“Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”
Tiếp nối bài Tin Mừng của Chúa Nhật trước (Ga 15,1-8), bài Tin Mừng hôm nay (Ga 15,9-17) cũng nói về sứ mạng của cộng đoàn các môn đệ và về điều kiện để sứ mạng đó đạt kết quả mỹ mãn. Nhưng hình ảnh được sử dụng để trình bày thì có thay đổi. Thay vì nói về các cành nho (môn đệ) sinh hoa trái (sứ mạng) nhờ gắn liền với cây nho (Đức Giêsu) do người trồng nho (Chúa Cha) vun trồng, chăm sóc và cắt tỉa, bây giờ Đức Giêsu nói về các môn đệ như là những người bạn được tuyển chọn để cộng tác với Người thực hiện sứ mạng cứu độ mà Chúa Cha trao phó. Điều kiện để hoàn thành sứ mạng đó là họ ở lại trong tình yêu của Người.
Mở đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu khẳng định rằng Người yêu thương các môn đệ bằng một tình yêu đặc biệt: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (c.9a). Tình yêu mà Chúa Cha dành cho Đức Giêsu là tình yêu vô biên và vĩnh cửu. Chúa Cha đã tỏ bày tình yêu đó bằng cách thông ban cho Người Thần Khí (1,32-33), tức là vinh quang tràn đầy ân nghĩa và sự thật. Đó là điều các môn đệ đã được trải nghiệm, như chính tác giả Tin Mừng đã viết trong lời tựa: “Chúng tôi đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (1,14). Bây giờ, cũng trong một cách thức như vậy, Đức Giêsu diễn tả tình yêu của Người đối với các môn đệ. Người thông ban cho họ sức mạnh của chính Người, tức là Thần Khí đang ở nơi Người (7,39), để họ cũng được tràn đầy vinh quang trong ân sủng và sự thật.
Ứng đáp với tình yêu được diễn tả như thế, các môn đệ được Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (c.9b). Họ sẽ được lãnh nhận từ nguồn sung mãn của Người hết ơn này đến ơn khác, như kiểu diễn tả trong 1,16. Và chắc chắn một khi họ ở lại trong tình thương của Đức Giêsu, thì chính Người sẽ ở lại trong họ và họ sẽ sinh nhiều hoa trái, như Người đã nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều trái” (15,4).
Nhưng thế nào là ở lại trong tình thương của Đức Giêsu? Câu trả lời là rất rõ ràng: tuân giữ các lệnh truyền của Người: “Nếu anh em giữ các lệnh truyền của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (c.10a). Ở cuối bài Tin Mừng, Đức Giêsu sẽ nói một cách tường minh: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (c.17; x.c.12). Tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu, như thế, chính là sống tình yêu thương đối với anh em mình. Tình yêu đối với Đức Giêsu và sự ở lại trong tình yêu của Người sẽ chẳng là gì khác nếu không phải là sự thực hiện tình yêu thương đối với tha nhân.
Điều đáng nói nữa là Đức Giêsu đã đặt mối liên hệ của các môn đệ đối với Người song song với mối liên hệ của Người đối với Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các lệnh truyền của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các lệnh truyền của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (c.10). Đức Giêsu đã thực hiện các lệnh truyền của Chúa Cha và ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Đó là lệnh truyền cứu thế gian: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (3,17); “Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (12,47). Bây giờ, Người cũng đòi hỏi các môn đệ ở lại trong tình thương của Người như thế.
Như vậy, Đức Giêsu đã thẳng thắn đưa ra cho các môn đệ một tiêu chuẩn để lượng định về mối tương quan của họ với Người và với Chúa Cha: tình yêu thương đối với anh em mình. Chính sự hiến mình vì ơn cứu độ của anh em mới là tiêu chí cho chúng ta biết rằng mình đang ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.
Đức Giêsu nói tiếp:“Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (c.11). Trong Tin Mừng Gioan, lần đầu tiên tác giả nói về niềm vui của Đức Giêsu là ở cuối trình thuật về sự kiện Đức Giêsu ở Samaria. Đó là niềm vui liên quan đến sự hoàn thành sứ mạng: “Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng” (4,36). Các môn đệ cũng được hưởng niềm vui đó khi họ sinh nhiều trái và trở thành môn đệ của Đức Giêsu (15,8). Niềm vui hoàn thành sứ mạng là niềm vui đến từ bên ngoài. Bên cạnh đó là một niềm vui xuất phát từ bên trong: hiến mình cho việc thực hiện sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu, các môn đệ sẽ được hưởng chính niềm vui của Người khi Người hiến mình thi hành lệnh truyền cứu độ của Chúa Cha. Các môn đệ sẽ được hưởng niềm vui của chính Đấng đã tự hiến mình cho đến chết vì ơn cứu độ của toàn thế giới.
Để được như thế, họ phải thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu: “Đây là lệnh truyền của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (c.12). Đây là lần thứ hai Đức Giêsu tuyên bố lệnh truyền quan trọng này. Lần thứ nhất là trong liên hệ với khung cảnh của việc thiết định những đặc trưng của cộng đoàn các môn đệ (13,34). Lần thứ hai này là trong liên hệ với việc thi hành sứ vụ “sinh được hoa trái” (15,16). Cộng đoàn và sứ vụ là hai yếu tố không thể tách rời. Và cả hai đều đòi hỏi sự thực thi lòng mến “như Thầy đã yêu thương anh em”.
Rồi Đức Giêsu nói về chính tình thương đó:“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (c.13). Đức Giêsu đề nghị một nguyên lý quan trọng đối với mọi môn đệ: hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình. Đó là mức độ cao cả nhất của tình yêu. Bởi lẽ đó là cách yêu thương của chính Đức Giêsu. Người hiến mình vô hạn vì ơn cứu độ của thế gian, và trước hết là của chính các môn đệ, những kẻ mà Người nhận làm bạn hữu của Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (c.14).
Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, khi sử dụng ẩn dụ cây nho và cành nho, Đức Giêsu miêu tả sự gắn kết của các môn đệ với Người bằng cách nói “ở lại trong Thầy” (15,4). Bây giờ, Người dùng lối nói “là bạn hữu của Thầy”, tức là nhấn mạnh đến tương quan liên vị trong sự gắn kết đó.
Thực ra, yếu tố quyết định cho tư cách bạn hữu này không phải là ở chỗ các môn đệ thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu, mà là ở quyết định và hành động của Đức Giêsu coi họ là bạn hữu của Người. Chính nhờ đó mà họ mới có thể thực hiện lệnh truyền của Người và ở lại trong Người. Vì vậy Đức Giêsu nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (c.15). Khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu đã thực hiện một cung cách hành động mới của tư cách là Thầy và là Chúa của Người (13,13t). Bằng một hành động mang tính biểu tượng rất cao đó, Đức Giêsu đã công nhận các môn đệ là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ của Người. Bây giờ, bằng lời nói, Người xác nhận thực tại đó. Và rồi Người sẽ đi xa hơn nữa khi gọi họ là anh em của mình (20,17).
Một điều đáng chú ý là lời xác nhận của Đức Giêsu về tư cách bằng hữu của các môn đệ đối với Người, đã được công bố trong khung cảnh nói về việc thi hành sứ mạng. Điều đó có nghĩa là tình bạn của các môn đệ đối với Đức Giêsu sẽ được thể hiện trong sự cộng tác của họ với Người, một sự cộng tác và chia sẻ trách nhiệm chung. Họ làm việc không phải trong tư cách tôi tớ, mà là trong tư cách những người bạn của Đức Giêsu. Hoa trái của sứ vụ sẽ được sinh ra từ sự cộng tác bằng hữu và đồng trách nhiệm đó.
Có hai đường nét căn bản của tư cách bạn hữu được Đức Giêsu nhấn mạnh. Thứ nhất là tình thân (“Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”). Thứ hai là sự sẵn sàng hiến mình (“hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”). Hai thực tại đó đã làm cho các môn đệ trở thành bạn hữu của Đức Giêsu. Như thế, một lần nữa, chúng ta lại thấy: yếu tố quyết định làm nên tư cách bằng hữu cho các môn đệ là hành động của Đức Giêsu chứ không phải là sự xứng đáng của các môn đệ. Đức Giêsu còn nói rõ hơn nữa: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (c.16).
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (c.16a). Chắc chắn Đức Giêsu không hề từ khước bất cứ ai đến với Người. Người đã từng nói: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (6,37). Nhưng điều đó không có nghĩa là Người thụ động trong việc xây dựng tình bạn với các môn đệ. Chính Người chọn từng môn đệ. Theo một mức độ, có thể nói rằng Đức Giêsu đã chọn toàn thể nhân loại trong tình yêu cứu độ của Người, và khi từng người đến với Người, là Người thực hiện trong cụ thể cái chọn lựa chính yếu, căn bản và phổ quát kia. Đó chính là nội dung của cách nói “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng là Thầy đã chọn anh em” được sử dụng ở đây. Và như thế, sự chọn lựa các môn đệ không hề bao hàm bất cứ sự loại trừ một ai khác khỏi tư cách bạn hữu. Còn đối với những người đã được chọn, thì điều đó có nghĩa là cho dù họ có tự ý tìm đến với Đức Giêsu đi chăng nữa, thì sự tự ý đó cũng chỉ là sự ứng đáp với ân huệ nhiệm mầu đi bước trước của sự chọn lựa của Đức Giêsu.
Sự chọn lựa đó nhắm mục tiêu sứ vụ: “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (c.16b). Sự hiện diện của cộng đoàn môn đệ và của từng người môn đệ sẽ không bao giờ là một sự hiện diện khép kín. Sứ vụ là một yếu tố làm nên căn tính của cộng đoàn và của đời sống người môn đệ.
Kết thúc bài Tin Mừng, Đức Giêsu lặp lại lệnh truyền mà Người đã nói phía trên: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (c.17). Đây chính là điều kiện thiết yếu làm nên sự thành công của sứ vụ sinh hoa kết trái cứu độ.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh với chúng ta về sứ mạng của cộng đoàn các môn đệ Đức Giêsu và về điều kiện thiết yếu làm nên sự thành công của sứ mạng đó. Các môn đệ là những người bạn được Đức Giêsu tuyển chọn để cộng tác với Người thực hiện sứ mạng cứu độ mà Chúa Cha trao phó. Điều kiện để hoàn thành sứ mạng đó là họ phải ở lại trong tình yêu của Người bằng cách thực hiện lệnh truyền yêu mến của Người. Đó cũng là những đường nét căn bản của cộng đoàn Hội Thánh, cộng đoàn giáo phận, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu và cộng đoàn gia đình của chúng ta.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét