lòng trí và cả tâm hồn với mọi cảm tính từ hoảng sợ, nghi ngờ đến vui mừng, yêu mến tha thiết, từ đời sống lo âu đến đời sống bình thường, từ chốn ẩn lánh kín đáo đến công trường trước đông đảo quần chúng, hơn nữa chính Chúa còn mở trí cho các ông thấu hiểu các sách luật Môisê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh, Thánh Kinh đã ứng nghiệm về Người (Lc. 24, 44-45). Chính các tông đồ là những cuốn sách sống động cho muôn dân hơn muôn vàn sách viết chữ. Chính các ông là những chứng nhân trực tiếp rõ ràng nhất bằng lời giảng, bằng đời sống, bằng gương lành, và bằng chính những cái chết anh dũng của các ngài, nhất là bằng ân sủng của Chúa Con, bằng tình yêu của Chúa Cha và bằng tác động của Chúa Thánh Thần. Những người có thiện tâm đều tin vững vàng Đức Giêsu đã sống lại thật. Kẻ cố chấp, ác tâm thì dù biết mọi chi tiết rõ ràng, như quân dữ, họ cũng viện mọi lẽ để không tin Người.

Thứ ba: Như Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Người chết còn biết không?”. Người đáp: “Nếu Ta nói: Người chết còn biết, thì sợ con cháu hiếu thảo liền chết theo ông cha, nếu Ta nói người chết không còn biết nữa, thì sợ con cháu bất hiếu, cha mẹ chết bỏ không chôn” (Khổng Tử gia ngữ: Trí tự VIII.)

Cũng vậy, nếu Chúa không sống lại, hay vật chất hóa sự sống lại của Chúa bằng xương bằng thịt cho người ta thấy luôn luôn, thì người ta không còn tin Chúa bởi trời xuống nữa. Người ta chết là hết, hay người ta tìm được thuốc trường sinh, thì người ta không cần Thiên Chúa nữa. Người ta sẽ sống thoải mái theo thú tính của mình và chắc chắn thế giới này sẽ nguy hiểm kinh khủng vì ai cũng lo giành dựt, xâm chiếm về cho mình hưởng thụ.

Nếu Đức Giêsu sống lại hoàn toàn vô hình, các tông đồ không thấy Người sống lại thì chắc các ông sẽ không thể tin Người sống lại, do đó, các ông đâu còn dám chết đi để làm chứng Người sống lại.

Cho nên Đức Giêsu đã xuống thế gian làm người để chết đi và sống lại cho người ta thấy tình thương bao la hữu hình của Người để người ta kính mến Người, và lên trời vô hình để người ta tin Người là Thiên Chúa hằng sống.

Lạy Chúa Giêsu, Người đã sống lại thật. Alleluia. Chúng con phấn khởi vui mừng. Alleluia. Chúng con cảm tạ và tung hô Chúa muôn đời. Alleluia.

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)



SUY NIỆM 4: Sống và Chết

Chúa Giêsu đã chết. Đó là một thành công mỹ mãn của các thầy tư tế và biệt phái. Chết là hết chuyện. Có lẽ cũng đã có những bữa tiệc ăn mừng của sự thành công này. Thế là từ nay, họ có thể ăn ngon và ngủ say trong những thói quen mà Chúa Giêsu gọi là giả hình của họ. Chẳng còn ai dám to gan tố cáo những tội ác của họ nữa. Cái dấu chấm hết đã được hạ xuống nơi hòn đá kếch xù, được dùng để lấp ở cửa mộ. Thân phận con người là thế. Chết là xong chuyện rồi.

Nhưng với các Tông Đồ, và những người phụ nữ đi theo Chúa, thì sự thật ấy, không thể chấp nhận được. Dù đã chứng kiến tận mắt cái chết của Chúa. Cũng như việc an táng Người. Nhưng trong lòng họ, thì vẫn không muốn tin; bởi qua những tháng ngày chung sống với Chúa, họ đã nhận ra rằng: Nơi Ngài có một sự sống thần thiêng cao cả, mà nơi con người không thể có được. Hơn nữa, chứng kiến những phép lạ to lớn Ngài làm: Như truyền cho gió biển yên lặng, cho ông Lazarô chết đã bốn ngày được sống lại, thì rõ ràng, nơi Ngài phải có một sức sống thần linh, vượt lên trên cái chết. Chính vì thế, mà họ hy vọng và tin tưởng. Chả vậy mà, ngay từ lúc trời còn chưa sáng, của ngày thứ nhất trong tuần, các bà đã hối hả chạy ra thăm mộ.

Một cảnh tượng ngỡ ngàng hiện ra trước mắt. Cái hòn đá to, cái dấu chấm hết ấy bây giờ bị lật ngang. Phải chăng sự hy vọng của mình lại đúng? Bởi cái dấu chấm hết ấy, lại trở thành một dấu phẩy nhẹ nhàng. Và như vậy, Thầy mình đã sống lại. Không biết vì quá vui mừng hay hoảng hốt. Các bà vội vã trở về, để báo tin lại cho hai môn đệ trung tín nhất của Chúa là Phêrô và Gioan. Cả bốn người cùng đến, và Phêrô là người đầu tiên bước vào. Chúa không còn ở đó nữa. Những thứ dùng để mai táng Ngài như: Những băng vải, khăn che đầu…. Tất cả đều được xếp lại gọn gàng.

Rõ ràng như thế, không thể có một cuộc cướp xác. Bởi cuộc cướp nào mà chả được làm vội vã hối hả. Ai mà còn dại khờ, ngồi xếp lại những đồ phụ thuộc ấy. Thế là niềm tin của họ là đúng. Đúng thật trong bản tính loài người. Như mọi người, Ngài đã chết thật. Trong bản tính Thiên Chúa, thì cái tận cùng của kiếp người, là không làm gì được Ngài. Ngài đã sống lại, Ngài sống lại, để báo cho mọi người biết: Ngài là Cội Nguồn của sự sống. Và quyền năng của Người, thì vượt lên trên cái chết. Vì thế, nếu ai tin vào Ngài, thì không phải sợ hãi trước cái chết nữa. Và qua cái chết, sẽ được cùng Ngài đi vào cõi hạnh phúc vĩnh hằng.

Gợi ý suy niệm:
1- Chúa Giêsu đang sống hay là đã chết trong lòng bạn?
2- Bạn có tin, bạn có linh hồn không?
(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên số 04/2012’)

* Xem các bài suy niệm khác về CHÚA NHẬT PHỤC SINH - Năm B
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Tin bài liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét