Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

LECTIO DIVINA: CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA


LECTIO DIVINA: CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA

Trọng kính Quí Đức Cha, Quí Cha, Quí Độc giả CGVN.
Hưởng ứng lòng nhiệt thành của Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca - Nha Trang: cổ võ thực hành Lectio Divina. BBT CGVN chúng con có xây dựng một đề mục mới mang tên Lectio Divina, được lưu trữ lâu dài trênwww.conggiaovietnam.net , nhằm mục đích giới thiệu, hướng dẫn và chia sẻ việc thực hành Lectio Divina một cách phổ thông trong đời sống Kitô hữu. Chúng con cũng sẽ gởi tài liệu qua email cho những ai có ghi danh muốn nhận tài liệu thường xuyên (xin gởi một email đếnconggiaovietnam@gmail.com với yêu cầu "Ghi danh Lectio Divina")
Vài nét sơ lược dưới đây, chúng con xin được gởi đến Quí vị để giới thiệu về Lectio Divina.
Xin chân thành cám ơn
 BBT CGVN - Kỷ niệm ngày Lễ Mẹ Lên Trời 15.8.2010

LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC CHA CHỦ TỊCH UỶ BAN KINH THÁNH, HĐGMVN.
“Lectio divina”, hạn từ latinh rất quen thuộc với Kitô hữu, nhất là các tu sĩ ở Âu Châu, nhưng tương đối còn gây nhiều ngỡ ngàng với giáo dân Việt Nam và ngay cả các tu sĩ, nếu không dám nói đến các đan sĩ.
Nhìn lại lịch sử cuộc sống đạo của Giáo Hội, chúng ta thấy ngay từ những thế kỷ đầu cho tới thế kỷ thứ XII, Lời Chúa đã là sức sống của Giáo Hội. Đọc Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh, để cho Kinh Thánh tác động mãnh liệt trong đời sống cầu nguyện và hoán cải, đó đã là những sinh hoạt căn bản của toàn thể Kitô hữu, không riêng gì của các tu sĩ. Từ thế kỷ XII, nhiều hình thức cầu nguyện khác đã dần dần đi vào cuộc sống của một số thành phần dân Chúa. Lectio divina đã trở thành sinh hoạt đặc thù của các đan sĩ. Theo thầy Enzo Bianchi, việc thực hành Lectio divina từ ngày đó đã bị đẩy lui vào trong các đan viện và bị “cầm tù” trong đó. Phải đợi đến Công Đồng Vaticanô II, với Hiến Chế về Mặc Khải “Dei Verbum”, Lectio divina nói riêng và Kinh Thánh nói chung mới được “giải phóng” trong đạo Công Giáo chúng ta. Kể từ ngày đó các Đức Giáo Hoàng đã nhiệt liệt cổ võ việc đọc Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh, dùng chính Kinh Thánh để cầu nguyện. Các ngài đã muốn làm sống dậy một truyền thống cổ kính nhưng luôn hiện đại trong Giáo Hội. Đó là Lectio divina.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm và 50 năm hai thông điệp lớn về Kinh Thánh:Thông Điệp Providentissimus Deus, ĐTC Lêô XIII  và Thông Điệp Divino afflante Spiritu, ĐTC Piô XII , năm 1993 Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã xuất bản một tài liệu quan trọng về “Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội”. Ủy ban này nhận thức tầm quan trọng của Lectio divina:
“Lectio divina là việc cá nhân hay cộng đoàn đọc một bản văn Kinh Thánh, dài hay ngắn, tiếp nhận như là Lời Chúa và khai triển dưới tác động của Thánh Linh trong suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm.
Thường xuyên hoặc mỗi ngày đọc Kinh Thánh đáp ứng với cách thực hành cổ xưa trong Hội Thánh... Việc thực hành Lectio divina dưới hai hình thức, cá nhân và cộng đoàn, đã trở lại thời sự. Mục đích muốn đạt được đó là khơi động và nuôi dưỡng “một tình yêu thiết thực và bền vững” đối với Kinh Thánh, nguồn của đời sống nội tâm và đem lại hiệu quả cho việc tông đồ, giúp hiểu tốt hơn về phụng vụ và bảo đảm cho Kinh Thánh có một chỗ quan trọng trong việc học thần học và cầu nguyện... Cầu nguyện phải song hành với việc đọc Kinh Thánh, bởi vì cầu nguyện là đáp lại Lời Chúa được gặp thấy trong Kinh Thánh dưới sự linh hứng của Thánh Linh...”
Ngày 16.09.2005 ĐTC Bênêđíctô XVI quả quyết: “Việc thực hành Lectio divina, nếu được làm cách hữu hiệu, sẽ đem lại cho Hội Thánh một mùa xuân thiêng liêng mới mẻ, tôi đoan chắc như thế”. 
Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh” diễn ra tại Roma từ ngày 5 tháng 10 đến 26 tháng 10 năm 2008, các Nghị Phụ cũng một lòng với Đức Thánh Cha nói lên xác tín về sự cần thiết và lợi ích sâu xa cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu khi siêng năng và chuyên cần thực hành Lectio diviva.
Từ ít năm nay, một số cộng đoàn tu sĩ tại Việt Nam đã bắt đầu đưa Lectio divina vào thực hành trong đời sống thiêng liêng. Và đó là một may mắn lớn cho các tâm hồn, cho các tu viện và cho cả Giáo Hội.
Nhân dịp Giáo Hội Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai Giáo Phận Đại Diện Tông Tòa “Đàng Trong và Đàng Ngoài” và 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam, đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca thuộc Giáo Phận Nha Trang đã cố gắng đóng góp cụ thể phần của mình trong nhịp sống của Giáo Hội Việt Nam bằng cách chuyển dịch một tác phẩm rất quý giá của Jean Khoury về phương diện thực hành Lectio divina: LECTIO DIVINA HỌC VI MẸ MARIA (Lectio divina à l’école de Marie). Nội dung phong phú của tác phẩm giúp chúng ta có một cái nhìn, một tầm hiểu biết đúng về Lectio divina và nhất là giúp chúng ta đi vào cầu nguyện dưới tác động của chính Lời Chúa theo mẫu gương Mẹ Maria, Đấng đã đón nghe Lời, ghi nhớ Lời và suy niệm Lời để rồi qua đó đã giúp Lời nhập thể và nhập thế. Mỗi Kitô hữu, và nhất là mỗi tu sĩ, đan sĩ, linh mục cũng phải thường xuyên đọc Kinh Thánh, ghi khắc Lời trong lòng và thường xuyên suy niệm Lời noi gương Mẹ Maria và theo Truyền Thống rất đáng tôn kính của Giáo Hội. Có như thế, biến cố Truyền Tin cho Mẹ Maria sẽ có cơ may tái thể hiện trong đời sống của mỗi người và Lời Chúa có cơ may lại nhập thể và nhập thế thực hiện công cuộc cứu rỗi cho riêng cá nhân mi ngưi và cho nhân loại.
Tôi cám ơn nỗ lực của các đan sĩ Xitô Mỹ Ca và nhiệt liệt giới thiệu quyển sách quý báu này với dân Chúa tại Việt Nam, đặc biệt trong Năm Thánh 2010.
Nha Trang, 4.12.2009 
(ấn ký)
+ Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang
Chủ Tịch Ủy Ban Kinh Thánh , Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Ghi chú: Quí vị có thể đọc sách trên tại:
Hoặc nhận qua email sau khi "Ghi danh Lectio Divina"

 

LECTIO DIVINA: CẦU NGUYỆN DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA

(Tâm tình của Cha Bề Trên Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang)

Thưa bạn,

Lectio Divina: một phương thức cầu nguyện với Lời Chúa hay nói đúng hơn “cầu nguyện dưới tác động của Lời Chúa”. Tìm về cuộc sống của các tiền nhân đan tu xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội mà Công Đồng Vaticanô II đã tái khám phá và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã luôn cổ vũ. Trở về nguồn để hiểu rõ và thực hành việc “đọc” Kinh Thánh theo đúng tinh thần thánh tổ Biển Đức mà thường được gọi là “đọc sách thiêng liêng”. Lectio divina là hơi thở, là cuộc sống của kitô hữu, chứ không phải chỉ là một vài giờ trong ngày dành ra để đọc sách thiêng liêng với mục đích làm giàu kiến thức dù là về Kinh Thánh. Lectio divina đưa chúng ta vào trực tiếp gặp gỡ Chúa trong đối thoại cầu nguyện thân mật với Chúa và từ đó biến đổi cuộc sống đời thường của chúng ta xứng hợp với ơn gọi của mỗi người.
Mẫu số chung là “nên thánh”. Nên thánh trong bậc sống của mình và với những phương tiện mà ơn thánh Chúa ban qua đoàn sủng. Lectio divina không là của riêng ai, ngay cả của riêng các đan sĩ hay tu sĩ, nhưng là của chung Dân Chúa từ trong Giao Ước Thứ Nhất và cho tất cả chúng ta hôm nay thuộc thành phần Dân Chúa của Giao Ước Mới trong Chúa Kitô: Tân Ước.
Chúng tôi sẽ cố gắng, qua những tài liệu ngắn gọn, trình bày đơn sơ theo hướng thực hành Lectio divina. Nếu bạn muốn đào sâu, nghiên cứu kỹ hơn về Lectio divina, chúng tôi cũng sẵn sàng giúp bạn một số tài liệu liên quan tới chủ đề này.
Mong ước thành khẩn của chúng tôi là bạn chấp nhận đi vào thực hành Lectio divina. Lời Chúa giúp chúng ta dễ kết hợp mật thiết với Chúa. Nhờ qua Lời, chúng ta đi vào “đàm đạo thân mật, thân thương, riêng tư với Chúa là Đấng yêu thương ta, đó là cầu nguyện” (Thánh nữ Têrêsa Avila). Và chắc chắn Lời Chúa sẽ tác động mãnh liệt trên cuộc sống của chúng ta và hoán cải con người chúng ta. Lời Chúa luôn luôn hữu hiệu.
Fr. M. Bảo Tịnh Trần Văn Bảo, Ocist
Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét