Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012
02/11 – Thứ sáu đầu tháng. CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI.
"Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Lễ cầu cho mọi tín hữu qua đời
Lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục do thánh Odilon khởi xướng vào thế kỷ XI và lan rộng rất nhanh. Sau đó, Giáo Hội đã ấn định ngày lễ này vào ngày 02/11 mỗi năm.
Các ngài đã qua khỏi đời này nhưng còn phải chịu thanh tẩy trong luyện ngục vì những thiếu sót của các ngài. Hôm nay các ngài không còn tự lập công được nữa, nên chỉ mong vào lời cầu của chúng ta. Bởi thế, cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục là một việc lành và có giá trị cứu thoát. Cầu nguyện cho các ngài còn là một bổn phận của chúng ta, vì biết đâu các ngài bị giam cầm vì chúng ta. Các ngài cũng là những chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô. Cầu nguyện cho các linh hồn cũng là việc lợi ích cho chính chúng ta. Vì khi nghĩ đến các ngài, chúng ta cũng tự kiểm điểm đời mình, vì khi các ngài về trời, các ngài không quên cầu bầu cho chúng ta.
Lễ Nhất
LỜI CHÚA: Ga 6, 51-59
"Ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
Lễ Nhì
LỜI CHÚA: Lc 23, 33. 39-43
"Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa".
Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Lễ Ba
LỜI CHÚA: Ga 17, 24-26
"Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con".
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".
SUY NIỆM 1: Bên kia sự chết
Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.
Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Đức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.
Để giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp "các thánh thông công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...".
Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Đồng viết như sau: "Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.
Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.
Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.
Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Đó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ Đức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ - Radio Veritas Asia)
SUY NIỆM 2: Chết không phải là xa cách vĩnh viễn
Hằng ngày người ta chứng kiến hoặc nghe nói hoặc đọc trên báo chí về những cái chết do già yếu, bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, bạo động... gây ra. Và người ta nghĩ chết chóc là chuyện xẩy ra cho người khác, chứ chưa xẩy ra cho chính mình. Đa số loài người có thể đương đầu với cuộc sống dù có vất vả khổ cực đi nữa. Tuy nhiên ít ai muốn đương đầu với cái chết. Người ta cũng cảm thấy khó chấp nhận cái chết của người còn trẻ tuổi và người thân yêu. Tâm trạng đó có nghĩa là người đời sợ chết hay chưa muốn chết vì người ta sợ đối diện với những gì xẩy ra ở đời sau mà người ta không biết trước được. Có những người sợ chết đến nỗi dặn những người thân yêu phải nắm chặt tay chân mình trong lúc hấp hối.
Trong thực tế, chết có thể xẩy đến cho bất cứ ai: già trẻ, lớn bé, hoặc bất cứ lúc nào: ngày cũng như đêm, hay bất kì ở đâu, ngay cả tại những nơi mà người ta tưởng là an toàn nhất, người ta vẫn có thể chết. Như vậy, chết không kiêng nể một ai. Khi nào thiên thần Chúa đến gõ cửa nhà linh hồn, gọi linh hồn ra khỏi xác, là một điều bí mật. Như vậy sống và chết gắn liền với nhau. Có thể nói được là người ta sinh ra để mà chết. Và tất cả cuộc sống là một tiến trình đi về cái chết.
Đối với người tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, Đấng cứu độ trần gian, thì chết không phải là hết, cũng không phải là xa cách vĩnh viễn. Chết chỉ là một biến đổi từ đời này qua đời khác. Người thân nhân còn sống cần đem sự hiện của người khuất bóng vào đời sống gia đình bằng hình ảnh của người quá cố, bằng công nghiệp của người quá cố để lại, bằng những kỉ niệm có được với người quá cố và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng cho người quá cố.
Phụng vụ lễ các linh hồn nhắc nhở cho người tín hữu là người lữ hành trên cuộc hành trình đi về nhà Chúa, họ không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với toàn thể dân Chúa, cùng với Mẹ Maria và các thánh, cùng với người tín hữu tại thế và các linh hồn nơi luyện ngục.
Theo tín điều Các Thánh cùng Thông công, thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể cầu bầu cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế có thể cầu nguyện cho nhau, ủng hộ tinh thần cho nhau và cầu nguyện các linh hồn nơi luyện ngục. Giáo lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục được các Công Đồng Nicea II, Firenze và Triđentinô gọi là Tín Điều Các Thánh cùng Thông Công thì Công Đồng Vaticanô II gọi là sự hiệp thông sống động (GH #51).
Như vậy đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa bằng lời cầu bầu của Mẹ Maria và các thánh và lời cầu nguyện, hi sinh và gương sáng của người khác. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, người quá cố vẫn còn được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của họ hàng, thân nhân và bạn hữu và của toàn thể Giáo hội và bằng ý chỉ của thánh lễ dâng. Biết được như vậy, nghĩa là biết được rằng sau khi chết mà còn có những người thân yêu, bạn bè nhớ đến mình trong lời cầu nguyện và thánh lễ, là điều sưởi ấm tâm hồn biết bao.
Ngay trong thời Cựu ước ngôn sứ Isaia đã có thể nhìn đến một viễn tượng khi Đấng cứu độ trần gian sẽ đến: tiêu diệt tử thần (Is 25:8). Còn thánh Phaolô thì bảo tín hữu Rôma phải cậy trông vào ngày mà họ: sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (Rm 8:21). Kinh Tiền tụng I trong Thánh lễ cầu cho những người đã qua đời nhắc nhở cho người tín hữu: Sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời. Chết là một biến đổi vì Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết bằng việc phục sinh của Người. Bằng việc sống lại Chúa đã xoá bỏ tội lỗi và toàn thắng sự chết.
Trước khi về trời, chính Chúa Giêsu cũng hứa với ta qua các tông đồ: Thầy đi dọn chỗ cho chúng con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho chúng con thì Thầy sẽ trở lại và đón chúng con về với Thầy, để Thầy ở đâu, chúng con cũng được ở đó (Ga 14:2-3). Lời hứa đó đã được thực hiện cho người gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Kitô mà có lòng ăn năn sám hối: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng (Lc 23:43).
Hôm nay vì lòng hiếu thảo và tình bác ái Kitô, ta đến nhà thờ dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, những linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân quyến và bạn hữu đã khuất bóng. Xin Chúa vì lòng nhân hậu, khoan dung và hay tha thứ xét nhử nhân hậu với các linh hồn, đưa các linh hồn về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa.
Lời cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời:
Lạy Chúa cả nhân lành hay thương xót.
Chúa không muốn cho loài người phải chết đời đời,
nhưng được sống.
Xin Chúa dủ lòng thương xót các linh hồn đã qua đời.
Xin dùng máu thánh Con Chúa đã đổ ra vì tội lỗi loài người
mà tẩy sạch vết nhơ tội lỗi cho các linh hồn
cho được hưởng phúc trường sinh. Amen.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ - Lm Trần Bình Trọng)
SUY NIỆM 3: Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người thân cũng như mọi người quá cố. Lễ cầu cho các đẳng đã được thánh Audilo, tu viện trưởng tu viện Crainy, tại Pháp, thiết lập cách đây một ngàn năm, liền sau lễ Các Thánh, qua đó Giáo Hội vui mừng cử hành việc thông hiệp các thánh và ơn cứu rỗi.
Thánh Audilo đã thúc giục các tu sĩ trong tu viện hãy cầu nguyện một cách đặc biệt cho người quá cố. Lời cầu cho các đẳng không mấy chốc đã lan rộng ra khắp nơi. Để nuôi dưỡng tâm tình và lời cầu nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay, thiết tưởng chúng ta nên lắng nghe lại sứ điệp mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi cho đức cha Raymon Sagi, giám mục Otinsalone và Margone, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm thánh Audilo thiết lập lễ cầu cho các đẳng linh hồn.
Mầu nhiệm vượt qua phải là trọng tâm của những suy tư và là nền tảng của những lời cầu nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay.
Đức Thánh Cha viết như sau:
"Khi cầu nguyện cho người quá cố, trước tiên Giáo Hội chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, Đấng mang lại ơn cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu cho chúng ta qua thập giá của Ngài. Do đó, cùng với thánh Audilo, chúng ta có thể lặp lại không ngừng như sau: "Thánh giá là nơi nương ẩn, là đường đi và là sự sống của tôi. Thánh giá là khí giới bất diệt của tôi. Thánh giá chiến thắng mọi sự dữ. Thánh giá đẩy lui mọi bóng tối". Thánh giá của Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng mọi cuộc sống đều được ánh sáng phục sinh soi dẫn và không có một hoàn cảnh nào là hoàn toàn hư mất, bởi vì Ngài đã chiến thắng sự chết và mở đường cho chúng ta tiến vào sự sống thật. Trong ngày cầu cho người đã qua đời, chúng ta nói lên niềm hy vọng cho chúng ta".
Đức Thánh Cha giải thích:
"Tin vào sự phục sinh của thân xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người. Một cùng đích thỏa mãn khát vọng của con người đến độ nó không còn gì phải khao khát nữa. Niềm khát vọng ấy được thánh Augustinô diễn tả một cách thật kỳ diệu như sau: "Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con không thể an nghỉ khi chưa được nghỉ an trong Chúa". Do đó, tất cả chúng ta được mời gọi để sống với Chúa Kitô, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha và được chiêm ngắm Thánh Thần, vì Thiên Chúa là đối tượng của niềm hy vọng Kitô. Cầu nguyện cho người quá cố, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những người thân và các tín hữu Kitô. Chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố, dù tin hay không tin, dù thuộc về hay ở ngoài Giáo Hội hữu hình".
Đức Gioan Phaolô II đã trích dẫn kinh Tin Kính của Đức Phaolô VI như sau:
"Chúng ta tin rằng Giáo Hội là cần thiết trong ơn cứu rỗi, bởi vì Chúa Kitô là trung gian duy nhất và là con đường cứu rỗi duy nhất, và bởi vì Ngài hiện diện với chúng ta trong thân thể Ngài là Giáo Hội, nhưng chương trình của Thiên Chúa ôm trọn lấy tất cả mọi người. Do đó những ai không do lỗi của họ mà không biết Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Chúa và hành động theo lương tâm của mình nhờ ơn Chúa thúc đẩy, mà thực thi ý muốn của Ngài, những người đó cũng thuộc về dân Ngài, cho dẫu bằng một cách thế mà chúng ta không thấy và do đó cũng có thể được phần rỗi đời đời. Chỉ có Chúa mới biết con số những người ấy".
Chính vì thế mà Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố. Lời cầu nguyện mà Giáo Hội không ngừng dâng lên Chúa có một giá trị lớn lao, đó là đặc điểm của một tâm hồn luôn hướng về lòng nhân từ của Chúa. Giáo Hội tin rằng các linh hồn đã được thanh luyện, đã được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là bởi thánh lễ trên bàn thờ cũng như các việc bố thí và những việc làm đạo đức khác.
Trong phần kết thúc sứ điệp gởi cho đức giám mục kiêm tu viện trưởng tu viện Crainy, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm thiết lập ngày cầu cho các đẳng, Đức Thánh Cha tha thiết kêu gọi như sau:
"Tôi cổ võ các tín hữu công giáo hãy sốt sắng cầu cho những người quá cố, cho người thân trong gia đình và cho tất cả mọi anh chị em đã ly trần để họ được tha thứ khỏi hình phạt cho tội lỗi của họ, và có thể lắng nghe được lời mời gọi của Chúa: "Hỡi linh hồn yêu dấu, hãy vào nghỉ ngơi muôn đời trong vòng tay từ ái của Ta".
Trong ngày hôm nay và trong suốt tháng 11 này, chúng ta hãy dâng mọi ý nguyện và những hy sinh của chúng ta để cầu nguyện cho người thân và mọi người quá cố. Ước gì những lời cầu nguyện và hy sinh ấy cũng nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào cuộc sống mai hậu, và nhờ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
SUY NIỆM 4: Báo hiếu mẹ cha
Có một mẩu chuyện có thật được ghi lại trên một trang blog như sau:
Bạn tôi mở ngăn tủ của chồng mình và lấy ra một gói nhỏ. Gói kỹ càng trong lớp giấy lụa. Chị bảo: Đây không phải là gói đồ bình thường, đây là một chiếc áo thật đẹp. Chị vứt lớp giấy bọc, và lấy ra chiếc áo mịn màng và bảo: Tôi mua chiếc áo này tặng anh ấy, lần đầu tiên chúng tôi sang New York, cách đây 8 - 9 năm rồi, nhưng anh ấy chưa bao giờ mặc! Anh ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt. Vậy thì hôm nay, tôi nghĩ là dịp đặc biệt nhất rồi. Chị đến cạnh giường và đặt gói áo ấy cạnh những món đồ mà tí nữa sẽ được bỏ vào áo quan mà liệm. Chồng chị vừa mới qua đời...
Quay sang tôi, chị bảo: Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi! Có thể sẽ không có dịp nào đặc biệt như ngày hôm nay. Thế nên, điều gì đáng bỏ công, đáng làm, hãy làm từ ngày hôm nay. Điều gì chúng ta muốn làm cho anh em mình, hãy làm ngày hôm nay, đừng để ngày mai khi mà chúng ta không còn cơ hội để tỏ lòng quan tâm, yêu thương chăm sóc anh em mình. Đừng để những giọt nước mắt của nuối tiếc chảy dài trước chiếc quan tài mà người ta yêu đã nằm bất động chẳng còn có thể hạnh phúc khi được chúng ta quan tâm, chăm sóc, yêu thương.
Vâng, có lẽ lúc này, chúng ta cũng nuối tiếc một điều gì đó khi đứng trước nấm mồ của người thân yêu chúng ta. Có những điều, những việc, những lời nói đáng lý chúng ta phải dành cho họ, nhưng chúng ta lại chần chừ, lại trì hoãn. Nhưng giờ đây, chúng ta không còn cơ hội để làm điều gì đó cho họ. Họ cũng không còn cần những điều ấy nơi chúng ta. Họ đã ra đi và bỏ lại tất cả những vui buồn của kiếp người. Họ không còn cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta đối xử ân cần, chân thành với họ. Họ cũng không còn những giọt nước mắt tủi hận vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chúng ta. Đối với họ giờ đây, những tình cảm, những vật chất mau qua đã không còn giá trị, đã không đủ mang lại niềm vui hay buồn đau cho họ. Vậy giờ đây, họ cần điều gì nơi chúng ta?
Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu. Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.
Dầu vậy, trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử trong lửa. Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần, tôi cũng đã không sống trong ân sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của tạo vật làm chủ trái tim tôi, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi. Tôi sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và tội lỗi. Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa. "Lửa" luyện tội sẽ đốt cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc sống.
Như vậy, người đã chết cần nơi chúng ta lời cầu nguyện, cần thánh lễ chúng ta dâng để thanh tẩy họ, cần việc lành phúc đức chúng ta làm thay cho họ, để nhờ công phúc của chúng ta kết hợp với hiến tế của Con Chiên Thiên Chúa, giúp họ thoát khỏi những đau khổ của luyện tội. Đây cũng có thể là những nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta có thể dành cho những người thân yêu ở cõi vĩnh hằng. Đây cũng là cách chúng ta tỏ lòng thảo hiếu với công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ. Vì đạo hiếu Việt Nam luôn đề cao công đức sinh thành. Đạo hiếu dạy phải 'thờ cha kính mẹ mới là đạo con". Đó còn là công bằng phải trả cho ông bà cha mẹ, vì "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đó còn là cách chúng ta để đức về sau: "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó". Vì vậy, người khôn ngoan không ai lại không thảo kính cha mẹ. Người khôn ngoan luôn làm mọi cách để báo hiếu cha mẹ khi còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Khi sống quan tâm, chăm sóc. Khi chết dâng lễ, cầu nguyện.
Chính vì lẽ đó, tháng 11 là dịp để chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành, để đền đáp ơn nghĩa chín chữ cù lao mà các ngài đã dành cho chúng ta bằng những thánh lễ chúng ta dâng, bằng những hy sinh, những việc lành phúc đức chúng ta làm cho các ngài. Người Phật giáo có mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Người Công giáo cũng có thể nói tháng 11 là mùa báo hiếu để chúng ta làm tất cả những gì có thể để đền đáp ân nghĩa mẹ cha, mà nay đã qua đời. Với ý nghĩa đó, giờ đây chúng ta cùng nhìn lại một chút công ơn mà ông bà cha mẹ đã dành cho chúng ta qua những lời ca dao, những vần thơ trong kho tàng văn học Việt Nam.
Trước tiên là ân nghĩa sinh thành:
"Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".
Những bậc làm cha mẹ thường đánh mất chính mình để lo cho con có cơm có áo, có những ngày đến trường để bằng bạn bằng bè. Cha mẹ chẳng tiếc gì những giọt mồ hôi rơi rớt trên nương đồng, lai láng trên công trường:
"Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con".
Thế nên, phận làm con phải hiếu để bù đắp lại phần nào những đắng cay vất vả mà các ngài đã sẵn lòng vì ta bằng cách:
"Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con".
Và dù không được ở gần cha mẹ, thì người con thảo hiếu luôn dành cho cha mẹ những tình cảm chân thành từ những cây nhà lá vườn, những hoa trái đầu mùa dâng tặng mẹ cha:
"Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giầy,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi".
Vâng, đứng trước biết bao ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ, phận làm con phải thảo hiếu. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: những gì chúng ta có là do công cha nghĩa mẹ. Mỗi người chúng ta đều có nguồn cội. Mỗi người chúng ta đều phải khắc ghi trong lòng ân sâu nghĩa nặng mẹ cha. Với tâm tình đó, chúng ta cùng hát với nhau bài "Ơn nghĩa sinh thành" để ghi khắc mãi trong tim về tình yêu trời bể của cha mẹ đã dành cho chúng ta.
"Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Anh ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng.
Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân
Vì ai ta nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai mà có ta. Uống nước...
(Lm. Tạ duy Tuyền)
SUY NIỆM 5: Tri ân tình cha, tình mẹ
Đây là một câu chuyện có thật về sự hy sinh của một người mẹ trong trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản năm 2011. Sau khi trận động đất đã qua đi, khi các nhân viên cứu hộ đến thu dọn ngôi nhà của một người phụ nữ trẻ, họ nhìn thấy thân thể cô ấy qua các vết nứt. Nhưng cách tạo hình cơ thể của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện, cơ thể nghiêng về phía trước, và có một vật gì đó được hai tay của cô đỡ lấy. Ngôi nhà bị sụp và đổ ập lên lưng và đầu cô.
Người đội trưởng đội cứu hộ đã rất khó khăn khi luồn tay mình qua khoảng cách hẹp trên tường để chạm tới cơ thể của người phụ nữ. Anh ấy đã hy vọng rằng người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Nhưng, cơ thể lạnh và cứng của cô nói với anh rằng, cô ấy chắc chắn đã qua đời.
Đội cứu hộ rời khỏi ngôi nhà và tìm kiếm tại những toà nhà sụp đổ khác. Nhưng không hiểu sao, người đội trưởng dường như bị một lực hút kéo trở lại căn nhà sụp đổ của người phụ nữ đã chết. Một lần nữa, anh quỳ xuống, và lần tìm qua những khe nứt hẹp một chút không gian dưới cơ thể đã chết. Rồi đột nhiên, anh hét lên đầy phấn chấn: "Một đứa bé!!!! Có một đứa bé!".
Cả đội cùng nhau cẩn thận bỏ từng cái cọc trong đống đổ nát xung quanh xác người phụ nữ. Có một bé trai 3 tháng tuổi được bọc trong một tấm chăn hoa ngay bên dưới xác người mẹ. Người phụ nữ rõ ràng đã thực hiện một hành động hy sinh cuối cùng để cứu con trai mình. Khi ngôi nhà của cô rơi xuống, cô đã dùng cơ thể của mình để làm tấm chắn bảo vệ con trai mình. Cậu bé vẫn ngủ một cách yên bình khi đội trưởng đội cứu hộ nhấc bé lên.
Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khoẻ cậu bé. Sau khi ông mở tấm chăn, ông nhìn thấy một chiếc điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn văn bản trên màn hình, nói rằng, "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con"...
Chiếc điện thoại này đã đi từ bàn tay này đến bàn tay khác và qua bàn tay khác... Tất cả những người đọc tin nhắn đều đã khóc. "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng... mẹ rất yêu con...".
Tháng 11 lại về đem lại cho chúng ta một chút tâm tình tri ân tình cha, tình mẹ. Một tình yêu bao la như trời bể mà cha ông ta vẫn nói rằng:
"Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".
"Biết thờ song thân", thờ trong khi sống, thờ sau khi chết, thờ thế nào cho phải đạo làm con, cho xứng đáng phần nào công lao tảo tần nuôi con của mẹ:
"Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con".
Thế nên, nếu so sánh công đức của cha mẹ như non cao cũng chưa xứng đáng. Tình cha tình mẹ còn vượt xa không gian và thời gian. Có thể nói tình cha tình mẹ mãi không già luôn tươi trẻ trong cuộc đời của con. Cha mẹ có thể không để lại cho con gia tài lớn lao hay những công trình vĩ đại nhưng cha mẹ luôn để lại cho con một tình yêu thương vô ngần dành cho con. Vì thế mà có ai đó nói rằng:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Tình cha mẹ thương con là một tình yêu không biên giới. Một tình yêu vượt qua mọi toan tính vật chất để có thể bảo vệ che chở đời con. Đó là một tình yêu to lớn đầy hy sinh cho đàn con khôn lớn:
Mây trời lòng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo xóm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Lá cây trong rừng dẫu nhiều cũng không thể sánh bằng công ơn của cha mẹ. Sao trên trời thật khó đếm, nhưng công ơn của cha mẹ lại càng khó đếm hơn những vì sao:
"Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao
Đố ai đếm được những vì sao,
Đố ai đếm được công lao mẫu từ".
Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, sinh lực hao mòn, nặng nhọc gánh chịu, làm sao ta có thể quên được tình mẹ bao la như biển cả ấy:
"Nhớ ơn chín chữ cù lau
Ba năm nhủ bộ biết bao nhiêu tình".
Tình ở đây là tình mẹ thương con. Tình thương ấy thật bao la, bát ngát, nên mỗi khi mẹ cất tiếng ru con thì đời con thêm tươi sáng:
"Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời".
Vậy, đổi lại sự hy sinh của tình cha tình mẹ, các ngài cần gì nơi chúng ta? Chắc chắc không phải là tiền bạc, vì tiền bạc các ngài dành giụm để trao lại cho chúng ta. Chắc chắc đó không phải là danh vọng, vì tuổi gìa chẳng còn ham muốn những tham sân si của dòng đời. Các ngài cần tình yêu của chúng ta qua sự chăm sóc, thăm nom của chúng ta khi các ngài còn sống. Và khi các ngài đã qua đời, đó chính là lời cầu nguyện của chúng ta dành cho các ngài.
Người phụ nữ Nhật trước khi chết chỉ để lại một thông điệp cho con chính là: "con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con"... Đó chính là thông điệp của tất cả các đấng sinh thành kẻ còn sống cũng như người đã qua đời đang nói trong con tim mỗi người chúng ta. Chúng ta được sinh ra trong tình cha tình mẹ, được lớn lên trong tình thương đó và tình thương đó mãi mãi theo chúng ta trong suốt hành trình cuộc đời. Đó cũng là bổn phận mà chúng ta phải báo hiếu qua hai chữ yêu thương. Yêu thương thể hiện của lòng thảo kính vâng phục các ngài. Yêu thương thể hiện qua chữ hiếu luôn phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Yêu thương thể hiện qua lời cầu nguyện ngày đêm dành cho những người đã qua đời.
Ước gì mỗi người chúng ta từng được cưu mang trong tình yêu của cha mẹ thì hãy sống sao cho tròn chữ hiếu. Hãy biết tận dụng tháng 11 để tích luỹ ơn ích thiêng liêng mà cầu nguyện cho các ngài. Hãy làm việc bác ái, hy sinh và cầu nguyện giúp các ngài vượt qua cuộc thử thách trước toà phán xét của Thiên Chúa. Ước gì những hy sinh và lời cầu nguyện chân thành của chúng ta là lễ vật đẹp nhất để dâng về Thiên Chúa và dâng kính tổ tiên. Amen.
(Lm. Tạ duy Tuyền)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét