"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".
Maria, tên Mẹ đẹp tuyệt vời
Với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội và nhân loại dành cho Đức Mẹ, danh hiệu nào cũng đẹp, danh hiệu nào cũng quí, cũng cao vời. Maria nói lên tất cả. Maria bao hàm mọi ý nghĩa cao sâu. Viết về Mẹ, nói về Mẹ quả thực không có ngôn ngữ nào, không có bút pháp nào có thể diễn tả hết về Mẹ, có thể lột hết ý nghĩa cao sâu của danh từ Mẹ. “ Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình…, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, ngôn từ con người và nhân loại chỉ có thể nói lên được như thế. Đó là Mẹ trần gian, Mẹ trên trời, Mẹ thiêng liêng còn cao quí hơn gấp bội.
Danh hiệu mà Hội Thánh và nhân loại qua bao nhiêu thời đại tuyên xưng, ca ngợi Mẹ, như muốn nhắc nhở con cái Mẹ trên khắp mặt đất này : “ Danh Thánh của Mẹ luôn làm cho con người ngây ngất, say mê vì Mẹ luôn ở bên con người, Mẹ yêu thương con người, Mẹ ở đâu Chúa cũng ở đó và ngược lại “.
Trong Cựu Ước danh hiệu Maria theo tiếng Do Thái là Myriam; tiếng Aram là Maryam. Tân ước tiếng Maria theo Hy Lạp được dịch là Maria. Ngoài Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, còn tám vị khác trong Thánh Kinh cũng mang tên Maria (xem Xh 15, 20-21; Ds 12; 1 Sb 4, 17; Lc 8, 2; Lc 10, 38-42; Mc 15, 40-47; Ga 9, 25; Cvtđ 12, 12; Rm 16, 6 ).
Theo A. Buy-ô-nô, người ta đã gán cho danh hiệu Maria hơn bảy mươi ý nghĩa hầu hết dựa trên tâm tình đạo đức. Trong số đó có hai ý nghĩa hầu như được nhiều người công giáo chấp nhận nhất. Ý nghĩa thứ nhất theo thánh Giêrônimô giải thích từ Maria xuất phát từ danh từ Hy Bá “ Yam “ nghĩa là biển, từ đó sinh ra từ” stilla maris “ nghĩa là “ giọt nước biển”, tượng trưng cho Chúa. Một nhà sao chép Thánh Kinh đã viết sai cụm từ này thành “ Stella maris “ có nghĩa là “ sao biển “. Ý nghĩa này rất được ưa chuộng và đưa vào văn chương Thánh Mẫu qua ca khúc:” Ave Maris stella “.
Ý nghĩa thứ haicũng do công của thánh Giêrônimô. Thánh nhân đề nghị ý nhĩa này dựa trên từ” mar” trong tiếng Aram có nghĩa là “ Chúa”, đúng ra hình chữ này chính xác phải là” marta”. Giải thích này được chấp nhận rộng rãi và trở thành một tước hiệu quen thuộc của Đức Mẹ trong các ngôn ngữ hiện đại với ý nghĩa:” quý bà “, tiếng Ý là “ Madonna “, tiếng Pháp “ Notre Dame”, tiếng Anh là “ Our Lady “…
Tuy nhiên, sau này nhờ nhiều khai quật và khám phá của các nhà khảo cổ học về Kinh Thánh, người ta thấy danh xưng” mrym “ có liên quan nhất tới từ Maria. Danh xưng này phát sinh từ động từ” rwm” có nghĩa là “ cao “ hay “ cao trọng “, tức là” được khen ngợi “ hay “ uy nghi “. Vì Đức Mẹ là Đấng “ đáng ca ngợi “, Đấng rất thánh. Ý nghĩa sau cùng này dường như phù hợp với thánh danh Maria nhất.
Lễ kính thánh danh Maria bắt đầu từ Tây Ban Nha và được Giáo Hội chuẩn nhận vào năm 1513. Đức Giáo Hoàng Innocentê XI đã cho phổ biến này trên khắp cùng thế giới năm 1683 để cảm tạ tri ân Đức Mẹ, kỷ niệm biến cố vua Ba Lan John Soboeski đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm thành Viênna và đe dọa các nước Tây Phương. Lễ này được cử hành chính vào 12/9 mỗi năm là ngày kỷ niệm chiến thắng nói trên.
Lạy Mẹ Maria trong cuộc đời đầy thử thách giăng mắc và cam go, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết kêu cầu thánh danh Mẹ trong mọi trạng huống cuộc đời. Amen.
(Lm. Jos Nguyễn Hưng Lợi)
Lời Chúa: Lc 6, 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".
SUY NIỆM 1: Các Mối Phúc Thật
Nhiều
người cho rằng tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những sức
mạnh chống lại sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này
xem ra được củng cố hơn khi người ta đọc những lời chúc phúc của Chúa
Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.
Thật
thế, trong quan niệm thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ
thời đại nào: có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại
tuyên bố: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải
đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những
kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang
cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không phải là
sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và
phát triển của nhân loại?
Chúa
Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã
tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc,
phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc
nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu
đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không
đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng,
cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết
các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì,
nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của
mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh
vọng thì càng được hạnh phúc.
Khi
tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu không hề có ý muốn
biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất
là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con
người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng
mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa
Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc
sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của
cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống
theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người
biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên
đới, tình người.
Ðược
lời Chúa soi sáng hướng dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người luôn
tìm kiếm và sống cho những giá trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén
cơm manh áo từng ngày, xin cho chúng ta luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó
chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất, vì chúng ta biết mình sống để làm
gì và sẽ đi về đâu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Những Hạnh Phúc Bất Tiện
“Phúc cho anh em những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
Vì anh em sẽ được vui cười. (Lc. 6, 20-21)
Với lý trí chúng ta rất khó hiểu về các mối hạnh phúc này. Lý trí đành chịu thua. Chúng đả đảo lý luận con người. Chúng làm ta phát điên. Nhưng chúng lại làm ta kinh ngạc và chúng ta không dám từ bỏ chúng vì nghĩ đến những bao nhiêu quả phúc chúng đã sinh ra qua những thế hệ. Những hạnh phúc theo Thánh Lu-ca và Thánh Mát-thêu đều gây kinh ngạc, tuy hai Thánh có viết khác nhau, nhưng cùng một mục đích là hạnh phúc nước trời. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó, đến thái độ con tim. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến nghèo khó thật sự, nghèo khó của giai cấp xã hội chẳng có gì hết trơn hết trọi, giai cấp xã hội nghèo khó này đang qui tụ lại thành tín đồ của Tin Mừng Đức Giêsu. Thánh Mát-thêu kêu mời từ bỏ bên trong. Thánh Lu-ca kêu gọi cải tạo cơ cấu xã hội để giảm bớt những khổ đau trong xã hội.
Chính trong thảm trạng cụ thể của lịch sử mà Đức Kitô nói: “ Các bạn là những người nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, bị khinh bỉ, ghen ghét, bị bắt bớ, bị nhục nhã, phúc cho các bạn. Vì nếu bây giờ các bạn chịu được như thế, ngày kia tất cả sẽ đổi lại, các bạn sẽ giầu có, no nê, vui cười, được mến chuộng trong nước Thiên Chúa”.
Có thật không hay trò đùa? Đức Kitô nói thế nào? có phải Ngài nói dỡn để cho những kẻ khốn khổ thể xác, tình cảm, tinh thần được vui chút ư? có phải Ngài là chú hề đã nói đến sự đền bù ở tương lai mơ hồ giả định ư? có phải chỉ là giấc mơ hạnh phúc có thể giúp cho người ta chịu khổ bây giờ để đè nén cho nguôi đi những đau đớn và uất ức chăng? hiểu sai lầm các mối phúc thật, như thế là độc ác và vô liêm sỉ. Đức Kitô không bao giờ phong thần đau khổ và bất hạnh. Người không ngừng làm giảm bớt nỗi đau khổ của con người suôt đời Ngài đã cứu chữa, an ủi những bệnh nhân, tật nguyền, nghèo khổ và tha thứ cho những tội nhân, giải phóng những kẻ bị ma quỷ xiềng xích. Ngài muốn chúng ta hiểu và chấp nhận thập giá như Ngài. Vì mến Chúa và yêu người. Lúc đó thập giá trở nên lời hứa thực hiện ơn cứu độ. Như vậy khác xa những thứ mỵ dân!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét