Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

(Chúa Nhật IV Mùa Chay, năm B) Bài thánh ca “Tình Chúa”


Cung thương

Người đăng bài viết: Ban bien tap Tinvui
Cung thương
Cung thương
(Chúa Nhật IV Mùa Chay, năm B) Bài thánh ca “Tình Chúa” khá quen thuộc của một nhạc sĩ Công giáo nào đó có những ca từ đẹp và đạo đức, nói lên thực tế yếu hèn của con người và lòng nhân từ của Thiên Chúa: “Khi tình yêu con còn mơ, tin yêu con dệt thơ thì tình Chúa hững hờ
Chúa vẫn dang tay trông chờ, đôi mắt vương lệ mờ, nhưng con vẫn làm ngơ. Và khi tình yêu con tan vỡ, tin yêu con sầu khổ, chạy đến Chúa nương nhờ. Chúa vẫn đôi tay trông chờ, lòng Chúa vẫn vô bờ, trìu mến mong con từng giờ. Khi đường trần say nguồn vui, tương lai con rực cháy, con quên Chúa mất rồi. Chúa vẫn đôi tay rộng mời, và thứ tha tội đời, nhưng con chối từ thôi. Rồi khi đường trần con buồn đau, tương lai con mờ ảo, chạy đến Chúa kêu cầu. Chúa vẫn đôi tay rộng mời, tình Chúa không đổi dời, lòng Chúa bao dung đời đời. Ôi tình yêu của Chúa không bến bờ, con lại đắm say trần thế hơn cả tình Chúa. Ôi vì yêu mà Chúa không tiếc đời, trên thập giá xưa lòng Chúa đang cơn ngậm ngùi.
Người Việt có câu: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, đến khi nóng cứ trái tai mà sờ”. Chúng ta cũng thường đối xử với Chúa theo kiểu như vậy. Nhưng Thiên Chúa vẫn “làm ngơ”, coi như không biết, vì Tình yêu Chúa luôn là bản trường ca đầy những Cung Thương kỳ lạ dệt thành Giai điệu Xót Thương tuyệt vời nhất! Khối Thánh Tình đó của Ngài được phát xuất từ Thánh Tâm, Nguồn Yêu Thương, và đó cũng chính là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài.
Thiết tưởng cũng nên “mở ngoặc”: Chúa Nhật IV Mùa Chay còn được gọi là Chúa Nhật Vui (Laetare), với lễ phục màu hồng, xuất phát từ ca nhập lễ trong ngày này (Laetare Jerusalem – Hãy vui lên hỡi Giêrusalem).
TỘI LỖI và HỆ LỤY
Tất cả chúng ta đều là những hạt-bụi-nhỏ-nhoi-và-yếu-hèn, đều là những tội nhân, ngay cả những người công chính cũng vẫn phạm sai lầm mỗi ngày 7 lần. Thật vậy, sách Sử biên niên nói: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế” (2 Sb 36:14). Do đó, Thiên Chúa không ngừng sai sứ giả của Ngài đến cảnh cáo, vì Ngài hằng thương xót dân và thánh điện của Ngài. Thế nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Ngài và chế giễu các ngôn sứ của Ngài. Dân Chúa phạm tội tăng theo cấp số nhân, dân Chúa cũng chính là chúng ta. Và rồi Thiên Chúa buộc lòng phải bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Ngài đến vô phương cứu chữa. Nhưng Ngài trách phạt chúng ta vì yêu thương, vì thương xót, chứ không vì ghét bỏ, để chúng ta có thể “sáng mắt” và giác ngộ mà nhận ra những sai lầm thái quá của mình.
Sách Sử biên niên kể: Ngày xưa quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị. Theo “luật nhân quả” thì “gieo gì gặt nấy”, tương tự chúng ta cũng nói: “Gieo gió thì gặt bão”. Hình phạt là hậu quả từ sự ngang ngược của chúng ta – một hệ lụy tất yếu.
Vì phạm tội phản nghịch Thiên Chúa mà dân chúng phải đi đày. Nhớ về quê hương, dân chúng buồn bã than: “Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on; trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn” (Tv 137:1-2). Chúng ta cũng đã bao lần tự cắt mối dây liên lạc với Chúa vì phạm tội, lúc ở đường cùng thì chúng ta chỉ còn biết năn nỉ ỉ ôi: “Xin Chúa thương xót chúng con”. Lời cầu nguyện này không chỉ được chúng ta đấm ngực và kêu xin trong thánh lễ hằng ngày mà còn nhiều lần khác trong ngày.
Đã khổ sở vì lòng ray rứt, dân chúng còn bị bọn lính canh “khiêu khích” để chạm vào vết thương lòng đang sưng tấy: “Hát đi, hát thử đi xem! Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài!” (Tv 137:3). Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Buồn não lòng như vậy thì còn đâu hứng khởi mà hát xướng, dù là Bài ca kính Chúa Trời? Và rồi lòng lại dặn lòng: “Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại! Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giêrusalem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn” (Tv 137:5-6).
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thiên Chúa biết chúng ta đau khổ vì đã chống lại Ngài, nhưng Ngài vẫn “làm ngơ” để chúng ta có thể sám hối thật lòng. Chừng nào chúng ta “đầu hàng vô điều kiện” thì Ngài sẽ ra tay cứu độ. Thánh Phaolô trần tình: Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2:4-5). Chúng ta may mắn hết sức, nhưng đừng tưởng Thiên Chúa “phải” yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta vì thương xót chúng ta, “chính do ân sủng mà chúng ta được cứu độ” (Ep 2:5).
Ngài không chỉ cứu độ chúng ta mà còn “cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:6). Ngài tỏ lòng nhân hậu đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau thấy ân sủng dồi dào và phong phú của Ngài. Thánh Phaolô tái xác định: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa, cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2:8-9). Quả thật, chúng ta không hề có mảy may gì để mà hãnh diện!
Điều đó vừa mặc nhiên vừa minh nhiên, vì “chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu”, và chúng ta có trách nhiệm “sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10). Đó là sự công bình hợp lý vậy!
Sách Dân số cho biết rằng, từ núi Horép, dân Chúa lên đường theo đường Biển Sậy (Sea of Reeds, còn gọi Biển Đỏ), vòng qua lãnh thổ Êđôm, trong cuộc hành trình qua sa mạc, với lương thực duy nhất là “món” mana, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn nên kêu trách Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này!” (Ds 21:5). Chúa cho rắn độc ra cắn khiến nhiều người chết. Dân hoảng quá nên cầu xin ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi” (Ds 21:7). Ông Môsê cầu nguyện, Chúa bảo đúc một con rắn bằng đồng và treo lên cây cột, và “hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được cứu sống” (Ds 21:9).
Biểu tượng ơn cứu độ thời Cựu ước là “con rắn đồng treo trên cây cột trong sa mạc”, biểu tượng ơn cứu độ thời Tân ước là Đức Kitô bị treo trên Thập giá”, để “ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3:15). Lời hứa đó là niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta, nhưng tất cả đều là hồng ân, là nhờ Lòng Chúa Thương Xót. Thiên Chúa không hề tiếc chúng ta điều gì: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
Quả thật, Lòng Chúa Thương Xót quá lớn lao, ngoài sức tưởng tượng của nhân loại: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Thiên Chúa không thiên tư tây vị bất kỳ ai, không “ưu tiên” người “có thế giá”, mà cũng chẳng “chèn ép” người cô thân, dù là người cùng đinh nhất trên thế gian: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:18). Và đó chỉ là sự công bằng mà thôi!
Nguyên nhân của bản án đó? Rất đơn giản: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3:19). Chúa giải thích: “Ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:20-21).
Trách nhiệm của chúng ta là “thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”, nếu ai hoàn thành tốt thì “việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”. Một hệ lụy rất lô-gíc và quá tuyệt vời! Nếu vậy thì mỗi chúng ta sẽ trở thành một “cung thương” trong bản tổng phổ của “Trường ca Lòng Chúa Thương Xót”.
Ma quỷ rất tinh quái, thiết tưởng chúng ta nên cảnh giác như Thánh Têrêsa Hài Đồng: “Ma quỷ thường hay đánh lừa những linh hồn quảng đại bằng cách thúc đẩy họ bước vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận, đồng thời lại lấy đó làm tự mãn.
Lạy Chúa, chúng con là những người quá vô tình, lo ngoại tại mà quên nội tại, nói nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu. Xin Chúa ban ơn soi sáng để thức tỉnh chúng con, và làm cho chúng con biết khiêm nhường để có thể thực sự trở nên khí cụ của Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU


All Rights Reserved ®
Tác giả bài viết: Trầm Thiên Thu
TỪ KHÓA:
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
1
2
3
4
5
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

NGHE GIẢNG LỚP THÁNH KINH 100 TUẦN – ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM


KINH THÁNH 100 TUẦN

 



 
Khi nghe Kinh Thánh 100 tuần,
rất cần cuốn KINH THÁNH GỒM CẢ CỰU LẪN TÂN ƯỚC,
để học, đối chiếu và áp dụng vào cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét