Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Tội lỗi và đau khổ - Suy Niệm Thứ Bảy Tuần XXIX TN

Lc 13, 1-9: Hãy mau mắn hối cải

Lời Chúa:
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (c 1-5)

Suy niệm:
Lời Chúa hôm nay nêu lên 2 vấn đề.
Thứ nhất, Chúa Giê-su tận dụng cơ hội:
Nhân vụ quan Phi-la-tô ra lệnh giết một số người Ga-li-lê nổi loạn (c 1) và vụ 18 người bị tháp Si-lô-ác đè chết, Chúa Giê-su dạy bài học sám hối: ”Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.” (c 4)
Trong cuộc sống, chúng ta gặp nhiều biến cố có thể trở nên bài học sám hối cho chúng ta.
Thứ hai, Chúa Giê-su sửa đổi quan niệm:
Người Do Thái cho rằng những người bị giết trên đây là có tội nên bị tai nạn như thế là hợp lý.
“Đức Giê-su nói: Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê nầy phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Không phải thế đâu!” (c 2-3).
Chúa Giê-su không đồng quan điểm với họ, vì có nhiều người đầy tội lỗi mà vẫn sống phây phây, còn kẻ lành nhiều khi lại bị chết oan...

Bài học: Hãy nghe để hiểu và để sám hối.

Sống đạo: Văn hào Đót-toi-sky (Dostoievsky)
Văn hào Dostoievsky, lúc 20 tuổi, đã cho ra đời cuốn sách đầu tiên của ông với tựa đề là "Dân Nghèo". Sách được rất nhiều người đọc và ca tụng. Vì cuốn sách này, ông bị buộc tội là phản động chống Nga hoàng. Ông và một số người khác bị bắt và bị kết án tử hình. Nhưng về sau án được đổi thành tù chung thân và những người thụ án bị đày sang Xi-bê-ri (Sibérie). Dostoievsky bị giam tù ở đây 4 năm và phải ngưng viết lách trong 10 năm kể từ ngày bị đi tù.
Tù đày đã không làm cho ông nhụt chí và tàn phá đời mình, mà trái lại, càng làm cho ông thêm mạnh sức và có uy tín lớn. Có người hỏi ông, ông lấy quyền nào mà lên tiếng thay cho nhân dân. Ông xăn tay áo lên giơ hay cổ tay còn in dấu vết xiềng xích mà nói: "Đây là quyền của tôi."
Bạn bè tỏ vẻ thương hại và buồn cho ông, nghe ông nói: "Nhà tù đã cứu tôi. Nhờ nhà tù, tôi đã thành một con người hoàn toàn mới. Sibérie và nhà tù đã trở thành niềm vui lớn lao cho tôi. Ở đó, tôi đã có thể sống một cuộc đời trong sạch và hạnh phúc. Tôi đã tới đó như đã tới một trường học tốt. Ở đó, tôi đã thấy tôi rõ hơn và đã học để hiểu Chúa Ki-tô..."
Phải chăng từ bỏ, tù đày thử thách cũng có thể là những cơ hội làm chúng ta thêm kiên vững để có sức thắng vượt?

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, mỗi người có một số phận. Và số phận đau khổ thường là vấn đề đáng suy nghĩ. Qua lời Chúa, có những người bị giết chết ; qua câu chuyện, có những người phải ở tù. Xin cho mỗi người biết nhìn cuộc đời để thấy ý Chúa và sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét