Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Tin Giáo Hội Hoàn Vũ. Tháng 2 năm 2013



Tuần tĩnh tâm mùa chay của Đức Thánh Cha


VATICAN. Từ chiều chúa nhật 17-2 vừa qua, ĐTC và các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đang tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ bẩy 23-2 tới đây.

Cuộc tĩnh tâm khai mạc lúc 6 giờ chiều với nghi thức đặt Mình Thánh Chúa, hát Kinh Chiều, kể đến là bài suy niệm mở đầu của ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, rồi chầu và phép lành Mình Thánh Chúa kết thúc.

Trong bài suy niệm dẫn nhập, ĐHY Ravasi đã ám chỉ tới việc ĐTC Biển Đức 16 sẽ lui về Đan viện Mẹ Giáo Hội ở nội thành Vatican để sống trong ẩn dật, cầu nguyện, và ĐHY ví ngài như Ông Môise trong cuộc chiến đấu giữa Israel và quân binh của Amelek. Như Ông Môisê, nhờ lời cầu nguyện trên núi mà củng cố đoàn quân Israel, chức năng chính của ĐTC Biển Đức 16 sẽ là cầu nguyện cho Giáo Hội. ĐHY nói:

”Chúng ta ở lại thung lũng nơi có Amalek, nơi có bụi mù, lo âu, với những điều kinh khủng, nhưng cũng có những giấc mơ và hy vọng. Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta biết rằng trên núi có người chuyển cầu cho chúng ta”.
ĐHY Ravasi cũng nói có sẽ thỉnh thoảng sẽ có những vị trong giáo triều leo lên núi ấy để nâng đỡ cánh tay của ngài giang ra trong lúc cầu nguyện. Theo chương 17 trong sách Xuất Hành, bao lâu Môisê giang tay cầu nguyện, thì Israel chiếm ưu thế so với quân đội của Amalek. Và nếu cánh tay của Ông hạ xuống, thì Israel cũng bị yếu thế”.
ĐHY Ravasi mô tả cuộc tĩnh tâm của giáo triều Roma hiện nay giống như để ”giải thoát tâm hồn khỏi bụi bặm của sự đời, khỏi bùn nhơ của tội lỗi và cát bụi của sự tầm thường, khỏi những chuyện tầm phào mà tai chúng ta liên lỷ phải nghe trong những ngày nay”.

Vị Giảng tĩnh tâm mời gọi mọi người hãy tạo nên sự thinh lặng trong tâm hồn, giải thoát mình khỏi bao nhiêu tiếng ồn ào của đời sống thường nhật. Trong đức tin cũng như trong đức ái, sự thinh lặng thường hùng hồn hơn lời nói”.

ĐHY Ravasi năm nay 70 tuổi, là một học giả Kinh Thánh nổi tiếng, tác giả của rất nhiều sách báo, được ĐTC bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa hồi tháng 9 năm 2007. Ngài cũng là Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về tiếng latinh. Cũng năm đó ngài được ủy thác nhiệm vụ soạn các bài suy niệm cho buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể do ĐTC chủ sự tối thứ sáu Tuần Thánh tại hí trường Colosseo ở Roma.

Đề tài tổng quát của tuần tĩnh tâm hiện nay là ”Nghệ thuật cầu nguyện, nghệ thuật tin. Tôn nhan Thiên Chúa và khuôn mặt con người trong kinh nguyện thánh vịnh”.

Mỗi ngày có 3 bài suy niệm của ĐHY giảng thuyết lần lượt sau Kinh Ngợi Khen lúc 9 giờ sáng, kinh Giờ Ba lúc 10 giờ 15, và lúc 5 giờ chiều được nối tiếp với Kinh Chiều và Chầu Mình Thánh Chúa. (SD 18-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha giã từ hàng giáo sĩ Roma


VATICAN. Sáng 15-2-2013, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ lần cuối và từ giã hàng giáo sĩ của giáo phận Roma.
Hàng năm, vào ngày thứ năm sau lễ tro, ĐTC vẫn gặp gỡ và trao đổi với hàng giáo sĩ Roma, nhưng lần này có một sắc thái đặc biệt vì là lần chót. Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 lúc 11.45 có ĐHY Giám quản Agosto Vallini, 7 GM phụ tá và lối 1.500 linh mục.

Các LM đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón ĐTC khi ngài tiến vào thính đường.

Trong lời chào ĐTC, ĐHY Vallini đã gợi lại sự tích các kỳ lão tại thành Ephêsô được thánh Phaolô gọi tới Mileto để nghe những lời từ giã của thánh nhân trước khi ngài đi Jerusalem. ”Anh em biết tôi đã cư xử thế nào.. Tôi đã phụng sự Chúa với tất cả lòng khiêm tốn, trong nước mắt và thử thách..; tôi đã không bao giờ thối lui trước những gì có thể là hữu ích, để rao giảng và giáo huấn anh em.. làm chứng về sự trở về cùng Thiên Chúa và niềm tin nơi Đức Giêsu Chúa chúng ta.. Mọi người đã bật khóc và bá cổ thánh Phaolô và hôn” (Cv 20,18-20).
ĐHY Giám quản nói: ”Kính thưa ĐTC, chúng con không giấu rằng trong tâm hồn chúng con nhiều tâm tình: buồn rầu và tôn kính, ngưỡng mộ và nuối tiếc, yêu mến và hãnh diện. Trong tất cả những điều đó chúng con tôn thờ Thánh Ý Chúa và đón nhận từ ĐTC giáo huấn về cách thức yêu mến và phụng sự Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng con mãi mãi gắn bó với gương sống dịu hiền và mạnh mẽ của Ngài”.

Bài nói chuyện của ĐTC
Mở đầu bài nói chuyện dài 45 phút, ĐTC cho biết ngài không còn sức để ”làm một bài diễn văn lớn”, nhưng trong thực tế ngài đã chứng tỏ tâm trí rất sáng suốt và minh mẫn, ứng khẩu kể lại kinh nghiệm của ngài về công đồng chung Vatican 2, từ khi làm thư ký của ĐHY Frings TGM giáo phận Koeln, và sau đó được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng. Ngài nói:

”Tôi bắt đầu bằng một giai thoại: năm 1959 tôi được bổ nhiệm làm giáo sư ở Đại học Bonn, nơi có các sinh viên, chủng sinh của giáo phận Koeln và các giáo phận lân cận theo học. Vì thế tôi được dịp tiếp xúc với ĐHY Frings. Hồi năm 1961, ĐHY Siri, TGM giáo phận Genova, đã tổ chức một loạt các bài thuyết trình về Công đồng, với các thuyết trình viên là một số Hồng y Âu Châu. ĐHY Siri cũng mời ĐHY TGM Koeln thuyết trình về đề tài “Công đồng và thế giới của tư tưởng tân thời”. ĐHY Frings đã mời tôi là giáo sư trẻ nhất soạn cho ngài dự thảo bài thuyết trình, và ĐHY đã trình bày cho dân chúng ở Genova bài thuyết trình mà tôi đã viết. Ít lâu sau ĐHY Gioan 23 mời ĐHY Frings đến gặp. ĐHY rất lo sợ vì e rằng mình đã nói điều gì không đúng hoặc sai trái, và bị ĐGH gọi để khiển trách, và có lẽ để tước bỏ mũ hồng y (các LM cười rộ!). Đúng vậy, khi cha thư ký của ĐHY giúp ngài mặc áo để vào chầu ĐGH, ngài nói: ”Có lẽ bây giờ tôi mặc chiếc áo HY này lần chót!”.

Nhưng khi ĐHY Frings vào gặp ĐGH Gioan 23, ĐGH tiến đến gặp và ôm lấy ĐHY và nói: ”Cám ơn ĐHY vì đã nói điều mà tôi muốn nói, nhưng tôi không tìm được lời để nói cho đúng” (các cha sở lại cười rộ và vỗ tay). Thế là ĐHY Frings biết mình đang đi đúng đường và ĐHY đã mời tôi đi công đồng với ngài, trước tiên như một chuyên gia riêng, rồi trong giai đoạn đầu tiên, có lẽ vào tháng 11-1962, tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng”.

ĐTC đã nói đến tiến trình soạn thảo các văn kiện, việc bầu cử các Ủy ban, sự phong phú của các văn kiện.
ĐTC cũng nhận xét về hai nhận thức về Công đồng: một công đồng trong thực tại và một công đồng do giới báo chí trình bày, nhiều khi dưới nhãn giới chính trị, một cuộc tranh đấu quyền bính, dân chủ hóa, quyền bính thuộc về giai cấp hạ tầng. Họ nói nhiều đến sự tản quyền trong Giáo Hội, quyền bính dành cho các GM, qua lời của Dân Chúa, quyền bính của nhân dân, của giáo dân.

Về phụng vụ, thứ công đồng của giới báo chí không quan tâm đến phụng vụ như một hành vi đức tin, nhưng như một thứ trong đó người ta làm những điều có thể hiểu được, một thứ hoạt động của cộng đồng, một điều trần thục.

ĐTC nhận xét rằng thứ công đồng của giới truyền thông như thế, hay công đồng tiềm thể, đi tới mọi người, và có hiệu năng hơn, nhưng nó tạo nên bao nhiêu thảm hại, bao nhiêu vấn đề và lầm than trong thực tế: các tu viện, học viện chủng viện bị đóng cửa, phụng vụ bị tầm thường hóa, và công đồng đích thực gặp gó khăn trong việc cụ thể hóa, và trong việc thực hiện. Công đồng tiềm thể của giới truyền thông mạnh mẽ hơn công đồng thực sự.
ĐTC kết luận rằng tôi thấy 50 năm sau Công đồng, thứ công đồng tiềm thể ấy bị tan vỡ, bị mất đi, và xuất hiện công đồng đích thực với tất cả sức mạnh tinh thần, và nghĩa vụ chúng ta trong năm Đức tin này là làm việc để côgn đồng đích thực, với sức mạnh của Thánh Linh, được thể hiện và Giáo Hội được canh tân đích thực”.

ĐTC cũng nói rằng ”cho dù tôi rút lui vào đời sống đầu nguyện, nhưng tôi luôn luôn gần gũi anh em và tôi chắc chắn rằng anh em cũng gần gũi tôi, cho dù đối với thế giới, tôi ở ẩn”. (SD 14-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP
Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tuyên bố từ chức


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 rời bỏ chức vụ Giáo Hoàng kể từ lúc 20 giờ ngày thứ năm, 28-2 tới đây.
Trong công nghị lúc 11 giờ sáng hôm qua, 11-2, trước sự hiện diện của các Hồng y và GM, ĐTC tuyên bố:

“Anh em rất thân mến.

”Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về 3 cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu vị Giáo Hoàng mới”.

”Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quí mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng Y trong việc bầu vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện”.

Vatican ngày 11 tháng 2 năm 2013

Biển Đức 16, Giáo Hoàng

G. Trần Đức Anh chuyển ý
Text of Pope Benedict XVI's resignation
Here is the text of the pope's resignation.
Dear Brothers,
I have convoked you to this Consistory, not only for the three canonizations, but also to communicate to you a decision of great importance for the life of the Church. After having repeatedly examined my conscience before God, I have come to the certainty that my strengths, due to an advanced age, are no longer suited to an adequate exercise of the Petrine ministry. I am well aware that this ministry, due to its essential spiritual nature, must be carried out not only with words and deeds, but no less with prayer and suffering. However, in today's world, subject to so many rapid changes and shaken by questions of deep relevance for the life of faith, in order to govern the bark of Saint Peter and proclaim the Gospel, both strength of mind and body are necessary, strength which in the last few months, has deteriorated in me to the extent that I have had to recognize my incapacity to adequately fulfill the ministry entrusted to me. For this reason, and well aware of the seriousness of this act, with full freedom I declare that I renounce the ministry of Bishop of Rome, Successor of Saint Peter, entrusted to me by the Cardinals on 19 April 2005, in such a way, that as from 28 February 2013, at 20:00 hours, the See of Rome, the See of Saint Peter, will be vacant and a Conclave to elect the new Supreme Pontiff will have to be convoked by those whose competence it is.
Dear Brothers, I thank you most sincerely for all the love and work with which you have supported me in my ministry and I ask pardon for all my defects. And now, let us entrust the Holy Church to the care of Our Supreme Pastor, Our Lord Jesus Christ, and implore his holy Mother Mary, so that she may assist the Cardinal Fathers with her maternal solicitude, in electing a new Supreme Pontiff. With regard to myself, I wish to also devotedly serve the Holy Church of God in the future through a life dedicated to prayer.
From the Vatican, 10 February 2013
BENEDICTUS PP XVI

Tuyên bố của Đức Hồng Y niên trưởng của Hồng Y đoàn


VATICAN. Giáo Triều Roma ngỡ ngàng vì lời tuyên bố từ chức của Đức Thánh Cha.

ĐTC công bố quyết định từ chức vào cuối công nghị Hồng y đoàn bắt đầu lúc 11 giờ sáng ngày 11-2-2013 tại dinh Tông Tòa.

Sau kinh giờ Sáu, ĐTC Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã đọc tiểu sử của các vị sẽ được phong thánh để xin ĐTC ấn định ngày tôn phong.

Sau nghi thức này, ĐTC ngồi xuống và ngài đọc tuyên ngôn thông báo từ chức. Kế đến, ĐHY Angelo Sodano niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện mọi người, nói với ĐTC rằng:

”Kính Thưa Đức Thánh Cha, Người Kế Vị quí mến và đáng kính của Thánh Phêrô,

”Sứ điệp cảm động của ĐTC đã vang lên trong Hội trường này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được. Trong những lời của ĐTC, chúng con nhận thấy có lòng yêu mến nồng nhiệt của ĐTC đối với Hội Thánh của Chúa, đối với Giáo Hội mà ĐTC đã yêu mến dường nào. Giờ đây, xin cho phép con nhân danh cộng đoàn tông đồ này, Hồng y đoàn, nhân danh tất cả những cộng sự viên quí mến của ĐTC, để nói rằng chúng con gần gũi với ĐTC hơn bao giờ hết, cũng như chúng con đã gần gũi với ĐTC trong 8 năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của ĐTC. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, nếu con nhớ rõ, vào cuối Mật nghị, với giọng hồi hộp cảm động con đã hỏi ĐTC: ”Ngài có nhận việc bầu cử hợp pháp làm Giáo Hoàng hay không?”, và cũng với sự hồi hộp, ngài đã không trì hoãn trả lời chấp nhận, với niềm tín thác nơi ơn Chúa và trong sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội. Như Mẹ Maria, ngày hôm ấy, ĐTC đã thưa ”xin vâng” và đã khởi đầu một triều đại Giáo Hoàng sáng ngời, trong sự tiếp tục, một sự tiếp tục mà Ngài đã nói với chúng con nhiều lần trong lịch sử Giáo Hội, trong sự tiếp nối với 265 vị tiền nhiệm của Ngài trên ngai tòa thánh Phêrô, qua 2 ngàn năm lịch sử, từ Thánh Phêrô người ngư phủ khiêm hạ miền Galilea, cho đến các vị đại Giáo Hoàng trong thế kỷ vừa qua, từ thánh Piô 10 cho đến chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Kính thưa Đức Thánh Cha, trước ngày 28 tháng 2, như Ngài đã nói, ngày mà Ngài muốn chấm dứt sứ vụ Giáo Hoàng được chu toàn với tất cả lòng yêu mến, lòng khiêm nhường, trước ngày 28-2, chúng con sẽ có dịp biểu lộ rõ hơn tâm tình của chúng con. Cũng như bao nhiêu vị mục tử và tín hữu rải rác trên thế giới, cũng như bao nhiều người thiện chí cùng với chính quyền của bao nhiêu nước. Rồi trong tháng này, chúng con còn được niềm vui nghe tiếng vị chủ chăn, ngay trong ngày thứ tư lễ tro tới đây, rồi ngày thứ năm, với hàng giáo sĩ Roma, trong những buổi đọc kinh Truyền Tin những ngày chúa nhật, trong các buổi tiếp kiến ngày thứ tư. Vì thế còn bao nhiêu dịp để nghe tiếng nói hiền phụ của ĐTC. Nhưng sứ vụ của Ngài sẽ tiếp tục. Ngài đã nói rằng sẽ luôn gần gũi chúng con với chứng tá và lời cầu nguyện của Ngài. Dĩ nhiên, những ngôi sao trên trời sẽ tiếp tục chiếu sáng và sẽ luôn chiếu sáng giữa chúng con ngôi sao triều đại giáo hoàng của Ngài. Chúng con gần gũi Đức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 11-2-2013, Cha Lombardi cho biết sau khi Tòa Thánh bắt đầu trống tòa, tức là từ 20 giờ ngày 28-2-2013, ĐTC Biển Đức 16 sẽ di chuyển ra dinh thự Castel Gandolfo, trong khi chờ đợi Nữ Đan viện chiêm niệm ở Nội thành Vatican được sửa chữa xong và ngài sẽ cư ngụ tại đó.

Về việc cai quản Tòa Thánh sau khi trống tòa, đã có Tông hiến được Đức Gioan Phaolô 2 công bố về vấn đề này. Các Hồng Y sẽ được triệu tập về Roma để tiến hành việc bầu cử Giáo Hoàng mới. Lần này sẽ mau lẹ hơn vì không có chương trình 9 ngày lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Việc bầu cử có thể tiến hành trong tháng 3-2013 và trước lễ Phục Sinh có thể Giáo Hội sẽ có vị Giáo Hoàng mới.

G. Trần Đức Anh OP
Họp báo của cha Lombardi về việc Đức Thánh Cha từ chức


VATICAN. Cha Lombardi  , Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi Tòa Thánh bắt đầu trống tòa, tức là từ 20 giờ ngày 28-2, ĐTC Biển Đức 16 sẽ di chuyển ra dinh thự Castel Gandolfo, trong khi chờ đợi Nữ Đan viện chiêm niệm ở Nội thành Vatican được sửa chữa xong và ngài sẽ cư ngụ tại đó.

Nữ Đan viện này được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 thành lập để hỗ trợ công việc của ngài, nhưng hiện không còn nữ tu nữa.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 11-2-2013, Cha Lombardi nhấn mạnh rằng việc ĐTC tuyên bố từ chức hoàn toàn phù hợp với Giáo luật khoản số 332 triệt 2, qui định ”Trong trường hợp ĐGH từ chức, thì để có hiệu lực, việc từ chức này phải được thực hiện tự do và được biểu lộ một cách phải phép, và không cần phải có ai chấp nhận việc từ chức đó”.

ĐTC Biển Đức 16 cho biết ngài hoàn toàn tự do quyết định từ chức và biểu lộ quyết định đó trước công nghị Hồng y gồm đa số các vị Hồng y hiện diện ở Roma.

Cha Lombardi nhắc lại rằng trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Peter Seewald người Đức hồi năm 2010 và được xuất bản thành cuốn sách với tựa đề ”Ánh sáng thế gian”, ký giả đã hỏi ĐTC có bao giờ nghĩ đến việc từ chức hay không. Ngài đáp: ”Khi có nguy hiểm thì không thể bỏ chạy, vì thế đây không phải là lúc từ chức (Ngài ám chỉ đến những vấn đề lạm dụng tính dục trong Giáo hội bấy giờ và các vấn đề khác), chính trong lúc như thế cần phải kháng cự và vượt thắng tình trạng khó khăn. Đó là ý tưởng của tôi. Người ta có thể từ chức trong một lúc thanh thản, hoặc khi không thể tiếp tục được nữa, chứ không thể bỏ chạy trong lúc nguy hiểm, và nói 'để cho người khác lo'. Vì thế, ĐTC đã từng nói những khó khăn không phải là lý do để từ chức. Trái lại những khó khăn đó là lý do để không từ chức.

Đáp câu hỏi thứ hai của ký giả Seewald: ”Vậy có thể tưởng tượng được một hoàn cảnh trong đó Ngài nghĩ rằng vị Giáo Hoàng từ chức là điều thích hợp?”. Câu trả lời của ĐTC là: ”Đúng vậy, khi một Giáo Hoàng đi tới ý thức rõ ràng mình không thể chu toàn về thể lý, tâm trí và tinh thần, trách vụ được ủy thác thì ngài có quyền, và trong một số hoàn cảnh ngài có nghĩa vụ từ chức”.

Cha Lombardi cũng nhắc lại rằng Tông Hiến ”Universi Dominici Gregis” (Mục Tử toàn thể đoàn chiên Chúa) mang chữ ký của ĐTC Gioan Phaolô 2 ngày 22-2-1996, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, là văn kiện theo đó Tòa Thánh được điều hành sau khi Tòa Thánh trống tòa. Văn kiện này đã được áp dụng trong thời sau khi Đức chân phước Gioan Phaolo 2 qua đời hồi đầu tháng 4-2005. Hồng y đoàn sẽ cai quản Giáo Hội trong thời kỳ đó. Các Hồng y tổng trưởng và TGM Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh ngưng nhiệm vụ và chỉ có vị Tổng thư ký điều hành công việc của cơ quan liên hệ, ngoại trừ vị Hồng Y nhiếp chính, ĐHY Chánh tòa ân giải tối cao, v.v.
Các Hồng Y cử tri (dưới 80 tuổi) sẽ được triệu tập về Roma để tiến hành việc bầu cử Giáo Hoàng mới. Lần này sẽ mau lẹ hơn vì không có chương trình 9 ngày lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Việc bầu cử có thể tiến hành trong tháng 3-2013.

Có người dự đoán cuộc bầu cử Giáo Hoàng mới có thể tiến hành trong khoảng từ ngày 14 đến 19-3-2013.
Từ nay đến 28-2-2013, chương trình hoạt động của ĐTC, các buổi tiếp kiến, các buổi lễ sẽ tiếp tục như cũ. (SD 11-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ công nghị các GM Công Giáo Canđê


VATICAN. Sáng hôm 4-2-2013, ĐTC đã tiếp kiến Công nghị Giáo Hội Công Giáo Canđê gồm 20 vị, dưới sự hướng dẫn của Đức Tân Thượng Phụ Louis Sako.

Buổi tiếp kiến diễn ra trước thánh lễ hiệp thông do Đức Thượng Phụ và các GM Canđê cử hành tại Đền thờ thánh Phêrô. Đại diện ĐTC tại buổi lễ có ĐHY Leonardo Sandri Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương.
Trong thánh lễ, có đọc thư của ĐTC chúc mừng và ban sự hiệp thông Giáo Hội cho Đức tân Thượng Phụ Sako. Ngài viết:

”Tôi nồng nhiệt chúc mừng và cầu xin Chúa ban cho Đức Thượng Phụ dồi dào mọi ân sủng và phúc lành. Xin Chúa soi sáng cho Đức Thượng Phụ trong việc công bố Tin Mừng không biết mệt mỏi theo truyền thống sinh động có từ thời thánh Tômasô Tông Đồ. Ước gì Vị Mục Tử nhân lành và vĩnh cửu nâng đỡ Đức Thượng Phụ trong niềm tin của cha ông và ban cho Đức Thượng Phụ lòng nhiệt thành của các vị tử đạo xưa kia và ngày nay để bảo tồn gia sản linh đạo và phụng vụ của Giáo Hội Canđê đáng kính, trong tư cách Đức Thượng Phụ là Cha và là Thủ Lãnh. Ước gì sứ vụ của Đức Thượng Phụ là niềm an ủi cho các tín hữu Canđê tại quê mẹ cũng như tại hải ngoại, và cho cả toàn thể cộng đồng Công Giáo và các tín hữu Kitô đang sống tại quê hương của Tổ Phụ Abraham, như một khích lệ hòa giải, đón nhận nhau và hòa bình cho toàn thể nhân dân Irak”.

Sau thánh lễ, Đức Thượng Phụ và các GM Công Giáo Canđê đã đến trước mộ thánh Phêrô Tông Đồ, lập lại lời tuyên xưng đức tin tông truyền.

Giáo Hội Công Giáo Canđê có 550 ngàn tín hữu tại Irak trước khi Hoa Kỳ và đồng minh đánh chiếm nước này ngày 20-3-1993. Ở hải ngoại có 200 ngàn tín hữu, nhưng nay chỉ còn lại 200 ngàn tín hữu ở trong nước và phần còn lại phải di tản ra nước ngoài. (SD 4-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP
Đức Thánh Cha cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến


VATICAN. ĐTC mời gọi những người thánh hiến hãy nuôi dưỡng và canh tân đức tin để có thể chiếu sáng ơn gọi của mình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 2-2-2013, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, cũng là Ngày đời sống thánh hiến, trước sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ nam nữ trong Đền thờ thánh Phêrô.

Ngày Đời sống thánh hiến được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cử hành lần đầu tiên hồi năm 1997, với mục đích chúc tụng Thiên Chúa về hồng ân đời sống thánh hiến, là điều vốn thuộc về sự thánh thiện của Giáo Hội, đồng thời ngày càng đề cao chứng tá cũng những người chọn theo Chúa Kitô qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, và đây cũng là cơ hội quí giá để mọi người thánh hiến lập lại quyết tâm đã và đang khích lệ họ hiến thân phụng sự Chúa.

Đây là lần đầu tiên từ 7 năm nay, ĐTC Biển Đức 16 cử hành thánh lễ nhân Ngày Đời Sống thánh hiến. Những năm vừa qua, ngài chỉ chủ sự Kinh Chiều nhân ngày này.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Tổng trưởng Bộ các dòng tu João Braz de Aviz, người Brazil, LM Sebastiano Paciolla, thuộc dòng Xitô, Phó tổng thư ký của Bộ, 4 Bề Trên Tổng quyền thành viên, và hàng chục các LM phục vụ tại Bộ.
Mở đầu buổi lễ có nghi thức làm phép nến do ĐTC chủ sự ở cuối Đền Thờ, rồi ngài cùng với đoàn đồng tế và 50 bề trên nam nữ, đại diện cho các hình thái khác nhau của đời sống Thánh Hiến, đi rước tiến lên Bàn thờ chính.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi quảng diễn ý nghĩa trình thuật Phúc Âm về việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, ĐTC nhắc đến cuộc rước nến sáng vào đầu thánh lễ với sự tham dự của các bề trên nam nữ. Ngài nói:

”Đề tài ánh sáng, vang vọng trong bài ca thứ I và thứ II của Người Tôi Tớ Chúa, trong II-Isaia (Xc 42,6; 49,6) hiện diện mạnh mẽ trong phụng vụ này. Thực vậy phụng vụ được mở đầu với cuộc rước đầy ý nghĩa mà các Bề trên nam nữ của các Hội dòng đời sống thánh hiến có mặt tại đây đã tham dự, tay cầm nến sáng. Dấu hiệu này, đặc biệt trong truyền thống phụng vụ của lễ hôm nay, biểu lộ vẻ đẹp và giá trị của đời thánh hiến như một phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô; một dấu hiệu gợi lại biến cố Mẹ Maria tiến vào Đền Thánh: Đức Trinh Nữ Maria, người Thánh Hiến tuyệt hảo, tay bồng chính Ánh Sáng là Ngôi Lời nhập thể, đến để xua tan bóng đêm ra khỏi trần thế bằng tình thương của Thiên Chúa”.

”Anh chị em thánh hiến thân mến, tất cả em chị em được diễn tả trong cuộc lữ hành tượng trưng, - trong Năm Đức Tin, cuộc lữ hành này càng diễn tả sự hợp nhau của anh chị em trong Giáo Hội, để được củng cố trong đức tin và canh tân sự dâng hiến của anh chị em cho Thiên Chúa. Tôi thân ái gửi đến mỗi người và hội dòng của anh chị em lời chào thăm thân ái nhất và cám ơn anh chị em vì sự hiện diện nơi đây. Trong ánh sáng của Chúa Kitô, với nhiều đoàn sủng khác nhau của đời chiêm niệm và tông đồ, anh chị em cộng tác vào cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Trong tinh thần biết ơn và hiệp thông ấy, tôi muốn gửi đến anh chị em ba lời mời gọi, để anh chị em có thể hoàn toàn tiến vào ”cánh cửa đức tin” luôn mở rộng cho chúng ta (Xc Tông thư ”Cánh cửa đức tin”, 1).

- Trước tiên tôi mời gọi anh chị em hãy nuôi dưỡng đức tin để có thể chiếu sáng ơn gọi của mình. Để được vậy, tôi nhắn nhủ anh chị em hãy làm một cuộc lữ hành nội tâm, nhớ lại ”mối tình đầu” qua đó Chúa Giêsu Kitô đã sưởi ấm tâm hồn anh chị em, không phải để hoài tưởng, nhưng để nuôi dưỡng ngọn lửa ấy. Vì thế cần phải ở với Chúa, trong sự thinh lặng thờ lạy, và nhờ đó khơi dậy ý muốn và niềm vui được chia sẻ cuộc sống, những chọn lựa, sự vâng phục đức tin, mối phúc của người thanh bần, tình yêu quyết liệt của Ngài. Luôn luôn tái khởi hành từ cuộc gặp gỡ yêu thương ấy, anh chị em từ bỏ mọi sự để ở với Chúa và như Chúa, anh chị em dấn thân phụng sự Thiên Chúa và anh chị em đồng loại (Xc Tông Huấn ”Đời sống thánh hiến”, 1).

- Thứ hai tôi mời gọi anh chị em hãy có một đức tin biết nhận ra sự khôn ngoan của yếu đuối. Trong những vui mừng và sầu muộn của thời nay, khi những cam go và sức nặng của thánh giá đè nặng, anh chị em đừng nghi ngờ về sự hạ cố (kenosis) của Chúa Kitô, vốn đã là một chiến thắng phục sinh. Chính trong giới hạn và yếu đuối của con người, chúng ta được mời gọi sống đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, hướng đến sự trọn hảo mai hậu, một sự trọn hảo được diễn tả trước phần nào ngay từ bây giờ (ibid., 16). Trong một xã hội luôn tìm kiến hiệu năng và thành công, cuộc sống của anh chị em, như của một ”số nhỏ”, của một nhóm người nhỏ bé yếu thế, cảm thông với những người không có tiếng nói, trở thành một dấu chỉ mâu thuẫn như Phúc âm đã nói.

- Sau cùng tôi mời gọi anh chị em hãy canh tân đức tin, làm cho anh chị trở thành những người lữ hành hướng về tương lai. Tự bản chất, đời sống thánh hiến là một cuộc lữ hành tinh thần, tìm kiếm một Tôn Nhan khi ẩn khi hiện: ”Faciam tuam, Domine, requiram” (Thánh nhan Ngài lạy Chúa, con tìm kiếm) (Tv 26,8). Ước gì điều này trở thành sự liên lỷ khao khát của tâm hồn, thành tiêu chuẩn cơ bản hướng dẫn hành trình của anh chị em, trong những bước tiến nhỏ của cuộc sống hàng ngày cũng như trong những quyết định quan trọng của Giáo Hội ngày nay. Anh chị em đừng hùa theo những tiên tri tai ương, những người loan báo sự cáo chung hoặc sự vô nghĩa của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội ngày nay, trái lại, anh chị em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, mang lấy những võ khí của ánh sáng, như thánh Phaolô nhắn nhủ (Xc Rm 13,11-14), luôn tỉnh thức canh chừng”. Thánh Cromazio đi Aquileia đã viết: ”Xin Chúa đẩy xa khỏi chúng con nguy hiểm như thế để không bao giờ chúng con bị giấc ngủ bất trung đè nặng; nhưng xin ban ơn thánh và lòng từ bi cho chúng con, để chúng con có thể luôn tỉnh thức trong sự trung thành với Người. Thực vậy lòng trung thành của chúng ta có thể tỉnh thức trong Chúa Kitô” (Bài giảng 32,4).

”Anh chị em thân mến, niềm vui của đời thánh hiến nhất thiết tiến qua sự tham phần vào Thập Giá của Chúa Kitô. Mẹ Maria Chí Thánh đã từng trải qua như thế. Sự đau khổ của Mẹ là sự đau khổ của một con tim trở nên một với Con Tim của Con Thiên Chúa, bị đâm thâu qua vì yêu thương. Từ vết thương ấy, vọt ra ánh sáng của Thiên Chúa, và từ những đau khổ, hy sinh, hiến thân mình mà những người thánh hiến sống vì yêu Thiên Chúa và tha nhân chiếu tỏa cùng ánh sáng, loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Trong lễ này, tôi đặc biệt cầu chúc tất cả những người thánh hiến có một cuộc sống thấm đượm Tin Mừng chân chính, để ”nơi anh chị em Tin Mừng được sống thực, được làm chứng, loan báo và chiếu tỏa rạng ngời như Lời chân lý (Xc Porta fidei, 6). Amen”. (SD 2-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP
-www.vietvatican.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét