Sứ điệp
của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Hòa bình Thế giới 1-1-2012
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
nhân Ngày Hòa bình Thế giới 1-1-2012
Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình
1. Chúa
đã ban cho nhân loại được bước vào năm mới. Với lòng tin tưởng và quý mến, tôi
chân thành gửi đến anh chị em lời cầu chúc tốt đẹp cho tương lai chúng ta được
ghi dấu ấn cụ thể của công lý và hòa bình.
Chúng
ta đón Năm Mới với tâm thế nào?
Trong
Thánh vịnh 130, chúng ta gặp một hình ảnh tuyệt đẹp. Tác giả Thánh vịnh nói
người tín hữu mong đợi Chúa “hơn lính gác mong rạng đông” (c. 6), chờ Chúa với
lòng trông cậy vững vàng, vì người có lòng tin đó biết rằng, niềm trông cậy sẽ
mang lại ánh sáng, lòng xót thương và ơn cứu độ. Sự trông đợi này xuất phát từ
kinh nghiệm của dân được tuyển chọn, nhận ra Chúa dạy họ hãy nhìn thế giới đúng
như sự thật và đừng để cho đau khổ hạ gục mình. Tôi mời anh chị em hãy nhìn năm
2012 với tâm thế tin tưởng. Quả thật, năm vừa qua đã gây thêm thất vọng vì cuộc
khủng hoảng càng gia tăng, tác động đến xã hội, giới lao động và nền kinh tế.
Đó là cuộc khủng hoảng có nguồn gốc chủ yếu từ văn hóa và nhân học. Dường như
bóng tối đã phủ xuống thời đại chúng ta, ngăn cản chúng ta nhìn thấy ánh sáng
ban ngày.
Tuy
nhiên, sống giữa bóng đêm, lòng người vẫn khôn nguôi mong ngóng rạng đông như
tác giả Thánh vịnh từng nói đến. Niềm trông đợi này đặc biệt mạnh mẽ và có thể
thấy rõ nơi những người trẻ. Chính vì thế, tôi nghĩ đến giới trẻ, nghĩ đến khả
năng đóng góp và nghĩa vụ cống hiến của giới trẻ cho xã hội. Do đó tôi muốn
giới thiệu Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 45 với chủ đề về giáo
dục: “Giáo dục người trẻ về Công lý và Hòa bình”, với xác tín những
người trẻ có thể dùng nhiệt huyết và niềm say mê lý tưởng của mình mà đem lại
cho thế giới một niềm hy vọng mới.
Tôi
cũng muốn gửi sứ điệp này đến các vị phụ huynh, các gia đình và tất cả những
nhà hoạt động giáo dục và đào tạo, cũng như các vị hữu trách trong những lĩnh
vực khác nhau của đời sống tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và
truyền thông. Quan tâm đến giới trẻ, biết đón nhận và làm cho giới trẻ được thăng
tiến không chỉ là một cơ hội mà còn là nghĩa vụ cơ bản của toàn xã hội, nhằm
xây đắp tương lai cho nền công lý và hòa bình.
Vấn đề
là phải giúp cho giới trẻ biết nhận định giá trị tích cực của sự sống, bằng
cách gợi cho họ niềm khát khao được hiến thân phụng sự sự Thiện. Đây là một
nhiệm vụ đòi hỏi mọi người chúng ta phải dấn thân chính mình.
Những
mối quan tâm được giới trẻ khắp thế giới bày tỏ trong thời gian gần đây đã cho
thấy họ muốn hướng đến tương lai với một niềm hy vọng kiên vững. Hiện nay người
trẻ đang sống trong nhiều nỗi lo âu: họ mong được tiếp nhận một nền đào tạo
chuẩn bị cho họ đầy đủ hơn nữa để đương đầu với thực tại, họ thấy việc lập gia
đình và kiếm việc làm ổn định thật là khó khăn, họ tự hỏi làm sao có được khả
năng đóng góp thực sự vào đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị để xây dựng một
xã hội mang gương mặt huynh đệ và nhân bản hơn.
Điều
quan trọng là những mối lo và nhiệt huyết có lý tưởng của người trẻ phải nhận
được sự quan tâm đúng mức của mọi thành phần trong xã hội.
Giáo
Hội nhìn người trẻ với niềm hy vọng. Giáo Hội tin tưởng giới trẻ. Giáo Hội cổ
võ người trẻ tìm kiếm chân lý, bảo vệ công ích, có tầm nhìn cởi mở đối với thế
giới và đôi mắt nhìn ra được “những điều mới” (Is 42,9; 48,6)!
Những người có
trách nhiệm giáo dục
2.Giáo
dục là cuộc phiêu lưu hấp dẫn và khó khăn nhất trong cuộc đời. Giáo dục – trong
tiếng latinh là educere – nghĩa là dẫn ra khỏi bản thân để đưa vào thực tại, hướng
đến sự toàn vẹn làm cho nhân vị được lớn lên. Tiến trình này được nuôi dưỡng từ
sự gặp gỡ của hai loại tự do, tự do của người trưởng thành và tự do của người
trẻ. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của người thụ huấn: phải biết đón nhận sự
hướng dẫn để đạt đến hiểu biết về thực tại; và cũng đòi hỏi trách nhiệm của nhà
giáo dục: phải sẵn sàng cho đi chính bản thân mình. Hơn bao giờ hết điều nói
trên cần phải có những chứng nhân đích thực, không phải là những người chỉ biết
ban phát những chuẩn mực và cung cấp những thông tin, mà chính là những chứng
nhân biết nhìn xa hơn người khác, do đã trải nghiệm một cuộc sống lớn lao.
Chứng nhân chính là những người trước hết đã sống những điều mình đề nghị người
khác sống theo.
Nơi
nào thực sự dạy được về Công lý và Hòa bình?
Trước
hết là gia đình, bởi cha mẹ chính là những nhà giáo dục đầu tiên. Gia đình là
tế bào gốc của xã hội. “Chính gia đình là nơi trẻ em được học biết những giá
trị nhân bản và Kitô giáo, giúp trẻ biết cùng chung sống trong tinh thần xây
dựng và hòa bình. Chính gia đình là nơi học biết sống liên đới giữa các thế hệ,
biết tôn trong những chuẩn mực, biết tha thứ và đón nhận tha nhân”[1]. Gia đình
là ngôi trường đầu tiên ta được dạy bảo về công lý và hòa bình.
Chúng
ta đang sống trong một thế giới mà gia đình, và ngay cả chính sự sống, không
ngừng bị đe dọa và thường chịu cảnh đổ vỡ. Những điều kiện làm việc không thật
thích ứng với trách nhiệm gia đình, những mối bận tâm về tương lai, nhịp sống
quay cuồng, liên tục phải thay đổi chỗ ở vì sinh kế –kể cả để sống qua ngày –,
rốt cuộc đã khiến cho khó lòng bảo đảm cho trẻ em được hưởng một trong những
tài sản quý giá nhất là được sống với sự hiện diện của cha mẹ. Một sự hiện diện
giúp trẻ em, nhờ được sống bên cha mẹ, tiến sâu vào cuộc hành trình chuyển giao
kinh nghiệm và những xác tín được bồi đắp theo năm tháng. Tôi muốn nói với các
bậc cha mẹ: đừng nản lòng! Các bậc cha mẹ hãy lấy đời sống của mình làm mẫu
gương khuyến khích con cái: trước tiên hãy trông cậy vào Thiên Chúa. Công lý và
hòa bình đích thực chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa.
Tôi
cũng muốn ngỏ lời cùng những vị hữu trách của các tổ chức giáo dục. Những nhà
hữu trách, với tinh thần trách nhiệm cao, cần bảo đảm cho phẩm giá của từng con
người được tôn trọng và đề cao trong mọi hoàn cảnh. Phải chăm sóc cho từng
người trẻ nhận ra được thiên hướng của mình, bằng cách đồng hành với người trẻ
để làm nảy nở những khả năng Chúa ban cho họ. Những vị có trách nhiệm giáo dục
cần bảo đảm với các gia đình rằng con cái họ được tiếp nhận một nền giáo dục
không đi ngược lại lương tâm và các nguyên tắc tôn giáo của họ.
Mong
sao mọi môi trường giáo dục đều mở ra đón nhận siêu việt và tha nhân, là nơi
đối thoại, liên kết và lắng nghe, nơi người trẻ cảm thấy khả năng và nội tâm
phong phú của mình được trân trọng và học biết quý trọng anh chị em của mình.
Mong sao người trẻ được dạy biết cảm nhận niềm vui trong việc thực thi bác ái
mỗi ngày và biết đồng cảm với tha nhân và tham gia tích cực vào việc xây dựng
một xã hội nhân bản và huynh đệ hơn.
Tiếp
đến, đối với nhà cầm quyền, tôi yêu cầu họ phải thực sự giúp các gia đình và tổ
chức giáo dục được thực hiện quyền và nghĩa vụ giáo dục của mình. Không bao giờ
được bỏ qua sự trợ giúp thích đáng đối với quyền làm mẹ và làm cha. Các nhà cầm
quyền phải bảo đảm rằng không ai bị từ chối khi muốn tiếp nhận sự giáo dục và
các gia đình phải được tự do lựa chọn nền giáo dục phù hợp nhất đối với lợi ích
con cái của họ. Các nhà cầm quyền phải cam kết giúp các gia đình bị li tán vì
miếng cơm manh áo được đoàn tụ. Họ phải đưa ra được cho người trẻ một hình ảnh
trong sáng về chính trị, hình ảnh về sự phục vụ đích thực đối với lợi ích của
mọi người.
Ngoài
ra tôi không thể không kêu gọi giới truyền thông hãy cống hiến những đóng góp
riêng của mình cho giáo dục.
Trong
xã hội ngày nay, truyền thông đại chúng giữ một vai trò đặc biệt: không chỉ
thông tin mà còn định hình tinh thần cho người tiếp nhận, vì thế còn có thể
đóng góp đáng kể vào việc giáo dục người trẻ. Điều quan trọng là đừng bao giờ
quên giữa giáo dục và truyền thông có mối liên hệ rất chặt chẽ. Quả thật, giáo
dục diễn ra qua các phương tiện truyền thông, truyền thông có ảnh hưởng, tích
cực hoặc tiêu cực, đến sự đào luyện con người.
Người
trẻ cũng cần can đảm trước hết sống chính những điều mình đòi hỏi người khác.
Đây là trọng trách cần được người trẻ quan tâm: phải có năng lực để sử dụng tự
do một cách hữu hiệu và có ý thức. Người trẻ cũng phải có trách nhiệm tự giáo
dục và đào luyện mình về công lý và hòa bình..
Giáo dục về sự thật và tự do
3.Thánh
Augustinô từng tự hỏi: “Quid enim fortius desiderat anima quam veritatem? – Linh hồn mong ước
điều gì thiết tha hơn cả chân lý?”[2]
Diện
mạo nhân văn của một xã hội tùy thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của giáo dục
nhằm giữ cho đòi hỏi mãnh liệt ấy được còn mãi. Thật vậy, giáo dục liên quan
đến việc đào luyện con người về mọi mặt, gồm cả chiều kích tinh thần và đạo
đức, hướng đến mục đích tối hậu của con người và thiện ích xã hội mà con người
là thành phần. Vì vậy, để giáo dục về sự thật, trước hết cần biết con người là
ai và nhận biết bản tính con người. Khi chiêm ngắm thực tại quanh mình, tác giả
Thánh vịnh đã suy tư: “Ngắm trời cao do tay Chúa tác tạo, vầng trăng và những
vì sao Chúa đã xếp đặt, con người là gì để Chúa nghĩ đến, phàm nhân là ai khiến
Chúa phải bận lòng?” (Tv 8,4-5).
Đây là
câu hỏi căn bản cần được đặt ra: Con người là ai?
Con
người là một thực thể mang trong trái tim niềm khao khát vô biên, khao khát sự
thật – không phải sự thật manh mún, mà là sự thật có thể giải thích ý nghĩa của
sự sống– bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và được
giống Thiên Chúa. Vậy việc nhận biết với lòng biết ơn Chúa đã ban ơn vô giá là
sự sống sẽ giúp khám phá chính phẩm giá sâu xa của mình và tính bất khả xâm
phạm của mỗi người. Vì lẽ đó, đầu tiên là phải giáo dục việc học biết nhận ra
nơi con người có hình ảnh của Đấng Tạo hóa, và vì thế, phải hết sức tôn trọng
mọi con người và giúp người khác sống sao cho hợp với phẩm giá rất cao quý này.
Không bao giờ được quên rằng “Sự phát triển con người đích thực chỉ có thể liên
quan duy nhất đến tính toàn vẹn của con người trong mọi chiều kích của con
người”[3], trong đó có chiều kích siêu việt, và con người không thể bị hy sinh
để đạt một lợi ích riêng biệt, dù là lợi ích kinh tế hay xã hội, cá nhân hay
tập thể.
Chỉ
nhờ mối liên hệ của mình với Thiên Chúa, con người mới hiểu ý nghĩa tự do của
mình. Đó chính là nhiệm vụ của giáo dục trong việc đào luyện sự tự do đích
thực. Tự do không phải là không bị những mối liên hệ ràng buộc hoặc là sự lên
ngôi của thứ tự do duy ý chí. Tự do không phải là cái tôi được tuyệt đối hóa.
Người cho mình là tuyệt đối, không lệ thuộc một điều gì hoặc một ai, có thể làm
gì tùy thích, người ấy cuối cùng sẽ mâu thuẫn với sự thật về chính mình và mất
hết tự do. Trái lại, con người là một hữu thể có tương quan, sống trong tương
quan với những người khác và nhất là với Chúa. Không thể đạt đến tự do đích
thực nếu xa lìa Thiên Chúa.
Tự do
là một giá trị quý báu nhưng mong manh, dễ bị hiểu sai và bị lạm dụng. “Ngày
nay, một trở ngại đe dọa đối với công trình giáo dục là sự có mặt của chủ nghĩa
tương đối tràn ngập trong xã hội và trong nền văn hóa của chúng ta. Chủ nghĩa
tương đối không thừa nhận bất cứ điều gì mang ý nghĩa quyết định, chỉ còn lại
chuẩn mực tối hậu là cái tôi của chính mình với những ý muốn của nó. Và dưới vỏ
bọc của tự do, cái tôi trở thành nhà tù của mỗi người, người nọ xa lìa khỏi
người kia, giam con người trong cái “Tôi” của chính mình. Trong một nhãn quan
như của chủ nghĩa tương đối, không thể có một nền giáo dục thực sự. Quả thật,
khi không có ánh quang chân lý, sớm hay muộn, mọi người cũng sẽ phải hoài nghi
về sự tốt lành của chính cuộc sống và của những mối quan hệ tạo nên cuộc sống,
hoài nghi về giá trị của việc mình dấn thân xây dựng một việc chung nào đó cùng
với tha nhân”[4].
Để sử
dụng sự tự do của mình, con người phải vượt qua nhãn giới của chủ nghĩa tương
đối và nhìn nhận sự thật về chính mình, sự thật về thiện và ác. Lắng sâu vào
lương tâm, con người nhận thấy có một lề luật không do mình đặt ra nhưng phải
tuân theo. Luật ấy cất lên lời kêu gọi con người yêu thương, làm điều lành,
tránh điều ác, có trách nhiệm làm điều thiện cũng như chịu trách nhiệm khi làm
điều ác[5]. Vì thế, việc sử dụng sự tự do có mối liên hệ sâu xa với luật luân
lý tự nhiên vốn mang tính phổ quát. Luật ấy nói lên phẩm giá của mỗi người, đặt
nền tảng cho các quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người, và vì thế, xét cho
cùng, đặt nền tảng cho việc con người cùng chung sống trong công lý và hòa
bình.
Vậy,
việc sử dụng đúng đắn sự tự do là trung tâm cho việc thúc đẩy nền công lý và
hòa bình, đòi phải tôn trọng chính mình và tha nhân, dù tha nhân có cách thể
hiện và lối sống khác mình. Thái độ này phát sinh những yếu tố mà nếu không có
những yếu tố này thì hòa bình và công lý chỉ còn là những lời trống rỗng: tin
nhau, khả năng đối thoại mang tính xây dựng, biết tha thứ –nhiều khi chỉ muốn
mình được tha nhưng lại khó tha thứ người khác– bác ái đối với nhau, đồng cảm
với những người yếu đuối nhất, cũng như sẵn sàng hy sinh.
Giáo dục về công lý
4.Trong
thế giới chúng ta đang sống, giá trị con người, giá trị của nhân phẩm và những
quyền con người, mặc dù được nêu lên trong những tuyên bố tốt đẹp, vẫn đã bị đe
dọa nghiêm trọng bởi xu hướng phổ biến là nhằm lợi ích, lợi nhuận và có thêm
của cải vật chất. Điều quan trọng là không được tách ý niệm công lý khỏi nguồn
cội mang tính siêu việt của nó. Quả thật, công lý không đơn giản là do con
người quy ước với nhau, vì sự chính trực vốn không do luật thành văn của con
người ấn định, mà do căn tính sâu xa của con người. Đó là cái nhìn toàn diện về
con người giúp cho không rơi vào quan niệm về công lý mang tính khế ước. Nhờ
cái nhìn toàn diện này, nhãn quan về sự liên đới và về tình yêu được mở ra[6].
Chúng
ta không thể không biết một số trào lưu trong nền văn hóa hiện đại, được các
nguyên tắc kinh tế duy lý và cá nhân chủ nghĩa hỗ trợ, đã làm cho ý niệm về
công lý xa khỏi nguồn cội mang tính siêu việt, tách công lý khỏi bác ái và tình
liên đới: “Cõi trần ai không chỉ được tạo nên bởi các mối quan hệ quyền lợi và
nghĩa vụ, mà còn, và trước hết là, do những tương giao vô vị lợi, xót thương và
thông hiệp. Lòng bác ái luôn biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa, ngay cả trong
quan hệ con người.bác ái mang lại giá trị hướng thần và có ý nghĩa cứu độ cho
mọi dấn thân vì công lý trên thế giới[7].
“Phúc
thay những người đói khát công lý, vì họ sẽ được no đầy” (Mt 5,6). Họ sẽ được
no thỏa bởi họ đã đói khát những mối quan hệ chính trực với Chúa, với chính
mình, với anh chị em của mình và với toàn thể thụ tạo.
Giáo dục về hòa bình
5.“Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh và không chỉ
giới hạn ở việc giữ thế quân bình giữa các lực lượng đốinghịch. Thế giới chỉ có
hòa bình khi tài sản của con người được bảo vệ, con người được tự do giao lưu,
phẩm giá của con người và của các dân tộcđược tôn trọng, tình huynh đệ được
thực thi”[8]. Hòa bình là kết quả của công lý và hiệu quả của bác ái. Hòa bình
trước hết là ơn Thiên Chúaban. Người Kitô hữu chúng ta tin rằng Chúa Kitô là
bình an đích thực của chúng ta: nơi Người và trên Thánh Giá, Chúa đã hòa giải
thế gian với Người và gỡ bỏ những rào cản ngăn cách chúng ta với nhau (x. Ep
2,14-18), nơi Người có mộtgia đình duy nhất được hòa giải trong tình yêu.
Tuy
nhiên, hòa bình không chỉ là một ơn ban để đón nhận, nhưng còn là một công
trình phải dựng xây. Để thực sự trở thành những người xây dựng hòa bình, chúng
ta phải tự giáo dục mình về lòng trắc ẩn, tình liên đới, sự hợp tác, tình huynh
đệ, phải tích cực hoạt động trong cộng đoànvà chuyên lo thức tỉnh lương tâm con
người về các vấn đề quốc gia và quốc tế,về tầm quan trọng của việc tìm kiếm
phương thức thích hợp để tái phân phối của cải, để thúc đẩy tăng trưởng, hợp
tác phát triển và giải quyết các xung đột. “Phúc cho ai xây dựnghòa bình vì họ
sẽ được gọi là con Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đã nói như thế trong Bài giảng trên
Núi (Mt5,9).
Hòa
bình cho mọi người phát sinh từ công lý cho mỗi người. Không ai được trốn tránh
nghĩa vụ chính yếu nàylà phải thăng tiến công lý theo khả năng và trách nhiệm
của riêng mình. Tôiđặc biệt mời gọi người trẻ, vốn luôn hướng đến các lý tưởng,
hãy nhẫn nại và kiên trì tìm kiếm công lý và hòa bình, rèn luyện lòng mến mộ
điều chính đáng và chân thật, cả khi điều ấy đòi phải hy sinh và đi ngược dòng.
Hướng mắt nhìn lên Chúa
6. Đứng trước thách đố khó khăn trên con đường công lý và hòa
bình, chúng ta có thể bị cám dỗ tự hỏi như tác giả Thánh vịnh: “Tôi ngước mắt
nhìn lên rặng núi: ơn phù trợ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121,1).
Tôi
muốn nhấn mạnh với mọi người, nhất là những người trẻ rằng: “Không phải các ý
thức hệ cứu được thế giới, nhưng chỉ là nhờ quy hướng về Thiên Chúa hằng sống,
Đấngbảo đảm cho tự do của chúng ta, cho những gì thực sự thiện hảo và chân
thật... quy hướng hoàn toàn về Thiên Chúa, Đấng là khuôn mẫu của những gì là
chân chính và đồng thời là tình yêu vĩnh cửu. Điều gì có thể cứu rỗi chúng ta
nếu không phải là tình yêu?”[9] Tình yêu vui mừng trong chân lý, tình yêu là
sức mạnh cho chúng ta khả năng dấn thân cho chân lý, công lý và hòa bình, bởi
vì tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả
(x. 1 Cr 13,1-13).
Các
bạn trẻ thân mến, các bạn là món quà quý giá cho xã hội. Đối mặt với những khó
khăn, các bạn đừng để mình bị nản chí và đừng chiều theo các giải pháp sai lầm,
vốn thường tự cho là cách dễ nhất để giải quyết các vấn đề. Đừng ngại dấn thân,
đương đầuvới nỗ lực và hy sinh, đừng ngại chọn những con đường đòi phải trung
thành và kiên trì, khiêm tốnvà tận tụy. Hãy cứ vui sốngtuổi thanh xuân với
những ước muốn sâu xa về hạnh phúc, vẻđẹp, và tình yêu chân thựcmà các bạn cảm
nghiệm! Hãy sống hết mình giai đoạn rất phong phú và đầy hứng khởi này của cuộc
sống.
Hãy ý
thức rằng chính các bạn là tấm gương khích lệ người lớn. Các bạn càng cố gắng
thắng được những bất công và tham nhũng, càng mong muốn một tương lai tốt đẹp
hơn và dấn thân xây dựngtương lai ấy, các bạn càng thực sự trở thành tấm gương
cho họ. Hãy ý thức tiềm năng của các bạn và đừng bao giờ thu mình lại, nhưng
hãy biết hành động vì một tương lai tươi sáng hơn cho mọi người. Các bạn không
bao giờ đơn độc. Giáo Hội tin tưởng các bạn, dõi theo các bạn, khích lệ các bạn
và muốn hiến tặng các bạn điều quý giá nhất của mình: khả năng hướng nhìn lên
Thiên Chúa, để gặp Chúa Giêsu Kitô, Đấnglà công lý và hòa bình.
Tôi
cũng ngỏ lời với tất cả những ai đang quan tâm đến sự nghiệp hòa bình! Hòa bình
không phải là điều thiện hảo đã đạt được, nhưng là một mục tiêumà mọi ngườivà
mỗi người chúng ta phải khao khát. Chúng ta hãy hy vọng nhìn về tương lai, hãy
khích lệ nhau trêncuộc hành trìnhnày, hãy hành động để mang lại cho thế giới
của chúng tamộtdiện mạo nhân văn và huynh đệhơn, và hãy cùng nhaunhận lấy trách
nhiệm đối vớicác thế hệ trẻ hiện tại và tương lai, nhất là trong việc giáo dục
chúng thành những con người yêu chuộng hòa bình và xây dựng hòa bình. Dựa trên
nhận thức ấy tôi gửi đến anh chị em những suy tư này, và tôi kêu gọi: hãy tập
hợp sức mạnh thiêng liêng, đạo đức và vật chất của chúng ta để “giáo dục giới
trẻ về công lý và hòa bình”.
Vatican, 8 tháng
Mười Hai 2011
Bênêđictô XVI,
giáo hoàng
–––––––––––––––––––––––––––
Chú
thích
[1] BênêđictôXVI, Diễn văn cho các nhà chức trách miền Lazio,
thành phố và tỉnh Roma(14 tháng Giêng 2011): L’Osservatore Romanobản tiếng Pháp,3171
(ngày 10 tháng Hai2011), trang 13.
[2] Chú thích Tin Mừng theo thánh Gioan26, 5.
[3] BênêđictôXVI, Tông thư Caritas in Veritate(29 tháng Sáu
2009), số11: AAS 101 (2009), tr. 648; La Documentation catholique 2429 (năm 2009),
tr. 757; x. PhaolôVI, Tông thư Populorum Progressio(26 tháng Ba1967),
số14: AAS 59 (1967), tr. 264. La Documentation Catholique 1492 (1967), tr.
679.
[4] BênêđictôXVI, Diễn văn khai mạc Hội nghị giáo phận
tạiVương cung thánh đường Gioan Latêranô(6 tháng Sáu2005): AAS 97 (2005), tr.
816;L’Osservatore Romano số 2885 (14 tháng Sáu 2005), tr. 3-4.
[5] X.Công đồng chung Vatican II, Hiến Chế mục vụ
Giáo Hội trong thế giới ngày nayGaudium et Spes, 16.
[6] Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Quốc hội Liên bang Đức(Berlin, 22 tháng
Chín 2011): L’Osservatore Romanobản tiếng Pháp số3203 (29 tháng Chín 2011),
tr. 4-5.
[7] BênêđictôXVI, Tông thư Caritas in Veritate,số6: AAS 101
(2009), tr. 644-645; La Documentation catholique2429 (2009), tr. 755.
[8] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2304.
[9] BênêđictôXVI, Bài giảng tại buổi canh thức cầu nguyện tại
Marienfeld (Cologne, ngày 20 tháng Tám2005): AAS 97 (2005), tr.
885-886; L’Osservatore Romanobản tiếng Pháp số2895 (23 tháng Tám 2005),
tr.11.
Đức Thành chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét